Khai thác thế giới tinh thần người nữ

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 63 - 72)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.1. Khai thác thế giới tinh thần người nữ

Để sáng tạo nên thế giới nhân vật nữ, mỗi người viết có cho riêng mình một cách thức xây dựng nhân vật từ miêu tả ngoại hình, hành động đến biểu hiện nội

tâm. Nếu Y Ban không đi vào chi tiết mà “đặt nhân vật nữ dưới cái nhìn bao quát hơn: cái nhìn về giới” [14, tr.96]; Nguyễn Ngọc Tư thường tập trung khai thác ngoại hình của nhân vật để khắc họa tính cách và số phận của họ thì Đỗ Hoàng Diệu đi sâu vào thế giới tinh thần người nữ qua việc chú trọng đến những chi tiết đặc trưng về ngoại hình, tính cách, hành động đầy bản năng của họ. Sự khác biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật không chỉ hình thành nên phong cách của các nhà văn nữ mà còn tạo nên những hình tượng nhân vật mới lạ, không lặp lại. Đến với Lam Vỹ của Đỗ Hoàng Diệu, thế giới nữ được khắc họa rõ nét với hình tượng trung tâm của tác phẩm là nhân vật nữ.

Đặc điểm đầu tiên tạo nên sự thu hút của các nhân vật cũng như giúp người đọc mở cánh cửa đến với thế giới nhân vật chính là ngoại hình. Tất cả những biểu hiện thuộc về vẻ bên ngoài của nhân vật như diện mạo, hình dáng, tác phong, trang phục, ... đều được xem là ngoại hình. Với các nhân vật nữ, ngoại hình là yếu tố quan trọng, góp phần thể hiện thiên tính nữ và những nét đặc biệt của riêng phái nữ. Không xuất hiện với đầy đủ đường nét dáng hình, người nữ trong Lam Vỹ hiện diện qua những bức phác thảo dang dở với một vài chi tiết nổi bật thông qua cách thức miêu tả khác nhau. Sự phong phú trong cách miêu tả đã khiến ngoại hình nhân vật được tiếp cận dưới đa góc nhìn, trở nên sinh động và giúp người đọc dễ hình dung về đặc điểm nhận dạng của từng nhân vật.

Là nhân vật chính của tiểu thuyết, Thơ được tập trung miêu tả nhiều hơn các nhân vật khác. Có lúc, người viết để cho ngoại hình nhân vật được khắc họa trực tiếp bằng cái nhìn, ngôn ngữ của người kể chuyện. Mỗi người kể chuyện đưa đến một cảm nhận khác nhau về ngoại hình của người nữ này. Khi tự miêu tả về mình, người kể chuyện Thơ cho rằng “người tôi quá gầy, trán tôi quá rộng, mắt tôi quá tối và xương tôi quá to” [7, tr.61] cùng “vòng eo dẹt, đôi vai vuông và hai bầu vú nhỏ” [7, tr.84]. Dùng vài chi tiết nhỏ, Thơ đã thẳng thắn tự họa bức chân dung của mình. Với cô, dù cơ thể mình không đẹp nhưng Thơ yêu nó bởi đây là phần thuộc về cô. Khác với bức tranh tả thực của Thơ, người kể chuyện Việt đã vẽ Thơ trên bức tranh loang màu nước – đôi chỗ rõ nét, đôi chỗ mờ ảo, khó xác định. Cũng là “dáng vóc mảnh gầy xanh xao” [7, tr.26] cùng chiếc trán rộng “căng tràn sự tự tin đến bất cần” [7, tr.33], Thơ trong mắt người kể Việt lại mang đến một cảm giác khác: hư ảo, kỳ lạ nhưng đầy quyến rũ. “Mắt em tối, váy em trắng chấp chới giữa luồng tóc em đen…

mình xà quất ngang quất dọc” [7, tr.78]. Trong đôi mắt rực lửa tình của người kể này, Thơ là người phụ nữ có nhân dáng kỳ lạ cùng sức mê luyến lớn nhất thế gian.

Đén mức dù cố gắng trốn chạy nhưng anh mãi không thoát được tình yêu dành cho cô. Có khi, nhân vật hiện lên gián tiếp qua cái nhìn, sự miêu tả, nhận xét của các nhân vật khác trong tác phẩm. Qua việc miêu tả ngoại hình nhân vật, người đọc còn có thể thấy được thái độ, đánh giá và mối quan hệ của nhân vật miêu tả với đối tượng được miêu tả. “Người ngợm con dở hơi ấy chẳng khác gì xác ve, còm ròm khô kháo. Tóc tai bờm rối, dáng đi hai hàng” [7, tr.202]. Dưới ánh nhìn chán ghét cùng cảm nhận chủ quan đầy khinh miệt, tức giận của hoa khôi Hà thành, những khuyết điểm của Thơ càng được nhấn mạnh và tăng lên gấp bội. Ở Thơ có một sức hút mãnh liệt tạo ấn tượng mạnh cho người khác phải khiến họ vừa mê đắm cũng vừa e ngại.

Trong từng sáng tác của mình, mỗi tác giả nữ sẽ tập trung miêu tả một bộ phận gây ấn tượng mạnh của người nữ. Với Võ Thị Hảo, hình ảnh tạo nên sự quyến rũ của cung nữ Ngạn La là đôi vú và chiếc rốn. Đôi bầu vú nhỏ, rắn chắc được ví như chiếc ngà voi với vết bớt riêng biệt và nốt ruồi son ở giữa ngực và cái rốn nhỏ màu chu sa đã tạo nên nét đẹp đầy nữ tính và cuốn hút của nhân vật này. Còn với Đỗ Hoàng Diệu, tác giả tập trung vào đôi mắt “như vực sâu, càng nhìn càng đắm, thế là nó cứ hút hết người này đến người khác” [7, tr.70] của Thơ. Đôi mắt cô lạnh lẽo, chứa đầy bóng tối, tạo nên những xúc cảm khác nhau cho người nhìn. Với bố Việt, người sở hữu đôi mắt ấy “dễ đột tử, tràn đầy âm khí, sờ sợ thế nào… Ông hoàng truyện ngắn nói nó tăm tối. Ông vua tiểu thuyết bảo trông hoang dại. Nhà văn Hà Nội có cái tên con gái cười khà khà: đầy dục vọng” [7, tr.40]. Còn với Việt, khi nhìn vào thì “thấy cả biển âm u, biển trống trải, vực hun hút và bão lốc kinh hoàng” [7, tr.40]. Không chỉ vậy, Thơ còn mang đôi mắt của một nữ chiến binh dũng mãnh, luôn đong đầy khát vọng yêu đương “một lúc giết cả đạo quân tinh nhuệ nhưng cũng thoáng chốc mù lòa trước đàn ông luyến ái” [7, tr.194]. Đôi mắt ấy còn luôn đổi màu theo cảm xúc. Khi giận dữ, đôi mắt to, tối tăm, tràn đầy âm u của Thơ chuyển sang màu hổ phách – “thứ màu gây chiến” [7, tr.43], “u ám đến mức sắp tràn ra mùa đông” [7, tr.189]. Lúc tuyệt vọng, đôi mắt ấy hóa xám, u uẩn “chìm sâu vào bóng tối ám mờ”

[7, tr.47]. Và khi được hỏi về nguồn gốc phù thủy của mình, mắt Thơ “đỏ rực hung hăng lẫn bần thần lo sợ” [7, tr.201]. Những chuyển động tế vi nhất của tâm hồn

người nữ thể hiện qua màu mắt đều được Đỗ Hoàng Diệu bắt lấy và phơi trải trên từng trang giấy. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và quả thật, tâm hồn Thơ cũng khó nhìn thấu, nắm bắt như chính đôi mắt cô. Từ việc đặc tả đôi mắt, Đỗ Hoàng Diệu đã dẫn lối người đọc tiến vào mê cung nội tâm của người nữ này – một nơi đầy rối rắm, phức tạp và khó tìm thấy lối ra. Có lúc, nội tâm Thơ lạnh lẽo và tối tăm như lòng sâu đại dương, khi lại ấm nóng, đong đầy thương yêu. Tập trung hướng đến một đặc điểm nổi bật của người nữ, Đỗ Hoàng Diệu không chỉ tôn vinh vẻ đẹp riêng biệt của họ mà còn khẳng định giá trị của phái nữ trong mắt những người khác phái.

Cũng nói về bầu ngực, nhưng khuôn ngực của Thơ trong trang viết của Đỗ Hoàng Diệu mang một ấn tượng riêng. Nếu khi quen nhau, ngực của Thơ được nhận xét là “vú em nhỏ” [7, tr.78] thì khi mang thai, ngực Thơ được miêu tả: “đôi đầu vú mọng căng cứng nặng – mọng căng ngàn triệu tia mẫu tử vài tháng nữa chúng sẽ nhỏ yêu thương sự sống nuôi nấng hậu duệ duy nhất nhà họ Võ – cứng nặng tỷ triệu đam mê dục vọng tội tổ tông từ thuở hồng hoang với người đàn ông duy nhất mang chìa khóa mở được cửa vực thẳm xác hồn cô” [7, tr.219]. Bầu ngực là một trong những hình ảnh đại diện cho sự quyến rũ của giới nữ. Đặc biệt, bầu ngực căng mọng cùng dòng sữa trắng là nét riêng biệt của người nữ khi làm mẹ. Miêu tả chi tiết vòm ngực của nhân vật nữ, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện vẻ đẹp nữ tính cùng bản năng tính dục rất đỗi tự nhiên của người phụ nữ.

Bên cạnh đó, giọng nói của người nữ cũng được nhà văn chú ý miêu tả qua cảm nhận của các nhân vật trong tác phẩm. Đó là giọng nói cũng kỳ lạ như đôi mắt của Thơ: “Giọng Thơ nhỏ lại trầm, nhiều khi mất hút vào lòng dất, có lúc như hòn đá bị buộc cùng xác chết dưới lòng đại dương” [7, tr.163]. Hay giọng nói của mẹ Thơ “trầm thấp quá ngưỡng mà lại vô cùng dịu nhẹ, trong lành. Có cảm giác tiếng nói ấy phát ra từ lõi trái đất, từ đâu đó dưới lòng Thái Bình Dương theo sóng lăn qua tất thảy vạn vật trên bề mặt mà đến đây” [7, tr.133]. Giọng nói của mẹ con Thơ có một sức hút kì dị, khiến Tỉnh nhớ mãi không quên cũng khiến “toàn bộ đốt sống lưng của Việt trậc khậc thoát vị” [7, tr.133]. Giọng nói của những người phụ nữ nhỏ bé ấy không chỉ khiến cánh đàn ông phải ngã mình mà còn làm cho những người cùng giới phải giật mình, kính nể. Giọng nói thanh cao, “tựa chuông khánh ngân đĩnh ngọc” [7, tr.203] của Phan Thị Thục đã khiến cho người phụ nữ đanh đá, cao ngạo như vợ Việt phải ngớ người. Giọng nói của những người nữ, tuy mang màu

sắc khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đầy nội lực, có sức ảnh hưởng lớn đến mọi người, đặc biệt là nam giới. Việc chú trọng vào giọng nói của các nhân vật nữ như một sự khẳng định tình trạng mất tiếng nói của người nữ đã không còn. Giờ đây, bằng giọng nói riêng biệt của mình, người nữ mạnh mẽ cất lên tiếng nói khẳng định giá trị nữ giới, khu biệt và xác lập vị thế của giới mình so với giới nam.

Để phác họa chân thật nhất nội tâm của vợ Việt, tác giả đã tập trung vào sự đối lập về ngoại hình và hành động của hoa khôi Hà thành trong suy nghĩ của Việt và bản chất thật của cô. Với Việt, vợ mình “theo tiêu chuẩn thông thường với thước đo truyền thống công, dung, ngôn, hạnh là khá hoàn hảo” [7, tr.171]. Nhưng những biểu hiện của cô trái ngược hoàn toàn. Hoa khôi Hà Thành xuất hiện với mặt hoa đỏ, da rực phấn hồng, váy bó ôm sát, thường nói những từ suồng sã, thô tục “kiểu quái gì mà anh nhìn con phò ấy đắm đuối thế” [7, tr.171] và có những hành động không theo chuẩn mực “Váy tốc cao, tung hê hết đàn bà trước Phật” [7, tr.207] hay

“la hét cấu cào cắn xé từ tổng thể tay chân tay chân họng miệng tóc tai” [7, tr.219].

Qua sự khác biệt này, có thể nhận thấy những điều trước đây hoa khôi làm đều để chiều lòng người khác, để che đậy bản chất thật của chính cô. Những hành động, lời nói trong lúc tức giận mới thật sự là con người của cô: đanh đá, thô tục, kệch cỡm, quyết liệt. Nhưng người nữ này cũng có những phút giây yếu đuối khi cô không còn khả năng sinh con và mất chồng vào tay kẻ khác. Sự trêu ngươi của số phận đã khiến cô hoa khôi xinh đẹp trở thành “hình dáng tóp teo xúc cảm và ánh mắt trống rỗng yêu thương” [7, tr.223]. Cũng vướng vào tấm lưới ái tình hỗn độn, Thục xuất hiện với một tâm thế khác. Tất cả những gì cô làm là nhẫn nhịn, chịu đựng và hi sinh. Qua hành động và lời nói, Thục mang dáng vẻ của người phụ nữ có tri thức, lịch sự và nhã nhặn. Ở người nữ này là thế giới nội tâm chằng chịt nỗi đau. Đến mức nụ cười của cô được miêu tả là “nụ cười buồn loãng” [7, tr.206] còn gương mặt thì “chằng chịt những nếp nhẫn nhịn mỏi mòn” [7, tr.223]. Nương nhờ cửa Phật, gõ mõ tụng kinh là thế nhưng tâm của Thục không thể an, vẫn chất chứa nỗi oán hờn, tủi phận và cả bất lực của người phụ nữ có số phận không như ý. Đến cuối cùng, người nữ này vẫn hiện lên với dáng vẻ cô đơn như chính tâm hồn cô, “cúi đầu ghìm mặt vào khoảng lặng buốt nhói” [7, tr.237].

Hành động cũng là yếu tố được Đỗ Hoàng Diệu chú ý khi đi vào bản thể người nữ, là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy diễn biến các sự kiện nhằm tạo cốt

truyện hoàn chỉnh. Trong Lam Vỹ, mỗi nhân vật nữ đều bị đặt vào những tình huống éo le. Ở đó, họ chọn cho mình hướng đi khác nhau. Cùng rơi vào hoàn cảnh éo le – mang thai đứa con của người mình yêu nhưng lại bị người yêu bỏ rơi – bà Yến, Thiên Lam và Thơ có một cách giải quyết riêng. Nếu Thiên Lam mạnh mẽ giữ lại đứa bé “rồi việc gì đến sẽ đến” [7, tr.101] thì bà Yến từng có giây phút yếu lòng muốn chấm dứt cuộc đời. Thế nhưng, tình mẫu tử thiêng liêng với đứa con xa lạ và hài nhi đang mang trong bụng đã tiếp thêm sức mạnh cho bà, giúp bà chống chọi qua khó khăn, nỗ lực sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Không mạnh mẽ như Lam cũng không may mắn như bà Yến, Thơ không thể giữ lại đứa con của mình. Mang trong mình trái tim yếu đuối cùng căn bệnh trầm cảm thể che đậy, cô vật vã với nỗi đau bị người mình yêu thương ruồng bỏ. Lí trí đóng băng, trái tim rạn nứt mách bảo Thơ chấm dứt cuộc đời. Hành động uống thuốc tự tử của Thơ đã mang đến hệ lụy:

thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất độc nên đứa trẻ ra đời sẽ thiếu lành lặn.

Điều này trở thành nỗi đau, niềm ân hận lớn nhất của cuộc đời Thơ. Cùng với hoàn cảnh chung là vô số hoàn cảnh riêng, được tạo nên bởi một chuỗi hành động, đẩy người nữ đến những ngã rẽ riêng biệt. Việc để cho mỗi nhân vật nữ thể hiện hành động khác nhau trong cùng một tình huống nhằm tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện và sự khác biệt của từng người nữ.

Nhân vật nữ trong Lam Vỹ không đứng yên mà luôn suy tư và hành động.

Người nữ, ở thế giới của Đỗ Hoàng Diệu, luôn chủ động trong mọi hành động của mình. Khi yêu, Thơ là người nữ rất chủ động. Cô chủ động bày tỏ tình yêu qua hành động treo đồng hồ lên tường cùng lời hứa: “Mỗi tiếng chuông là lời nguyện thủy chung khắc vào tim em. Nếu em bội anh, chuông sẽ rền ngân trong em cả cuộc đời còn lại” [7, tr.59]. Lời hứa của Thơ chính là sự khẳng định chắc chắn nhất tình yêu cô dành cho Việt. Người nữ không còn ngồi im để chờ đợi tình yêu hay phải phục tùng yêu cầu của người đàn ông mà luôn tự mình kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc cho mình. Cũng như Thơ, vì yêu, Lam chủ động tìm đến Tỉnh, “nhiệt tình làm thơ, nhiệt tình dâng hiến” [7, tr.108]. Khi tình yêu sắp rời xa, Thơ còn chủ động tìm kiếm người yêu nhằm níu giữ hạnh phúc, từ việc gọi điện “những hồi chuông dài như kinh nguyện hồn kéo hết ngày hết đêm mồng Hai” [7, tr.16] đến việc tìm Việt ở nhà bố anh. Nhưng điều cô nhận lại là cái thinh lặng và sự biến mất hoàn toàn của người yêu. Cũng muốn níu giữ người thương nhưng hoa khôi Hà thành lại có một hành

động khác. Cô chủ động tìm đến người phụ nữ có cùng cảnh ngộ với mình với mong muốn ngăn chặn người đàn bà cướp đi trái tim chồng mình. Cô cũng tìm đến tận nơi để bắt gian, xử trí Thơ. Điều cô nhận lại không chỉ là lá đơn li hôn và sự bỏ mặt của người chồng bội bạc mà hơn thế là cô được sống đúng với bản thể, tìm lại con người đã mất của mình.

Cũng nói về khát khao tính dục của người nữ nhưng Thuận và Đỗ Hoàng Diệu lại có những hướng khai thác riêng. Nếu Thuận tập trung vào miêu tả một cách tỉ mỉ, chân thật khoảnh khắc làm tình bao liệt của người nữ thì Đỗ Hoàng Diệu không đặc tả cụ thể mà chỉ đi vào gợi tả một số hành động mang tính bản năng của người nữ. “Thơ miết những ngón nhỏ dài của bàn tay kỳ diệu sau gáy tôi. … Thơ dang hai chân nhỏ quặp chặt bụng tôi, dùng môi khắc lời đường mật lên làn da đang phát hỏa của tôi” [7, tr.27]. Có thể thấy, vai trò làm chủ không chỉ thuộc về người nam.

Người nữ giờ đây đã nắm thế chủ động với hành động mạnh mẽ, táo bạo và tự chủ.

Họ còn làm chủ cuộc chơi với những hành động vờn giỡn hay mang tính áp chế

“lấy lọn tóc quất lên miệng chàng trai” [7, tr.80], làm cho đối phương “cảm thấy yếu đuối” [7, tr.80] trước mình. Việc sử dụng ngôn ngữ đậm màu sắc tính dục đã khiến hành động của Thơ hiện lên sinh động, khao khát đầy bản năng của nhân vật cũng được thể hiện: “Cô thả môi miệng trìu mến lướt hôn hai bàn tay anh… Ánh sáng bốn con mắt đê mê rơi vãi cùng mớ áo quần vương quanh giường. Thính lực hai đôi tai bẹp gí trong từng hơi thở đập dồn” [7, tr.218-219]. Bản năng lên ngôi khiến người nữ chìm sâu vào ham muốn dục tình, bất chấp mọi rào cản hay sự công nhận của người đời. Càng chủ động, càng lún sâu vào ái tình, Thơ càng chìm nổi trong gió bão cuộc đời.

Hình tượng người nữ trong Lam Vỹ hiện lên với tư thế làm chủ, chủ động trước người đối diện, nhất là người nam, và chủ động với cuộc đời mình. Đó là bà Yến, bất chấp xã hội hà khắc cùng số phận bi kịch, vẫn cố gắng nuôi dưỡng và yêu thương đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi nơi nghĩa địa hoang vắng. Là Thiên Lam, chịu sự xa lánh của người mình yêu thương, cô vẫn dành trọn tình thương cho con gái bẻ bóng – sự hòa kết giữa cô và Tỉnh. Hay như hoa khôi Hà thành đã vùng vẫy mạnh mẽ, đập tan lớp bọc hoàn hảo người ta tạo khắc nên cô chứ nhất quyết không chịu cảnh chung chồng. Và đó còn là Thơ, người đàn bà kì lạ gánh trên vai trọng tội từ thuở hồng hoang. Cuộc đời Thơ là một hành trình dài tìm về bản thể với những lần

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 63 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)