CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ
3.3. Giọng điệu nghệ thuật
3.3.1. Giọng yêu thương, nhẹ nhàng, tha thiết
Giọng yêu thương, nhẹ nhàng lấy cảm xúc làm chủ đạo, là thái độ, tình cảm tha thiết, nhẹ nhàng của nhà văn đối với các vấn đề được nhắc đến trong văn chương. Bắt nguồn từ sự nhạy cảm, yêu thương của thiên tính nữ, trang viết của các nhà văn nữ luôn thể hiện tình cảm chân thành, sự thấu hiểu, trân trọng, xót thương dành cho giới nữ. Giọng văn này được các cây bút nữ đưa vào trong những câu đối thoại trực tiếp, độc thoại nội tâm cùng lời văn nửa trực tiếp trong tác phẩm.
Trong tiểu thuyết Lam Vỹ, giọng văn đậm chất trữ tình hiện lên qua những suy nghĩ, cách đối thoại đong đầy tình yêu thương của các nhân vật. Người đọc có thể thấy điều này qua những khoảnh khắc yêu đương của Thơ và Việt thuở mặn nồng
quá vãng. “Chiếc đồng hồ này đã được mụ phù thủy thiêng nhất đất nước hoa hồng yểm thần chú. Mỗi tiếng chuông là lời nguyền thủy chung khắc vào tim em. Nếu em bội anh, chuông sẽ rền ngân trong em cả cuộc đời còn lại” [7, tr.59]. Lời bộc bạch của Thơ là minh chứng chắc chắn và thiêng liêng nhất cho tình yêu của cô. Qua đó, tác giả gửi gắm thái độ trân trọng người nữ trước bản lĩnh của họ khi bày tỏ niềm yêu và sẵn sàng đánh đổi tất cả để chứng minh tình yêu. Tình yêu cả một đời Thơ dành trọn cho Việt nên đối với sự nhiệt tình của Tỉnh, cô chỉ có thể đáp lại bằng tình thân. “Bởi bây giờ, đàn ông … ngoài cha em, chỉ còn có anh” [7, tr.227]. Câu nói tha thiết này khẳng định vị trí quan trọng của Tỉnh trong lòng Thơ – người tri kỉ, người anh mà cô có thể dựa vào. Có thể thấy, khi để nhân vật nói lên tình tri kỉ của mình và Vĩnh, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng thứ tình cảm quý giá nhất của con người – tình bạn.
Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng trong lòng mỗi người đặc biệt là đối với phụ nữ, những con người có tâm hồn nhạy cảm. Bằng cảm quan nữ tinh tế, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện những cảm xúc chân thành, ấm áp nhất của người cha bằng những câu thăm hỏi giản dị, chứa đầy sự quan tâm sâu sắc: “Thơ con, Dạo này con có ngủ được không?
Thường mùa hè con hay bị viêm họng, viêm họng thì ho, ho sinh mất ngủ, đừng chủ quan con nhé” [7, tr.106]. Cả bức thư không một chữ yêu thương nhưng thương yêu cứ thế ngập tràn. Không chỉ qua bức thư tay cha gửi cho Thơ mà Đỗ Hoàng Diệu khám phá thế giới tình cảm trong tâm tưởng của Thơ. Đó là sự ấm áp khi nghĩ về cha “Cha ơi, cha đừng làm thế, cả đời cha đã gánh đá cho con. Cha già rồi, nhìn xem, cha già thật rồi, lưng cha còng và nếp nhăn kéo xệ đuôi mắt” [7, tr.208].
Đó là nguyện ước cuối cùng của Thơ trên cõi đời này thuộc về đứa con sắp chào đời: “Mẹ chỉ có một khao khát bé nhỏ, rằng con sẽ giọt sương sớm tia nắng mai khi chào đời và bất kỳ ai con là lúc trưởng thành” [7, tr.231]. Từ cách hai cha con Thơ gọi nhau đến những ngôn ngữ dịu dàng nhất Thơ dành gọi đứa trẻ: “Này con – yêu thương của mẹ, cứu chuộc của mẹ, tương lai của mẹ” [7, tr.231], “Con ơi”, “Chàng trai của mẹ”, “con thân yêu” [7, tr.232] đều góp phần tạo nên bầu không khí yêu thương, nhẹ nhàng. Sự mẫn cảm cùng trái tim yêu thương của người viết đã giúp truyền tải trọn vẹn nhất tình cảm đẹp đẽ của người nữ đối với cha mình đồng thời mang chuyển mong muốn, khao khát của tấm lòng người mẹ đối với con
thơ. Chất giọng ấy đã hiện tỏa sự chân thật của người nữ, tạo thành chút ánh sáng soi chiếu không gian u tối của toàn bộ câu chuyện.
Một trong những yếu tố tạo nên giọng yêu thương, cảm thông chính là cảm hứng nhân văn, nhân đạo, sự trân trọng và thái độ cảm thương, luôn quan tâm, hướng đến thân phận con người, đặc biệt là người nữ của Đỗ Hoàng Diệu. Mỗi người nữ trong Lam Vỹ là một mảnh ghép của bức tranh thế giới nữ đầy bi kịch.
Tuy có số phận, địa vị khác nhau, mang trên mình nỗi đau khác nhau nhưng họ có điểm chung – đều là phận đàn bà. Phía sau hình ảnh người nữ từ dáng hình, hành động đến nội tâm, tính cách là tấm lòng, thái độ trân trọng, đồng cảm, thương yêu mà người viết gửi vào từng trang văn. Ở đó, sợi dây thiên tính nữ đã nối kết trái tim những người nữ với nhau, ngân rung thanh âm của sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương tha thiết.
Trong Lam Vỹ, đi sâu vào mê cung nội tâm phức tạp để khai thác, phân tích, lí giải là cách Đỗ Hoàng Diệu thể hiện thái độ nâng niu, xót thương những người cùng giới. Đối với những người nữ chấp nhận vận mệnh mình bị guồng quay nam quyền nắm giữ, tự tước bỏ mưu cầu tự do và hạnh phúc của bản thân như mẹ Việt, mẹ Vĩnh hay Phan Thị Thục, tác giả luôn dành cho họ cái nhìn cảm thông với giọng văn nữ yêu thương và chia sẻ. Những trang văn về những người phụ nữ ấy luôn thấm đẫm nỗi xót xa của tác giả dành cho họ. Giọng văn cảm thông, thấu hiểu còn được thể hiện rõ khi nhà văn nói về người nữ có khát vọng yêu đương cháy bỏng, dám bất chấp tất cả vì tình yêu. Dẫu cho Thơ có lầm đường lạc lối, tiếng nói thương yêu và cảm thông vẫn luôn cất lên cho cô. Người viết hiểu, sự bùng nổ của Thơ là kết quả chuỗi ngày cô chịu cảnh bị giam hãm bởi lớp lớp những bất công, định kiến.
Chỉ khi Thơ chạm đến bản năng nguyên sơ nhất, đi đến tận cùng bản thể, phá vỡ chiếc lồng đang nhốt chặt cuộc đời cô thì khi ấy, Thơ mới thật sự hiểu được chính mình.
Càng lắng nghe tiếng nói bên trong của người nữ, tác giả càng thấu hiểu nỗi đau của giới mình. Vì thế, có lúc, Đỗ Hoàng Diệu để cho người kể chuyện ngôi thứ ba nhập vai, dời điểm nhìn vào nội tâm nhân vật để lột tả nỗi đau của Thơ: “Yêu đến mức tình yêu thành tội lỗi, đổ xuống mình xuống người. Thì có hề chi, đường nào gương mặt xanh bàn tay mảnh này cũng đã vấy máu đứa con đầu lòng, đường nào hố thẳm cũng đã quá chật không thể nêm thêm bất cứ ức uẩn nào” [7, tr.222].
Có khi, tác giả lại để cho nhân vật tự bày tỏ cảm xúc của mình: “Những lời lửng lơ mọc ra tua rua quét hờ lên ngực tôi làm bật tung màng sắt chẹn họng bấy lâu. Cơ man nào là nước mắt là hờn tủi là đắng cay là tự thú bật tung ra…” [7, tr.225]. Nỗi đau mà Thơ nhận lấy không chỉ vì tình yêu mà còn đến từ nhiều vấn đề khác, trong đó, từ bỏ đứa con đầu lòng là điều khiến cô day dứt không nguôi. Hình ảnh con trai luôn hiện về trong giấc mơ, mộng tưởng, “cứ mỗi giây mỗi phút lại thầm thì: mẹ ơi, sao mẹ không yêu con” [7, tr.183]. Những câu văn nhẹ nhàng mà day dứt được Đỗ Hoàng Diệu sử dụng trong quá trình miêu tả nội tâm nhân vật. Không chỉ diễn tả nỗi đau đớn của nhân vật mà còn thể hiện sự thấu hiểu tận cùng bản thể nỗi ám ảnh tội ác của người mẹ: “Bây giờ đây mẹ nhận ra con chết vì mẹ, nông nổi – mù quáng – đớn hèn và độc ác. Có bao nhiêu lời quạ nhiếc, bao nhiêu cọc sắt nóng xọc vào lòng mẹ cũng không làm con hồi sinh, không mài nhạt nổi dấu vết máu thịt con trong mẹ” [7, tr.185]. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, thấm đẫm niềm thương cảm, xót xa, nhà văn đã hòa vào lời thú tội muộn màng và nỗi ân hận cùng cực củaThơ sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc.
Có thể thấy, giọng yêu thương, đồng cảm, nhẹ nhàng là giọng chủ đạo trong tiểu thuyết Lam Vỹ nói riêng và tiểu thuyết nữ quyền nói chung. Bằng sự nhạy cảm và thấu hiểu, Đỗ Hoàng Diệu cũng như các các cây viết nữ khác đã nỗ lực thể hiện sự quan tâm đến thân phận nữ với tất cả trân trọng và thương cảm. Viết về người nữ cũng là viết về mình, yêu thương người nữ cũng là yêu thương chính mình. Vậy nên, giọng yêu thương, nhẹ nhàng không chỉ khẳng định giá trị, tâm hồn, tình cảm của phái nữ mà còn mang cảm thức giới, thể hiện một lối viết nữ không thể lẫn trong sáng tác của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.