Kháng cự chế độ nam quyền và xác lập vị thế nữ giới

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 50 - 54)

CHƯƠNG 2 THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

2.2. Đến ý thức nữ quyền

2.2.3. Kháng cự chế độ nam quyền và xác lập vị thế nữ giới

Dù phải đối mặt với bi kịch niềm tin đã mất, giới nữ vẫn không gục ngã. Họ chủ động mài dũa bản thân, nỗ lực thoát khỏi gọng kìm của xã hội nam quyền và chiến đấu đến cùng để giữ vững giá trị giới. Họ cất cao tiếng nói phản kháng, kháng cự lại chế độ nam quyền, đồng thời kiến tạo và xác lập vị thế của giới mình.

Hoa khôi Hà thành với nét đẹp đầy chuẩn mực, gợi sự hoàn hảo về công, dung, ngôn, hạnh. Từ lâu đã giam mình trong khuôn mẫu, cố gắng sinh con để giữ lấy trái tim chồng nhưng khi biết tin chồng ngoại tình, cô đã xé toạc cái vỏ bọc người ta muốn cô phải mang. “Em đến đây rủ chị xử lý con phò ấy chưa không phải để nghe mấy thứ suy nghĩ cam chịu lỗi thời. Khó gì mà không hiểu bà chị đang cố rúc vào mấy bức tượng này hòng trốn tránh sự thật. Chẳng Phật hay Chúa nào giúp nổi đâu. Đi, chị đi với em” [7, tr.207]. Người phụ nữ bị phản bội trong cô hoa khôi đã biến thành người phụ nữ mạnh mẽ, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc gia đình. “Khốn nạn! Này các nhà đạo đức nhà tâm lý tao nhã thơm tho, có giỏi hãy đến đây tận mắt nhìn chồng mình vợ mình bú mớm vuốt ve dịu dàng đam mê với người khác rồi mà phán phải sáng suốt khôn ngoan kiềm chế không ghen tuông mù quáng đừng lột áo cắt tóc tạt a xít vào mặt hay đổ keo dính bướm” [7, tr.221]. Trái ngược với Thục – người chỉ biết cam chịu số phận để “tầng tầng lớp lớp bồ hóng đen kịt tích tụ cả ngàn năm” [7, tr.207] phá hủy hạnh phúc của mình, hoa khôi Hà thành đã không ngại tấn công vào lớp thành trì ấy, tung hê mọi định kiến đè lên cô cùng hàng triệu người phụ nữ khác dẫu hành động ấy khiến hạnh phúc gia đình cô tan nát.

Xuất phát từ niềm kiêu hãnh về vẻ đẹp của thiên tính nữ, Thơ đã mạnh mẽ đối chọi với tư tưởng nam quyền trong cả suy nghĩ lẫn lời nói. Trước sự cay nghiệt của bố Việt – người coi trọng Khổng giáo cùng tư tưởng nam quyền, người phụ nữ bé nhỏ ấy đã khảng khái: “Cháu nghĩ ai cúng cũng thế, kể cả người ngoài, miễn thành tâm. Các hương hồn rất linh thiêng, họ nhìn thấu tâm can chúng ta. Đúng trai trưởng mà cúng lấy lệ cũng vứt bác ơi” [7, tr.42]. Nếu câu đối đáp trên giáng một đòn

mạnh vào tư tưởng trọng con trai trưởng của chế độ nam quyền thì quan điểm tiếp theo của Thơ đã làm lung lay thành trì mà chế độ này gầy dựng bấy lâu nay. “Cháu thấy Khổng giáo có rất nhiều cái dở. Trên thực tế thời phong kiến đã qua lâu rồi mà dân mình vẫn mê đắm trong những bổn phận lễ giáo nặng mùi giai cấp mùi giới tính đó. Không chỉ nông thôn sau lũy tre làng, ngay cả trí thức đại trí thức chốn thành thị vẫn thuộc làu kim chỉ nam đánh giá đàn bà kiểu tam tòng tứ đức. Trong khi ở Trung Hoa, cái nôi Nho giáo người ta cũng đã khác nhiều. Cứ chê đạo Hồi coi thường phụ nữ, đạo Khổng vùi dập đàn bà ghê hơn nhiều. Chúng ta không có mạng che mặt nhưng có hàng trăm loại gông” [7, tr.43]. Cô đã quyết liệt đối thoại với tam tòng, tứ đức và “hàng trăm loại gông” [7, tr.43] xiết chặt tự do và hạnh phúc của người nữ, đẩy họ đến bờ bi kịch. Nhận thức được giá trị bản thể, người nữ này đã đối mặt với bất bình đẳng giới, thị uy với chế độ đã đặt giới mình ở vị trí ngoài lề.

Trong mắt Thơ Vĩnh không chỉ là cha của bào thai đang lớn dần trong bụng mình mà còn là một kẻ phản bội, một người chồng, người cha tồi tệ với “chất phong kiến… không chỉ sệt quánh mà còn đóng băng cứng hơn đá hộc” [7, tr.153]. Câu hỏi ngắn gọn nhưng chí mạng “Vì em trẻ hơn vợ anh và đứa con này có chim à” [7, tr.190] đã lột trần mọi sự thật về Vĩnh. Là nạn nhân của xã hội nam quyền, Thơ cũng đã từng sợ hãi, bị giày vò bởi nghị kị, phải ép mình trong guồng đạo đức cùng định kiến nhưng giờ đây, khi bản năng thức tỉnh, Thơ đã dũng cảm công khai bày tỏ sự đối đầu quyết liệt với xã hội ấy. “Này lũ nghèo nàn mơ mộng nông cạn xúc cảm, cút hết lên núi cao cho ta. Nơi ấy, các người ngày ngày bị hiện thực thiêu cháy đêm đêm được ảo huyền sáng soi, biết đâu tâm hồn sẽ mọc ra vài cánh thụy du. Này đám đồ đệ mê cuồng ngàn đời quỳ lạy lít nhít lời Khổng, hãy lùa nhau lút sạch xuống lòng đất. Nơi ấy thể nào các người cũng chạm gấu váy đức Thánh mẫu, bà chắc chắn sẽ kéo bầy phong kiến các người khỏi nhà thờ dương vật mủ thối. Này thần đạo đức này thánh gia phong, hãy biến đi với đống chổi cùn giăng đầy mạng dối trá” [7, tr.220-221]. Bằng cách chỉ đích danh từng đối tượng đã kiềm chế bản năng, giam hãm cuộc đời của giới mình, các đại diện của chế độ nam quyền, sử dụng đại từ nhân xưng “các người” và “ta” nhằm tỏ rõ vị thế ngang hàng của nữ giới, Thơ đã không còn là tha nhân chịu sự chi phối của người nam nữa mà đang chứng tỏ vị thế cá thể độc lập, luôn dự phần vào mọi sự thay đổi của xã hội của mình.

“Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Lam Vỹ (Đỗ Hoàng Diệu) là một biểu hiện mới mẻ của diễn ngôn nữ giới với tiếng nói trực diện trước tư tưởng nam quyền thống

trị” [40, tr.84]. Bằng thức nhận giá trị bản năng, phát hiện những bi kịch giới, phản kháng với chế độ nam quyền, người nữ tiến đến xác lập vị thế của giới mình. “Ông đại diện cho ai mà dám phán xét tôi? Chúa của ông ngăn cấm phá thai nhưng thần của tôi cho phép. Thần của tôi là ai? Tôi, chính tôi đây!” [7, tr.38]. Mất niềm tin vào thế giới, người nữ chỉ tin vào chính mình. Việc Thơ lựa chọn từ bỏ thai nhi không chỉ để bảo vệ con mình mà còn bảo vệ cuộc đời cô. Cơ thể là của người phụ nữ và họ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến thân thể cũng như làm chủ vận mệnh của mình. “Thánh thần cũng không đủ quyền hành ra lệnh cho mẹ phải chết” [7, tr.234]. Điểm đặc biệt của ý thức nữ quyền là người nữ kháng cự chế độ nam quyền nhưng không gắn nó với sự hạ bệ, xem thường người nam cùng những giá trị lịch sử lâu đời. “Thời của họ đã qua như thời của mẹ của con rồi cũng sẽ qua.

Con hãy tôn trọng nhưng không cần khuỵu gối dù quá khứ đó tổ tiên đó huy hoàng tráng lệ đến mức nào” [7, tr.232]. Không phủ nhận vai trò, ảnh hưởng của nam giới đối với xã hội nhưng họ kháng cự lại chế độ nam quyền cùng những tín đồ trung thành đã và đang chà đạp lên thân phận nữ.

Trong những lời gan ruột với con trai trong giây phút cuối đời của Thơ “Con ơi, nhớ cho mẹ con là duy nhất chính thức trong hợp đồng làm đàn bà mẹ ký với đất trời. Chúng ta, cả con và mẹ đều nghe tiếng dạ con vĩ đại căng rạn tình mẫu tử đều đều hằng đêm chín tháng mười ngày. Hãy nhớ con là dấu triện quyền uy độc nhất đóng lên cuống tim mẹ bằng thứ mực vĩnh hằng, thứ mực làm từ cuống rốn của chính con, con thân yêu” [7, tr.232]. Trong Kinh thánh, Eva được tạo nên từ chiếc xương sườn của Adam. Câu chuyện này vô tình trở thành cơ sở để chế độ nam quyền phát triển cùng niềm tin người nữ là do người nam mà có. Nhưng thật ra giới nữ nắm giữ trong mình một quyền năng. Điều này được Thơ tái hiện sinh động qua sự gắn kết bền chặt giữa người mẹ và đứa con với hình ảnh dạ con, cuống rốn và sợi nhau. Đây chính là quyền năng tối thượng của người nữ – góp phần tạo nên sự sống con người. Người nữ không còn mang thân phận phái sinh mà có vị thế ngang hàng với người nam, cùng tạo lập nên thế giới con người.

Tiểu kết

Qua việc phân tích thế giới người nữ trong tiểu thuyết Lam Vỹ của Đỗ Hoàng Diệu, chúng tôi nhận thấy rằng thiên tính nữ và ý thức nữ quyền được thể hiện rõ

nét với nhiều đặc điểm và biểu hiện. Thứ nhất, trong một thế giới nữ đầy biến động, những đặc tính thuộc về phái nữ như nỗi khát yêu mãnh liệt, bản năng tính dục, bản năng làm mẹ được tái hiện đầy sinh động thông qua nội tâm từng người nữ. Đó chính là sự tranh đấu không ngừng của người phụ nữ cho quyền chính đáng của con người mà họ được hưởng để tự do thỏa mãn những khao khát đời thường của họ.

Đặc biệt, người nữ đã táo bạo, tự tin phô bày thế giới nội tâm phức tạp cùng những ẩn ức tính dục khó giãi bày – điều được xem là địa hạt cấm kỵ trong văn chương cũng như trong đời sống xã hội. Thứ hai, ý thức nữ quyền là một hành trình gian nan của giới nữ, đi từ những nhận thức về bản ngã, bản thể của mình đến khủng hoảng mất niềm tin bởi thấu hiểu bi kịch thân phận nữ cùng bản chất hỗn loạn, giả dối của thế giới này. Để từ đó, người nữ giành lấy tiếng nói đã mất, phản kháng xã hội nam quyền đã đày ải cuộc đời mình và xác lập vị thế giới nữ. Không so sánh với nam giới, không hạ thấp, xem thường người nam, điều cuối cùng người nữ hướng đến chỉ là lấy lại vị thế đã bị chế độ nam quyền tước đọat và tiến lên xác lập xã hội nam nữ bình quyền. Đỗ Hoàng Diệu nói riêng và các nhà văn nữ Việt Nam đương đại nói chung, dù sáng tác trong xã hội vẫn còn tàn tích tư tưởng nam quyền, đã nỗ lực thể hiện ý thức nữ quyền, góp phần truyền tải vẻ đẹp giới trong tác phẩm của mình.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)