Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 59 - 63)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.1. Sự hoà kết giữa những người kể chuyện

3.1.2. Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Người kể chuyện ngôi thứ nhất đồng thời là nhân vật trong tác phẩm, thường bắt đầu câu chuyện với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít. Người kể này được người viết trao quyền tự tường thuật lại câu chuyện, qua đó nêu lên suy nghĩ, tình cảm chủ quan của mình về những sự việc, sự vật ấy. Vì vậy, người kể chuyện được toàn quyền phơi bày tất cả những đặc điểm liên quan đến chính mình. Phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất đã góp phần tạo nên một lối viết mang cảm thức giới trong sáng tác của các nhà văn nữ.

Cùng với người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ nhất cũng xuất hiện trong Lam Vỹ với hai hình thức nổi bật là người kể chuyện ngôi thứ nhất với cái “tôi” tự thuật và người kể chuyện ngôi thứ nhất với cái “tôi” hóa thân.

Tự thuật có sự tác động lớn đến sáng tác của giới nữ bởi phương thức này giúp người nữ bộc lộ nỗi lòng của mình, “thể hiện sự nếm trải giới tính, đồng thời là mục đích để giải phóng những kìm hãm của bản thân” [73, tr.120]. Đối với văn học nữ quyền, đặc biệt là tiểu thuyết nữ quyền, yếu tố hư cấu hòa quyện với yếu tố tự thuật qua cái tôi trần thuật cũng chính là nhân vật nữ đã mở ra một khoảng trời nghệ thuật đậm màu sắc nữ. Dưới dạng thức này, nhân vật nữ thực sự trở thành “con người cá thể” (R. Barthes) trong thế giới của họ. Họ không còn được nói về, được nhắc đến mà đang tự kể câu chuyện của chính mình. Trở thành người kể chuyện, nội tâm của nhân vật nữ vì vậy được khai thác và biểu hiện một cách triệt để, sâu sắc nhất.

Trong tiểu thuyết Lam Vỹ, người kể chuyện ngôi thứ nhất cũng chính là Thơ – nhân vật chính của tác phẩm. Có thể thấy, người kể chuyện Thơ xuất hiện rất nhiều lần, lời kể của cô cũng chiếm một dung lượng lớn với dấu hiệu nhận biết là hai đại từ nhân xưng “tôi” và “em”. Dưới cách nhìn, cách nghĩ của người nữ, bằng cách thức tự giãi bày, tự bộc lộ, người kể chuyện này đã thể hiện ý thức và thân phận giới mình. Ngay những dòng đầu tiên của tác phẩm, người kể chuyện Thơ đã bộc bạch hoàn cảnh của mình. “Việt bỏ tôi đúng mồng Một Tết. chính xác hơn, đó là ngày tôi biết mình mất anh mãi mãi, là ngày khâm liệm cho cuộc tình cuồng nhiệt nhất nhì

thế gian này. … Hôm nay, tôi đây vẹn nguyên tay chân mình mẩy mà như đã mảnh mảnh tách rời với hố thẳm ứ tràn dịch vị đắng cay” [7, tr.9-10]. Chỉ với vài câu nói cũng đã cho thấy tình cảm Thơ dành cho Việt sâu đậm đến nhường nào. Nương theo lời kể chân thực và sống động của nhân vật này, một thế giới đa phức dần hiện lên trước mắt, khơi dậy nơi bạn đọc khát khao lí giải mọi sự rối ren trong nội tâm con người, đặc biệt là thế giới nữ.

Cũng như người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện Thơ cũng đã hòa phối nhịp nhàng ba điểm nhìn: điểm nhìn toàn tri, điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn nội cảm. Điểm nhìn bên ngoài giúp Thơ kể một cách khách quan về những biểu hiện của nhân vật được trần thuật. “Ông đồ già sau hai đêm trắng chắp tay sau lưng lòng vòng quanh căn nhà tranh dột nát gọi người vợ ở thiên đàn, gọi ông bà tổ tiên trên bàn thờ, gọi thần linh giữa mưa dông cầu xin lời khuyên giải đứa con gái độc nhất mất nết thì đổ bệnh nặng. Người con gái tay ấp đứa trẻ vỗ về tay chăm sóc cha già. Tiếng ho dữ của ông đồ hòa cùng tiếng gào thét khát sữa của đứa bé khiến mảnh rìa làng đen đặc u tối càng thêm chờn chợn. Giữa những đêm khủng khiếp ấy, cô phát hiện ra một mầm nụ đang chồi lên giữa dạ con. Tin vui buông thõng xuống khốn cùng” [7, tr.56]. Quá khứ của bà nội Yến đã được người kể Thơ tái hiện chân thực và sinh động. Bi kịch chất chồng đè lên cuộc đời người nữ khi bản năng người mẹ và khao khát yêu đương trỗi dậy mạnh mẽ. Xã hội mà bà Yến sống chỉ chấp nhận những hằng số bất di, bất dịch mà người nữ ấy lại vô tình là một biến số: gái chưa chồng đã có thai, bị người yêu ruồng bỏ và nuôi con người khác. Người kể này, với điểm nhìn bên ngoài, đã làm đúng vai trò của mình là khắc đậm thân phận đau thương của người phụ nữ trong xã hội khắc nghiệt bấy giờ.

Có lúc, từ điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện Thơ dần chuyển sang điểm nhìn toàn tri để thấu tỏ thế giới tinh thần của nhân vật, thể hiện đánh giá của cái nhìn nữ. Sau khi kể lại cơn giận của Thiên Lam, người kể chuyện “tôi” đi vào phân tích, lí giải hành động và nội tâm của nhân vật này. “Tôi thoáng nghe tiếng rên nhẹ.

Hình như tiếng rên từ các khớp tay Lam khi duỗi bỏ hận thù. Hình như Lam vừa thả rơi cơn cuồng nộ vào miền dấu tích. Rồi nàng khe khẽ hát. Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy. Lại thêm một người thích nhạc sầu, thêm một tâm hồn tan rã vì yêu” [7, tr.97-98]. “Tôi” trình bày kiến giải của mình thông qua từ “hình như” – từ ngữ cho thấy sự không chắc chắn. Dù sử dụng điểm

nhìn toàn tri nhưng trước sự phức tạp của thế giới tinh thần người nữ, đôi lúc, người kể chuyện chỉ có thể đoán định chứ khó nắm bắt hết được mọi trạng thái của họ. Họ đều là những người phụ nữ đáng thương, đều mang “phận con gái” [7, tr. 97]. Có thể thấy, chỉ có phối hợp điểm nhìn mới soi tỏ những phức cảm người phụ nữ trải qua trên hành trình cuộc đời để có thể thấu hiểu, cảm thông và trân trọng họ.

Theo tiến trình văn học thế giới, con người – đặt trong mối quan hệ với đời sống – luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu của văn học. Càng quan tâm đến con người cá nhân, khuynh hướng tự thuật càng được sử dụng như một phương thức khiến cho người viết tiệm cận đến thế giới tinh thần của con người. Đây được xem là đặc thù của lối viết nữ khi khuynh hướng này giúp tiến đến khai thác tận cùng bản ngã người nữ, giải phóng và xác lập vị thế nữ. Là một người kể chuyện, Thơ trần thuật vừa khách quan, vừa chủ quan về những điều xảy ra xung quanh mình bằng cái nhìn nữ quyền. Người kể này đã đưa ra định nghĩa của mình về tình yêu:

“Thì tôi cứ u mê, cứ cười nhạo sự u mê của tôi đi. Còn tôi, tôi tự hỏi cái gọi sáng suốt trong tình yêu là gì? Yêu không có chỗ cho sáng suốt. Còn sáng suốt, bạn còn chưa yêu. Mà yêu là gì? Là một vòng tròn đơn độc không điểm dừng. Nó khắc vào mỗi phân da thịt, ngấm thấm từng mạch máu. Khi ta chết, nó loang vào đất trời, thành vĩnh cửu” [7, tr.37]. Với riêng Thơ, yêu đi liền với sự khờ dại, u mê và đơn độc. Chính cách Thơ trao đi tình yêu cũng đã đủ để minh chính cho định nghĩa yêu của cô. Thơ trao trọn con tim, giam cầm lý trí, điên cuồng lao mình vào ngọn lửa tình để rồi lạc trong bóng tối của sự cô đơn, tuyệt vọng. “Tôi không muốn nghe thêm định nghĩa về sự sống, bất hiếu, ích kỷ, mạnh mẽ hay hèn nhát. Cứ thử bước xuống vực thẳm không đáy đi, vực thẳm do chính mình xoáy đào ra ấy, bạn sẽ thấy mọi giá trị đều giáo điều” [7, tr.105]. Người kể chuyện này đã đào xới vào tận bản thể của mình, khám phá đến tầng sâu nhất của nội tâm mình để phần nào thấu thị nỗi lòng của bản thân và giới mình. Trong giây phút Thơ rơi vào tuyệt vọng, một lời giải thích từ Việt đã có thể cứu rỗi tất cả. Nhưng chính sự hèn nhát của người đã bỏ rơi lời cầu cứu nơi Thơ, khiến người con gái nhạy cảm, mang thứ bệnh mãn tính ngộ độc cảm xúc này không còn lối thoát. Thơ cũng như những người nữ khác, trao gửi cho người mình yêu toàn bộ thế giới họ có, dẫu tình yêu ấy mang đến cho họ trăm nghìn vết thương. Thế nhưng, họ vẫn yêu trọn vẹn, mãnh liệt, bất chấp những

đớn đau phải nhận. Đó chính là những kiến giải của người kể chuyện Thơ về sự yêu của mình nói riêng và người nữ nói chung.

Sự đấu tranh trong nội tâm mình cũng được chính Thơ trần thuật lại với vai trò người kể chuyện. “Mới phút trước vừa quyết liệt vùi tất cả trong hầm mộ dửng dưng, tưởng vầng hào quang lì lợm bất cần có được từ những lần quyên sinh sẽ là tấm chắn kim cương với hắc ín tự kỷ nội tâm bít kín mọi khe lòng, ai ngờ kim cương nứt toác chỉ trong tích tắc sát na khi đụng phải lân tinh từ gốc cỏ tự vấn” [7, tr.224]. Người kể này đã phô bày thế giới bên trong phức tạp của mình với những giằng xé từ lương tri. Cố biến mình thành con người lạnh lùng, bàng quan nhưng trái tim Thơ vẫn nóng hổi với nhịp đập tự vấn, tự trách. Thơ biết mình mang thứ tội tày trời mà bao lời sám hối cũng không được tha thứ. Càng trốn tránh nỗi đau, nỗi đau càng dai dẳng bám riết khiến thân phận người nữ thêm phần đáng thương. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm đậm chất suy tư được sử dụng triệt để giúp cho người kể chuyện ngôi thứ nhất – nhân vật Thơ, bộc lộ chính xác tâm trạng cùng nhận thức về chính mình và cuộc đời. “Họng tôi cứng lại, có tấm màng sắt ngàn cân chẹn đứng ý nghĩ lẫn ngôn từ. … Những lời lửng lơ mọc ra tua rua quét hờ lên ngực tôi làm bật tung màng sắt chẹn họng bấy lâu. Cơ man nào là nước mắt là hờn tủi là đắng cay là tự thú bật tung ra…” [7, tr.224-225]. Đó là ngôn ngữ của thế giới tinh thần nhiều biến động của người nữ trước sự mâu thuẫn giữa tình cảm và lí trí, bản năng và chuẩn mực xã hội. Qua việc để cho nhân vật nữ độc thoại nội tâm, chia sẻ những góc khuất thầm kín chân thật nhất trong tâm hồn từ những trăn trở, suy tư, âu lo về tình yêu, cuộc sống đến sự đấu tranh cho những khát khao chính đáng, người viết đã thể hiện sự khám phá đầy nhân bản về nội tâm nhân vật, thấu cảm về giới cũng như lan tỏa âm hưởng nữ quyền đến với bạn đọc. Thể hiện đầy đủ vị thế nữ quyền bằng việc “tháo dỡ hệ thống diễn ngôn nam giới ra khỏi văn bản trần thuật nữ giới” [73, tr.123] chính là điều mà hình thức tự truyện muốn hướng đến trong sáng tác của người nữ.

Ở tiểu thuyết Lam Vỹ, ngoài người kể chuyện ngôi thứ nhất đồng thời là nhân vật nữ chính, vẫn còn một người kể chuyện “tôi” khác nhưng người kể này lại là cái tôi hóa thân với điểm nhìn, vai kể thuộc về nam giới. Đây được xem là sự hóa thân của người kể chuyện ở cấp độ nếm trải, cho phép điểm nhìn, góc độ trần thuật về các vấn đề của con người được mở rộng. Khi chuyển chủ thể trần thuật sang Việt,

Thơ hiện lên với một dáng vẻ khác – một thân ảnh mờ ảo, khó nắm bắt, khiến anh mê đắm mà bất an. Đối diện với Thơ, người kể còn có mặc cảm tự ti không thể giữ được cô bên cạnh và bận tâm đến lai lịch của Thơ. Nếu Việt trong mắt Thơ đẹp đẽ bao nhiêu thì Việt, qua lời kể của chính mình, lại bạc nhược bấy nhiêu. Bằng cách sử dụng “trường nhìn nam giới mang tính phản đề” [43, tr.104], vị thế của người nữ càng được khẳng định. “Tôi cũng chỉ là một trong triệu vạn thằng đàn ông thẩm thấu tinh thần Khổng Tử trên dải đất hình chữ S này, muốn có một người vợ, không muốn ngày ngày chiến đấu với một chiến binh cùng phòng và nhiều chiến binh khắp mặt trận gia đình. Hai mươi chín Tết vừa rồi, em đúng là chiến binh vĩ đại bên cạnh ông bố không kém phần vĩ đại của tôi” [7, tr.41]. Qua cách Việt so sánh Thơ với bố của anh – người đàn ông vĩ đại nhất anh tôn sùng, có thể thấy, Thơ có vị thế đặc biệt và không thua kém bất kỳ người đàn ông nào. Dưới góc nhìn nam giới của chủ thể trần thuật này, người nữ tỏa sáng với hình ảnh mạnh mẽ, quyết liệt như một chiến binh vĩ đại. Đằng sau cái nhìn của người kể ấy là niềm tự tôn của người nữ cùng tiếng nói khẳng định chỗ đứng vững chắc, ngang hàng của giới mình so với nam giới.

Từ điểm nhìn của phái nam, giá trị và vị trí của người nữ càng được tôn vinh.

Nếu trong tiểu thuyết của nam giới, các tác giả ít khi hóa thân vào nhân vật nữ để nêu quan điểm về các vấn đề nữ giới thì trong tiểu thuyết nữ quyền với đại diện là Lam Vỹ, nhà văn không chỉ nói về vấn đề thuộc người nữ mà còn đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới của người nam. Nhờ phương thức hóa thân này, người nữ không chỉ hiểu hơn về chính mình mà còn hiểu thêm về người đàn ông thông qua cái nhìn của họ, tạo nên một thế giới hòa hợp giữa hai phái. Điều này làm góp phần tạo nên đặc thù của lối viết nữ trong các sáng tác nữ quyền. Con người cá nhân, cái tôi bản thể với những khát khao vì thế mà được nâng niu, trân trọng. Dấu ấn phong cách tác giả không mất đi mà ngược lại, tầm và tư tưởng của nhà văn lại được in dấu đậm nét qua những biến đổi sâu sắc trong nhận thức và nội tâm của nhân vật, qua những phức điệu tinh tế trong tâm hồn họ.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)