CHƯƠNG 2 THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ
2.1. Từ thế giới người nữ đầy biến động…
2.1.2. Nhân vật nữ với nỗi khát yêu và bi kịch tình yêu
Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng của mỗi người phụ nữ. Trong họ đều có sự khao khát yêu và được yêu. Vì yêu, họ sẵn sàng khước từ tất thảy, kể cả chính bản thân mình. “Họ không có lối thoát nào khác là hy sinh cả thể xác lẫn tâm hồn cho người đàn ông vốn được coi là tuyệt đối, là chủ yếu” [3, tr.313] dù biết thứ họ nhận lại, bên cạnh niềm vui sướng, có thể là sự lạnh nhạt cùng nỗi buồn đau, uất hận, chán chường và cả tuyệt vọng. “Đàn bà, ai cũng có dạ con, ai cũng để trái tim trên đỉnh đầu” [7, tr.50]. Tình yêu chính là cuộc đời, là số phận của họ. Cũng như các cây bút nữ khác, Đỗ Hoàng Diệu đã bằng chính sự thấu hiểu mọi cung bậc ngân vang trong thế giới phức cảm của giới mình mà phơi trải những suy tư, chiêm nghiệm cùng thể nghiệm của chính mình trên trang giấy thông qua các nhân vật nữ.
Trong Lam Vỹ, tình yêu Phan Thị Thục dành cho Vĩnh là thứ tình cảm tròn đầy, mãnh liệt, bao dung và có phần cam chịu. Gắn bó với chồng từ thuở hai bàn tay trắng, Thục luôn dùng tình yêu và sự dịu dàng của mình để san bớt nỗi lo cùng Vĩnh. Tưởng chừng hôn nhân và sự ra đời của những đứa con sẽ khiến tình yêu của họ thêm nồng nàn. Nhưng tai họa ập đến đã khiến thứ tình cảm tưởng chừng bền chặt kia trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Chịu áp lực từ gia đình chồng, gông cùm của định kiến xã hội, Thục cắn răng san sẻ chồng mình với người phụ nữ khác.
Vì yêu, cô đã hi sinh tất cả, lùi lại chăm sóc hai đứa con tật nguyền để Vĩnh tiến thêm bước nữa tìm kiếm cháu trai cho gia tộc. Yêu chồng, Thục nhận hết mọi tội lỗi về mình. So với những người cùng cảnh ngộ, Thục may mắn hơn là cô vẫn được
Vĩnh yêu thương “tình yêu vĩ đại nhất anh ta đã dành trọn cho vợ. Tâm hồn Vĩnh không đủ tinh tế, nhạy cảm để yêu thêm ai khác dại cuồng” [7, tr.191]. Nhưng như thế có đủ ủi an tâm hồn đang dần cạn khô của Thục? Cam chịu và hi sinh là hai từ thường gắn với thân phận của những người nữ. Quên đi hạnh phúc của mình để mong người mình yêu thương được hạnh phúc, những người nữ đã vô tình đẩy chính mình vào vòng xoáy của số mệnh, để đau khổ đến cuối cuộc đời.
Nhưng Lam thì lại khác. Là một tâm hồn nhạy cảm với khát khao yêu đương cháy bỏng, người con gái này đã tự tìm đến Tỉnh để bày tỏ “nhiệt tình làm thơ, nhiệt tình dâng hiến” [7, tr.108]. Lam ngây thơ và cuồng dại trao gửi cả trái tim lẫn thể xác của mình cho Tỉnh, ở cạnh Tỉnh không một danh phận, không được đáp hồi yêu đương, chỉ có khổ đau và nước mắt. Bị người đàn ông ấy từ chối, cô vẫn mặc kệ.
“Đến nước này em vẫn yêu con người ấy. Suy cho cùng, anh ấy chưa hề nói tiếng yêu em” [7, tr.99]. Đau khổ, tuyệt vọng vì bị chối bỏ tình yêu nhưng cô vẫn giữ lại đứa con của mình cùng với hi vọng Tỉnh sẽ quay lại. Lam đã ngỡ ngàng, sung sướng khi mẹ con cô nhận được cái ôm từ Tỉnh. Cô đã mộng tưởng “đến chiếc giường rộng trong phòng ngủ và một đám cưới nay mai” [7, tr.168]. Nhưng “cô đâu biết cơn xúc cảm bất thường ấy sẽ chẳng được bao lâu, sẽ biến tan nhanh thành trăm ngàn ám ảnh chảy xuống thăm thẳm sâu kín đáy hồn” [7, tr.167] vẫn tiếp tục bị từ chối mọi nỗ lực của cô bằng một lí do chính đáng cùng lời van nài “Xin em để anh được làm một người cha. Việc khác, hãy cho anh thời gian” [7, tr.168]. Lam đành đón nhận hiện thực cô luôn muốn chối bỏ trong tủi hờn, oán giận đến nghẹt thở.
Biết làm sao khi trái tim Lam không chịu sự kiểm soát của lí trí?
Cũng như Lam, bà Yến hay cô gái trẻ trên tàu cũng nhẹ dạ cả tin, điên cuồng trao trọn tình yêu cho người tình để rồi, thứ họ nhận lại là hài nhi bé bỏng, sự chạy trốn đớn hèn của người yêu và sự khinh miệt, chối bỏ dòng máu của cha người tình.
Không may mắn như Lam, hai người phụ nữ đau thương vì tình này đều đánh mất con mình. Bà Yến sảy thai khi thai nhi tròn bốn tháng, cô gái trẻ sinh non khi con mới bảy tháng thai kỳ: “Con ơi, vội ra đời làm chi khi bố xem con là một tai nạn còn mẹ ngây ngô tưởng trẻ em sẽ cứu rỗi những linh hồn cổ – ác” [7, tr.166]. Họ đã yêu thương hết mình nhưng tình yêu đẹp đẽ mà họ gửi trao lại khiến cuộc đời họ vướng vào bi kịch.
Còn với Thơ, “con người, chúng ta có thể ly hôn có thể ngừng ăn có thể ngừng làm việc. Nhưng không thể ngừng yêu ngừng buồn nhớ” [7, tr.37]. Chính vì quan niệm đó mà Thơ đã chìm sâu trong tình yêu dành cho Việt. Và rồi khi Việt ra đi, người con gái nhạy cảm, yếu đuối này rơi vào trạng thái “… tôi ngồi lên chiếc giường bí ẩn, ngồi lên vạn vạn nhớ thương, nghi hoặc và tuyệt vọng mà làn da vẫn băng lạnh… Tất cả chỉ còn là câm lặng. Sự câm lặng của trái tim, câm lặng của ngôn từ, câm lặng của máu rải đầy trên chiếc giường đen tuyền thành một trời xám lịm” [7, tr.10]. Không như những người phụ nữ khác, Thơ không khóc, không tìm kiếm sự an ủi hay tâm sự với bất kỳ ai. Cô chỉ ngồi đó lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau.
“Với Thơ, anh ta là đoàn tàu, nàng là sân ga. Có điều tàu thì mất hút còn ga rì rầm nát đổ” [7, tr.114]. Biết bao phụ nữ đã cho đi tất cả tình yêu rồi nhận lại cái thở dài lạnh nhạt, sự im lặng vô tình hay sự biến mất của người tình. Trong số đó có người bám víu vào những lí do khác nhau để tiếp tục sống, có người mất hết động lực và lí trí đến mức kiệt quệ sự thiết tha với cuộc đời này. Thơ thuộc về kiểu người thứ hai.
Việc bị người mình yêu bỏ rơi đã từng khiến cô cùng đường, tuyệt vọng. “Tôi yêu Việt và tôi muốn tự tử khi anh bỏ đi. Yếu đuối quá, lụy tình quá, hèn quá, ích kỷ quá, bất hiếu quá” [7, tr.16] để rồi khi nhận bức thư từ biệt, không lời giải thích của Việt “Trái tim Thơ đã vỡ nát. Bắt đầu rạn năm mười bốn tuổi, bầm dập lên xuống đâu đó mười tám hai mươi lăm năm và giờ thì tan tành. Các mảnh vỡ, có mảnh trôi nổi lung tung trong tiềm thức, mảnh cắm xuống Hồ Gươm, mảnh bắn lên trời.
Nhưng phần nhiều đã tan vào máu, lưu thông, chảy ngược chảy xuôi trộn xéo cùng tuyệt vọng ưu phiền” [7, tr.83]. Bi kịch tình yêu của đời Thơ không dừng lại ở đó.
Thơ phải phá bỏ đứa con của mình, nỗ lực cứu vớt cuộc đời theo cách của riêng cô.
Chính tình yêu mãnh liệt, “yêu tràn ra khỏi vòng tròn Adam – Eva đã tạo dựng…
yêu bằng vẹn nguyên tất cả thể xác và linh hồn, từ đỉnh đầu đến gót chân, từ tâm hồn đến trái tim đến cả cuộc đời. Yêu đến mức tình yêu thành tội lỗi, đổ xuống mình xuống người” [7, tr.222] của Thơ đã phá hủy đời Thơ, khiến cô lạc trong mê cung ái tình không lối thoát.
Dù là yêu “không ngừng” rồi bị phụ bạc, yêu bằng khoảnh khắc “tự dưng đổ đốn yêu đời, được yêu bằng tình yêu vĩ đại” [7, tr.96] hay được yêu vì có thể sẻ chia gánh nặng dòng dõi thì cuộc đời Thơ vẫn chỉ là sự chồng chất của những bi kịch đau đớn. Khát khao tình yêu và bi kịch tình yêu khiến Thơ phải sống cuộc đời
“ngày trải dài thêm nỗi đau còn đêm khắc sâu hơn niềm nhức nhối” [7, tr.102].
Tương lai tốt đẹp của Thơ chỉ được viết nên bằng hai tiếng “giá như” trong giây phút cuối cùng của cuộc đời: “Ừ, giá như con tim tôi đã mở ra với Tỉnh rồi vịn vào nhau cùng bơi khỏi vùng biển đêm, biết đâu… Có lẽ định mệnh đã ngủ quên nên không chạy khỏi chỗ nấp những giây phút chúng tôi bên nhau” [7, tr.239]. Đời Thơ vương vào lòng luẩn quẩn của tình ái: người cô yêu rời bỏ cô, người yêu cô không thể khiến cô rung động và người được chọn lại lừa dối cô. Dù bị quăng quật đến tan thương, cuối cùng, thứ còn lại với Thơ cũng mãi là trái tim yếu đuối vẹn nguyên cảm xúc yêu đương.
Trong vòng luẩn quẩn ái tình, những người phụ nữ đã không ngừng yêu, không ngừng hiểu về tình yêu và nhận thức sâu sắc về nỗi đau mà tình yêu mang lại. Đỗ Hoàng Diệu đã thấu đến tận cùng khát vọng được sống một cuộc sống trọn vẹn của những người phụ nữ – những cá thể tự do mang đầy cảm xúc. Dấn thân vào tình yêu, chủ động giành lấy tình yêu, chấp nhận bị đau thương vùi dập, những tâm hồn nữ khát khao yêu đương trong Lam Vỹ đã được sống tận cùng “thú đau thương”
của cuộc đời mình. Nhưng hạnh phúc xa vời, tình yêu bị phản bội, họ lại trở về ôm lấy chính mình, khâu vá từng mảnh trái tim vụn vỡ, chờ đợi một ngày lại vẹn tròn dâng hiến yêu thương.