Giọng châm biếm, giễu nhại

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 81 - 84)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.3. Giọng điệu nghệ thuật

3.3.3. Giọng châm biếm, giễu nhại

Nhà văn E.G.Rudneva cho rằng: “Cảm hứng châm biếm là sự phủ định, nhạo báng, căm phẫn, mạnh mẽ và gay gắt nhất đối với những phương diện nhất định của đời sống xã hội” [Dẫn theo 73, tr.118]. Giọng giễu nhại, châm biếm được sử dụng trong văn chương nhằm thể hiện cách quan sát, lí giải, đánh giá về mọi giá trị của đời sống theo một góc nhìn khác. Giọng văn này thường xuất hiện trong sáng tác của các nhà văn nữ, đặc biệt là Đỗ Hoàng Diệu, để bày tỏ tâm tư, suy nghĩ, thái độ của người nữ về xã hội và những điều họ phải trải qua. Cùng các giọng văn khác, giọng châm biếm, giễu nhại đã tạo nên một Lam Vỹ đa giọng, giúp cất cao tiếng nói của người nữ về các vấn đề của giới mình.

Có thể nói, nhận thức mới về thế giới của Đỗ Hoàng Diệu đã được thể hiện toàn diện hơn qua giọng châm biếm. Những tưởng trong xã hội mới văn minh, tiến bộ, người ta sẽ cởi trói cho người phụ nữ, để họ được thành thật với chính mình.

Nhưng tác giả đã nhận ra được, chảy trong mạch văn minh ấy là sự bất bình đẳng và tư tưởng nam quyền. “Không chỉ nông dân sau lũy tre làng, ngay cả trí thức đại trí thức chốn thị thành vẫn thuộc làu kim chỉ nam đánh giá đàn bà kiểu tam tòng tứ đức. … Cứ chê đạo Hồi coi thường phụ nữ, đạo Khổng vùi dập đàn bà ghê hơn nhiều. Chúng ta không có mạng che mặt nhưng có hàng trăm loại gông, đúng không bác?” [7, tr.43]. Đỗ Hoàng Diệu để cho Thơ đặt câu hỏi đầy châm biếm với ông Vịnh – đại diện tiêu biểu của xã hội xem thường giới nữ, người luôn tâm niệm phụ nữ phải “biết đẻ” [7, tr.25], phải còn trinh nguyên. Người viết đã châm biếm một xã hội mà ở mọi tầng lớp, mọi xuất thân vẫn luôn giữ bảng mẫu tam tòng tứ đức để đánh giá, phán xét người phụ nữ. Giọng châm biếm còn được thể hiện qua mô hình thu nhỏ của xã hội nam quyền là gia tộc họ Võ – một danh gia vọng tộc nhưng “chất phong kiến … không chỉ sệt quánh mà còn đóng băng cứng hơn đá hộc” [7, tr.153].

Trong mắt Thơ, gia tộc này là một “thế hệ khát giống” [7, tr.149], chỉ cần hai tiếng con trai là đã cứu rỗi bầu không khí ảm đạm, chán chường. Vì “một cục chim” [7,

tr.173], họ sẵn sàng làm những chuyện đi ngược lại lẽ tự nhiên ở đời. Có được cục chim, họ sung sướng tột độ, khấn lạy tổ tiên và cho phép người phụ nữ chen chân vào hạnh phúc của vợ chồng con trai mình được bước vào gia phả. Thông qua những quan sát, nhận xét của Thơ về gia tộc này, người viết thể hiện thành công thái độ châm biếm của mình đối với xã hội – nơi tất cả giá trị tốt đẹp dần mai một trong tay những kẻ chuộng nam quyền, nơi người nữ phải chịu nhiều tổn thương và khó lòng vùng vẫy khỏi số mệnh nghiệt ngã của họ.

Nhạy cảm với mọi sự chuyển mình của đời sống, người viết nữ đã nhìn thấu được thế giới nội tâm con người và nói về nó bằng giọng châm biếm, giễu nhại.

Trong mắt Đỗ Hoàng Diệu, con người không hiện lên với những vẻ đẹp thường được nhắc đến mà mắc phải những căn bệnh tâm thần khó cứu chữa. Có thể thấy điều này qua nhận xét của Thơ: “chúng ta đều mang thứ bệnh mãn tính ngộ độc cảm xúc” [7, tr.155] hay của Lam: “chúng ta là một lũ tâm thần phân liệt nặng” [7, tr.169]. Trải qua nhiều biến động cuộc đời, nhà văn càng nhận thấy vết sẹo trong tâm hồn con người đang dần sâu hơn và ảnh hưởng nhiều đến hành động, quyết định của mỗi người. Tồn tại trong thế giới hỗn độn, chứng bệnh tâm lí càng xuất hiện nhiều, con người càng dễ bị thao túng, chi phối. Mỗi nhân vật trong thế giới do Đỗ Hoàng Diệu sáng tạo đều mắc một loại bệnh khác nhau. Có người chịu “cơn bi lụy gia truyền” [7, tr.210], không đau khổ vì tình thì cũng đau khổ vì thân phận mình. Có người mắc bệnh trọng nam, cả đời mong ngóng có cháu trai nối dõi để rồi không chết vì tuyệt vọng thì cũng đánh rơi chân tâm. Giọng châm biếm, giễu nhại cùng ngôn ngữ sâu cay đã giúp cho Đỗ Hoàng Diệu phơi bày bộ mặt của con người, xoáy vào từng đối tượng để thể hiện thái độ phê phán và đánh giá khách quan của mình.

Một biểu hiện của việc “kháng cự tình trạng mất tiếng nói” (Trần Thiện Khanh) của người nữ là xây dựng nhân vật nam bất toàn trong diễn ngôn nữ giới.

Nguồn cơn nỗi đau của người phụ nữ là người đàn ông với hai đặc điểm rõ rệt nhất là quyền tối cao của nam giới (male supremacy) và phân biệt giới tính (sexism).

Hướng ngòi bút đến những người nam, Đỗ Hoàng Diệu đã mang đến hình tượng mới về người nam bằng cái nhìn nữ giới cùng giọng châm biếm, giễu nhại. Người viết này đã trao quyền để các nhân vật nữ nói về người đàn ông xung quanh mình.

Đó là Việt, dưới góc nhìn của hoa khôi Hà thành, là loại đàn ông “ngày cúng tổ tiên

đêm thờ ma quỷ” [7, tr.205]. Hay là Vĩnh với ánh mắt dại lạc “không đơn thuần nỗi đau bị dối lừa” mà “thể hiện nỗi tuyệt vọng của một gia tộc” [7, tr.190] khi nghĩ rằng đứa con trai trong bụng Thơ không phải con anh. Hình ảnh Vĩnh đón con trai trong dáng vẻ không còn lành lặn được đặc tả bằng ánh nhìn châm biếm của Thơ:

“giật con mắt lành liên tục như đom đóm tóe sáng đêm ba mươi, máy khóe miệng không tàn tật thành dòng thanh âm ê a hoan hỉ như hợp xướng ngợi ca, vung cánh tay khỏe vẽ cả đống vòng tròn mắt xích vào không trung” [7, tr.237]. Là bố Việt

“run như con chiên làm điều xấu xưng tội trước đại diện Chúa Trời” [7, tr.151] khi cầu xin Thơ cho gặp lại đứa cháu trai của mình. Đỗ Hoàng Diệu còn cho người nam tự nói về mình. “Người ta cứ nói thằng đó Tây học, hiện đại, phóng khoáng. Sai bét, hơn bất cứ đàn ông nông dân hay thầy giáo vùng đồng bằng Bắc bộ nào, tôi chính là thằng mê Khổng Tử nhất” [7, tr.31]. Bản thân lời tự thuật của người kể chuyện Việt đã mang màu giễu nhại nên người viết không phải thêm thắt bất kỳ lời bình luận nào mà vẫn đủ khiến giọng châm biếm, giễu nhại gây ấn tượng mạnh. Sống trong nền văn hóa phương Đông, tiếp thu nền văn hóa phương Tây, cứ ngỡ ở Việt sẽ có sự hòa quyện đầy tiến bộ của những giá trị tích cực của hai nền văn hóa này. Nhưng người nam này lại đặc sệt tư tưởng nam quyền, mê Khổng Tử nhưng lại không tiếp thu những tư tưởng tốt đẹp của ông. Nhận thấy điều này ở một bộ phận người nam trong xã hội, Đỗ Hoàng Diệu đã mượn lời nhân vật Thơ để cất lên tiếng nói mỉa mai, châm biếm: “Hóa ra anh vẫn tỉnh, hóa ra cục chim nhỏ trong dạ con mình thành đề cương kịch bản một hài kịch” [7, tr.180]. Giọng châm biếm, giễu nhại không chỉ cho thấy nỗi thất vọng về người nam của người viết nữ mà còn thể hiện thái độ phản kháng, muốn xét lại phái nam bằng góc nhìn nữ quyền.

Thoát khỏi diễn ngôn nam quyền để thiết lập nên diễn ngôn mới, ngoài việc nhận thức lại người nam, giới nữ còn tiến hành tự đánh giá chính mình bằng giọng tự trào mang đậm tính châm biếm, giễu nhại. Giọng tự trào, châm biếm được tạo ra nhờ dụng ý của tác giả trong việc kết hợp phát ngôn chủ thể và phát ngôn ngoài chủ thể: “Không cần nhìn như thế, tôi biết các người lo là lo cho con chim giống trong bụng tôi, nghi hoặc tôi có đang lên nước đỏng đảnh giả vờ. Dù gì thì danh phận cũng chỉ là vợ bé vợ hai, trên cái bàn thờ kia không có chỗ cho cô, trong bài cũng chẳng ai đọc tên Thị Thơ đâu cô ơi. Ồ, tôi biết, tôi biết mà, biết rõ hơn mấy người là đằng khác” [7, tr.152]. Càng suy tư, nội tâm người nữ này càng ngập trong nỗi bất

an và cảm thấy sự tồn tại của bản thân là sai trái. “Mấy món đồ chơi xanh đỏ tím vàng kia, hai đứa con anh đã vân vê mày mò mới đây, chúng nhíu mày nhìn tôi thắc mắc. Như hỏi cô là ai, ai cho cô nằm đó, chủ nhân chúng tôi đâu? Vâng, tôi chẳng có tư cách gì ở đây và ở toàn cõi đời này” [7, tr.155]. Để cho nhân vật tự giễu lựa chọn làm kẻ chen chân vào hôn nhân người khác của mình, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng phán xét của mình về những người phụ nữ trải qua hoàn cảnh ấy. Truy tìm bản thể, suy xét bản thân, cất lên tiếng nói cảnh tỉnh là điều mà mà tác giả này muốn hướng đến khi thể hiện tinh thần tự giễu ở nhân vật nữ qua giọng châm biếm, giễu nhại. Chỉ khi nào biết nhìn trực diện vào bản thân, soi chiếu lương tâm của mình thì người nữ mới hiểu sâu hơn về mình. Tự trào, giễu nhại là cách hữu hiệu nhất để người nữ tìm lại giá trị bản ngã đã mất của chính mình.

Giọng châm biếm, giễu nhại đã giúp Đỗ Hoàng Diệu nói riêng và các nhà văn nữ nói chung đưa ra cách tiếp cận con người và cuộc đời đa chiều của mình. Người viết nữ đã thể hiện đánh giá của mình về những mặt trái, mâu thuẫn trong xã hội, trực tiếp và thẳng thắn tấn công thành trì của những cái xưa cũ, lạc hậu. Giọng văn này đã giúp các tác giả nữ đưa ra những nhận thức mới về bản chất con người, khẳng định giá trị của người nữ và thể hiện sự bình đẳng trong đánh giá. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện cần có của lối viết nữ.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)