Nhân vật nữ cùng những ẩn ức tính dục không thể giãi bày

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 39 - 44)

CHƯƠNG 2 THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

2.1. Từ thế giới người nữ đầy biến động…

2.1.4. Nhân vật nữ cùng những ẩn ức tính dục không thể giãi bày

Trong vở kịch Tự giày vò, nhà soạn kịch vĩ đại người La Mã Terence đã đưa ra một chân lý: “Tôi là người, không có gì thuộc về con người xa lạ với tôi” [Dẫn theo 65, tr.63]. Con người là tập hợp tất cả mọi khả năng, là thực thể tồn tại trên cõi đời này với sự hòa kết giữa mặt xã hội và mặt tự nhiên. Nhắc đến mặt tự nhiên của con người không thể không nhắc đến bản năng tính dục. Nó tồn tại với tư cách là một hành vi tự nhiên, là “bản năng gốc” (Bùi Việt Thắng) của con người. Trước bản năng ấy, con người luôn có nhu cầu được giải phòng bản năng. Đối với giới nữ, bản năng tính dục và nhu cầu giải phóng tính dục luôn song hành với nhau. Giải phóng bản năng tự nhiên cũng chính là giải phóng con người, hay nói cách khác, nhờ có những ham muốn tự nhiên mà con người được trở về đúng bản chất thật của nó. Thế nhưng, nỗi khát thèm chính đáng ấy nhiều khi bị đè nén bởi cảnh đời trớ trêu, định mệnh nghiệt ngã, bởi gánh nặng bổn phận và các tín điều đạo đức. Đặc biệt, với những người phụ nữ, khát khao tính dục lại càng bị kiềm chế, dồn nén. Bởi họ là

“người khác” trong thế giới này, thân phận người nữ gắn liền với những quy tắc, áp chế của xã hội và chế độ nam quyền. Những tư tưởng hà khắc, sự áp đặt của xã hội đối với người phụ nữ đã trói chặt họ trong vòng kim tỏa tầng tầng, lớp lớp suốt hàng ngàn thế kỉ qua. Nói như nhà nữ quyền Cora Kaplan, hệ tư tưởng ấy “là chiếc dùi cui dương vật phổ quát mà với nó đàn ông của mọi tầng lớp sử dụng để đánh đập đàn bà” [61, tr.52]. Để rồi từ đó, khoái cảm thẳm sâu nhất, ban sơ nhất của con

người giãy dụa trong tâm thức người nữ, làm nảy sinh những ẩn ức không thể giãi bày.

Tính dục như một hằng số luôn tồn tại trong bản thể mỗi con người. Nhờ có niềm khoái lạc nhục dục, con người mới được sống là mình một cách trọn vẹn nhất.

Nhà nữ quyền nổi tiếng Kristeva đã có quan điểm tiến bộ về tính dục: “Tính dục giống cái là cách mạng, lật đổ, dị chủng và mở rộng” [61, tr.50]. Vượt lên sự áp đặt của những định kiến lỗi thời, các nhà văn nữ đã mang vào sáng tác của mình những kiến giải mới về bản năng tính dục cùng nhu cầu giải phóng tính dục bằng góc nhìn của nữ giới. Là một nhà văn nữ, bằng cảm quan của một người nữ, Đỗ Hoàng Diệu cũng đã tái tạo trong Lam Vỹ một thế giới nhân vật nữ chìm trong những ẩn ức tính dục.

Tính dục đạt đến ngưỡng cao nhất khi gắn liền với tình yêu. Nhưng tình dục chỉ thăng hoa khi tình yêu xuất phát từ hai phía. Thật không may, không phải người nữ nào cũng may mắn tận hưởng một tình yêu trọn vẹn. Vậy nên khát vọng dục tình của mỗi nhân vật nữ được thể hiện dưới những dáng vẻ khác nhau. Đó là mối tình đơn phương đầy day dứt Lam dành cho Tỉnh. Trước ngọn lửa tình không thể tắt, Lam nguyện dâng hiến bản thân cho Tỉnh dù biết anh không hề yêu cô. Để đến khi thấy tia hi vọng xuất hiện, cô không ngần ngại bày tỏ khao khát dục vọng của mình:

“Ngủ như đêm đêm ngàn vạn trai gái chồng vợ người ta làm ấy! Ngủ như anh đã ngủ để phòi ra đứa con gái kia kìa! Lam ném huỵch đôi giày đỏ vào tường, ngang nhiên tụt quần” [7, tr.168]. Mong cầu được yêu thương của Lam mãnh liệt đến mức cô có thể vứt bỏ mọi thứ để nhận lại chút gì quan tâm từ người cô yêu. Hay bà Yến cũng từng vì yêu mà trao cho người tình đêm đầu tiên của đời con gái rồi ê chề nhận ra người mình yêu chỉ là kẻ hèn nhát luôn chịu sự kiểm soát của cha. So với Lam và bà Yến, Thơ may mắn hơn cả. Dù chỉ trải qua hơn một năm ngắn ngủi, nhưng Thơ đã cảm nhận trọn vẹn tình yêu của Việt cùng sự mãnh liệt của nhục dục. “Thơ giúp Việt gắn chiếc đồng hồ lên tường, cạnh chỗ đàn chim Lam Vỹ vừa cất cánh. Đêm đó, mỗi ba tiếng chuông ngân một lần, là thêm một lần Việt và Thơ quấn lẫn vào nhau” [7, tr.59]. Tình yêu khiến cho khát khao luyến ái của đôi lứa thêm dâng tràn.

“Chúng tôi yêu nhau trong lúc mắt em mù lòa. Đó là một cuộc yêu dữ dội và nồng nàn” [7, tr.40]. Thơ ngây ngất cả về tâm hồn lẫn thể xác. Cô nhận được những lời tự tình đầy yêu thương, thấu hiểu người tình bằng những cái chạm nóng bỏng. Có thể

khẳng định, tình dục khiến tình yêu trở nên đủ đầy, trọn vẹn nhất và ngược lại, chính bởi tình yêu mà người nữ mới được cuộn trào trong ngọn sóng nhục cảm đầy đê mê, khoái lạc. Sẽ thật hạnh phúc nếu bất kỳ người nữ nào cũng đắm chìm trong sự hòa quyện tuyệt diệu ấy.

Lam Vỹ, tính dục thường trực trong những ám ảnh về quá khứ của người phụ nữ. Đỗ Hoàng Diệu đã phơi bày một sự thật nghiệt ngã: những ẩn ức tính dục từ quá khứ mãnh liệt đến nỗi dù người phụ nữ có cố gắng trốn chạy đến đâu cũng bị buộc phải đối diện. Hồi ức đối với Thơ là cơn sóng dữ, nhấn chìm mọi thứ tươi đẹp rồi tạo nên cái hang sâu hoắm trong cô. Đêm Thơ bị con quỷ dữ ở tuổi trung niên với vỏ bọc bảnh bao ấy cưỡng đoạt, cô mới mười bốn tuổi. “Và em, em xuyên ra từ bóng tối này, kiếm tìm bóng tối khác, để đổ đầy rồi hòa tan chúng trong hốc thẳm bản năng” [7, tr.160]. “Hốc thẳm” của Thơ không chỉ thuần túy bản năng tính dục mà còn được lấp đầy bởi ẩn ức bị cưỡng đoạt trong quá khứ. “Đằng này tên bảnh bao thơm lừng ấy lại chận đạp em sau lùm cây ven đường vào một đêm trăng khuyết xám lạnh. Nơi mà chỉ cách vài mét, người người đang miệt mài chạy rong đuổi bắt sự sống và mơ ước vĩnh hằng” [7, tr.160]. Mảng màu đen tối ấy bủa vây tâm trí Thơ, tạo nên chấn thương khó phai, hình thành trong cô mặc cảm tội lỗi đến mức cho rằng “các hồn ma hung dữ đòi xé nát thân ả gái dơ bẩn” [7, tr.160]. Thơ trốn tránh nỗi đau, chui vào hang sâu, tâm sự cùng bầy Lam Vỹ, “dùng kiên cường và dối trá, … khâu vá lại màng trinh đức hạnh để bàn thờ đạo đức đặng an lành” [7, tr.161]. Quá khứ nghiệt ngã đã biến thành cơn ác mộng tâm lý, “những hình ảnh đó từ chiêm bao xa xôi trôi đến lảng vảng suốt ngày” [7, tr.160]. Ẩn ức ấy còn khiến Thơ ngụy tạo bản thân là kẻ bất thường mang căn bệnh bất chấp của Lolita qua lời tâm tình của cô với Tỉnh: “Tận bây giờ, em vẫn chưa thôi băn khoăn chuyện đêm đó. Nếu ông ta đè em trên chiếc giường thơm thơm lãng mạn với tơ rèm liễu rủ cùng chăn gối xa hoa, em có đã nghĩ mình bị cưỡng hiếp? Có lẽ không …” [7, tr.160]. Giờ đây, kí ức là cơn lốc cuốn thân phận Thơ thành đống hoang tàn, lưu đày Thơ trong miền cô độc để cô tự vấn trong mặc cảm, trong khổ đau và bị dày vò bởi những khát khao thể xác. “Những vai trò giới tính bị duy trì trong xã hội là mang tính áp đặt. Việc thi thiển những vai trò này trong những mối quan hệ bất bình đẳng về thống trị và phụ thuộc là điều mà Millet gọi là “chính trị về giới tính” [61, tr.51].

Sự bất bình đẳng giới cùng quan điểm người nữ là phái yếu đã làm giảm đi sức

phản kháng của họ. Đến mức, cả khi thân thể cùng tinh thần bị xâm phạm, họ không biết cách đứng lên để tự bảo vệ chính mình. Họ chỉ có thể cuộn mình trong mặc cảm, đau thương rồi tự chắp vá những mảnh hồn nát bươm. Để rồi những ẩn ức, chấn thương tâm lý thành hình, nhấn chìm thân phận người nữ trong biển sâu tăm tối.

Trong tiểu thuyết Lam Vỹ, nỗi khát thèm yêu đương và nỗi đau vì bị chối bỏ tình yêu đã ám ảnh tâm trí người nữ, khiến họ tìm đến dục tình. Trước nỗi đau ấy, Thơ cũng đã lựa chọn tình dục như một giải pháp. Cái đêm nghe tin Việt cưới vợ, sự đau đớn, vô vọng bị giấu kín dưới lớp phủ khoái cảm. Thơ phá bỏ mọi nguyên tắc của mình, “trong đầu chỉ rặt tiếng nghiếng răng, tim thì chèn đầy thống khoái”

[7, tr.63]. Tình dục đối với Thơ là sự giải thoát khỏi ẩn ức bị bỏ rơi, cứu cô khỏi nỗi đau bóp nghẹt của tình yêu không thành. Thế nhưng, sự ra đi của Việt đã để lại trong tim cô một lỗ thủng toang hoác, đến cả nhục cảm cũng không thể lấp đầy.

“Giá đã phá ngay từ đầu, đã khùng điên xõa tóc ra đường tìm Việt, cho máu xấu chảy ra cho căm hờn trút xuống, có lẽ ung nhọt đã không thành hình và bám chắc thành mạch trái tim tôi” [7, tr.99]. Vì lẽ đó, Thơ lạc lối trong cơn mê của luyến ái.

Cô dạo chơi trong cuộc tình chớp nhoáng cùng Huy, ông giáo sư kiêm nhà văn Việt kiều và Tỉnh, hay điên loạn chơi thuốc và làm tình cùng Lương: “Sấp người, duỗi dài, thân Thơ mỏng dẹt… Cô cong lên, quẫy giãy” [7, tr.80]. Nhưng càng chạy trốn vết thương càng mưng mủ, càng tìm đến dục tình, dục tình càng giam hãm Thơ trong thống khổ.

Khi hứng chịu sự đè nén của ẩn ức cùng chấn thương tâm lý, mỗi người nữ chọn cho mình một hướng giải quyết khác nhau. Có người tìm về với thế giới bên trong để an ủi, vỗ về chính mình, mạnh mẽ xóa đi vết tích của cơn đau dữ dội. Có người đón nhận tình yêu để chữa lành nỗi thương tâm. Nhưng cũng có người chìm đắm trong dục tình cùng tình yêu đến mức đánh rơi mọi nguyên tắc cùng quy phạm đạo đức của mình. Nhân vật Thơ trong tiểu thuyết Lam Vỹ là một người như thế.

Một lần nữa mở cửa trái tim đón nhận Tỉnh, Thơ lại biết được Lam đang mang thai đứa con của anh. Vết thương tưởng đã lành lại sưng tấy khiến cô bỏ hết tất cả để đến nơi khác. Nhưng Thơ lại một lần nữa sa chân vào vũng lầy sai trái. Dù biết Vĩnh đã có vợ và hai con nhỏ, cô vẫn đồng ý qua lại với anh trong sự đón nhận bình thản của người vợ và bố mẹ Vĩnh. Dưới danh phận là vợ hai, Thơ đàng hoàng ra

mắt họ hàng của Vĩnh cùng bào thai đang lớn dần mang giới tính nam. Cô cướp đoạt niềm vui của hai người phụ nữ bởi như lời Thục nói với cô hoa khôi Hà thành:

“chồng em rất yêu cô gái ấy và chồng chị thì rất cần cái bụng của cô ta” [7, 207].

Thơ đã qua lại với Việt – cha của bào thai cô đã bỏ năm hai mươi tám tuổi, cũng là anh họ của Vĩnh – cha của bào thai bảy tháng cô đang mang. Thứ tình yêu Thơ dành cho Việt đã khiến cho cuộc đời Thơ là một chuỗi sai lầm. “Thơ nhắm mắt, nổi chìm theo cơ thể Việt, run rẩy giữa làn môi thân quen và lẩy bẩy dưới bờ vai đã thành xa lạ” [7, tr.180]. Ngay cả khi Vĩnh hôn mê trong bệnh viện, Thơ vẫn ngả vào vòng tay của Việt. Giây phút ấy cô có nghĩ đến hình ảnh Vĩnh đang hấp hối để lí trí cùng đạo đức lên ngôi, ngăn cản dục vọng thường tình không? Có, “thực sự khi đặt chân vào cửa khách sạn, hình ảnh Vĩnh im lìm nhợt nhạt với chằng chịt dây nhợ đột nhiên được ai đó đẩy băng ca phăm phăm lao tới choán hết khu vực lễ tân xa hoa và đè bẹp xúc cảm tình yêu thiêng liêng trong Thơ… tiếng tít tít của chiếc máy trợ thở cho Vĩnh như chuỗi cọc nhọn ngáng hai bàn chân Thơ” [7, tr.220]. Thơ đã có thời gian để chọn lựa và quay đầu, cô đã có thể quyết liệt chấm dứt tội lỗi “nhưng mùi đàn ông của anh, hơi thở của những kỷ niệm đụng chạm xác hồn phập phập trào lên từ hang thẳm đẩy Thơ về phía đôi tay Việt đang phừng phừng dang mở” [7, tr.220].

Trong sự rối bời của tâm trí cùng sự tranh đấu quyết liệt giữa bản năng – trái tim và đạo đức xã hội – lí trí, “không biết từ đâu, một khối khổng lồ phốc khỏi đầu Thơ nổ banh tành lanh cọc nhọn - quạ đen lẫn tảng giày vò ngàn cân bấy lâu nay bám rễ khắp tâm thần cô gái lấy mộng mị làm chân lý” [7, tr.220]. Phút chốc, cô chọn lựa tung hê tất cả sự kìm hãm bấy lâu nay cô phải chịu, chọn buông thả theo cơn dục vọng cùng nỗi khát thèm yêu đương đang chảy trong từng thớ thịt. Có thể thấy, sự lựa chọn của Thơ còn xuất phát từ ẩn ức tính dục của giới nữ mà theo Simone de Beauvoir là dễ dàng chấp nhận bị động trước nhu cầu chủ động của nam giới cũng như từ bỏ đòi hỏi với sự vượt trội và tính chủ quan cần có. Bản năng trỗi dậy cùng sự tác động của Việt đã biến Thơ lao vào vực sâu. Để rồi, khi dục vọng tan biến,

“cô tự trách đã không quyết liệt ngăn anh, đã thả mình trôi theo anh dù biết vực sâu sóng xoáy sủi sục hăm dọa suốt hành trình” [7, tr.220]. Quyết định của Thơ là kết quả của cả một quá trình tích tụ, dồn nén, thất vọng, bí bách và mong muốn giải phóng bản năng. Thơ hấp hối trong cái điên loạn của xã hội, trong vòng luẩn quẩn của tình ái và đau thương, như chính lời Thơ nói với Tỉnh: “em với Việt, Lam với

anh, anh vòng qua em còn Vĩnh giữa nút rối ngồi mơ ấu thơ bên vợ mình” [7, tr.195]. Người nữ được toàn quyền làm chủ nhu cầu dục tình thông qua việc sống trọn vẹn với khát khao rất đời của mình nhưng phải nỗ lực tách khỏi sự tác động của đàn ông. Vậy nên, để thoát khỏi sự chi phối về mọi mặt của người nam, người nữ cần tự thức nhận bằng cách giải phóng chính mình, thể hiện cái tôi và tự hào vì điều đó. Nếu không thể làm được điều đó, người nữ sẽ mãi mãi bị vùi sâu trong sự đau đớn tột cùng.

Nếu người đàn ông trải những suy tư, chiêm nghiệm của mình lên trang giấy thì người nữ lại viết nên thể xác, bản năng tính dục của mình. Thẳng thắn, chủ động đề cập đến tính dục bằng lối viết kiêu hãnh, người nữ đã thể hiện sự phản kháng đối với quan niệm xã hội lỗi thời xem đàn ông là trung tâm. Viết về những ẩn ức tính dục của thân phận nữ, Đỗ Hoàng Diệu đã góp vào một tiếng nói khẳng định bản năng tự nhiên của người nữ và sự bình đẳng giới trong mọi khía cạnh, đặc biệt là tính dục và tình dục bởi “cái đẹp dục tính của phái nữ là biểu trưng tối thượng và sau cùng của tháp ngà đạo đức, của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Dục tính không chỉ là chân móng, nó còn là đỉnh tháp của văn chương” [22, tr.78].

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)