1.5 Đặc điểm vùng nghiên cứu
1.5.1 Lâm Trường Tỉnh Đội
Lâm Trường Tỉnh Đội hình thành vào năm 1983 trên cơ sở là vùng đất hoang hóa chưa sử dụng, UBND tỉnh An Giang giao cho Tỉnh Đội An Giang quản lý với tổng diện tích 1.672 ha. Lâm trường trực tiếp đầu tư, khai phá trồng mới rừng theo phương thức rừng sản xuất, quản lý và khai thác.
Mục đích trồng Tràm của Lâm Trường “Tái tạo rừng và phát triển rừng tràm trên đất phèn nặng, rửa phèn và cải tạo đất. Khai thác tràm cừ phục vụ cho các công trình xây dựng và chất đốt cho người dân sống xung quanh Lâm Trường. Tạo môi trường sống cho cá nước ngọt, chim nước, lưỡng cư - bò sát và các loài động vật hoang dã khác”.
Năm 1983 với diện tích được giao sử dụng Lâm Trường tiến hành cải tạo đất, gieo xạ tràm, đào các tuyến kênh và xây dựng đê bao. Sau đó thực hiện công tác chăm sóc, quản lý và khai thác.
Năm 1990 Lâm Trường Tỉnh Đội tiến hành cải tạo hệ thống kênh mương, đê bao, trồng mới các vùng đất trống và trồng lại các lô rừng tràm kém phát triển. Thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu sản xuất (khu A,B,C,D,E), khu A 250 ha, khu B 500 ha, khu C 300 ha, khu D 300 ha, khu E 322 ha. Trong đó, khu A được bảo vệ tốt nhất, hầu hết tràm trên 10 tuổi.
Ngày 28/3/2007 UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt toàn bộ diện tích Lâm Trường Tỉnh Đội là khu vực bảo tồn đất ngập nước.
Ngày 16/5/2007 UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt về việc điều chỉnh diện tích khu vực đất ngập nước Lâm Trường Tỉnh Đội còn 250 ha thuộc khu A.
Vị trí – diện tích
Lâm Trường Tỉnh Đội thuộc xã Tân Tuyến và xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ranh giới sử dụng của Lâm Trường được xác định phía Đông và phía Tây giáp đất ruộng, phía Bắc giáp Lâm Trường Bình Minh, phía Nam giáp Lâm Trường Bưu Điện và đất ruộng. Trong đó, vị trí của khu bảo tồn đất ngập nước phía Đông giáp Lâm Trường Bưu Điện, phía Tây giáp đất ruộng, phía Bắc giáp tỉnh lộ 943, phía Nam giáp đất ruộng (Hình 1).
Hình 1: Vị trí khu đất ngập nước Lâm Trường Tỉnh Đội
Nguồn: Goodgle map
Tổng diện tích của Lâm Trường Tỉnh Đội được là 1.672 ha, trong đó diện tích các trảng cỏ ngập nước theo mùa khá rộng khoảng 380 ha, kênh mương và lung đìa ở đây ngập quanh năm (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005). Trong đó, khu bảo tồn đất ngập nước ở Lâm Trường Tỉnh Đội nằm gần như toàn bộ trong địa phận xã Tân Tuyến và một phần thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với diện tích bảo tồn 250 ha thuộc khu A.
Địa hình – thổ nhưỡng
Khu vực nằm trong vùng Tứ Giác Long Xuyên và gần với núi Cô Tô nên địa hình phần lớn khá cao, nhất là khu vực gần chân núi nghiêng và dốc về phía Đông. Vào mùa lũ cường độ mạnh nhất từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10, nước sẽ tràn vào nội đồng Lâm Trường và thường bị ngập sâu vào mùa lũ từ 1-3 m.
Theo tài liệu phân tích thổ nhưỡng tỉnh An Giang thành lập năm 1985 do trường Đại Học Cần Thơ thực hiện, khu vực Lâm Trường Tỉnh Đội có 05 nhóm đất chính sau:
Đất phù sa có phèn nhẹ phát triển ít hữu cơ; Đất phù sa có phèn trung bình chưa phát triển, có phèn cạn; Đất phù sa có phèn trung bình chưa phát triển; Đất phù sa nâu phát triển, nhiều hữu cơ điển hình; Đất phèn hiện đại điển hình (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005).
Khí hậu – thủy văn
Vị trí khu đất ngập nước
Khí hậu khu vực mang đặc điểm chung của vùng nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ cao đều quanh năm và khá ổn định, trung bình năm khoảng 280C, biên độ nhiệt của tháng lạnh nhất và nóng nhất là khoảng 230C - 360C. Lượng mưa tương đối nhiều và phân bổ theo hai mùa rỏ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 với lượng mưa chiếm khoảng 90% lượng mưa của cả năm và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn sông Cửu Long, mùa lũ nước sẽ tràn về nội đồng gây ngập, đỉnh lũ cao nhất là +3,0 m (Sở Tài nguyên – Môi trường An Giang, 2005).
Sự đa dạng sinh học
Theo kết quả điều tra khảo sát của sở Tài nguyên và Môi trường An Giang (2005), tính đa dạng sinh học ở khu vực Lâm Trường Tỉnh Đội được ghi nhận với sự hiện diện của các loài: 55 loài chim, 29 loài cá, 28 loài lưỡng cư – bò sát và 42 loài thực vật.
Động vật, hệ chim có số lượng loài phong phú hơn cả, phổ biến là các loài như Trích, Cồng cộc, Cò, Diệc, Vịt trời,… Có 02 loài chim đặc biệt đáng quan tâm là Vịt mào và Hạc cổ trắng đây là loài đang bị suy giảm nghiêm trọng ở Đông Nam Á, loài sắp bị đe dọa là Điêng điểng cũng ghi nhận có 02 cá thể. Chim rừng trong Lâm Trường không nhiều lắm, chỉ gặp phổ biến các loài Chích bụng vàng, Rẻ quạt Java, Hút mật họng tím. Cá chủ yếu là các loài cá nước ngọt du nhập vào rừng theo nước lũ hàng năm như Lóc, Rô, Trê trắng, Trê vàng, Sặc rằn, Sặc bướm, Chốt giấy, Chạch, Cá dảnh, Cá he,… Lưỡng cư – bò sát bao gồm Thằn lằn, Kỳ nhông, các loài Rắn nước, Rắn hổ ngựa, Rắn hổ hành, Rắn ri voi, Rắn ri cá, Rùa, Ba ba, Cóc nhà, Ếch đồng,…
Thảm thực vật chính của Lâm Trường là rừng tràm trồng với các loài tràm Nội và tràm Úc. Thảm thực vật sát mặt đất ở vùng này thường thưa thớt ưu thế cỏ chỉ và năng ngọt, ngoài ra còn có các loài như: Cỏ bấc, Cỏ ống, Sậy, Cỏ mồm mỡ, Cỏ nhỉ cán, Lúa ma, Rau dừa, Nhàu nước, Vòi voi, Lác nước, Bìm nước,… Ở những nơi ngập sâu (kênh, mương) thường thấy các loài thực vật thủy sinh như: Sen, Súng, Lục bình, Bèo tai chuột, Nghễ, Rau muống,…
Các kiểu sinh cảnh của Lâm Trường được ghi nhận trong vùng là kênh có nước thường xuyên, rừng tràm trồng ngập lũ và trảng cỏ ngập nước theo mùa.
Phân bố dân cư
Dân cư sống xung quanh khu đất ngập nước Lâm Trường Tỉnh Đội có 694 hộ với 3.141 người. Trong đó, ấp Tân Đức thuộc xã Tân Tuyến có 105 hộ với 468 người phân bố dọc theo tỉnh lộ 943, ấp Huệ Đức và ấp Tô Phước thuộc xã Cô Tô có 589 hộ với 2.673 người sống dọc theo trục lộ kênh 13 ở phía tây Lâm Trường.
Bảng 1: Dân cư xung quanh đất ngập nước Lâm Trường Tỉnh Đội
Ấp Số hộ Số nhân khẩu
Tân Đức 105 468
Huệ Đức 272 1.083
Tô Phước 317 1.590
Tổng 694 3.141
(Nguồn: Số liệu ban ấp Tân Đức, Huệ Đức và Tô Phước, 2010)
Cộng đồng dân cư ở khu vực này phần lớn là dân từ nơi khác đến (khoảng 70%) chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, làm thuê, buôn bán nhỏ. Cuộc sống của người dân phần lớn dựa vào thiên nhiên và khai thác củi gỗ trong các lâm trường (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005).
Trình độ học vấn
Điều kiện kinh tế xã hội trong vùng chậm phát triển và cuộc sống của người dân ở đây còn khó khăn nên trình độ dân trí cũng chưa cao, đa số người dân có trình độ tiểu học, đặc biệt là người lớn có trình độ rất thấp. Phổ cập tiểu học 70%, phổ cập trung học cơ sở 20%, phổ thông trung học rất ít, đại học, cao đẳng không có (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005).