1.5 Đặc điểm vùng nghiên cứu
1.5.3 Búng Bình Thiên Lớn
Búng Bình Thiên Lớn là một hệ sinh thái mở, trước đây có hai dòng chảy hướng Đông và hướng Tây tạo thành dòng chảy xuyên qua Búng nên nguồn nước được lưu thông và thông suốt. Qua quá trình bồi lắng tự nhiên và tác động của con người nên đã lấp mất dòng chảy từ hướng Đông, còn lại cửa hướng Tây nước đi vào và đi ra theo chế độ thủy triều của sông Bình Di.
Búng Bình Thiên Lớn nằm trong phạm vi ba xã Khánh Bình, xã Quốc Thái, xã Nhơn Hội và thuộc sự quản lý chung của các chính quyền các xã.
Năm 2007 UBND tỉnh An Giang có quyết định số 834/QĐ.UBND ngày 28/3/2007 phê duyệt Búng Bình Thiên lớn là khu bảo tồn đất ngập nước với diện tích 143 ha.
Năm 2010 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp với UBND huyện An Phú và các xã Khánh Bình, xã Quốc Thái, xã Nhơn Hội thành lập Ban quản lý nghề cá Búng Bình Thiên
Vị trí – diện tích
Búng Bình Thiên Lớn là khu đất ngập nước nằm trong địa phận ấp Búng Nhỏ xã Khánh Bình, ấp Búng Lớn xã Nhơn Hội và ấp Búng Bình Thiên xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Vị trí của khu đất được xác định phía Bắc giáp sông Bình Di, phía Nam giáp khu dân cư và dọc theo tỉnh lộ 956, phía Đông giáp đường đất 484, phía Tây giáp sông Bình Di (Hình 3).
Hình 3: Vị trí khu đất ngập nước Búng Bình Thiên Lớn
Nguồn: Google map
Búng Bình Thiên Lớn là vùng đất ngập nước dạng hồ, với tổng diện tích khoảng 143 ha (mùa khô), tăng lên gấp bốn lần vào mùa lũ. Mực nước mùa kiệt trung bình khoảng 3,5 m và mực nước cao nhất khoảng 6 m vào mùa lũ, lượng nước nơi đây chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt người dân trong khu vực (Sở Tài nguyên – Môi trường An Giang, 2005).
Thổ nhưỡng
Theo tài liệu thổ nhưỡng của huyện An Phú do trường Đại Học Cần Thơ thành lập năm 1985, khu vực này có 03 nhóm đất phù sa với 05 loại đất như sau: Đất phù sa nâu thoát thủy khá tốt trên đất phù sa gley tầng mùn dày trên hơn 20 cm; đất có tầng phù sa nâu mỏng 30-50 cm, trên đất phù sa gley có tầng mùn dày hơn 20 cm; đất phù sa nâu có tầng sinh phèn xuất hiện ở 120-150 cm; đất phù sa nâu thoát thủy khá; đất phù sa gley toàn phẩu diện tầng mùn dày hơn 20 cm, thuần thục sâu hơn 150 cm.
Khí hậu – thủy văn
Khu vực nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,...) nhìn chung ổn định và thích hợp với nhiều loại cây trồng. Búng Bình Thiên Lớn nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long nên có chế độ thủy văn mang nét đặc thù riêng.
Mùa lũ, do chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy sông Mekong bắt đầu từ tháng 6 lượng nước ở thượng nguồn sông Mekong đổ vào sông Tiền và sông Hậu rất lớn, làm dâng cao mực nước gây ngập, với lượng mưa trong khu vực gây nên tình trạng lũ lụt.
Vào thời gian từ cuối tháng 8 đến tháng 11 cả vùng hầu như bị ngập nước toàn bộ.
Mùa khô, do ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, trong ngày có hai lần triều lên và xuống, biên độ triều từ 1-1,2 m (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005).
Vị trí Búng Bình Thiên Lớn
Sự đa dạng sinh học
Búng Bình Thiên Lớn là nơi trú ẩn của nhiều loài thủy sinh vật, đặc biệt là các loài cá tôm nước nước ngọt. Từ đó, kéo theo sự sinh sống và và phát của một số loài chim nước và chim cạn. Theo kết quả điều tra của sở Tài nguyên và Môi trường An Giang (2005) về đa dạng sinh học có 20 loài chim, 64 loài cá, 17 loài lưỡng cư – bò sát, 38 loài thực vật.
Khu đất ngập nước này bị bao quanh bởi các hệ sinh thái nhân tạo (ruộng lúa, hoa màu, khu dân cư…) nên mức độ đa dạng sinh học không cao, các loài chim phát hiện được một số loài như Le le hôi, Cò trắng, Cú Gáy, Cú Ngói, Chim chia vôi, Chim sâu,… Tuy nhiên, các loài này được phát hiện không thường xuyên. Cá hầu hết là các loài cá nước ngọt như cá Lóc, Rô, Trê, Mè vinh, Cá dảnh, Cá lăng,…
Thảm thực vật của vùng thưa thớt và không có quần thể thực vật ưu thế. Thực vật trên cạn gồm các loài như Tràm nội, Bạch đàn, Me nước,… và thực vật thủy sinh như Súng, Bèo tai chuột, Lục bình,… Các kiểu sinh cảnh được ghi nhận trong vùng là hồ có nước thường xuyên.
Phân bố dân cư
Dân cư sống xung quanh khu đất ngập nước Búng Bình Thiên Lớn khá đông đúc có 1.386 hộ với 7.339 người. Phía Tây Nam dân cư tập trung chủ yếu dọc theo tỉnh lộ 956 thuộc ấp Búng Bình Thiên có 386 hộ và ấp Búng Lớn là 655 hộ, khu vực này có làng người Chăm. Phía Tây Bắc dân cư sống dọc theo tỉnh lộ 957 và đường đê 484 thuộc ấp Búng Nhỏ có 345 hộ. Phần lớn dân cư trong vùng sinh sống bằng nghề làm ruộng, hoa màu, chăn nuôi, làm thuê, buôn bán nhỏ, nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Bảng 3: Dân cư xung quanh đất ngập nước Búng Bình Thiên Lớn
Ấp Số hộ Số nhân khẩu
Búng Bình Thiên 386 2.008
Búng Lớn 655 3.537
Búng Nhỏ 345 1.794
Tổng 1.386 7.339
(Nguồn: Số liệu thống kê ban ấp Búng Bình Thiên, Búng Nhỏ, Búng Lớn, 2010)
Trình độ học vấn
Do là khu vực biên giới và điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, người lớn thường trình độ học vấn còn thấp. Phổ cập tiểu học 70%, phổ cập trung học cơ sở 25%, phổ thông trung học 5%, rất ít trình độ cao đẳng - đại học (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2005).