1.2 Cơ sở thực tiễn
1.2.2 Khái quát tiến trình lịch sử An Giang
* Giai đoạn vương quốc Phù Nam
Những bằng chứng khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học… đã chứng minh thuyết phục rằng, địa bàn tỉnh An Giang ngày nay vốn là một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn và quan trọng của vương quốc Phù Nam xưa.
Dấu vết của một trong những hải cảng lớn và quan trọng bậc nhất của Đông Nam Á vẫn còn ở huyện Thoại Sơn ngày nay (đồng thời chính nền kinh tế cảng thị đã góp phần quyết định trong tiến trình hình thành, lớn mạnh và suy vong của vương quốc Phù Nam); cùng với nó là di chỉ khảo cổ Óc Eo hàm chứa một bề dày văn hóa qua nhiều giai đoạn cổ xưa, trước khi người Việt đặt chân đến đây.
* Giai đoạn thuộc Thủy Chân Lạp
Kể từ sau khi vương quốc Chân Lạp tiêu diệt vương quốc Phù Nam (khoảng thế kỷ V – thế kỷ VII), toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, thời điểm ấy được gọi là vùng Thủy Chân Lạp, bên kia biên giới gọi là vùng Lục Chân Lạp.
Tuy nhiên bản thân vương quốc trẻ Chân Lạp cũng không giữ được sự ổn định lâu dài, nhiều lần xảy ra nội chiến, nhiều lần bị quân Xiêm (Thái Lan ngày nay) xâm chiếm và thôn tính, cuối cùng, vùng Thủy Chân Lạp chỉ còn là mảnh đất hoang vu, hầu như không có bóng người, chỉ lác đác một vài ngôi nhà, một vài phum, sóc nhỏ của người Khmer trên các giồng đất (Năm thứ 2 niên hiệu Nguyên Trinh (Bính Thân, 1296), Châu Đạt Quan – sứ thần nhà Nguyên đến Chân Lạp – đã mô tả như sau: “Đoạn từ Chân Bồ theo hướng Khôn – Thân, chúng tôi đi ngang qua biển Côn Lôn và vào cửa sông. Sông này có hàng chục ngả…nhìn lên bờ toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy trắng…”) [88].
Tuy nhiên với vai trò là vị trí chiến lược trong việc đánh chiếm Đại Việt (cụ thể là Đàng Trong) nên rất nhiều lần quân Xiêm đã tràn qua đánh chiếm Thủy Chân Lạp, khiến cho Thủy Chân Lạp trở thành chiến trường giao tranh nhiều lần giữa Chân Lạp với Xiêm, giữa Chân Lạp với Đại Việt và giữa Xiêm với Đại Việt.
* Giai đoạn các chúa Nguyễn và triều Nguyễn
Lịch sử Việt Nam giai đoạn Nam Bắc triều (Lê – Mạc) và giai đoạn Đàng Trong – Đàng Ngoài (Trịnh – Nguyễn) diễn ra nhiều cảnh loạn ly bởi nội chiến diễn ra liên miên, nhân dân cùng khổ, mất người thân, mất nhà, mất ruộng…, trở thành bần cùng hóa, phải tìm phương lánh nạn đói, nạn giặc giã, nạn quan
tham sách nhiễu…. Vì thế đã xuất hiện rất nhiều những đoàn lưu dân tự phát đi tìm vùng đất mới để khẩn hoang lập nghiệp trước khi có chính sách của triều đình.
Tuy nhiên vùng đất mới (Nam Bộ nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng) cũng không phải là đất hứa, tuy đến đây, các lớp lưu dân Việt không gặp xung đột về văn hóa với cư dân bản địa (người Khmer), với người Hoa, nhưng chốn viễn biên vốn hoang vu, sơn lam chướng khí, nỗi niềm hoài hương và những vụ cướp phá của quân Xiêm liên kết với Chân Lạp …cũng là những trở ngại lớn lao thử thách bản lĩnh những người đi khai khẩn.
Với chính sách tàm thực, các chúa Nguyễn đã khôn khéo gây ảnh hưởng (lúc bảo hộ, lúc uy hiếp) với Chân Lạp nên đã dần dần mở rộng phạm vi lãnh thổ vào Nam và dần chiếm trọn Nam Bộ.
Năm 1679, Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) và Dương Ngạn Địch đem binh lính và gia quyến hơn 3000 người với hơn 50 chiếc thuyền lớn xin chúa Nguyễn cho tị nạn (tránh sự truy sát của triều đình Mãn Thanh, vì Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đều là những cựu thần nhà Minh, nằm trong lực lượng phản Thanh phục Minh). Chúa Nguyễn (Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần) cho phép Trần Thắng Tài ngụ cư ở cù lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai), Dương Ngạn Địch ngụ cư ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Đồng thời năm 1680, Mạc Cửu cũng đi từ Trung Hoa tới Campuchia, rồi tá túc, chiêu mộ dân cư khai mở đất Hà Tiên, được giữ chức Tổng trấn.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, dựng dinh Phiên Trấn và Trấn Biên. Tuy nhiên, lúc này vua Chân Lạp là Nặc Thu lại dựa vào quân Xiêm để cướp phá những người dân buôn bán trên các sông của hệ thống sông Cửu Long. Tháng 7 năm
1699, chúa Nguyễn Phúc Chu lại phái Nguyễn Hữu Cảnh cùng Phạm Cẩm Long đem binh từ Quảng Nam, Bình Khang (Khánh Hòa) hợp với quân lưu thủ Nguyễn Hữu Khánh ở Trấn Biên (Biên Hòa – Đồng Nai) kéo quân vào Tân Châu đánh dẹp.
Năm 1757, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ trở lại nắm quyền ở Chân Lạp, để tạ ơn chúa Nguyễn, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long. Theo lời tâu trình của Nguyễn Cư Trinh, chúa Nguyễn cho dời dinh Long Hồ từ Cái Bè qua vị trí thành phố Vĩnh Long ngày nay, và để án ngữ dinh Long Hồ, chúa Nguyễn cho bố trí 3 cứ điểm phòng thủ nương tựa nhau: đạo Châu Đốc (thị xã Châu Đốc ngày nay), đạo Tân Châu (xã Long Sơn – Phú Tân ngày nay), đạo Đông Khẩu (thị xã Sa Đéc ngày nay). Năm 1808, Gia Long đổi tên Vĩnh Trấn (dinh Long Hồ cũ) thành trấn Vĩnh Thanh, bao gồm một khu vực rộng lớn, ăn từ biên giới Việt - Campuchia đến biển, từ Bảy Núi (Tịnh Biên, Tri Tôn) đến tận Bãi Xàu, Giá Rai, gồm cả Tân Châu và vùng Bến Tre [75].
Được sự chấp thuận của Gia Long, tháng 11 năm Đinh Sửu (1817), Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại tiến hành chỉ đạo dân đào kênh Thoại Hà (Gia Long đặt tên để ghi công Thoại Ngọc Hầu) nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá.
Tiếp đó, tháng 9 năm 1819, Nguyễn Văn Thoại chỉ đạo đào kênh Vĩnh Tế (Minh Mạng đặt tên để ghi công Châu Thị Vĩnh Tế - vợ của Thoại Ngọc Hầu) nối Châu Đốc với Hà Tiên. Tháng 9 năm 1836, Minh Mạng chỉ đạo khắc hình kênh Vĩnh Tế lên Cao Đỉnh (tên của một cửu đỉnh ở Huế).
Sau khi Lê Văn Duyệt (tổng trấn Gia Định) qua đời, vua Minh Mạng chia Nam Bộ cũ thành 6 tỉnh. Năm 1832 , tỉnh An Giang được chính thức thành lập trên cơ sở tách trấn Vĩnh Thanh thành Vĩnh Long và An Giang. An Giang lúc
bấy giờ có phạm vi kéo dài từ biên giới Campuchia xuống Cái Tàu Hạ, bao gồm luôn Sóc Trăng.
* Giai đoạn thuộc Pháp đến nay
Năm 1867, Pháp chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh. Theo nghị định ngày 05/01/1876 của Thống đốc Dupré, Pháp bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh mà chia thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Lòng, Bassac, bao gồm 19 hạt; tỉnh An Giang được chia thành 5 hạt (Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc).
Theo nghị định ngày 20/12/1899, Pháp bãi bỏ các hạt, đổi thành tỉnh. Năm 1917, tỉnh Châu Đốc gồm 4 quận (Châu Thành, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên), tỉnh Long Xuyên bao gồm 3 quận (Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới).
Theo Nghị quyết số 19/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 20 tháng 12 năm 1975, tỉnh An Giang được thành lập, bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ (trừ huyện Thốt Nốt). Tháng 02 năm 1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp và lấy lại danh xưng “huyện”; “quận và
“phường” dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hóa.
Miền Nam có 21 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc trung ương. Tỉnh An Giang có 11 huyện, thị: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Quyết định 56/CP của Chính phủ, hợp nhất huyện Huệ Đức và Châu Thành thành huyện Châu Thành; huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi. Ngày 23 tháng 8 năm 1979, Quyết định số 300/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, chia huyện Châu Thành thành huyện
Châu Thành và huyện Thoại Sơn, chia huyện Bảy Núi thành huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Ngày 13 tháng 11 năm 1991, Quyết định số 373/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng chia huyện Phú Châu thành 2 huyện Tân Châu và An Phú.
Ngày 01 tháng 3 năm 1999, Nghị định 09/NĐCP của Chính phủ, thành lập thành phố Long Xuyên.
Nghị quyết số 40/NQCP ngày 24 tháng 08 năm 2009 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc huyện Tân Châu, huyện An Phú, huyện Phú Tân, thành lập thị xã Tân Châu.
Tỉnh An Giang hiện nay bao gồm 01 thành phố (Long Xuyên), 02 thị xã (Châu Đốc và Tân Châu), 08 huyện (Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú).