Giải thích một vài danh từ chung và thành tố chung

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 49 - 56)

Chương 2: PHƯƠNG THỨC ĐỊNH DANH VÀ CẤU TẠO ĐỊA DANH AN GIANG 2.1 Kết quả thu thập và phân loại địa danh An Giang

2.2 Vấn đề danh từ chung và thành tố chung

2.2.2 Giải thích một vài danh từ chung và thành tố chung

BÀU: là chỗ đất trũng, thường trong đồng hay trong rừng, mùa mưa nước đọng lại tương đối sâu, mùa nắng ít nước hoặc có thể khô cạn. Ví dụ: bàu Cá Bông (AP).

BƯNG: từ gốc Khmer “bâng”, là chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng thường không có nước đọng nhưng mùa mưa thì ngập khác sâu và có các thứ lác, dưng mọc. Vào mùa nước, bưng thường có nhiều cá đồng. Ví dụ: bưng Lương (AP).

CỒN: là chỗ đất bồi cao lên ở giữa dòng sông hoặc từ bờ sông hay bờ biển đưa ra phía trước. Chỗ đất này nổi lên giữa sông, nếu khá rộng lớn để sinh sống

và canh tác được thì gọi là cù lao. Ví dụ: cồn Cỏ Găng (TC), cồn Én (CM), cồn Phó Quế (LX), cồn Tiên (LX), cồn Cả (PT), cù lao Giêng (CM), cù lao Cỏ Túc (AP), cù lao Ông Hổ (LX)…

DOI: Doi là phần đất bồi tích nằm ven sông hoặc cách bờ sông bằng một con rạch nhỏ. Ví dụ: doi Chợ Vàm (PT), doi Kiến An (CM), doi Cái Dầu (CP), doi Mỹ Bình (LX)…

LUNG: là chỗ trũng đọng nước quanh năm nằm giữa cánh đồng hay giữa rừng. Lung khác láng ở chỗ gần bờ thì cạn còn ở giữa thì sâu, còn láng thì ở chỗ nào cũng có độ sâu ngang nhau. Ví dụ: lung Tượng (PT), lung Xẻo Mây (LX), lung Bằng Tăng (LX)…

NGỌN: dòng nước nhỏ ở đầu nguồn sông rạch. Ví dụ: ngọn Chong Rầy (CT), ngọn Sóc Chét (CM).

NHÁNH: giống như kênh, do con người đào nhưng có chiều dài rất ngắn, dùng để dẫn nước hoặc thoát nước. Ví dụ: nhánh Xẻo Lò (PT), nhánh Mương Xã (LX), nhánh Ngã Bát (LX).

RỌC: đường nước tự nhiên nhỏ, ngoẳn ngoèo, thường có trong rừng, không sâu và không rộng lắm, mọc nhiều lau sậy, hay nối liền với lung, bưng, đầm, hồ, xẻo. Ví dụ: rọc Hang Cô (AP), rọc Bưng Sen (AP), rọc Bảy Thưa (AP), rọc Rừng (CM), rọc Xẻo Muối (AP).

XÉP: dòng nước nhỏ mà hẹp, ngoài ra xép còn được dùng chỉ vùng đất nằm trong khu vực hai con rạch chạy bao quanh hình vòng cung, một con rạch cắt ngang. Ví dụ: xép Năng Gù (CP, CT), xép Ka Tam Bong (CP), xép Bà Lý (LX, CT), xép Vĩnh Trường (AP), xép Cồn Én (CM).

2.2.2.2. Thành tố chung

BA: Ở An Giang có khoảng 70 địa danh bắt đầu bằng thành tố Ba, thành tố này xuất hiện với các ý nghĩa sau: thứ nhất, ba là số từ: chợ Ba Tiệm (CP), kênh Ba Đình (LX), mương Ba Cô (CM), cầu Ba Miễu (LX); thứ hai, Ba chỉ số thứ tự trong gia đình: kênh Ba Liệt (CT), mương Ba Ngọc (AP), kênh Ba Vụ (TS), mương Ba Khang (CM)…

BÀ: địa danh An Giang có khoảng 68 đơn vị mang thành tố này, chủ yếu là chỉ người phụ nữ, bao gồm BÀ + DANH TỪ RIÊNG: chợ Bà Vệ (CM), mương Bà Giảng (CP), mương Bà Cả (PT), cống Bà Thứ (LX).

CÀ: có khoảng 10 địa danh mang thành tố này, toàn bộ là thành tố trong tổ hợp từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer, đa số chưa giải thích được ý nghĩa: ấp Cà Na (TT), cà na là tên gọi một loại cây, cho trái thon, hình bầu dục, nhỏ, chua, vị chát, ăn sống hoặc ngào mứt; rạch Cà Dâm (AP), kênh Cà Ròn (CM), núi Cà Lanh (TB)…

CẢ, CÁI: toàn tỉnh có khoảng 99 địa danh mang một trong hai thành tố này, như đã trình bày ở trên, Cả và Cái đều chỉ nhánh sông hay con rạch.

CẦN: có khoảng 20 địa danh mang thành tố này, toàn bộ là thành tố trong những tổ hợp có nguồn gốc từ tiếng Khmer, trong đó, chúng tôi chỉ giải thích được một ít (xem chương 3).

Ô: có 13 địa danh mang thành tố này, Ô là tiếng Khmer, nghĩa là “nước”, thường chỉ suối, hồ: mương Ô La (CP), suối Ô Thum (TT,TB), hồ Ô Tức Xa (TB), đường Ô Tà Sóc (TT).

SÓC: có khoảng 10 địa danh mang thành tố này, Sóc tức là Srok “làng”

tiếng Khmer: chợ Sóc Chét (CM), ở đây Chét có nghĩa là “chuối”, Sóc Chét là

“xóm chuối”; ấp Sóc Triết (TT), kênh Sóc Nạn (CM), ấp Sóc Tức (TT), đường Sóc Tà Ngáo (TB).

2.3 Phương thức định danh

Theo Lê Trung Hoa, để có địa danh, nhân dân từ xưa đến nay đã sử dụng hai phương thức: phương thức tự tạo và phương thức chuyển hoá.

2.3.1 Phương thức tự tạo

Phương thức tự tạo là phương thức cơ bản để tạo ra địa danh, phương thức này gồm 5 cách: 1. Dựa vào đặc điểm của chính bản thân đối tượng để đặt tên.

2. Dựa vào sự vật, yếu tố có quan hệ chặt chẽ với đối tượng để gọi. 3. Ghép các yếu tố Hán Việt để đặt tên. 4. Dùng số từ hoặc chữ cái để đặt tên. 5. Cách 3 và cách 4 phái sinh hoặc hỗn hợp.

Áp dụng vào thực tế nghiên cứu địa danh ở An Giang, chúng tôi có một vài thay đổi nho nhỏ về các cách định danh của phương thức này như sau:

2.3.1.1 Tự tạo dựa vào thực tế khách quan

Đối với những đối tượng được tạo theo cách này, bao giờ tên gọi của nó cũng có lý do, tức là đều căn cứ vào một yếu tố, đặc điểm nào đó để gọi. Nét đặc trưng của chúng được khẳng định ngay trong ý nghĩa tên gọi. Chúng ta có bảng phân nhóm cụ thể như sau:

Dựa vào đặc điểm chính bản thân đối tƣợng

Đặc điểm Ví dụ

1. Hình dáng kênh Chữ T (TS), cầu Chữ U (TT), kênh Tròn (LX- TS), kênh Cụt (CM), cầu Cụt Thuỳ (TC), kênh Xáng Cụt (TB), kênh Xẻo Đùn (CM)

2. Kích thước kênh Lung Dài (CM), mương Tiểu (LX), núi Nhỏ

(TS), núi Dài (TT, TB), rạch Gòi Lớn (LX), rạch Gòi Bé (LX), kênh Mương Lớn (CM)…

3. Tính chất núi Trọi (TS), mương Cạn (LX), mương Chìm (TS), mương Nổi (CM), mương Phèn (TB), mương Sâu (CĐ), kênh Mới (TT), …

4. Vật liệu xây dựng cầu Sắt Giữa (TT), cầu Sắt Ngã Ba (LX), cầu Gỗ (TS), cầu Ván (CM)

5. Cách thức xây dựng

kênh Xáng (TC, TS), kênh Đào (TB, LX, TS, CM), cầu Xây (PT), mương Kéo (CM).

6. Công dụng mương Ranh Làng (PT), cầu Ranh Làng (CM), cầu Thông Lưu (LX), đường Liên Xã (LX), kênh Ranh Ấp (CM), kênh Ranh Làng (CM), kênh Ranh Xã (CM), kênh Ranh Sân Bay (LX), mương Chống Ung (CP), kênh Tôn Nền Nhà 1 (TB), kênh Tiêu Lũ Nhỏ (TB), kênh Cấp Nước (TB)…

7. Năng lực phục vụ kênh Tám Ngàn (TT): tổng chiều dài là 36km, đoạn chảy qua AG là 23.5km, rộng đáy 18m, đào năm 1978, duy tu năm 1996, Tám Ngàn là khả năng cung cấp nước, thoát lũ trên địa bàn rộng 8.000 ha.

Tương quan giữa đối tượng được đặt tên với đối tượng khác

Đặc điểm Ví dụ

1. Vị trí kênh Nhánh Đông (TC), kênh Nhánh Tây (TC-AP), kênh Ven Trà Sư (TB), kênh Ngang Cô Tô (TT), mương Xuyên Đồng Núi Sam (CĐ), kênh Giữa (CT), kênh Cặp Bãi Rác (LX), kênh Vành Đai Núi Ba Thê (TS), đường Cặp Vàm Sông Hậu (LX), đường Vòng Cồn Phước (CM), kênh Vòng Núi Sam (CĐ)…

2. Cây cỏ rạch Cái Mây (PT), kênh Cỏ Lau (AP), kênh Bông Vải (TS), kênh Điên Điển (TC), rạch Lung Ấu (CP), kênh Bông Súng (TS), kênh Xẻo Môn (CM), kênh Cốc (CP), kênh Cây Gòn

(CT), kênh Hàng Gáo (CT), rọc Cà Na (AP), mương Me (LX), rạch Bần (LX)…

3. Con vật bàu Cá Bông (AP), núi Sam (CĐ), cống Láng Cá Trê (TC), mương Bồng Bồng (CP), núi Két (TB), cồn Én (CM), mương Trâu (CP, CT, LX, CT), kênh Bò (CM), cù lao Ông Hổ (LX), núi Voi (TB)…

4. Công trình xây dựng

đường Nghĩa Trang (LX), cầu Đình (LX), cầu Chùa (LX), cầu Trạm Y Tế (LX), đường Làng Nghề (TC), cầu Chốt Xã Đội (AP), đường Trường Đua (CĐ), cầu Lò Gạch (TT), mương Nhà Đèn (CM), kênh Nhà Thờ (CM), kênh Lò Rượu (CM), mương Cột Dây Thép (AP)…

5. Biến cố lịch sử

kênh Hai Mươi Sáu Tháng Ba (TC-PT), kênh Ba Mươi Tháng Tư (TB), kênh Ba Tháng Hai (CP), kênh Mười Chín Tháng Năm (PT), kênh Một Tháng Năm (TB), kênh Hai Mươi Tháng Mười (TC)…

6. Tổ chức quản lý hoặc xây dựng

kênh Tỉnh Đội (TB), kênh Quốc Gia (CP), kênh Xã Đội (LX), kênh Thị Đội (TC), kênh Uỷ Ban (TS)…

2.3.1.2 Tự tạo bằng cách vận dụng các đơn vị ngôn ngữ

Nhóm này là linh động hơn, bao gồm việc lắp ghép các thành tố Hán Việt, thuần Việt, chữ cái, số đếm với nhau. Tên gọi được tạo từ cách này đơn giản và giá trị phản ánh hiện thực không cao bằng nhóm ở trên.

a. Ghép các thành tố Hán Việt

Cách định danh này phổ biến ở những địa danh chỉ đơn vị hành chính, nhất là tên xã và ấp. Toàn tỉnh có khoảng trên 1033 địa danh loại này. Ví dụ: ấp An Lạc (CM), ấp Bình An (CP), ấp Tân Biên (TB), phường Mỹ Bình (LX), phường Vĩnh Mỹ (CĐ), thị trấn An Châu (CT), thị trấn Long Bình (AP), huyện Tân Châu (AG), thành phố Long Xuyên (AG)…

b. Dùng số từ

Cách này xuất hiện ở những địa danh chỉ kênh, mương, cầu, cống, đường và hẻm, thường có hai cấu trúc sau: số từ; Số + số từ

Ví dụ: kênh 20 (TB), kênh 4 (CĐ), kênh 1 (CP), mương 10 (AP), mương 11 (AP), mương Số 3 (AP), cầu Số 13 (TT), cầu Số 14 (TT), cầu Số 15 (TT), hẻm 5 (LX), hẻm 42 (LX), đường 19 (LX), đường số 7 (CM), đường Số 10 (CM)…

c. Dùng chữ cái

Cách này cũng tương tự như cách dùng số từ, tập trung nhiều nhất ở địa danh chỉ kênh. Ví dụ: kênh B (TS), kênh C (TS), kênh D (TS), kênh E (LX-TS- TT), kênh F (LX-TS-TT), kênh G (TS)…

d. Kết hợp giữa thành tố Hán Việt và số từ: kênh Tây Lợi 1 (CT), kênh Tây Lợi 2 (CT), kênh Tây Lợi 3 (CT), mương 13 Phú Lâm (PT), kênh Vọng Đông 1 (TS), kênh Vọng Đông 2 (TS), hẻm 1 Đông An 1 (LX), hẻm 2 Đông An 1 (LX), hẻm 3 Đông An 1 (LX), hẻm 4 Đông An 1 (LX), hẻm 5 Đông An 1 (LX)…

e. Kết hợp giữa thành tố Hán Việt và chữ cái: số lượng những địa danh loại này rất ít, ví dụ: đường Long Thạnh C (TC), đường Tân Hoà ABC (TC).

f. Kết hợp giữa thành tố Hán Việt, chữ cái và số từ: kênh Tân Hiệp A1 (TS), kênh Tân Hiệp A2 (TS), kênh Tân Hiệp B1 (TS), kênh Tân Hiệp B2 (TS), kênh Tân Hiệp B3 (TS), kênh Tân Hiệp C1 (TS), kênh Tân Hiệp C2 (TS), kênh Tân Hiệp C3 (TS), kênh Tân Hiệp BC1 (TS), kênh Tân Hiệp BC2 (TS)…

g. Kết hợp giữa thành tố thuần Việt với chữ cái, thành tố Hán Việt với số từ hoặc cả ba đối tượng này: kênh Sườn 4 (TT), kênh Sườn 5 (TT), kênh Sườn H (TT), kênh Sườn I (TT), kênh Sườn J (TT), kênh Tiêu N2 (CM), kênh Tưới TĐ 13 (CM), kênh Tưới TĐ 19 (CM), kênh Tưới ML 4 (CM)…

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 49 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(258 trang)