Giá trị phản ánh về mặt tự nhiên

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 85 - 92)

Chương 3: NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH AN GIANG 3.1 Nguồn gốc một số địa danh ở An Giang

3.2 Giá trị phản ánh hiện thực

3.2.2 Giá trị phản ánh về mặt tự nhiên

Như đã trình bày ở chương I, An Giang là tỉnh có địa hình đồng bằng xen lẫn núi, không giáp biển. Nếu so với một số tỉnh miền Tây cũng có vị trí không giáp biển như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, An Giang có điểm đặc biệt hơn bởi hệ thống núi ở vùng biên giới Tây Nam. Ngoài ra, do đón trọn dòng chảy của hai con sông lớn, sông Tiền và sông Hậu, lại nằm trong vùng trũng của Nam Bộ, nên yếu tố kênh rạch phân bố rộng khắp cả địa bàn cũng là nét đặc trưng riêng của vùng.

3.2.2.1 Địa hình kênh rạch chằng chịt

Giá trị phản ánh này được quyết định ở hai khía cạnh sau:

Xét ở bình diện chung, so sánh với một số tỉnh miền Tây có điều kiện địa lý tương tự, chúng ta thấy số lượng địa danh chỉ dòng nước chảy (thuỷ danh) ở An Giang nhiều hơn cả.

BẢNG SO SÁNH SỐ LƢỢNG THỐNG KÊ ĐỊA DANH CHỈ SÔNG RẠCH [5] [87] [10]

LOẠI ĐỊA DANH

ĐỒNG THÁP

VĨNH

LONG BẾN TRE AN GIANG

Bàu 12 5 12 1

Búng 0 0 0 2

Bưng 4 45 8 1

Đầm 0 0 2 0

Đìa 12 19 30 0

Hóc 0 0 1 0

Khém 17 0 10 0

Lung 0 0 0 5

Mương 44 9 20 374

Ngọn 19 10 0 2

Rạch 248 667 538 111

Sông 0 230 69 5

Vũng 0 0 2 0

Xẻo 19 13 65 0

Xép 0 0 0 5

Rọc 10 0 0 12

Tắt 2 3 0 0

Kênh 405 357 425 1115

Tổng 792 1358 1182 1628

Căn cứ vào bảng so sánh trên, chúng ta thấy số lượng địa danh chỉ sông rạch chung ở An Giang nhiều hơn cả. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số lượng nhiều này chỉ tập trung ở địa danh chỉ kênh và mương, vắng mặt nhiều ở những địa danh tự nhiên (bàu, bưng, đầm, đìa, hóc, xẻo, tắt…). Đó là do không phải ban đầu không có những địa danh này, mà trong một giai đoạn nào đó, nó được con người tận dụng, nạo vét, đào sâu và dài hơn, chuyển hoá vào địa danh chỉ loại hình khác. Đây chính là khía cạnh thứ hai, về chiều dài lịch sử, sông rạch nhiều, không chỉ bởi tạo hoá mà còn do chính bàn tay của con người làm nên.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có tổng cộng 92 địa danh chỉ kênh, mương, nhánh, rạch, rộc/rọc bằng sự tôn tạo của con người, được chuyển hoá từ những địa danh chỉ địa hình tự nhiên (đìa, dọc, hố, khe, láng, lòng hồ, lung, rạch, sông, xẻo, xép, gòi, bưng). Ví dụ: kênh Đìa Dài (CM), kênh Dọc Bà Giảng (CM), kênh Hố Sen (CM), kênh Khe Long (CM), kênh Láng Cháy (TB), kênh Lòng Hồ Trên (CP), kênh Lòng Hồ Dưới (CP), kênh Lung Xẻo Mây (TS), kênh Lung Sen (CM), kênh Rạch Bần (CM), kênh Rạch Gáo (CT), kênh Sông Quanh (TS), kênh Xẻo Bí (TS), kênh Xẻo Nở (CT), kênh Xép Cồn Phước (CM), mương Đìa Chà (AP), mương Lung Bông (CP), mương Xẻo Tre (PT), rạch Gòi Lớn (LX), rạch Gòi Bé (LX), ranh Xẻo Muồng (CM), rọc Hồ Dài (AP), rọc Bƣng Môn (AP),…

3.2.2.2 Sản vật Nam bộ:

Hệ động vật và thực vật của An Giang nằm trong hệ động vật và thực vật chung của Nam bộ và địa danh Nam Bộ đã phản ánh khá nhiều đặc điểm này.

Có những con vật hoặc cây cỏ ngày nay không còn nữa hoặc rất hiếm hoi còn thể hiện trong địa danh. Trong nhóm những địa danh giải thích được, toàn tỉnh có 40 địa danh chỉ động vật và 150 địa danh chỉ cây cỏ.

3.2.2.2.1 Thực vật

Đặc điểm địa hình đồng bằng xen lẫn núi cũng phần nào quy định sự phong phú về cây cỏ ở đây. Ở An Giang 4 địa danh liên quan đến tràm: kênh Hàng Tràm (CT); kênh Tràm Chích (TS); kênh Xà Mách (CM), cầu Xà Mách (CM). Xà Mách gốc Khmer x’math “cây tràm”. Ngoài ra, cây dầu và cây sao, cây bằng lăng, cây gòn và cây còng là những loại cây có mặt ở hầu khắp địa bàn tỉnh, riêng cây dầu và cây sao có nhiều ở vùng cù lao Ông Chưởng (trước là cù lao Cây Sao) và cù lao Mỹ Hoà Hưng. Cù lao Mỹ Hoà Hưng hay còn gọi

là cù lao Ông Hổ, ngày xưa chỉ có người Khmer sinh sống, gồm hai cù lao nhỏ là Koh Rưsây (cù lao Tre) và Koh Chon-lôs (cù lao Dầu), người Khmer ở cù lao Dầu chủ yếu sống bằng nghề bán nhựa dầu làm chất đốt. Năm 1833 –1834, khi Trương Minh Giản đánh quân Xiêm ở sông Vàm Nao, người Khmer đã bỏ cù lao, chạy giặc và định cư tại Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng. Ngày nay, vết tích chùa Khmer vẫn còn ở đầu cù lao, và cây dầu vẫn nhiều trên tất cả con đường ở cù lao.

Cũng nói về địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer, ở Châu Đốc có mương Thốt Nốt. Thốt Nốt là một loài cây hiện nay chỉ còn ở vùng biên giới Campuchia, mặc dầu ở cách đó khoảng 80km, có thị trấn Thốt Nốt (Cần Thơ), nhưng không còn cây thốt nốt sống nữa. Người Khmer gọi là Th’nốt, cây cho lá làm đồ mỹ nghệ, vẽ tranh, cho trái ăn, cho nước uống, sản xuất đường, làm bánh… Tranh thốt nốt được làm từ cách đốt điện lá thốt nốt đã được sơ chế, có phong cách rất đặc trưng của vùng.

Như trên có đề cập, vùng sông nước này có hàng loạt những loài cây chỉ chuyên mọc hoặc được trồng ven bờ sông, rạch… để giữ đất, làm cột mốc của bờ và bến sông khi mùa lũ về. Cũng từ đó, ta thấy rải rác khắp địa bàn tỉnh là những địa danh quen thuộc: kênh/ rạch Cây Gáo (CĐ, CP, CT, TS, CM); rạch/

cầu Xẻo Gừa (PT), cầu Rạch Gừa (LX); kênh/cầu Cái Bần (CM), kênh Rạch Bần (CM); kênh Cả Bứa(TS); cầu Cây Me (TT); rạch Mương Sung (CP); cầu Mương Sung (CM), cầu Cây Sung (TB); cầu Rạch Sung (LX); mương Xẻo Trâm (CM); rọc Cà Na (AP); cầu Cả Trôm (CM); kênh So Đũa (TS); mương Bằng Lăng (CM), cầu Bằng Lăng (LX).

Cũng là nét đặc trưng vùng sông nước, cây rau dại ở đây khá phong phú.

Ta có khá nhiều địa danh chỉ các loài rau sống ven kênh rạch. Ví dụ: rạch Xẻo

Mác (AP), mương Chuối Nước (LX), kênh Bông Súng (TS), ranh Xẻo Muồng (CM), cầu Xẻo Dứa (LX), cầu Rau Đắng (CM).

3.2.2.2.2 Động vật

Địa danh có nguồn gốc từ tên của động vật được chia làm ba nhóm. Nhóm thú gồm những địa danh phản ánh thời kỳ vùng đất này còn hoang hoá, trong đó có một vài loài thú ngày nay không thấy nữa, có 26 địa danh loại này. Ví dụ: kênh Đầu Sấu (TC), rạch/cầu Cả Nai (CM), cù lao Ông Hổ (LX), núi Voi (TB), xã/ ấp Núi Voi (TB), kênh Đường Tượng (CT), rạch Hành Tượng (AP), kênh Đường Trâu (TB), mương Trâu (CP, CT, TS, LX), kênh Bò (CM)…

Nhóm chim bao gồm 10 địa danh, chủ yếu là những địa danh có nguồn gốc tên gọi các loài chim ăn cá. Ví dụ: mương Bồng Bồng (CP), 6 địa danh mang thành tố “Dung”: rạch Cái Dung, cầu Cái Dung, đường Cái Dung (Mỹ Thạnh, LX), rạch Dung (Mỹ Khánh, LX). Bồng bồng là chim cùng loại với vịt trời, le le nhưng con lớn hơn. [102,202]. Riêng thành tố “Dung”,theo Sơn Nam [75,143-147], “dung” tức là “tung” theo tiếng Khmer nghĩa là “con thằng bè”, cù lao Dung tức là Koh Tung (cù lao chim thằng bè). Thằng bè là loại chim hình dáng giống như chim bồ nông nhưng to hơn, hai cánh của chúng dang ra dài non hai mét. Ngoài ra, chúng ta còn một số địa danh khác như: cồn Én (CM), xép Cồn Én (CM), núi Két (TB). Sở dĩ gọi là núi Két vì trên đỉnh núi này có một mỏm đó nhô ra giống như hình con chim két. Tuy nhiên, nơi đây là núi rừng, chim két không phải là hiếm hoi.

Nhóm thủy sản bao gồm 11 địa danh: núi Sam (CĐ), bàu Cá Bông (AP), rạch Cần Xây (LX), cầu Cần Thay (CM), rạch Trà Ôn (LX), cống Láng Cá Trê (TC). Cá bông là “một loài cá lóc to con, sống ở sông hoặc kinh lớn, mình có vằn đen, đầu hơi nhọn, miệng rộng, bơi và phóng rất khoẻ” [102,249]. Cần

Xây và Cần Thay là hai biến âm của từ Khmer Konh Thyad nghĩa là “con ba ba”. Riêng thành tố “Sam” trong địa danh núi Sam, chỉ con sam biển, do ngày xưa trong những lần biển tiến, “hòn đảo” này sam bám rất nhiều. Vết tích vỏ sò biển còn lưu lại lưng chừng núi không chỉ ở riêng núi Sam, mà cả ở núi Dài, Ô Tà Sóc và những dãi núi khác trong vùng.

Nhìn chung, hệ thống địa danh có nguồn gốc từ tên động vật, thực vật trên đã phần nào vẽ lại bức tranh thiên nhiên thời kỳ sơ khởi của vùng đất này. Đây là một bức tranh thu hút người ta bởi hai đặc điểm: rừng rậm và sông nước, đầm lầy.

3.2.2.3 Đặc trưng mùa nước nổi

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, người dân ở đây đã quen với khái niệm “sống chung với lũ”, việc thỉnh thoảng một vài năm thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc nước tràn bờ, lội phố bì bõm rất bình thường.

Những năm gần đây, nhà nước tăng cường đê bao, nạo vét kênh rạch nhằm chặn lũ và thoát lũ, nhưng chỉ cải thiện phần nào, vùng sông nước này vẫn giữ nguyên đặc trưng của nó. Điều này thể hiện rõ qua các phương thức canh tác ruộng vườn, cất nhà sàn ven sông, trồng một số loại cây giữ bờ (me, trâm bầu, bứa, bần,…) và qua cách đặt địa danh.

Toàn tỉnh có 24 địa danh liên quan đến mùa nước nổi, trong đó có 15 địa danh mang thành tố “Nổi”, 7 địa danh mang thành tố “Chìm” và 2 địa danh mang thành tố “nước”. Đó là những địa danh chỉ kênh, mương, núi và khóm, ấp quanh ngọn núi đó. Ví dụ: Mương Nổi (CT, TS, CM), kênh Chìm (CT, TS, CM), núi Nổi (AP, TC), ấp Núi Nổi (AP, TC), núi Nước (TT), khóm Núi Nước (TT). Kênh nổi là kênh đắp nổi trên mặt đất, có đáy kênh cao hơn mặt đất.

Kênh nổi được sử dụng làm kênh cấp nước tưới. Mực nước trong kênh phải đủ

cao để có thể cấp nước tự chảy cho đồng ruộng do kênh phụ trách. Kênh nổi phải được xây dựng với chất lượng tốt để giảm lượng tổn thất do ngấm và rò rỉ, nâng cao hệ số sử dụng nước. Kênh chìm là kênh đào chìm có toàn bộ mặt cắt chuyển nước nằm dưới mặt đất. Kênh chìm dùng để tiêu nước hoặc là kênh dẫn nước tưới từ nguồn hút vào bể hút các trạm bơm tưới. Trong trường hợp tiêu nước, mực nước trong kênh chìm cần thấp hơn mặt đất một độ nhất định để đảm bảo việc tiêu nước tự chảy từ ruộng ra kênh. Do đặc trưng khô nóng vào mùa nắng và thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa mà hai hình thức kênh này rất phổ biến trong công tác thủy lợi ở địa phương nhằm điều chỉnh mực nước, cung cấp nước tưới tiêu trải đều cho nhiều loại địa hình trong địa bàn tỉnh.

An Phú, Tân Châu là hai huyện đầu nguồn, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, là dãy đất phù sa ngọt, đất đai ở đây tương đối bằng phẳng. Núi Nổi (thuộc xã Phú Hữu, AP, cao 10m, chu vi 320m) ở đây cũng giống như núi Sam, là những ngọn núi sót, biệt lập với các dãi núi khác trong vùng, khi lũ tràn về, ngập lụt vài tháng, ngọn núi này là nơi khô ráo nhất giữa biển nước nên được dân gian gọi là núi Nổi (tức là núi nổi giữa đồng nước).

Riêng huyện Tri Tôn là huyện miền núi, sát ranh với Kiên Giang, núi Nước chính là núi đá thật, còn gọi là Thuỷ Đài Sơn, ở tại thị trấn Ba Chúc, cao 54m, chu vi 1.070m. Núi này không cao lắm, nằm ở vùng ven cụm núi Dài và cụm núi Phú Cường, giữa vùng thấp gần kênh Vĩnh Tế, do đó, khi lũ tràn về, ngọn núi này cũng nằm trong mênh mông đồng nước, vì thế dân gian gọi là núi Nước.

Đặc điểm này là một đặc trưng nổi bật của khu vực, là yếu tố hấp dẫn, hình thành nên xu hướng du lịch độc đáo: “du lịch mùa nước nổi”.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 85 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(258 trang)