Giá trị phản ánh về mặt ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 98 - 106)

Chương 3: NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH AN GIANG 3.1 Nguồn gốc một số địa danh ở An Giang

3.2 Giá trị phản ánh hiện thực

3.2.4 Giá trị phản ánh về mặt ngôn ngữ

3.2.4.1 Phương ngữ Nam Bộ thể hiện qua địa danh

Phương ngữ thể hiện đầu tiên ở những địa danh chỉ các sản vật Nam Bộ như đã trình bày mục trên. Đó là những loài cây, rau cỏ đặc trưng vùng sông nước: rạch Lung Ấu (CP), rạch Xẻo Mác (AP), ranh Xẻo Muồng (CM), cầu Xẻo Dứa (LX), mương Thốt Nốt (CĐ), kênh Cốc (CP), rạch Xẻo Gừa (PT), rọc Cà Na (AP), kênh Cả Bứa (TS), kênh So Đũa (TS), kênh Phèn Ô Môi (CT)…

Kế đến, phương ngữ Nam Bộ thể hiện qua những danh từ chung trong địa danh như: bàu – bàu Cá Bông (AP); bưng – bưng Lương (AP); cù lao – cù lao

Giêng (CM), cù lao Ông Hổ (LX); doi – Doi Chợ Vàm (PT), doi Kiến An (CM); lung – Lung Tượng (PT), lung Mây (LX); kênh – kênh Đào (LX), kênh Ruột Vùng Năm Xã (AP); ngọn - ngọn Sóc Chét (CM); ranh – ranh Tà Nêu (CM), ranh Cống Lỡ (CM); xép – xép Cồn Én (CM); vồ - ấp Vồ Bà (TB), ấp Vồ Đầu (TB)…

Bên cạnh đó chúng ta có một số địa danh là những từ địa phương như sau: kênh Đòn Dong, mương Đòn Dong, cầu Đòn Dong (TT, CP, CT, PT, CĐ, TS, CM). Đòn dong là cây tầm vong hoặc tre, hoặc gỗ dài, khi cất nhà hai mái úp (thường là mái lá hoặc mái tôn), nó được gác lên phía trên cùng, làm chiều dài cho mái. Trong việc đào kinh mương, người ta sử dụng nó như thế nào, chúng tôi chưa rõ, có lẽ nó rất phổ biến trong việc này, bởi vì địa danh Đòn Dong trải khắp địa bàn tỉnh (30 địa danh).

Kênh Chổng Khu (CM), chổng khu có hai nghĩa: 1. khom thấp người xuống để đầu thấp ngang mông “Câu hò tôi dựng một lu, lum khum nó rớt chổng khu mò hoài”. 2. cắm đầu, miệt mài, vùi đầu vào công việc “Vợ chồng tôi chổng khu làm tối ngày, có để ý gì đến chuyện đó đâu, nên chẳng hay biết chuyện gì cả”. [102, 347]

Mương Xắng (CM), xắng là một động từ, người ta dùng len hoặc mũi dao to ghim mạnh xuống đất, nẩy mũi dao hoặc len về phía sau để khui bật miếng đất lên. Xắng thường chỉ dùng trong cụm từ “xắng đất”, sau khi xắng đất xong, người ta có thể mang hốt đất tơi đi đổ chỗ khác hoặc băm miếng đất nhỏ lại để rãi phân và hạt giống. Đây là dạng địa danh miêu tả cụ thể việc đào kênh mương. Con mương này tương đối khá nhỏ, dài 300m, rộng đáy 1m, đào năm 1985.

Cuối cùng, như đã trình bày ở phần Dấu ấn lưu dân Việt, chúng ta có tổng cộng 515 địa danh thuộc nhóm này. Trong đó, có 353 địa danh có cấu trúc

“thứ tự trong gia đình + tên riêng”, các thứ này trải dài từ thứ hai cho đến thứ mười và thứ út. Hệ thống địa danh này thể hiện nét độc đáo về cách định danh người và cách xưng hô trong gia đình và xã hội ở Nam Trung Bộ. Nếu ở Bắc Bộ, con lớn nhất là con cả, thì ở Nam Trung Bộ là người thứ hai. Những người còn lại không gọi “con chim đầu đàn” ấy là “anh hay chị cả” mà gọi là “anh hay chị hai”, hoặc chỉ gọi là “hai”, chị dâu hay anh rể lớn nhất cũng được gọi như vậy. Người lớn thì gọi là “vợ chồng thằng hai/con hai”, nếu họ hàng đông quá, người ta gọi kèm theo tên khai sinh hoặc tên thường gọi ở nhà để phân biệt. Những người con tiếp theo được gọi lần lượt theo thứ tự ấy. Nếu gia đình có 5 người con, người đầu là thứ hai, sau đó là thứ ba, thứ tư, thứ năm và út.

Như vậy, để xác định đứa con này là đứa được sinh vào lần thứ mấy thì người ta lấy thứ tự trong nhà và trừ lại một con số. Và cái thứ tự này được sử dụng rộng rãi không chỉ trong bà con họ hàng, mà cả ở chòm xóm và ngoài xã hội.

Nếu một người nào đó thứ tư trong nhà, tên Thép, bà con chòm xóm sẽ gọi là ông Tư Thép (đối với người lớn tuổi, ngang hàng hoặc dùng để phân biệt với ông tư khác) hoặc là ông Tư (đối với người nhỏ tuổi hơn hoặc cách gọi ngắn gọn trong giao tiếp). Đôi khi người ta còn gọi là ông già Tư (trong trường hợp rất thân mật, hoặc trong thái độ giảm nhẹ sự trân trọng). Cách gọi này thường dẫn đến trường hợp, trong họ hàng đông, hoặc trong xóm giềng, có những người được quen gọi bằng thứ của mình, mà lâu dần bị quên mất cái tên khai sinh, “chỉ biết ông Tư mà chẳng còn nhớ ông Tư tên gì?”

Ở miền Bắc, người ta không sử dụng cách gọi theo thứ tự này mà gọi thẳng tên của người nào đó kèm theo từ xưng hô như bà, ông, bác, chú, cô, anh,

chị… Cách gọi này phổ biến trong gia đình và xã hội. Vì sao cách gọi theo thứ lại quá phổ biến ở Nam Trung Bộ? Có hai cách giải thích cho vấn đề này.

Thứ nhất, trong giai đoạn đầu của công cuộc khai phá vùng đất mới. Lưu dân Việt khi vào Nam, nơi rừng thiêng nước độc, thường là người con thứ, bởi theo quan niệm của người Bắc, con trai cả mới là người đại diện cho gia tộc, chăm lo việc thờ tự, hương quả của họ tộc. Do vậy, tốp ở trong Nam lập nghiệp, người lớn, đứng đầu gia đình lại là người con thứ hai, và vai trò thờ tự được chuyển về người con nhỏ nhất, được chăm lo, bảo bọc nhiều hơn. Đặc biệt, khi khẩn hoang, rất cần nhiều nhân lực, khẩn hoang đến đâu, người ta chia đất và những đứa con lớn lập gia đình đều ra ở riêng, người con út ở với ba mẹ và chăm lo phần đất đã có sẵn.

Thứ hai, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam lánh nạn, bản thân ông là người con thứ. Ông cũng như binh lính dưới trướng, để tỏ lòng thương xót, tưởng niệm bố là Nguyễn Kim và anh cả là Nguyễn Uông, đã tránh không dùng khái niệm con cả nữa. Cách tránh gọi con cả này cũng thể hiện sự biết ơn và quyết tâm xây dựng lực lượng để trả thù cho gia tộc họ Nguyễn. Có thể vì sự kiện này mà sau đó, nó trở thành thói quen trong xưng hô ở Nam bộ cho đến bây giờ.

3.2.4.2 Lớp từ lịch sử còn lưu lại trong một số địa danh

Nói đến từ lịch sử, ở An Giang nổi trội hai địa danh lâu đời, đó là Châu Đốc và Chợ Thủ (CM). “Đốc” là từ gọi tắt của đốc binh, chỉ chức quan võ chỉ huy đạo quân trấn giữ vùng cửa ngõ biên giới này. “Thủ” tức là Thủ Chiến Sai, nơi đóng quân ngày xưa ở đây. Những từ lịch sử trong địa danh chỉ xuất hiện ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bao gồm: kênh Ấp Chiến Lược, mương Ấp Chiến Lược, cầu Ấp Chiến Lược, đường Ấp Chiến Lược (38

địa danh, có ở CP, CT, LX, TS, TT,CM) mương Chiến Lược (CM) mương Đồn (CP, CT), khóm Phó Quế, cồn Phó Quế (LX), cồn Phó Ba (LX), rạch Phán Diện (CĐ) kênh Phán Hoà (TS). Trong đó, “ấp chiến lược” là nơi tập trung quản lý dân ngày xưa của Mỹ Nguỵ; “đồn” là một chốt binh lính khoảng 100 đến 200 lính dưới thời Pháp thuộc hoặc trong vùng tạm chiếm [38,85]; “phó”

là từ gọi tắt của phó tổng, phó xã, phó thôn (chức vụ giúp chánh tổng, xã trưởng, thôn trưởng) [48,66]; “phán” là từ gọi tắt của thông phán (chức quan nhỏ, thường là ở tỉnh, thời phong kiến hoặc viên chức trung cấp làm việc trong các công sở, thời thực dân Pháp) [48,66].

3.2.4.3 Tiếp xúc ngôn ngữ

An Giang là vùng đất mới, chỉ có cơ bản bốn dân tộc cư trú. Tuy nhiên, trong bốn dân tộc ấy, người Khmer là cư dân bản địa, sau đó là người Kinh. Do vậy, việc tiếp xúc ngôn ngữ chỉ diễn ra chủ yếu giữa tiếng Khmer và tiếng Việt. Toàn tỉnh có khoảng 82 địa danh được xác định có nguồn gốc từ tiếng Khmer, nhưng để giải thích ý nghĩa rõ ràng rất khó khăn. Việc truy nguyên nguồn gốc ý nghĩa của lớp từ này vô cùng cần thiết, giúp ta có thái độ rõ ràng hơn đối với những dạng địa danh này. Chỉ khi nào hiểu biết đúng, chúng ta mới có thái độ trân trọng đúng đắn đối với tên gọi vùng đất mà chúng ta đang kế thừa. Ở huyện Thoại Sơn có địa danh là núi Ba Thê. Ban đầu đây là tên núi, tên kinh, tên cầu và tên đường. Đây là từ gốc Khmer, Phnom Tà Thner, nghĩa là

“núi ông Thner”. Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 1975, khi có sự tiếp nhận và củng cố đất nước sau chiến tranh, với quan niệm mới, Ba Thê không thể nào là

“ba vợ”, như vậy là trái với đạo đức xã hội (cũng xuất phát từ câu chuyện dân gian: có một ông thần có ba vợ, một hôm, gia đình có việc không vui, ông thần thi đắp núi cùng ba bà vợ, kết quả, ông ta thua và chịu sự ràng buộc của ba bà,

ngọn núi ông ta đắp do tức giận đã bị đạp đổ là núi Sập, hòn đá ông ta giận dữ quăng đi là núi Chọi, ngọn núi cao nhất do ba bà đắp là núi Ba Thê ngày nay), do vậy, người ta đã đổi toàn bộ thành Vọng Thê, có nghĩa là “trông vợ”, đề cao lòng chung thuỷ. Nhưng đây là cách làm khiêng cưỡng, người dân vẫn gọi theo thói quen. Vì vậy, địa danh Ba Thê vẫn giữ nguyên, địa danh Vọng Thê chỉ còn chỉ tên xã và tên một cây cầu.

3.2.4.4 Một số hạn chế

Qua quá trình nhập liệu và khảo sát, chúng tôi thấy, hạn chế đầu tiên và cũng là hạn chế chung cho toàn vùng, đó là vấn đề viết sai chính tả địa danh, tập trung ở việc lẫn lộn dấu hỏi và ngã, lẫn lộn âm đầu s- và x-; lẫn lộn âm cuối –t và –c; -n và –ng. Ví dụ: kênh Cả Bứa (TS) lại viết thành Cã Bứa; cầu Miễu Thần Nông (CM) thì viết thành cầu Miểu Thần Nông; thị trấn Nhà Bàng (TB) được viết thành Nhà Bàn ở một số bảng hiệu tại thị trấn; cầu Xẽo Sót (CT) được viết thành cầu Xẻo Xót; cầu Xóm Rẫy (CM) được ghi thành Sớm Rẫy;

cầu Ngã Bát (CM) được ghi thành Ngã Bác… Chúng ta biết rõ đó là hệ quả của phương ngữ Nam Bộ. Nhưng phát âm có thể lệch, chứ viết thì nên viết đúng.

Đây là trách nhiệm đầu tiên của những người nghiên cứu địa danh như chúng tôi, kế đó là của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, rà soát các bảng hiệu về địa danh, sau cùng là trách nhiệm của nhà trường trong việc rèn luyện chính tả. Trên hết lại chính là ý thức của mỗi cá nhân trong việc sử dụng các tên gọi này.

Hạn chế thứ hai là vấn đề đặt tên gọi cho các công trình xây dựng, đây là nhóm địa danh mới sau này. Khi đào kinh, mương hay xây cầu, đường, người ta phải cho nó một cái tên gọi. Tuy nhiên việc địa danh An Giang sau khi thống kê cho ra kết quả số lượng các thành tố cấu thành địa danh quá nhiều, nhiều

nhất là 10 thành tố: đường Liên-Tổ-Khu-Phó-Quế-Nguyễn-Trãi-Lý-Thái-Tổ (LX); 9 thành tố: đường Đoạn Mương Khai Lớn Ngã Ba Nhà Hai Mãnh (LX);

8 thành tố: đường Trung Tâm Thương Mại Thị Trấn An Châu (CT); đường Bờ Hữu Cầu Ba Khẩu Cầu Lộ Xã (LX); đường Vào Khu Dân Cư Bà Bầu Ông Mạnh (LX); 7 thành tố: đường Vòng Y Tế Bến Đò Trà Ôn (LX); hẻm Khu Hai Bà Trưng Lê Minh Ngươn (LX); 6 thành tố: đường Cặp Sở Tài Nguyên Môi Trường (LX); đường Trung Tâm Thương Mại Bình Hoà (CT)… Đây là hiện tượng không phù hợp với quy luật tiết kiệm trong ngôn ngữ, là cách mô tả tỉ mỉ vị trí và không gian của công trình xây dựng, chưa thể gọi là tên gọi được. Đến một lúc nào đó, con đường phải có tên gọi của riêng nó, ngắn gọn, cụ thể và khu biệt được với những đơn vị cùng loại. Số liệu này chúng tôi thu thập được từ các sở ban ngành trong tỉnh, chỉ là mô tả trên giấy tờ, chắc chắn trong thực tế, người địa phương có thể là chưa gọi tên con đường quá gần gũi với họ, cũng có thể là họ gọi bằng một cái tên nào đó ngắn gọn hơn. Điều này cũng thể hiện phần nào sự chưa chặt chẽ trong quy hoạch thành phố mới ở tỉnh lẻ, cũng như tư duy còn đơn giản, nhu cầu xác định chính xác vị trí địa lý chưa cấp thiết tại đây.

Tóm lại, việc truy tìm nguồn gốc của tất cả địa danh ở An Giang chưa thể nào làm hết được. Trong luận văn này, chúng tôi chỉ sơ bộ giải thích được một số địa danh. Nhưng với những gì làm được, cũng đã giúp chúng tôi phác hoạ nên một bức tranh chung về lịch sử, tự nhiên, văn hoá và ngôn ngữ của địa bàn nói riêng và Nam Bộ nói chung. Lịch sử An Giang thể hiện rất rõ qua địa danh, nhờ nghiên cứu những nội dung này mà chúng ta càng hiểu thêm những giá trị quý báu của dân tộc. Qua việc tìm hiểu giá trị hiện thực được phản ánh qua địa danh, chúng ta biết được mảnh đất này trong buổi đầu hình thành như thế nào, có những sự kiện gì quan trọng, những ai là người đầu tiên ảnh hưởng tới vùng

đất này. Sau đó, thông qua những giá trị về tự nhiên, văn hoá và ngôn ngữ, chúng ta biết được con người từ những buổi đầu mở đất cho đến giai đoạn phát triển như hiện nay, đã sống và đấu tranh, xây dựng mảnh đất này như thế nào.

Chính những giá trị này cho chúng ta hiểu rõ hơn mảnh đất mình đang sống, giáo dục lại thế hệ mai sau, biết trân trọng và yêu quý những gì là của mình.

Lịch sử An Giang thời đầu mở đất tôn vinh công lao của hai vị võ tướng Nguyễn Hữu Cảnh và Thoại Ngọc Hầu, bên cạnh đó là những đóng góp của lưu dân Việt trong việc khai phá và cải tạo đất. Vùng đất này đã trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và xây dựng nên, có rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, tên tuổi của họ còn để lại trong địa danh:

Huỳnh Thị Hưởng, Huỳnh Văn Triển, Đào Hữu Cảnh… Hơn ba thế kỷ trôi qua, nơi từng là đầm lầy hoang vu, nay là vùng đồng ruộng phì nhiêu của đất nước, người dân đã sống đoàn kết, bền bỉ đấu tranh với nhiều thử thách. Đó là một quá trình, quá trình ấy đã để lại ngày hôm nay hàng loạt những khía cạnh đặc sắc của vùng, trong đó có các tín ngưỡng, tôn giáo và kết quả của sự tiếp xúc ngôn ngữ trong địa danh. Địa danh tự bản thân nó không đứng yên, một ngày nào đó, một vài giá trị trong hệ thống này sẽ mờ dần hoặc mất đi, giá trị khác thêm vào và thay thế, càng làm phong phú thêm những giá trị phản ánh hiện thực của hệ thống này. Thế hệ sau sẽ học và đón nhận nhiều hơn những gì chúng tôi đang làm bây giờ.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm chính của địa danh an giang (Trang 98 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(258 trang)