Chương 3: NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH AN GIANG 3.1 Nguồn gốc một số địa danh ở An Giang
3.1.5 Chắc Cà Đao-Mặc Cần Dƣng-Cần Đăng
Mặc Cần Dưng và Chắc Cà Đao vốn là hai con rạch tự nhiên thuộc huyện Châu Thành, sau đó rạch Mặc Cần Dưng được nạo vét và đào thêm vào năm 1965, dài 40 km, chiều rộng đáy là 15m, được gọi là kênh Mặc Cần Dưng, nối liền Châu Thành, Tịnh Biên và Tri Tôn. Còn rạch Chắc Cà Đao có quy mô nhỏ hơn, được đào và nạo vét thêm vào năm 1977, dài gần 13 km, chiều rộng đáy 10m, nằm trọn vẹn trong huyện Châu Thành, bắt nguồn từ sông Hậu, khúc đầu cù lao Ông Hổ, đổ vào kinh Rạch Giá-Long Xuyên. Như vậy, hai địa danh này
chỉ hai đối tượng thật, tuy nhiên, trong phương ngữ Nam Bộ, người ta dùng hai cụm từ “ở tận Chắc Cà Đao” hay “ở tuốt Mặc Cần Dưng” để chỉ người nào đó đang ở một nơi vô cùng xa xôi và hẻo lánh. Riêng địa danh Cần Đăng, đây là một xã của huyện Châu Thành, xã này cùng với xã Vĩnh Lợi và xã Hoà Bình Thạnh nằm ngay vị trí ở giữa hai con kênh kể trên.
Vì sao chúng tôi lại gộp ba địa danh trên vào một để cùng giải thích? Bởi vì các địa danh này ra đời từ một sự kiện và có mốc thời gian rất gần nhau.
Hiện nay, Chắc Cà Đao được khẳng định là có nguồn gốc tiếng Khmer, nhưng có nhiều cách giải thích: 1. Người địa phương cho là Cháp Cà Đam nghĩa là
“bắt cua”, theo Vương Hồng Sển, nếu vậy phải viết là Chấp Kdam mới đúng.
2. Theo Sơn Nam, đó là Prek Pedao nghĩa là “rạch có mây rừng” [51, 81]. Các giả thuyết này đều giống nhau ở một điểm là đi tìm một hình thức ngữ âm tương tự và lấy những đối tượng tự nhiên có thể phổ biến của vùng để giải thích. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chấp nhận các giả thuyết trên vì không thể tìm thêm được cứ liệu nào để chứng minh.
Căn cứ kết quả tra cứu tư liệu và tham khảo ý kiến tại địa phương, chúng tôi đưa ra giả thuyết sau:
Tên gọi Chắc Cà Đao bắt nguồn từ người Khmer, ban đầu là tiếng Sank’rist: Chêssđây có nghĩa là “mầu nhiệm”, về sau, tiếng Sank’rit rất khó đọc và có vẻ học thuật hơn đối với đại bộ phận người Khmer, cho nên họ đọc trại thành Chas S’đao, trong đó Chas có nghĩa là “già”, S’đao có nghĩa là “sầu đâu”. Sầu đâu là một loại cây khá phổ biến ở An Giang, hình dáng giống cây xoan nhưng lá ăn được, vị rất đắng, gỏi sầu đâu với khô cá lóc là đặc sản của vùng. Riêng tên gọi Mặc Cần Dưng, tên con rạch này bắt nguồn từ tiếng
“thuần” Khmer: Preah Stưng, trong đó Preah là “thần thánh”, Stưng là “rạch”.
Còn địa danh Cần Đăng, dạng gốc là Kon Đal, nghĩa là “ở giữa”, địa danh này trùng tên với địa danh khác ở Vĩnh Long. Ở Vĩnh Long, theo Nguyễn Tấn Anh [5,122-123], có một phum của người Khmer tên là ấp Giữa, tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, người trong phum gọi là Kondal.
Ba địa danh trên liên quan đến một sự kiện lịch sử. Năm 1833, quân Xiêm sang xâm lược nước ta, họ tàn phá dọc kênh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và theo sông Tiền xuống Vàm Nao vào cuối tháng 11 với một lực lượng gồm 20.000 quân và 350 chiến thuyền. Dưới sự chỉ huy của Trương Minh Giảng, quân ta đánh thắng quân Xiêm trên sông Vàm Nao, “quân ta reo hò đuổi gấp, phóng lửa đốt cháy thuyền giặc hơn 10 chiếc, chém bắt được rất nhiều” [cf. 8, 27] và đuổi chúng ra khỏi biên giới. Một tháng sau, đầu năm Giáp Ngọ 1834, quân Xiêm trở lại xâm lược, chúng xuống sông Tiền và lần này chiếm được Vàm Nao, đánh phá cả một vùng rộng lớn, kéo dài qua nhánh sông Hậu, đến tận cù lao Ông Hổ. Quân ta rút về đóng thủ tại rạch Cổ Hủ (nơi có Thủ Chiến Sai, CM). Quân Xiêm, với dã tâm mở đường xuống Vĩnh Long, Mỹ Tho để tiến vào Gia Định, đã dùng hoả công, thả đèn lửa theo nước ròng chảy xiết để đốt thuyền của ta. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa, buộc chúng phải rút lui. Sau đó, quân ta vượt Vàm Nao, truy kích giặc ra khỏi biên giới.
Chính hai lần quân ta do Trương Minh Giảng chỉ huy, đánh quân Xiêm trên sông Vàm Nao, đã dẫn đến sự ra đời của các địa danh vừa kể trên. Bởi vì vào thời điểm ấy, người Khmer đang tập trung sống tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hoà Hưng, LX), khi đó, cù lao này gồm hai cù lao nhỏ là Koh Rưsây nghĩa là
“cù lao tre”, vì nơi đây có nhiều tre, và Koh Chon-lôs nghĩa là “cù lao Dầu”, nơi đây người dân sống bằng nghề khai thác nhựa cây dầu làm chất đốt. Chiến
sự liên miên, nhất là trận đánh sau, chúng ta thua tại Vàm Nao, quân Xiêm tàn phá một vùng rộng lớn. Người Khmer đã rời bỏ cù lao, men theo con rạch nhỏ phía bờ Tây sông Hậu (nay là kinh Chắc Cà Đao) mà đi sâu về hướng Tây.
Cuối cùng, họ dừng lại nơi hoang vắng nhất, định cư ở đây, đúng là sau đó họ thật sự yên ổn làm ăn. Nghĩ rằng đã đến được vùng đất của mình, được thần linh phù hộ, có lẽ một vị sư đứng đầu tốp người chạy giặc đó đã lập làng tại con rạch này và đặt tên cho con rạch cũng như ngôi làng mới cái tên tiếng Phạn Chêssđây, tức là “sự mầu nhiệm”.
Đối với địa danh Mặc Cần Dưng, tình hình cũng tương tự, lúc ấy cũng có một tốp người Khmer chạy giặc, men theo con rạch nằm xa hơn về phía thượng nguồn sông Hậu, rồi họ cũng tìm được vùng đất mới, lập làng và yên ổn làm ăn, đặt tên cho nơi ấy là Preah Stưng, “con rạch của thần thánh”. Căn cứ vào kết quả tra cứu từ Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (phần An Giang) của Nguyễn Đình Đầu, địa danh Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng (ghi là Mạt Cần Dưng) là Bình Hoà Trung thôn, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên. Địa bạ này được triều đình nhà Nguyễn cho lập từ năm 1805 đến 1836. An Giang là một trong những tỉnh được ghi chép sau cùng. Như vậy, khoảng thời gian ra đời của hai địa danh trên đến lúc được ghi chép vào địa bạ là từ 2 đến 3 năm, rất hợp lý. Riêng địa danh Cần Đăng, đây là địa danh được ra đời sau, được ghị chép trong địa bạ triều Nguyễn giai đoạn từ năm 1889 đến năm 1955, thuộc tổng Định Thành Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. [26, 97]. Như vậy, nếu căn cứ vào các sự kiện lịch sử, chúng ta có thể tìm được nguồn gốc của ba địa danh trên.