Chương 3: NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH AN GIANG 3.1 Nguồn gốc một số địa danh ở An Giang
3.2 Giá trị phản ánh hiện thực
3.2.3 Giá trị phản ánh về mặt văn hoá
3.2.3.1 Nơi hội tụ và chung sống hiền hoà giữa bốn dân tộc
Qua địa danh, chúng ta thấy sự hiện diện của các dân tộc ở An Giang.
Đông đảo nhất là những địa danh của người Kinh, bao gồm những địa danh thuần Việt và Hán Việt. Kế đến là người Khmer, cũng vì yếu tố lịch sử mà địa danh có nguồn gốc tiếng Khmer trải dài cả tỉnh, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Riêng hai dân tộc đến sau và có số lượng ít nhất là người Hoa và người Chăm, ảnh hưởng về địa danh không nhiều, nhưng không phải là không có. Một số địa danh dành chỉ nơi người Chăm từng cư trú: 7 địa danh cầu Chà Và, kênh Chà Và, mương Chà Và, đường Chà Và (CT, LX, CM)1. Đối với người Hoa, chúng ta có địa danh Cái Tàu Thượng đã được khẳng định từ mục đầu.
3.2.3.2 Ƣớc vọng về vùng đất mới
Khi đặt tên các đơn vị hành chánh, người ta thường dùng từ Hán Việt, gọi chung là các mỹ từ, nhằm thể hiện những ước mơ về vùng đất ấy. Hệ thống địa danh An Giang có 1033 địa danh, trong 1033 mục từ này, chúng ta có tổng cộng 2296 âm tiết. Những thành tố thể hiện ước vọng về sự an lành, giàu có và vui vẻ chiếm tỉ lệ cao nhất.
1 Thực ra, đây là một sự nhầm lẫn có nguồn gốc dân gian được. Khi những thương nhân gốc Mã Lai (bao gồm cả người Indonesia) đến buôn bán ở Sài Gòn, có người hỏi họ từ đâu đến, họ nói là đến từ Chà – và (Java). Từ ý niệm dân gian đó, khi thấy bất cứ ai có nhân dạng tương tự (bao gồm cả thương nhân Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia…) vốn có nước da ngăm ngăm thì họ (giới bình dân Việt) đều gọi họ là Chà – và (Java). Người Chăm sau khi lưu lạc từ Malaysia, Indonesia, Campuchia… về Việt Nam cũng đều bị gọi một cách nhầm lẫn như thế. Từ căn nguyên đó, dần dần họ gọi người Chăm là người Chà (hoặc Chà – và). Hiện nay, tại địa phương, đa số người bình dân đều gọi người Chăm là người Chà.
Mong ước sự an lành, ổn định dài lâu: 19,34%
THÀNH TỐ SỐ LẦN XUẤT HIỆN
Bình 148
Vĩnh 127
An 124
Thuận 37
Định 8
Tổng cộng: 444
Mong ước sự thành đạt, giàu có, thịnh vượng: 12,1%
THÀNH TỐ SỐ LẦN XUẤT HIỆN
Phú 154
Thạnh 77
Thành 34
Thịnh 12
Tổng cộng: 277 Mong ước sự tươi đẹp, vui vẻ: 12.1%
THÀNH TỐ SỐ LẦN XUẤT HIỆN
Long 114
Mỹ 110
Khánh 41
Xuân 7
Lạc 5
Tổng cộng: 277
Đây chính là những ước vọng chung, không chỉ riêng ở địa danh An Giang. Tuy nhiên đây cũng là vùng đất mới, sự cảm nhận về những cái mới mẻ cũng được thể hiện ở đây, đó là sự xuất hiện của thành tố “Tân”, 67 lần, 2.92%.
3.2.3.3 Vùng đất phong phú về tôn giáo
Theo thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 42 địa danh có thành tố “Chùa”, 18 địa danh có thành tố “Đình”, 7 địa danh mang thành tố “Miễu”, 2 địa danh mang thành tố “Thánh” (kinh Nhà Thánh, kênh Đất Thánh – CT) và 9 địa danh
mang thành tố “Thờ” (kinh Nhà Thờ, mương Nhà Thờ, chợ Nhà Thờ, đường Nhà Thờ). Các địa danh này thuộc dạng chuyển hoá từ hiệu danh, rải khắp địa bàn tỉnh, chỉ núi, chợ, kênh, mương, cầu và đường. Điều thú vị là nếu khảo sát sâu sắc các địa danh này, chúng ta tìm được nét phong phú đặc thù của vùng đất vốn được mệnh danh là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng Nam Bộ.
Trong 9 địa danh Nhà Thờ và 2 địa danh Nhà Thánh , Đất Thánh, có 6 địa danh tập trung ở Chợ Mới, đây là nơi tập trung đầu tiên và đông đảo nhất tín đồ Thiên Chúa giáo của tỉnh, kế đến là ở Châu Thành (2 địa danh). Bởi vì, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành nhiều chỉ dụ cấm truyền bá đạo Thiên Chúa nên nhiều tín đồ chạy về vùng đất mới này để lánh nạn. Đầu tiên có hai đoàn, đoàn thứ nhất kéo đến Cái Đôi (xã Hoà Bình, CM) từ năm 1778, đoàn thứ hai kéo đến Bãi Dinh, nay là cù lao Giêng cũng trong năm đó. Họ khai hoang, lập làng, xây dựng nhà thờ, đến thời vua Gia Long, lập được 4 thôn.
Về những địa danh mang thành tố “Chùa” tình hình phức tạp hơn, bởi người Việt trong cách gọi hằng ngày, dùng từ “chùa” để chỉ những nơi thờ cúng, linh thiêng chứ không phân biệt cụ thể chùa ấy thuộc tôn giáo nào, thờ ai.
Mặc dù có một số địa danh rất cụ thể: cầu Chùa Phước Hoà Tự (CT), cầu Chùa Vĩnh Quang(TC), đường Mương Chùa Bình Thạnh Đông (PT), cầu Chùa Ông Hổ (LX), cầu Chùa Tân Hương (LX), cầu Chùa Thầy Bảy (TC)…. chúng ta rất khó lòng xác định được nếu không khảo sát kỹ. Chùa Tân Hương khác với chùa Vĩnh Quang ở chỗ, chùa này thờ đức Huỳnh giáo chủ, theo Phật Giáo Hoà Hảo, còn chùa Vĩnh Quang theo Phật Giáo Bắc Tông. Chùa Thầy Bảy là chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, thầy Bảy tên thật và Nguyễn Văn Soái, không chỉ là người tiếp quản Đức Thầy chăm lo các tín đồ ở Vĩnh Xương – TC , mà ông còn là người có uy tín lớn trong vùng, thường xuyên giúp đỡ dân nghèo trong
xã. Hơn nữa, chính ông đã hiến hơn 1000m2 đất chùa cho nhà nước xây tượng đài các anh hùng liệt sĩ. Riêng chùa Ông Hổ ở cù lao Ông Hổ thì theo tín ngưỡng “con vật thiêng”, thờ “ông hổ” trắng, ngày xưa được hai vợ chồng đánh cá ở đầu cù lao nuôi dưỡng, sau này hai vợ chồng bị dịch bệnh qua đời, hổ trắng bỏ đi, nhưng hằng năm đến ngày giỗ lại quay về, sau đó, rục xác chết bên mộ chủ. Hiện nay, chùa Ông Hổ vẫn còn mộ của ông, người dân vẫn làm giỗ ông hằng năm.
Điều thú vị là ở Tân Châu, nơi tập trung người Chăm đông nhất tỉnh, có địa danh cầu Chùa Chăm. Đây là cách gọi dân gian của người Việt khi nói về thánh đường Islam giáo của người Chăm. Đối với người Hoa, khi lưu vong sang Việt Nam, bao giờ họ cũng mang theo tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công, đại diện cho sự thanh liêm, cương trực), bà Thiên Hậu (đại diện cho sự nhân hậu, bảo trợ, phù hộ họ khỏi tai ương, hiểm hoạ) và cuối cùng là thái giám Trịnh Hoà (người có công mở các con đường giao thương trên biển, đại diện cho sự mua may bán đắt, bảo trợ công việc làm ăn buôn án của người Hoa) . Nơi người Hoa thờ cúng các vị này, cũng được dân gian gọi là chùa Ông. Chúng ta có 2 địa danh Chùa Ông: đường Chùa Ông (CP) và mương Chùa Ông (CP).
Song song với thờ ông là tín ngưỡng thờ bà, ở Châu Đốc có đường Hậu Miễu Bà. Con đường này chạy vòng phía sau miễu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam.
Đây là hình thức thờ cúng theo tín ngưỡng phồn thực, thờ mẫu, tượng bà vốn là tượng nam thần, thần Visnu, được dân gian hoá thành “Bà”. Ngoài ra, ở Chợ Mới còn có một địa danh cầu Miễu Thần Nông, đây là tín ngưỡng dân gian, thờ vị thần bảo trợ cho nông nghiệp. Riêng những địa danh mang thành tố “Đình”, hầu như ở huyện nào cũng có: cầu Đình (LX, CM, PT, TC, CT, TS), cầu Đình
Vĩnh Thạnh (AP)… Đặc biệt chỉ riêng thành tố “Đình” mới xuất hiện nhiều trong địa danh chỉ chợ, còn chùa, miếu hoàn toàn không thấy. Yếu tố này càng khẳng định vai trò của đình trong làng xã của người Việt.
Tóm lại, căn cứ vào hệ thống những địa danh vừa kể trên, chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh về tôn giáo và tín ngưỡng ở An Giang. Về tôn giáo, địa bàn này tập trung một số tôn giáo sau: Phật Giáo Bắc Tông, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hoà Hảo, Thiên Chúa Giáo, Islam Giáo. Ngoài ra, còn có Phật Giáo Nam Tông, Tin Lành, Cao Đài và Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhưng chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát hết. Về tín ngưỡng dân gian, vùng này có một số tín ngưỡng sau: thờ con vật thiêng (con hổ), thờ người thiêng (Quan Vân Trường, bà Thiên Hậu, Trịnh Hoà, Thần Nông), thờ mẫu (bà Chúa Xứ).
3.2.3.4 Vai trò của người đàn ông trong thừa kế và trong công tác thuỷ lợi.
Phân tích thêm về danh sách 515 địa danh được cho là lưu lại dấu vết của lưu dân Việt như đã trình bày ở mục 3.2.1.1.3, chúng ta thấy có 47 địa danh liên quan đến nữ (bà+tên; cô+tên; mụ+tên; 1 địa danh kênh Sư Nữ), trong đó, có đến 110 địa danh liên quan đến nam (anh+tên; ông+tên; thầy+tên), chưa kể 358 địa danh còn lại có khả năng nhiều là tên nam (thứ tự trong gia đình+tên), phần tên đứng sau từ chỉ thứ tự này đều có vẻ rất “nam tính”, ví dụ: kênh Ba Dành (TB), kênh Bốn Củ (CP), mương Năm Đô (CP), kênh Sáu Khởi (CT), mương Chín Biện (CT), kênh Mười Đá (CT), mương Ba Phùng (LX), kênh Ba Mài Dao (CM), kênh Bảy Đực (CM), cầu Hai Cáo (LX), kênh Hai Nỉ (CP), mương Năm Rô (LX), mương Tám Nộ (CM), mương Tư Hữu (PT)… Như vậy, có thể khẳng định, đối với địa danh dạng này, tên nữ chiếm số lượng rất ít (47/515 hoặc 47/110), tên nam chiếm đại đa số. Do đó, có thể suy ra, chủ nhân
của những công trình thuỷ lợi, phần đất này được biết đến đầu tiên là người đàn ông. Đó là vì hai lý do chủ yếu:
Thứ nhất, đặc thù của nghề nông, đặc thù của việc làm thuỷ lợi nhỏ bé theo từng hộ gia đình, nên sức của người đàn ông là chủ đạo, thường khi nói về ruộng nhà ai, mương của nhà ai, người ta hay đề cập đến người chủ gia đình, người thường xuyên canh tác trên phần đất ấy.
Thứ hai, việc trọng nam khinh nữ không phải là mờ nhạt ở Nam Bộ trong thời kỳ này. Đất khẩn hoang có thể nhiều, con có thể rất đông, nhưng tính đến chuyện thừa kế, thường cha me chỉ chia cho con trai, còn con gái, nếu có chia chỉ chia rất ít. Do đó, vai trò của người đàn ông trong thừa kế là rất quan trọng, thường ở Nam Bộ, người con trai út được chia nhiều hơn, trông coi phần đất hương quả của gia đình và phải lo cúng kiếng ở nhà tự.
Tóm lại, đặc điểm vừa phân tích trên đã bổ sung một nét nho nhỏ trong bối cảnh xã hội thời kỳ trước đây của Nam Bộ nói chung. Đặc điểm này cũng rất phù hợp khi xét về sức người trong thời kỳ khai hoang đầy thử thách.
3.2.3.5 Chợ vùng sông nước
Vấn đề đặc trưng chợ ở Nam Bộ không phải là mới, nhưng thông qua địa danh, chúng tôi góp phần khẳng định thêm yếu tố sông nước trong cách hình thành chợ của vùng này. Ở An Giang có tổng cộng 226 địa danh chỉ chợ, chưa kể loại hình chợ nổi, chợ nổi Long Xuyên. Xét trên bình diện ngôn ngữ, trong đó có 38 chợ lấy tên trực tiếp từ tên kênh rạch, têm vàm.Ví dụ: chợ Cái Sắn (LX), chợ Cái Dầu (CP), chợ Kinh Đào (CP), chợ Rọc Sen (CM), chợ Vàm (PT), chợ Vàm Cống (LX), chợ Vàm Xáng Cây Dương (CP), chợ Bàu Mướp (TB), chợ Kinh H (TS)… Còn lại là là tên thị trấn, phường, xã mà chợ đó toạ lạc. Đó là những tên gọi được chính quyền đặt lại sau này, thực chất đa phần
những chợ ấy cũng đều nằm cạnh hoặc gần một con sông, kênh hay mương nào đó. Ví dụ, chợ Hội An chính là chợ Cái Tàu Thượng (CM), nằm cạnh kinh Cái Tàu Thượng; chợ Mỹ Thới (LX) nằm cạnh rạch Cái Sao, chợ Lộ Xã (LX) nằm cạnh rạch Cái Dung, chợ Mỹ Long (LX) hay chợ trung tâm Long Xuyên đều nằm cạnh dòng sông Hậu…. Cũng có một số chợ nhà lồng không nằm gần sông, đó là những chợ được nhà nước cho xây dựng sau này, nhằm giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hoá ở các vùng trung tâm huyện, xã, thị trấn…
Người Trung Hoa có câu “Bắc di mã, Nam di chu”, nếu trong nền văn hoá du mục, ngựa là phương tiện đi lại chính, thì ở phương Nam, đó là thuyền và vùng sông nước này, điều đó rất chính xác. Ở vùng đất mới này, đường bộ phát triển sau đường sông, với lại, nơi nào tập trung dân cư, nơi đó phải có chợ để trao đổi hàng hoá và thông tin. Do đó, trong giai đoạn đầu, chợ lập ở gần sông là tất yếu. Ngày nay, mặc dầu việc luân chuyển hàng hoá bằng đường bộ đã trở nên chủ đạo, nhưng đường sông vẫn chưa mất đi vị thế của nó. Điều này lý giải vì sao, ngày nay, theo chiều phát triển của xã hội, tên chợ có nhiều hơn, nhưng đâu đó nó vẫn mang dáng dấp của một khúc sông hay kênh rạch nào đó.