Địa hình và khí hậu gió mùa của Việt Nam gây ra lũ lụt thường xuyên trong mùa mưa và khan hiếm nước trong mùa khô. Nhiều vấn đề liên quan đến những điều kiện này vốn đã nghiêm trọng có nguy cơ càng trầm trọng hơn khi tăng trưởng mạnh về dân số và kinh tế. Các mục sau sẽ nêu lên những vấn đề chính đang nổi cộm như lũ lụt, hạn hán, khan hiếm suy kiệt nước, ô nhiễm nguồn nước, nhiễm mặn, sự xuống cấp của lưu vực sông...
1.3.1. Lũ lụt
Lũ lụt là thiên tai nghiêm trọng nhất, đặc biệt khi đại đa số dân sống ở những vùng đất thấp bị lụt lội. Về mặt lịch sử, lũ lụt và ngập úng là vấn đề nổi cộm ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Toàn bộ những thiệt hại do lụt lội gây ra trong năm 1994 tổng cộng là 260 triệu USD và 500 người chết, sản xuất nông nghiệp bị cản trở nghiêm trọng.
Khi dân số và kinh tế có xu hướng tăng mạnh, thì cần phải cải thiện mức độ công tác phòng chống lũ lụt. Ngập úng trong thời gian dài làm cho đất canh tác không sử dụng được và làm cho điều kiện sống rất khó khăn.
Các biện pháp chống lụt ở các vùng có sự khác nhau. Chẳng hạn, trong khi đê điều dọc các con sông và bờ biển ở phía bắc sông Hồng/châu thổ sông Thái Bình chằng chịt, thì không có hạ tầng cơ sở ở các tỉnh miền Trung và vùng núi nơi có các cơn lũ đột ngột và ngập nước, chính quyền các địa phương đang tập trung vào hệ thống dự báo và các hồ chứa nước đa chức năng ở đầu nguồn. Ở châu thổ sông Mê Kông, phần lớn vùng này không được bảo vệ và lũ lụt ở đây kéo dài và lan rộng. Các biện pháp quy hoạch chống lũ lụt ở đây như xây dựng những đê kè thấp ở những vùng bị úng nặng để bảo vệ khỏi những cơn lũ sớm hay hệ thống đê điều đầy đủ ở những vùng đất nông nghiệp thấp đều chưa có tính thuyết phục về kinh tế, xã hội và môi trường.
Một biện pháp có hiệu quả để chống lũ là xây dựng hồ chứa sử dụng đa mục tiêu. Ví dụ hoạt động của hồ chứa nước đa mục tiêu Hoà Bình. Đập Hoà Bình trên sông Đà, nhánh sông chính của sông Hồng, được hoàn thành năm 1989. Mặc dù là nguồn thủy điện chính của đất nước, ưu tiên hàng đầu cho hoạt động của hồ chứa nước là nhiệm vụ cắt lũ với dung tích phòng lũ cho hạ du là 3 tỷ m3.
1.3.2. Hạn hán
Địa hình và khí hậu gió mùa cũng gây ra tình trạng thiếu nước thường xuyên hàng năm vào mùa khô. Vào tháng 11 đến tháng 4 hàng năm ở nước ta liên tục xảy ra hiện tượng hạn hán, gây cản trở đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Lượng nước trong ba tháng có ít nước nhất chỉ chiếm 5÷8% dòng chảy hằng năm và lượng nước hàng tháng trong tháng có ít nước nhất chỉ có 1÷2%. Biện pháp để khắc phục sự thiếu nước về mùa khô là phải tích nước về mùa lũ ở các hồ chứa làm nhiệm vụ điều tiết dòng chảy.
1.3.3. Vấn đề suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước
Quá trình đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội cũng như các hoạt động của con người còn là nguyên nhân chủ yếu gây ra một số hiện tượng nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề môi trường và tàn phá môi trường, trong đó có sự suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước được cả thế giới quan tâm bởi các nguy hiểm sau:
Sự phá thủng tầng ôzôn Mưa axit
Nhiệt độ của trái đất tăng lên
Ô nhiễm các nguồn tài nguyên đất, nước và không khí
Đối với tài nguyên nước, sự suy kiệt nguồn nước đang diễn ra nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo và các nước đang
phát triển, trong đó có Việt Nam. Biểu hiện của sự suy kiệt nguồn nước là: Nhiều sông suối trở nên nghèo nàn về lượng nước; có sông suối trở nên khô kiệt hẳn; quá trình sa mạc hóa đang diễn ra nhanh chóng trong các lưu vực; nhiều ao hồ thiên nhiên bị lấp đi trong quá trình đô thị hoá; mức nước ngầm giảm rõ rệt do việc khai thác nước ngầm quá mức.
Ngoài suy thoái, nguồn nước còn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước bị coi là ô nhiễm khi thành phần và tính chất lý, hóa học của nước bị thay đổi, không đảm bảo chất lượng là nguồn cung cấp phục vụ các mục đích sinh hoạt ăn uống.
Các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là:
Nguồn thành thị, thông qua chất thải lỏng và chất thải rắn từ các khu đô thị không được xử lý, xả thẳng vào nguồn nước.
Nguồn nước thải không được xử lý hoặc xử lý sơ sài từ các khu công nghiệp các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt nước thải từ các ngành công nghiệp hóa học.
Nguồn ô nhiễm từ các hóa chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, phân hóa học.
Và nguồn tự nhiên như xác cây mục rữa, tù đọng.
Thật vậy, ở Việt Nam nước thải trong các gia đình ở các vùng thành phố là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng ô nhiễm nước và vấn đề này còn có thể xấu thêm: Lượng chất thải và cống rãnh tăng lên ở các vùng thành thị phát triển nhanh vì có dân số tăng nhanh, nhưng khả năng của các hệ thống cống rãnh lại không tăng lên kịp. Vì vậy, nước bẩn bị thải trực tiếp vào các con sông mà không có sự kiểm soát. Theo thống kê, việc thải các chất bẩn của con người gần các thành phố chiếm 70÷90% hàm lượng các chất hữu cơ trong các hệ thống sông. Vấn đề càng xấu đi do sự quản lý chất thải rắn và xử lý các chất thải công nghiệp không đầy đủ ở các thị xã và thành phố lớn. Do các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển ở hầu hết các lưu vực sông, nên tình trạng ô nhiễm vốn đã xấu, sẽ lại có chiều hướng nghiêm trọng hơn nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước rõ ràng nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, nước (các sông, hồ, ao) nối liền với mương máng, rãnh nước và có chức năng như là một hệ thống hỗn hợp cống rãnh và thoát nước mưa. Thực tế là các chất thải gia đình và công nghiệp đều không được xử lý. Các cống rãnh nổi trên mặt đất thường rất nặng mùi trong mùa khô. Vì thành phố có cơ sở công nghiệp khá lớn, nên các chất thải công nghiệp là nguồn đáng kể của tình trạng ô nhiễm nước. Tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự, tuy vấn đề hệ thống thoát nước có đỡ nghiêm trọng hơn. Mặc dù ô nhiễm do chất thải công nghiệp không nghiêm trọng bằng, song thành phố Hồ Chí Minh là một trong
những cảng chính về các sản phẩm dầu nên trong những năm gần đây vấn đề ô nhiễm mặt nước do dầu loang đang đòi hỏi phải giải quyết.
Tốc độ tăng trưởng cao mà người ta dự tính của các thành phố và công nghiệp chỉ có thể làm xấu đi tình trạng ô nhiễm nước vốn đã nghiêm trọng ở các thành phố. Theo một số nghiên cứu quốc tế, nếu Việt Nam không giải quyết sớm được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, thì sức khỏe của người dân và chất lượng đời sống sẽ xấu đi và cái giá phải trả sẽ leo thang nhanh chóng.
1.3.4. Sự xâm nhập mặn
Sự xâm nhập của nước mặn ở dọc bờ biển trong mùa kiệt là vấn đề chính về chất lượng nước ở phía Nam nước ta, tác động đến thủy lợi (phá hoại mùa màng) và việc cung cấp nước ở vùng nông thôn. Vấn đề này nghiêm trọng khi không có đủ dòng chảy về phía bờ biển để ngăn chặn dòng chảy ngược lại của nước biển. Rõ nhất là ở châu thổ sông Mê Kông: Nước thủy triều mạnh trong mùa khô làm cho sự xâm nhập lấn sâu vào đất liền tới 70 km. Người ta dự tính diện tích vùng bị nước mặn tác động sẽ tăng từ 1,7 triệu lên 2,2 triệu ha, nếu không có các biện pháp ngăn chặn. Ở châu thổ sông Hồng, tình trạng nước mặn xâm nhập không nghiêm trọng vì có đập Hoà Bình giúp điều hoà dòng chảy (World bank, 1996).
Các giải pháp ngăn chặn bao gồm các biện pháp về công trình, chẳng hạn như là thêm các công trình ven biển, các hồ chứa đa mục đích cũng như cải tạo các con đê đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, nếu việc kết hợp các biện pháp công trình với các biện pháp phi công trình thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn, chẳng hạn như có các quy định về tháo nước ở các hồ chứa, thay đổi tập quán trồng trọt và điều chỉnh việc sử dụng nước nhằm duy trì dòng chảy tối thiểu trong sông.
1.3.5. Sự xuống cấp của các lưu vực sông
Do tình trạng đốn gỗ, đặc biệt là ở các vùng miền núi và khai hoang du canh, nên các lưu vực sông đã bị phát quang rừng và xuống cấp. Tình trạng này đã gây ra xói mòn và bồi lắng. Vấn đề này xấu đi đáng kể trong những thập kỷ gần đây: Đầu những năm 1940 rừng bao phủ gần 70% diện tích và đến 1991 còn không đầy 30%.
Tình trạng xói mòn gây ra nhiều vấn đề. Trước tiên, việc tăng các chất cặn lắng đọng làm giảm khả năng dự trữ của hồ. Thứ hai, ở những suối và kênh mương không được quản lý phù sa quá nhiều có tác động tiêu cực đến lượng nước dùng cho thủy lợi, dâng lũ và khả năng đi lại trên sông ngòi và cũng làm tăng chi phí cho việc xử lý nước cho tiêu dùng thành thị và công nghiệp. Thứ ba, mức độ lắng đọng cao có thể cũng tác động tiêu cực tới hệ sinh thái nước. Trường hợp đập Hoà Bình, cơ sở thủy điện lớn nhất ở Việt Nam là bài học: ước tính nếu không có biện
pháp kiểm soát xói mòn ở vùng lưu vực, tuổi thọ thực tế của đập sẽ giảm, dự tính 250 năm xuống còn 100 năm.