Chương 2 CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
2.1. TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN ĐANG PHÁT TRIỂN
2.1.6. Hoạt động chính sách đối với quản lý nước
Sự trao đổi hàng hóa thông qua giá cả thỏa thuận trên thị trường sẽ cung cấp dấu hiệu chính để thực hiện các hoạt động kinh tế của con người trong không gian và thời gian. Giá thấp có nghĩa là giảm chi phí sản xuất, đó là dấu hiệu tốt cho người tiêu dùng, nhưng lại là dấu hiệu không tốt đối với người sản xuất vì lợi nhuận thu được sẽ ít đi. Khi đó, người sản xuất sẽ tìm cách thay đổi mặt hàng sản xuất hoặc thay đổi nguồn tài nguyên khác.
Thị trường tự do hoạt động không phải luôn luôn có hiệu quả, lúc đó sự điều tiết của Nhà nước là cần thiết để vượt qua những vấn đề của thị trường và làm cho việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.
Chúng ta đã biết, cơ chế thị trường chỉ phát huy tác dụng khi điều kiện tiên quyết cho cạnh tranh trên thị trường được đảm bảo. Đi sâu nghiên cứu kinh tế, người ta có kết luận rằng: những điều kiện tiên quyết cho cạnh tranh nếu như được tạo ra thì bản thân trong quá trình vận động, cơ chế thị trường lại làm chúng suy thoái đi. Những thị trường có sức cạnh tranh suy thoái vì bốn lý do cơ bản sau đây:
- Thế lực thị trường, - Thông tin không đầy đủ, - Những ngoại ứng, - Hàng hóa công cộng.
♦ Thế lực thị trường hay độc quyền:
Thế lực thị trường hay độc quyền trong sản xuất, phân phối và định giá bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ dẫn đến sự giảm sút, thậm chí làm mất hiệu quả và làm thiệt hại đến nền kinh tế.
Đối với một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, có nhiều người mua và nhiều người bán một sản phẩm hàng hóa nào đó, không thể có một người bán hoặc một người mua nào có thể tác động đến giá cả của hàng hóa ấy. Giá cả được quy định từ sức cung và sức cầu của thị trường. Đối với thị trường độc quyền thì lại khác hẳn, một độc quyền bán là trên thị trường loại hàng hóa nào đó chỉ có một (hoặc vài) người bán cho nhiều người mua, còn thị trường độc quyền mua thì trên thị trường chỉ có một hoặc một vài người mua trong khi có nhiều người bán. Thế lực độc quyền dùng để chỉ chung cho cả độc quyền mua và độc quyền bán, và còn gọi là thế lực thị trường.
Doanh nghiệp độc quyền có khả năng kiểm soát toàn bộ thị trường của loại hàng hóa đó, do vậy sẽ tìm các giải pháp làm thay đổi sản lượng và giá cả để thu lợi nhuận độc quyền. Độc quyền dẫn đến giá cả độc quyền (cao hơn giá cân bằng), giảm sản lượng hàng hóa thấp hơn sản lượng mà xã hội cần, tạo cho nhà độc quyền thu được lợi nhuận độc quyền, còn người tiêu dùng và nền kinh tế xã hội bị tổn thất.
♦ Thông tin không đầy đủ:
Nếu những người tiêu dùng không có những thông tin xác đáng về giá cả thị trường và chất lượng sản phẩm, hệ thống thị trường sẽ không vận hành một cách có hiệu quả. Đây là một trục trặc của cơ chế thị trường dẫn đến việc thị trường tự do cạnh tranh bị suy thoái. Tình trạng thiếu thông tin này có thể khích lệ những người sản xuất cung cấp quá nhiều những sản phẩm loại này và quá ít những sản phẩm loại khác.
Thiếu thông tin cũng dẫn đến việc một số người tiêu dùng có thể không mua một sản phẩm rất tốt và cần thiết cho họ (không biết để mà mua, mặc dù có nhu cầu mua và có khả năng thanh toán ngay), trong khi có những người tiêu dùng khác lại mua những sản phẩm thật ra chẳng đem lại ích lợi gì cho họ (không nắm được giá trị sử dụng thực của loại hàng hóa họ mua, hay do bị đưa thông tin giả).
Đó là chưa nói đến trường hợp tung thông tin giả một cách có chủ ý nhằm dẫn dụ người mua, mua sản phẩm chất lượng thấp với giá cao.
Tình trạng thiếu thông tin còn dẫn đến việc cản trở sự phát triển của một số thị trường. Những vấn đề về thiếu thông tin đều có thể dẫn đến sự vô hiệu hóa sức cạnh tranh của thị trường.
♦ Những ngoại ứng:
Hệ thống giá cả hoạt động một cách có hiệu quả vì qua giá cả thị trường, thông tin được truyền đạt đến cả những người sản xuất lẫn những người tiêu dùng. Nhưng đôi khi giá cả thị trường lại không phản ánh đúng thông tin cần thiết như trên. Tức là đã có một ngoại ứng khi một hoạt động tiêu thụ hay sản xuất không có tác động trực tiếp đối với những hoạt động tiêu thụ hay sản xuất khác không được phản ứng trực tiếp trong giá cả thị trường. Từ ngoại ứng được sử dụng vì những tác động đến các thứ khác (các lợi ích hay các chi phí) nằm ở bên ngoài thị trường.
Thí dụ về một nhà máy sản xuất thép xây dựng trút nước thải vào một con sông, điều này khiến cho việc trồng trọt ven bãi sông hạ lưu, việc đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và việc bơi lội, tắm và vui chơi giải trí dọc hạ lưu sông không còn thích hợp nữa. Vì chắc không thể có một thị trường nào trong đó người chủ nhà máy và những người hoạt động dọc sông có thể mua hay bán quyền trút nước thải, nên đã tồn tại một ngoại ứng. Ngoại ứng này làm giảm chi phí về xử lý nước thải của nhà máy thép và khuyến khích nhà máy sử dụng nhiều nước thải hơn nữa để sản xuất thép. Điều này dẫn đến sự không hiệu quả đầu vào của sản xuất thép. Nếu ngoại ứng này thịnh hành trong cả ngành công nghiệp sản xuất thép, giá thép sẽ thấp hơn giá thật (nếu chi phí sản xuất phản ánh cả chi phí xử lý nước thải). Kết quả là quá nhiều thép sẽ được sản xuất ra và dẫn đến sự kém hiệu quả đầu ra.
Những tác động của ngoại ứng bao gồm tác động tích cực và tác động tiêu cực đến nền kinh tế xã hội (công cộng) và biện pháp xử lý sẽ được đề cập sau.
♦ Hàng hóa công cộng:
Một nguyên nhân nữa gây nên sự suy thoái của thị trường cạnh tranh là vấn đề hàng hóa công cộng. Hàng hóa công cộng là một hàng hóa mà người ta có thể làm cho nó có giá rẻ đối với nhiều người tiêu dùng. Nhưng một khi hàng hóa đó đã được cung cấp cho một số người tiêu dùng này thì rất khó ngăn cản những người tiêu dùng khác dùng nó.
Nói một cách khác, hàng hóa công cộng là hàng hóa mà khi tăng thêm một người tiêu dùng, không làm giảm số lượng tiêu dùng của người
khác, tức là tăng thêm số lượng người tiêu dùng không ảnh hưởng tới lượng tiêu dùng của mỗi người. Đường giao thông, cầu cống, công viên, cây xanh,... là những thí dụ về hàng hóa công cộng.
Hàng hóa công cộng thuần tuý có hai đặc trưng: không thể thực hiện định suất trong việc sử dụng, và cũng không cần thiết phải thực hiện định suất trong sử dụng.
Do những đặc trưng trên, nếu để cho thị trường tự điều tiết như đối với những hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ khác thì sẽ bị trục trặc hoàn toàn. Bởi vì chẳng một doanh nghiệp nào muốn sản xuất một loại hàng hóa mà họ lại không thể định giá, không thể ngăn cấm người khác tiêu dùng dù họ không trả tiền. Kết quả là hàng hóa công cộng cần thiết ở mức hiệu quả sẽ không được sản xuất đầy đủ.
(b) Vai trò của Chính phủ
Để khắc phục thất bại thị trường, Chính phủ phải điều tiết các thị trường bằng luật chống độc quyền và luật bảo vệ môi trường. Và Chính phủ không khuyến khích sản xuất và tiêu dùng một số hàng hóa và dịch vụ (ví dụ thuốc lá và rượu) bằng cách đánh thuế chúng. Mặt khác Chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu dùng một số hàng hóa và dịch vụ (ví dụ như chăm sóc sức khỏe và giáo dục) bằng cách trợ cấp chúng.
Ưu điểm của sản phẩm công cộng và phân phối: Thứ nhất, điều chỉnh bên ngoài là các hoạt động tập thể phải bảo vệ cơ quan thứ ba khỏi các chi phí không mong muốn. Thứ hai, điều chỉnh hoặc thay thế độc quyền tự nhiên.
Thứ ba, cung cấp hoặc bảo vệ hàng hóa của tập thể và công cộng. Cuối cùng là phản ánh rộng rãi các mục tiêu lâu dài của xã hội.
Hạn chế của tài nguyên công cộng: lý thuyết phi thị trường bị thất bại bao gồm các bài học như sau: Thứ nhất, sản phẩm rất khó được xác định. Thứ hai, chất lượng nước bị lãng quên. Thứ ba, các đại lý công cộng sẽ hình thành các mục tiêu của riêng cho mình. Thứ tư, các hoạt động công cộng có thể gây ra tác động ngoại ứng. Cuối cùng là sự phân chia không công bằng.