2.2 Cơ sở thực tiễn
2.2.1 Tình hình nông dân bỏ ruộng ở một số quốc gia trên thế giới
Philippines là một quốc gia Đông Nam Á có nền nông nghiệp lâu đời với những thửa ruộng bậc thang đã trở thành Di sản Thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người nông dân nơi đây luôn gắn bó với đồng ruộng của mình. Khi Philippines phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử thì rất nhiều nông dân ở khu vực cấy trồng đã từ bỏ ruộng đồng để đến với các ngành nghề khác có thu nhập hấp dẫn hơn. Lambuyong Burnag, một nông dân 70 tuổi, thay vì tự trồng lúa gạo trên mảnh đất nhỏ được thừa kế, ông đã dùng số tiền kiếm được từ công việc “làm mẫu” cho khách du lịch chụp hình để mua gạo giá rẻ được chính phủ phân phối cho các cộng đồng dân cư nghèo. Lý do mà ông đưa ra để giải thích cho việc từ bỏ ruộng đất của mình đó là ông đã không còn trẻ để có thể trèo qua những thửa ruộng bậc thang cao và hẹp nằm dọc dãy núi Cordillera. Điều đáng chú ý là
không chỉ những nông dân già như ông Burnag mới bỏ ruộng, thậm chí cả những người trẻ tuổi trong làng ông cũng từ bỏ việc trồng lúa gạo. Họ nói:
“Đó là công việc đòi hỏi lao động vất vả, khó nhọc mà mùa màng đôi khi lại thất bại do sâu bệnh, lũ lụt.”. Thu nhập mà người nông dân nhận được từ hoạt động trồng trọt là quá thấp do giá lúa gạo không ổn định. Thậm chí khi giá lúa gạo tăng cao, thì lợi nhuận mà người nông dân được hưởng vẫn ở mức thấp vì giá phân bón tăng, giá chào mua lương thực thấp, số lời chù yếu nằm trong tay lớp người trung gian. Giá gạo ở Philippines tăng vọt trong những tháng đầu năm 2008 theo xu thế toàn cầu nhưng những người nông dân nói rằng họ không hề được hưởng lợi. Ở những khu vực ruộng bậc thang, năng suất thường thấp và việc gieo trồng, thu hoạch đều tiến hành bằng tay, có rất ít người còn động lực để ở lại với đất. Ruộng lúa bậc thang 2000 năm tuổi của Philippines tại dãy núi Coridellera đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân kể trên mà nó đã bị bỏ quên và không được tu sửa khi người nông dân từ bỏ ruộng đồng để tìm đến những công việc khác đem lại thu nhập cao hơn cho họ [6-III].
Một thực trạng nữa ở Philippines đó là diện tích gieo trồng ở đây đang sụt giảm nghiêm trọng. Ông Raymond Bahatan, phụ trách cơ quan nông nghiệp của Ifugao – một tỉnh phía Bắc Philippines cho biết cung cấp gạo địa phương không bao giờ đủ trong khu vực tỉnh vì nông dân có truyền thống gieo trồng đúng một vụ trong năm. Nông dân ở các vùng đồng bằng lớn thường sản xuất hai đến ba vụ mỗi năm, và họ có sản phẩm dư thừa để bán cho các nơi khác. Ông Bahatan nhấn mạnh: “Ruộng bậc thang của chúng tôi có sản lượng chỉ là 2,5 tấn/ha.” trong khi đồng ruộng ở vùng thấp cho sản lượng trung bình từ 3,8 đến 4,2 tấn/ha. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Diện tích ruộng bậc thang ở đây đang sụt giảm ở mức báo động.
Khoảng 25 – 30% đất đã bị bỏ hoang, lãng quên hay sử dụng vào mục đích khác [6-III]. Một số nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang các sản phẩm
có giá trị cao hơn như rau, cao su, cà phê, nhưng rất nhiều người khác thì bỏ ruộng đồng đi tìm việc làm ở các thành phố lớn. Hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh tồi tệ trong cung cấp lương thực đã vang lên, chính phủ Philippines đã buộc phải ra lệnh dừng mọi kế hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác. Nhưng chính phủ đã không tích cực để ngăn chặn việc di dân ra thành phố, ngăn chặn nông dân từ bỏ ruộng đồng. “Đây là điều đáng buồn vì hầu hết thanh niên đều có giấc mơ kiếm sống dễ dàng hơn, có nghề nghiệp thu nhập cao hơn ở các thành phố hay nước ngoài.”, ông Raffy Menen, lãnh đạo một hiệp hội nông dân ở vùng ruộng bậc thang cho biết. Ông nói, hầu hết học sinh trung học ở trong làng của ông chẳng có hứng thú gì với nghề trồng lúa truyền thống đã có lịch sử hơn 2000 năm của ông cha. Họ cho rằng đây là công việc khó khăn, tất cả công việc đều làm bằng tay vì họ không có gia súc cũng như thiết bị phù hợp với những thửa ruộng nhỏ. Thanh niên trong làng đều muốn kiếm việc tại các khách sạn hay nhà hàng trong thị trấn. Theo thị trường Ifugao, Teodoro Baguilat, sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết để cứu vãn và khôi phục nghề trồng lúa ở các ruộng bậc thang, không chỉ để thu hút khách du lịch mà còn đảm bảo sinh kế cho nông dân. Và Chính phủ Philippines chỉ có thể giữa người nông dân ở lại với đất khi mà đảm bảo cho họ thu nhập kinh tế tốt hơn và xứng đáng với những gì mà họ đã bỏ ra.
2.2.1.2 Campuchia
Đồng ruộng Campuchia phân bố rất thưa dân số, bởi cái đất nước bao la ấy với diện tích 181.035km2, có một nửa diện tích là đồng bằng mà đến nay chỉ có 14 triệu dân. Trong số này có hơn 80% làm nông nghiệp. Người ta tính rằng nông dân Campuchia sở hữu đến hơn 1ha đất/người. Tiềm năng nông nghiệp của Campuchia rất dồi dào nhưng nông dân thì lại rất nghèo, có những vùng thiếu gạo ăn phải sống nhờ vào sự cứu đói của các tổ chức quốc tế. Sở dĩ xảy ra tình trạng đó là vì trên 90% đất nông nghiệp ở Campuchia chỉ làm một vụ lúa. Rất ít gặp hệ thống thủy lợi, thủy nông ở nơi đây. Hầu như nông dân
làm ruộng dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Một số nông dân khác thì lợi dụng nguồn nước ngọt sánh kiệt của mùa khô để trồng một số nông phẩm như bầu, bí, bắp, dưa,… nhưng sản lượng không đáng kể, chủ yếu là tự sản tự tiêu, bởi vì nước ngọt ở Campuchia vào mùa khô rất quý [7-III].
Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia, nước này có khoảng 6 triệu mẫu đất có thể canh tác được.
Trong đó, 1,8 triệu gia đình nông dân chỉ được làm chủ 1/2 phần diện tích đất này, tính rat rung bình mỗi hộ canh tác chưa tới 2 mẫu [7-III]. Đất ít, điều kiện canh tác khó khăn, khiến người nông dân không thể đủ ăn trên mảnh đất của mình. Họ buộc phải bán đất để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt.
Và chính điều này đẩy họ vào cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bán đất, thiếu đất canh tác, đói nghèo.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền cũng xẻ những mảnh đất màu mỡ của dân bán cho các công ty giàu có nước ngoài kiếm lời, tạo ra nạn bán đất ở đất nước Chùa Tháp. Đất là đề tài nóng từ nông thôn đến thành thị Campuchia, lan truyền trong công chúng đến báo giới và tầng lớp nhiều tiền bạc. Đất được nói nhiều đến cách đây 5 năm. Đỉnh điểm việc mua bán đất xảy ra vào năm 2007 và đi xuống vào năm 2008 khi xảy ra cơn bão tài chính trên toàn cầu. giá đất tại Phnom Penh mức cao nhất là 3.500 USD/m2, trong khi đó giá đất nông nghiệp ở các tỉnh chỉ dao động ở mức 0,5 đến 10 USD/m2. Theo ông Son Chhay, dân biểu đối lập thuộc Đảng Sam Rainsy, trong thập niên qua, Campuchia đã bán 2 triệu mẫu đất cho các công ty nước ngoài dưới hình thức hợp đồng dài hạn. Và trong số đất bán đó có một phần lấy của người dân, sau đó lại không được sử dụng gì cả. Theo số liệu của các nhóm nhân quyền địa phương, trong vài năm trở lại đây có đến 100.000 người dân trở thành nạn nhân của những vụ cưỡng chế bạo lực phải rời khỏ mảnh đất đang
sinh sống và canh tác để chính quyền lấy đất bán lại cho các công ty. Chính vì thế mà 1/3 người nông dân Campuchia mới thiếu đất để canh tác.[7-III]
2.2.1.3 Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có diện tích lớn thứ tư thế giới (9,6 triệu km2) với loại hình đất đai rất đa dạng. Nhưng địa hình Trung Quốc đồi núi lại chiếm đa số, đồng bằng ít, ruộng đất và vùng rừng chiếm tỷ lệ nhỏ. Tài nguyên đất đai các loại rải rác không đồng đều, ruộng đất chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng và vùng lòng chảo thuộc khu vực gió mùa miền Đông;
phần lớn vùng rừng tập trung ở vùng hẻo lánh ở miền Đông Bắc và Tây Nam;
đồng cỏ chủ yếu rải rác ở vùng cao nguyên và vùng núi ở đất liền.
Trung Quốc hiện nay có khoảng 1,27 triệu km2 ruộng đất. Khu vực miền Đông và miền Tây có diện tích ruộng đất ít hơn, lần lượt chiếm 28,4%, khu vực miền Trung có diện tích lớn hơn, chiếm 43,2%. Trung Quốc có đồng cỏ chăn nuôi 266 triệu 60 nghìn hecta, có loại hình đồng cỏ đa dạng, rất có lợi cho chăn nuôi nhiều loại súc vật vào mùa khác nhau [9-III]. Trung Quốc có diện tích đồng cỏ chiếm 1/4 tổng diện tích cả nước, là một trong những quốc gia có diện tích đồng cỏ lớn nhất thế giới. Đồng cỏ thiên nhiên Trung Quốc chủ yếu rải rác ở khu vực rộng lớn ở khu vực phía Tây và phía Bắc dải núi Đại Hưng Nam, núi Âm Sơn, chân núi phía Đông cao nguyên Thanh Tạng;
đồng cỏ nhân tạo chủ yếu rải rác ở các khu vực miền Đông Nam, xen kẽ với ruộng đất và vùng rừng.
Nông dân hiện tại vẫn chiếm đại bộ phận trong tổng số 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Thế nhưng bộ phận này dường như bị gạt ra ngoài lề của công cuộc chấn hưng kinh tế đất nước. Sự thần kỳ của nền kinh tế đông dân nhất thế giới này đem lại thu nhập khá cao, 3900 USD/năm cho người dân thành thị, nhưng thu nhập của người dân ở vùng nông thôn chỉ đạt khoảng 1258 USD/năm (số liệu năm 2012). Khoảng cách này ngày càng rộng ra cùng với sự bùng nổ sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Trong khi giá cả hàng
nông sản tăng chậm chạp thì những chi phí sản xuất như giá phân bón xăng dầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại tăng cao theo giá công nghiệp, đẩy thu nhập ròng của người nông dân vốn đã thấp lại càng thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Tính tới nay đã có hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc ở ruộng vườn ra thành phố tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp [8-III].
2.2.1.4 Một số quốc gia khác
* Thái Lan: Theo số liệu thống kê từ Văn phòng kinh tế nông nghiệp (OAE), số lao động có liên quan đến ngành nông nghiệp giảm mạnh trong vài năm qua, hiện chỉ còn khoảng 25,2 triệu người, chiếm 40% dân số Thái Lan. Tỷ lệ này 10 năm trước đây là 55 – 60%. Giới phân tích cho rằng, tính thiếu ổn định, thu nhập thấp là những nguyên nhân khiến nông dân tìm việc làm ở ngành công nghiệp và dịch vụ thay vì chăm lo cho nông trang của mình [5-III].
* Cuba: Có một vấn đề không bình thường ở nông thôn Cuba đó là tình trạng nông dân bỏ ruộng đất canh tác quá nhiều. Đi đâu cũng thấy những cánh đồng rộng bạt ngàn có khi kéo dài cả hàng chục cây số bị bỏ hoang.
Không ít những vườn quýt chín đỏ ối nhưng không có người thu hoạch. Rồi lại có nghịch lý là đồng cỏ rộng lớn như thế, đất đai màu mỡ như thế, nhưng Cuba lại phải nhập khẩu thịt bò, hoa, trái cây từ Chile [10-III].