Dồn điền đổi thửa

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp khoa kinh tế phát triển nông thôn (Trang 100 - 105)

PHẦN IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.3 Định hướng và giải pháp

4.3.2.2 Dồn điền đổi thửa

Trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang ở Mỹ Thắng thì nguyên nhân do ruộng đất manh mún, phân tán và ở xa nhà cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số ý kiến của người dân. Manh mún, phân tán là đặc điểm chung của ruộng đất Việt Nam, không chỉ riêng ở Mỹ Thắng. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như hiệu quả sản xuất của hộ nông dân. Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương dồn điền đổi thửa. Đây là một chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn và được nhiều người ủng hộ. Ở nhiều vùng, nhiều địa phương, chính sách dồn điền đổi thửa đã làm cho đồng

ruộng được cải thiện, tạo được những thửa ruộng lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa, nông dân có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, nhất là những khâu lao động nặng nhọc như làm đất, bơm nước, tuốt lúa,… và dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, dồn điền đổi thửa cũng đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều hộ nông dân. Trước đây họ còn do dự, chần chừ với thói quen canh tác trên những thửa ruộng chật hẹp, nhỏ lẻ nay chuyển sang sản xuất, canh tác trên những thửa ruộng có quy mô lớn hơn khiến cho nếp nghĩ, cách làm cũng vượt khỏi tầm suy nghĩ “tự cung, tự cấp” để vươn lên sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Chính vì vậy, muốn giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa.

Xác định được điều đó, trong những năm qua, các cấp chính quyền và người dân ở Mỹ Thắng cũng đã triển khai chính sách này nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Là một trong 3 xã điểm thực hiện dồn điền đổi thửa của Mỹ Lộc, thế nhưng tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán lại không được cải thiện đáng kể. Sau 5 năm thực hiện dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân trên hộ chỉ giảm khoảng 1,5 – 2 thửa. Nếu theo đúng kế hoạch thì vào cuối năm 2011, Mỹ Thắng đã hoàn thành dồn điền đổi thửa nhưng đến nay, vẫn chưa có thôn, xóm nào hoàn thành dồn điền đổi thửa, mới chỉ có 2 thôn xây dựng xong phương án giao ruộng là thôn Thịnh và thôn Nội. Tại thôn Nội, chỉ có 30% người dân đồng tình với phương án, còn thôn Thịnh chưa công khai phương án tới người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do đội ngũ cán bộ ở xã và thôn xóm cùng các ngành chức năng đều thiếu tích cực vào cuộc, đội ngũ cán bộ chuyên môn ngại khó, ngại va chạm. Trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa một bộ phận Đảng viên chưa gương mẫu chấp hành. Bên cạnh đó, do địa hình ráp ranh thành phố nên giá đất ở một số

vị trí ven đường, ven đô, ven các khu công nghiệp, khu đô thị chênh lệch lớn, người dân còn nhiều băn khoăn nên chưa đồng tình.

Bảng 4.11. Kết quả dồn điền đỏi thửa dự kiến đến năm 2015

Chỉ tiêu Đơn vị

Tổng Trước

DĐĐT

Sau DĐĐT

So sánh Diện tích đất nông nghiệp Sào 15138,89 15138,89

Số thửa Thửa 12512 5046 - 7466

Diện tích đất NN BQ trên thửa Sào 1,21 3 1,79

Nguồn: UBND xã Mỹ Thắng,2013 Để giảm thiểu tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán nhằm giảm diện tích đất bỏ hoang, chúng ta cần có những giải pháp để khắc phục những tồn tại trên. Có thể kể đến một số giải pháp sau đây.

* Giải pháp về quy hoạch

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quá trình phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng đất khác và việc chuyển đổi cơ cấu trong nội bổ đất nông nghiệp trong thực hiện dồn điền đổi thửa. Chính vì thế, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác này, đó chính là tiền đề cho sự thành công của dồn điền đổi thửa.

Xã cần lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết trước và sau dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất một cách khoa học. Từ đó hình thành nên những vùng sản xuất theo từng cây, con ổn định lâu dài. Mục đích của đổi điền, dồn thửa là tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu. Mỗi loại cây, con phù hợp với những loại đất khác nhau.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể các loại đất của địa phương, xã sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trong sử dụng từng loại đất phù hợp với

từng loại cây trồng, vật nuôi để có phương án đổi điền, dồn thửa khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và được nông dân đồng thuận, tránh những thiệt hại đáng tiếc cho người dân.

Sau dồn điền đổi thửa cần nhanh chóng thành lập bản đồ giải thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, đồng thời thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ, quy hoạch vùng sản xuất, tu sửa, làm mới hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất.

* Giải pháp về chính sách

Nhà nước và địa phương cần có chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ kinh phí để nông dân cải tạo ruộng đất. Một trong những nguyên nhân cản trở quá trình đổi điền, dồn thửa chính là do người nông dân không muốn nhận ruộng xấu, ruộng xa do điều kiện kết cấu hạ tầng nội đồng của các địa phương còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, nhất là những ngày đầu và cuối vụ khi nhu cầu thủy lợi, nhu cầu vận chuyển, đi lại tăng lên hoặc những lúc thời tiết bất lợi như nắng nóng kéo dài cần nước tưới, lúc mưa bão cần được thoát nước nhanh. Do đó, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân sản xuất là cách tốt nhất để rút ngắn cự ly, giảm bớt công sức, chi phí của người nông dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đổi điền, dồn thửa.

Cùng với đó, là việc hỗ trợ người nông dân kinh phí để cải tạo đất xấu thông qua các chính sách như miễn các các loại phí, thuế hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, bằng giống, phân bón và thiết bị máy móc cho nông dân cải tạo ruộng đất.

Mặt khác, cần tăng cường chính sách về vốn, tín dụng cho hộ nông dân, nhiều về số lượng, gọn nhẹ về thủ tục, ưu đãi về lãi suất để hộ có thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt khuyến khích hộ nông dân phát triển sản xuất theo hướng mô hình kinh tế trang trại. Sau dồn điền đổi thửa, hướng sản xuất hàng hóa sẽ phát triển mạnh, vì vậy cần có chính sách thiết lập và mở

rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản cho người dân. Đồng thời từng bước hình thành và hoàn chỉnh các kênh phân phối thị trường nông sản để thúc đẩy nhanh kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển.

* Giải pháp về tổ chức

Tổ chức là một khâu cần phải làm tốt nếu muốn hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Trong khâu tổ chức, trước hết cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ban chỉ đạo các cấp. Cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng người, từng ban ngành, từng cơ quan, tránh sự chồng chéo, đồng thời cũng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan.

Cần đặc biệt chú trọng nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, bình đẳng và tự nguyện, trong đó, đội ngũ, cán bộ đảng viên ở các xã phải là những người tiên phong gương mẫu đi trước trong thực hiện dồn điền đổi thửa. Kinh nghiệm cho thấy, những địa phương nào trong quá trình thực hiện đổi điền, dồn thửa bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, bình đẳng, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu trong thực hiện, không vụ lợi, cá nhân thì tiến trình đổi điền, dồn thửa diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi, ngược lại sẽ không nhận được sự hưởng ứng của nông dân. Do đó, trong thời gian tới, để đẩy nhanh thực hiện chủ trương này, địa phương cần phải phát huy cao độ các nguyên tắc trên, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân cán bộ, đảng viên không gương mẫu, lợi dụng việc đổi điền, dồn thửa để mưu lợi cho cá nhân và gia đình được những khu ruộng đẹp, rộng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng cơ sở và người dân, giải thích rõ nội dung, ý nghĩa cũng như tác dụng của việc dồn điền đổi thửa để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Không đạt được sự đồng thuận của người dân là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thất bại của dồn điền đổi thửa ở Mỹ Thắng. Do vậy, công tác

tuyên truyền vận động người dân càng giữ một vai trò quan trọng ở nơi đây.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện, xã thảo luận và ban hành chủ trương, phương án, kế hoạch triển khai thực hiện. Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đoàn thể nhân dân các cấp, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: mở chuyên mục, chuyên đề, phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và cả những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm. Tổ chức quán triệt, học tập và thảo luận sâu sắc nội dung thực hiện đổi điền, dồn thửa, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới, để mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ việc thực hiện đổi điền, dồn thửa là góp phần phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện, cần chú trọng học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đã làm trước, vận dụng linh hoạt, cụ thể và sáng tạo vào địa phương mình, tránh thực hiện theo phong trào, áp đặt, nóng vội, chủ quan duy ý chí.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dồn điền đổi thửa cũng là một việc làm cần thiết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm ra trong thực hiện đổi điền, dồn thửa nhằm uốn nắn kịp thời những sai sót, lệch lạc trong quá trình thực hiện, bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, đồng thời phát hiện xử lý những tổ chức cá nhân lợi dụng chủ trương, chính sách đổi điền, dồn thửa để làm trái pháp luật, vi phạm quy chế dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chế độ khen thưởng kịp thời những cán bộ, những hộ gia đình, cá nhân làm tốt, có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp khoa kinh tế phát triển nông thôn (Trang 100 - 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w