2.2 Cơ sở thực tiễn
2.2.2 Tình hình nông dân bỏ ruộng ở một số tỉnh
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh miền Trung có tình trạng nông dân bỏ ruộng đáng báo động. Theo báo cáo số 2883/SNN – PTNT của tỉnh Hà Tĩnh về tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích bỏ ruộng là 1.309,75ha, tổng số hộ nông dân bỏ ruộng là 7.578 hộ. Tổng diện tích trả ruộng là 109,45 ha, tổng số hộ nông dân trả ruộng là 1.265 hộ. Toàn tỉnh có 59 xã có hộ nông dân trả ruộng, bỏ ruộng [2-III].
Tại huyện Nghi Xuân, một trong những vựa lúa lớn ở Hà Tĩnh, tình trạng nông dân bỏ ruộng tập trung ở các xã Xuân Giang, Tiên Điền, Xuân Mỹ, thị trấn Xuân An,… Dọc các tuyến đường liên xã ở Nghi Xuân, hầu hết các cánh đồng đều bỏ hoang. Ở nhiều xã, diện tích đất không sản xuất lên đến hàng trăm hecta. Ông Lê Hồng Lựu, chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết xã có 414ha đất nông nghiệp nhưng vụ mùa và hè thu năm nay, bà con đã bỏ hoang đến 300ha. Theo ông Lựu, ở Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, ngưới dân bỏ ruộng vì không sống nổi với cây lúa. Ông lo ngại: “Càng làm càng lỗ nên nhiều hộ đã cho người khác mượn đất hoặc bỏ hoang, đi tìm việc khác.” [4-III].
Xã Trường Lộc là một trong những xã thuần nông của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 462,30ha, trong đó đất nông nghiệp là 331,3ha, chiếm 70,4%. Khoảng từ 2 đến 3 vụ mùa trở lại đây, số hộ nông dân chủ động viết đơn xin trả lại ruộng cho chính quyền xã khá đông với tổng diện tích lên đến hàng chục hecta. Ông Hoàng Mạnh Hùng, trưởng thôn Tân Tiến cho biết: “Cánh đồng làng Cộ, Điếm, Làng Trại là những cánh đồng có ruộng bị bỏ hoang nhiều nhất, cỏ dại đã phủ kín rồi. Tôi làm trưởng thôn mà cũng không biết làm sao. Riêng vụ lúa xuân vừa rồi, toàn thôn đã có hơn 15 đơn của nông dân xin trả ruộng; vụ hè thu tiếp tục có hơn 10 đơn xin trả ruộng. Cứ cái đà này, ít năm nửa ruộng sẽ bỏ hoang hóa hết.”. Nguyên nhân khiến người dân Trường Lộc viết đơn xin trả ruộng ngày càng nhiều là do họ đi xuất khẩu sang Thái Lan, Lào, Maylaysia hay vào thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội,… làm thuê thu nhập cao hơn làm ruộng [2-III].
Theo tính toán của nông dân Hà Tĩnh, chi phí để sản xuất một sào ruộng (sào Trung Bộ 540m2) hiện nay hết 1,5 triệu đồng, nếu sản lượng thu được là 2,7 tạ/sào với giá lúa như hiện nay, người nông dân chỉ lãi được 100.000 đồng/sào. Trong khi đó có hàng chục khoản phí khác được thu theo
đầu sào và theo hộ khá cao, bình quân 1 triệu đồng/sào/năm. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu mà các hộ nông dân ở Hà Tĩnh đưa ra để lý giải cho việc bỏ ruộng, trả ruộng của mình [2-III].
2.2.2.2 Quảng Bình
Quảng Bình cũng là một trong những địa phương có tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng đáng lo ngại. Theo ông Phạm Văn Khoa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, riêng vụ hè thu năm 2013, nông dân tại hai huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã bỏ hoang đến 752ha đất. Riêng tại huyện Quảng Ninh đã có 360ha bị bỏ hoang, trong đó chỉ có 40ha nông dân phải bỏ ruộng vì thiếu nước tưới, diện tích còn lại bị bỏ hoang do nhiều nguyên nhân khác nhau [2-III].
Tại huyện Lệ Thủy, ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mọi năm bà con tham gia làm ruộng lúa hè thu hơn 4500ha, năm nay chỉ còn 1400ha.”. Tại đây còn xuất hiện thêm một hình thức bỏ ruộng nữa. Đó là vào vụ hè thu, sau khi gặt vụ lúa chiêm xong, nông dân để ruộng nghỉ, họ không cày bừa, xới xáo và họ vứt ruộng cho trời. Ít tuần sau, những gốc rạ mọc ra lúa non, người dân địa phương gọi là lúa xép. 40 ngày sau, hơn 8000 ha lúa xép bị bỏ lại từ vụ chiêm được người dân ra mót lại. Đó là cách bỏ ruộng kỳ lạ, họ chẳng chăm sóc gì, khi lúa xép trỗ đòng, chín hạt thì họ đi mót lúa. Hiện các nhà khoa học đang tranh cãi có nên để ruộng lúa tái sinh hay không, trong khi đó, nông dân do chán cảnh làm ruộng bị thất bát nên họ chỉ làm một vụ lúa, vụ còn lại thì họ cho lúa tự tái sinh để chờ gặt. Loại ruộng này chỉ cần bỏ ít đạm, thời gian thu hoạch ngắn, mỗi hecta cũng cho được khoảng 26 – 27 tạ thóc, nông dân không phải bỏ công cán, vốn liếng đầu tư nào nên họ cứ thế ngó lơ chính vụ [3-III].
Ảnh 2.1. Vùng ruộng xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình thành nơi thả lưới bắt cá
Cũng như ở Hà Tĩnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ hoang ruộng đất nhiều ở Quảng Bình là do thu nhập thấp, chi phí sản xuất cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết chi phí mỗi sào lúa hơn 1,4 triệu đồng, chưa kể các loại thu khác như an ninh nội đồng, thủy lợi, kênh mương, phí bảo vệ ruộng lúa… nên chẳng lời được bao nhiêu. Theo lời một nông dân khác ở thôn Thu Thừ, xã An Ninh kể lại nhà bà có một mẫu ruộng (10 sào), mỗi sào đầu tư 1 triệu đồng mỗi vụ, cuối cùng thu lại chưa có năm nào ngang vốn, họa may lắm thì mới có một vụ lời mỗi sào 100.000 đồng, 10 sào được 1 triệu đồng. Nhưng đó mới chỉ tính chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, cày bừa, thủy lợi còn công lao động của cả nhà bà gồm 5 người bỏ ra thì chưa tính. Bà than thở: “Làm lúa mà có khi còn phải đi vay gạo vì nợ cứ trả gối đầu. Không bỏ ruộng càng đói. Tôi quyết định bỏ ruộng, viết đơn cho xã, xã không kí, không nhận đơn, tôi bỏ trắng ruộng cho ai làm thì làm.
Tôi đi Nam làm ăn, nhờ thế mấy năm nay xây được nhà, trả được nợ ruộng của mấy năm trước.”. Hiện nay ở Thu Thừ, công việc làm ruộng là do phụ nữ, người trung niên đảm trách, còn cánh thanh niên thì chẳng có ai làm, trong đó có một ít
đi học ở xa, còn phần lớn là họ đi lao động chân tay ở Miền Nam với đủ nghề.
Hàng chục hộ nông dân trả ruộng, bỏ ruộng ở mảnh làng nhỏ này là do họ tự nhẩm tính: mỗi ngày công họ đi làm thợ hồ cũng được 180.000 đồng, một tháng họ có hơn 5 triệu đồng, còn làm nông dân, họ chẳng làm gì ra tiền; nếu họ có sức khỏe, ở nhà có nhiều người làm thợ hồ gom lại sẽ có dư tiền để mua gạo,do đó họ bỏ ruộng hoang mà làm việc khác [3-III].
2.2.2.3 Hải Dương
Hải Dương là tỉnh Đồng bằng sông Hồng có diện tích ruộng bỏ hoang khá lớn. Theo một con số thống kê cho thấy toàn tỉnh có khoảng 200ha ruộng bị bỏ hoang.
Xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện là địa phương đang nổi cộm lên vấn đề này. Từ năm 1993, mỗi người dân xã Lam Sơn được chia 2 sào ruộng (sào Bắc Bộ 360m2). Dẫu biết trồng lúa không thể khá nổi nhưng người dân vẫn kiên trì bám trụ. Tuy nhiên, mới đây, nhiều hộ đành viết đơn trả lại ruộng do trồng lúa không có lãi, đất phải bỏ hoang nhưng lại phải đóng quá nhiều khoản thuế, phí.
Chị Nguyễn Thị Toán – ngụ tại thôn Thọ Xuyên, Lam Sơn cho biết gia đình phải nộp đến 15 loại thuế, phí cho 4,2 sào ruộng đang canh tác trong vụ chiêm 2013 vừa qua. Trong đó, nhiều nhất là phí dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp và các khoản thu của địa phương như phí chuyển giao khoa học kĩ thuật, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, thủy nông, quỹ nội đồng, quỹ hội nông dân… Theo nhiều người dân Lam Sơn, phần lớn các khoản đóng góp được tính toán dựa trên diện tích ruộng đã giao dù đất để hoang hay không. Chị Toán bức xúc: “ Mỗi sào lúa may lắm cũng chỉ lãi được 100.000 đồng nhưng tiền thuế, phí phải đóng đã gấp đôi. Nông dân chúng tôi lấy gì để nuôi sống gia đình đây? Vì thế, bà con đành trả ruộng.”. Làm đơn xin trả ruộng, có người còn cam kết: “ Dù sau này, Nhà nước có thay đổi chính sách, tôi sẽ không đòi hỏi gì ở diện tích ruộng đã trả.”. Trước tình hình đó, ông Trương Mậu Nhân – Chủ tịch UBND xã Lam Sơn lo ngại: “Số hộ trả lại ruộng chắc chắn sẽ còn tăng. Chúng tôi chỉ biết động viên bà con tiếp tục canh tác trên diện tích của gia đình, đồng thời báo cáo lên trên.” [4-III].
Ảnh 2.2. Nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương làm đơn trả ruộng
2.2.2.4 Nghệ An
Ruộng đất bị bỏ hoang ở tỉnh Nghệ An tập trung tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nghi Lộc …, trong đó nhiều nhất là ở huyện Nam Đàn. Vụ hè thu năm 2013, cả huyện Nam Đàn có đến 600ha đất không sản xuất.
Xã Nam Trung là một xã thuần nông của huyện Nam Đàn mà có tới 957 người làm đơn xin trả ruộng. Lý giải cho điều này, anh Trần Đức Thắng – ngụ tại Nam Trung nói: “Nhà tui được chia 7 sào đất nhưng đã làm đơn trả 4 sào, còn lại làm chủ yếu để có gạo ăn, không phải mua. Chi phí sản xuất thì cao, trong khi giá lúa rẻ nên càng làm, nông dân càng đói.” [3-III].
Cũng rơi vào tình trạng như Nam Trung, xã Nam lĩnh cũng có khoảng 70% thanh niên đã bỏ ruộng, rời làng vào Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Đi dọc xã Nam Lĩnh, chỗ nào cũng gặp cảnh tượng nhà đóng kín cửa, vắng lặng. Trong cửa hàng tạp hóa lợp tranh dựng trước cổng nhà tại xóm 12 của ông Lê Văn Hào (77 tuổi) cùng vợ là Đinh Thị Liên
(57 tuổi) vắng bóng người mua. Hai ông bà từng là bộ đội, thanh niên xung phong về làng gặp nhau, kết duyên muộn, chỉ có một người con năm nay 27 tuổi nhưng cũng đã bỏ ruộng vào Nam làm nghề lái xe nhiều năm nay. Ông bà đã già yếu không thể tiếp tục cày ruộng đành trả lại cho chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Cảnh Danh – người làng Rú, xã Nam Lĩnh buồn rầu nói: “Làng Rú tôi bao đời nay gắn bó với cây lúa, của khoai, nhưng chừng 5 năm trở lại đây thanh niên trong làng bỏ vào Nam kiếm việc làm hết, làng vắng, buồn hiu. Cũng vì làm ruộng khó khăn quá phải bỏ làng đi kiếm sống thôi. Ba trong sáu đứa con của tôi cũng đã vào Nam.”. Không chỉ có thanh niên chưa lập gia đình mà nhiều cặp vợ chồng cũng gửi lại con cho ông bà nội, ngoại chăm nuôi rồi cùng dắt nhau vào Nam kiếm việc làm thuê. Nhiều đứa trẻ vừa dứt bú sữa mẹ thì cha mẹ đã phải để con ở quê ra đi tìm kế sinh nhai. Ông Nguyễn Ngọc Nhuận, Chủ tịch Hợp tác xã Nam Lĩnh cho biết: “Bắt đầu từ năm 2005, nông dân vào Nam kiếm sống nhiều và bắt đầu bỏ ruộng, trả ruộng từ đó. Nguyên nhân là do làm nông nghiệp thu nhập thấp, họ phải đi xa làm ăn. Có những người ra đi vào ba năm thì quay về quê, nhưng làm ăn khó khăn quá, họ lại ra đi. Có những xã viên hợp tác xã bỏ đi, chúng tôi không thu được thuế nợ. Những cánh đồng người dân trả lại, chúng tôi đã có kế hoạch cơ cấu lại cây trồng và đào ao nuôi cá, cho đấu thầu.” [1-III].