Những đặc điểm cơ bản văn hóa Nam Bộ

Một phần của tài liệu cá sấu trong truyện kể dân gian nam bộ (Trang 20 - 25)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1. Vài nét về vùng đất và con người Nam Bộ

1.1.3. Những đặc điểm cơ bản văn hóa Nam Bộ

Trong nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có nét văn hóa riêng rất độc đáo, đa dạng và phong phú. Nam Bộ tuy là vùng đất tổ tiên ta mới khai phá lập nghiệp hơn 300 năm, nhưng văn hóa của nông thôn Nam Bộ bắt nguồn từ nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam có hơn 4000 năm lịch sử.

Nam Bộ từ miền đất hoang vu rừng thẳm, nhiều sông rạch, đầm lầy “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, trên rừng nhiều thú dữ, rắn độc và động vật quý, dưới nước tôm cá bạt ngàn, còn có cá sấu, cá mập. Người nông dân Nam Bộ lao động cần cù, dũng cảm. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước cải tạo tự nhiên, phòng chống thú dữ trên rừng, dưới nước để sản xuất và bảo vệ sản xuất. Ðể tồn tại và phát triển giống nòi, sản xuất và bảo vệ sản xuất tất yếu các gia đình nông dân trong họ tộc, trong xóm làng liên kết lại (hợp tác) lao động đổi công phá rừng làm ruộng rẫy, đào sông rạch, làm đường giao thông: săn bắn thú dữ, cưu mang đùm bọc “thương nguời như thể thương thân” giúp đỡ nhau chén cơm manh áo, con giống, hạt giống, đúng với câu ca truyền miệng gần như nông dân Nam Bộ ai cũng thuộc lòng “một miếng khi đói bằng cả gói khi no” trong sản xuất và đời sống. Tuy cuộc sống vô cùng cơ cực ngày ngày lao động trên đồng ruộng, đêm đêm nam nữ quây quần giã gạo, chày đôi, chày ba, rồi ca hát hoặc hò đối đáp dưới ánh trăng, tình quê tuy mộc mạc nhưng thấm đậm nghĩa tình. Những người nông dân có mặt ở vùng đất Nam Bộ này hơn 300 năm trước đây là những nông dân đến từ nhiều vùng ở miền Trung, miền Bắc. Tuy buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất hoang sơ trăm đắng ngàn cay bởi rừng thiêng nước độc, thú dữ, người nông dân thiếu cả công cụ, phương tiện lao động…

nhưng mọi người kiên cường bám trụ “đến đây thì ở tại đây, trăm năm bám rễ xanh cây không về”. Bám rễ xanh cây không chỉ có nghĩa lao động sáng tạo ra của cải vật chất trên nền nông nghiệp phì nhiêu trù phú, mà sự xanh cây bám rễ còn có nghĩa mối quan hệ giữa người với người từ bốn phương tụ hội trên mảnh đất Nam Bộ ấm áp tình người. Tấm lòng người nông dân Nam Bộ xưa nay luôn đức độ bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những ai biết hối cải lỗi lầm, nhưng cũng không tha thứ kẻ gian ác, điêu ngoa. Họ coi trọng nhân-nghĩa-trí-dũng-liêm, lòng thương người bao la vô tận, nhưng rất ghét bọn gian tà, tham nhũng, xu nịnh, những kẻ “tham phú phụ bần”. Nếu ai là người lương thiện có đạo đức làm người, sống trung thực, nhân nghĩa dẫu từ đâu đến với xóm làng nào Nam Bộ thì cũng được nông dân đón tiếp thân tình theo đúng nghĩa “tứ hải giai huynh đệ”, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ người đói rét, bệnh tật “anh em như thể tay chân” hay là “Bầu ơi thương lắy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nền kinh tế Nam Bộ ngày càng phát triển, đường giao thông ngày càng thuận lợi, sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của nông dân các làng quê ngày càng mở rộng, các phong tục, tập quán từ việc ăn, ở, giao tiếp, sinh hoạt văn hóa, lễ hội đến đám cưới, đám tang… của nông dân Nam Bộ cơ bản là giống nhau. Nhưng nét riêng của miền Ðông, miền Tây và mỗi tỉnh, mỗi làng quê về tính cách, tập quán, mỹ tục cũng có khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ca “Cà Mau đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con”. Trai đi có vợ, gái về có con ở đây không chỉ có “đất quê ta mênh mông” hoặc đường đi cách trở sơn khê mà bởi đất lành chim đậu, sự lưu luyến về vùng đất phì nhiêu dễ dàng sản xuất tạo ra của cải, xây dựng cuộc sống, hơn nữa là tình người nhân hậu thủy chung, “trai cũng dễ mến mà gái cũng dễ thương” Hay như câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Cần Thơ không phải chỉ có gạo trắng nước trong mà còn là sự giao lưu văn hóa, xã hội hài hòa lịch thiệp, đa cảm đa tình. Người Cần Thơ mến khách nên khách cũng mến người. Nếu ai đến bến Ninh Kiều từ xa xưa cũng “ngựa xe như nước áo quần như nêm” và bây giờ càng thêm lộng lẫy, phố phường nhộn nhịp. Ðêm đêm tàu thuyền san sát bên sông, có cả thuyền văn hóa lưu động, các nhóm tài tử phục vụ đủ các hạng người tao nhân mặc khách. Chính vì phong cảnh hữu tình, quyến rũ làm chạnh lòng quân tử, thuyền quyên mà “đi không nỡ, ở cũng đành”. Nói về hoạt động

văn hóa, văn nghệ nhất là đờn ca tài tử thì không riêng ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ mà gần như đều khắp các làng quê Nam Bộ, anh nông dân đi cày chị nông dân đi cấy cũng có thể hát, hò và ca vọng cổ được. Tinh thần yêu nước là đỉnh cao của văn hóa.

Lúc bình thường trong cuộc sống nông dân có thể có vui, có buồn thậm chí to tiếng với nhau vì một lý do nào đó, nhưng khi đất nước có giặc ngoại xậm thì người nông dân đoàn kết lại sẵn sàng đánh giặc cứu nước.

Như vậy, cũng phải ngót gần một thế kỷ Nam Bộ mới bước đầu được định hình trong thời gian và không gian với tư cách là một vùng văn hóa. Xét về lịch sử, để một vùng đất trở thành một vùng văn hóa, một thế kỷ là thời gian không dài. Sở dĩ có được điều này, vì xét từ chủ thể, người Việt khi đến vùng đất mới đang mang theo hành trang của mình vốn văn hóa đúc kết hàng ngàn năm của dân tộc Việt. Đây chính là nền tảng của hệ giá trị văn hóa Nam Bộ. Khi nghiên cứu về tính cách văn hóa Nam Bộ, Trần Ngọc Thêm cũng đã xác định tính cách văn hóa Nam Bộ là sản phẩm tổng hợp của ba yếu tố chính, trong đó truyền thống văn hóa dân tộc Việt được ông xếp ở hàng đầu tiên, hai yếu tố kia là tiếp biến với văn hóa khu vực và phương Tây bối cảnh tự nhiên Nam Bộ [56, tr 141]. Điều dễ thấy là hai yếu tố sau dựa trên cơ sở của yếu tố đầu tiên với tư cách là hệ giá trị cốt lõi. Mặt khác, nhìn từ chủ thể, điều cũng dễ thấy là lưu dân Việt vào Nam hầu hết là thuộc tầng lớp dưới, những giá trị họ mang theo chắc chắn không phải là cả hệ giá trị được vận hành gắn với thiết chế văn hóa xã hội vốn có từ lâu đời như ở các vùng “đất cũ” thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ.

Những giá trị họ mang theo không nhiều tính chất quan phương mà đậm nét truyền thống dân chủ của văn hóa nông thôn. Những giá trị này trải qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội có tính đặc thù của Nam Bộ đã dần tạo nên những giá trị mang đậm sắc thái Nam Bộ mà giới nghiên cứu thường nói đến khi đặt trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống như tính thoáng mở, năng động, sáng tạo, trọng nghĩa, bao dung…

Người dân Nam Bộ, trong quá trình phát triển của mình, không bị ràng buộc nhiều bởi ý thức trung quân nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã quay lưng lại với triều đình, “chẳng nghe thiên tử chiếu”, và chính họ chứ không ai khác đã là động lực mạnh mẽ thúc đẩy những người ít nhiều vướng bận với triều đình cũng phải “theo

bụng dân để chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu). Sự va chạm về giá trị càng biểu hiện rõ hơn đâu hết chiều sâu của giá trị văn hóa Việt Nam mang đậm sắc thái Nam Bộ. Nguyễn Đình Chiểu đã thay mặt nhân dân Nam Bộ thể hiện rõ sự lựa chọn quyết liệt để bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống trước sự thâm nhập của các yếu tố văn hóa, văn minh ngoại lai. Khái niệm “đạo nhà” của Nguyễn Đình Chiểu là một sự đúc kết nhận thức sâu sắc của người dân Nam Bộ về phẩm giá và khí phách. “Đạo nhà” ở đây được đặt trong thế đối lập với “đạo người”, với “ngoại đạo” và cốt lõi của nó chính là truyền thống, là đạo lý dân tộc mà người dân Nam Bộ thà hy sinh chứ không chịu mất. “Đạo nhà”, đạo thờ cúng ông bà tổ tiên trong bối cảnh này đã trở thành biểu trưng cho truyền thống văn hóa, cho cốt lõi của bản sắc dân tộc. “Đạo nhà” ở đây cũng là đạo lý của lòng yêu nước. Điều đáng lưu ý là Nam Bộ là vùng đất mới, ít chịu sự ràng buộc của khuôn khổ đạo lý truyền thống nhưng hạt nhân của những giá trị văn hóa Việt vẫn hết sức bền vững, chỉ khác là nó được phát biểu, được bộc lộ mang đậm sắc thái Nam Bộ, vừa dân dã, vừa sâu sắc. Trên nền tảng giá trị cốt lõi đó, Nam Bộ vẫn thể hiện được rõ nét là vùng đất mở, là sự bao dung và năng động trong tiếp nhận cái mới. Nam Bộ vẫn là vùng đất đầu tiên ở Việt Nam tiếp nhận nhiều yếu tố mới mẻ của văn hóa, văn minh phương Tây vận dụng vào thực tiễn văn hóa Nam Bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Sự phát triển đô thị thương nghiệp, sự xã hội hóa chữ quốc ngữ Latinh, sự xuất hiện báo chí, sự thử nghiệm của nhiều hình thức sáng tạo nghệ thuật theo hướng học tập có chọn lọc mô hình phương Tây từ những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cho thấy rõ điều đó.

Có thể thấy nền văn hóa Nam Bộ vừa có nền tảng của truyền thống văn hóa dân tộc, vừa có những giá trị cốt lõi riêng hình thành nên phong cách văn hóa Nam Bộ. Tính thoáng mở của một vùng đất mới là cơ sở của việc hình thành nên tính năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm của người dân Nam Bộ, và do hoàn cảnh lịch sử có tính đặc thù của mình, tính thoáng mở đó là cơ sở cho việc tiếp nhận và tiếp biến thành công nhiều giá trị văn hóa, văn minh hiện đại của thế giới, tiêu biểu là các mô hình của các nước phương Tây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ở Việt Nam, Nam Bộ là vùng văn hóa có điều kiện hơn cả trong việc hội nhập văn hóa và do vậy,

lại tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong bối cảnh mới. Đó cũng là đóng góp thiết thực của vùng văn hóa Nam Bộ trong sự phát triển chung của văn hóa dân tộc.

Vùng đất Nam Bộ là kết quả bồi đắp phù sa của hai hệ thống sông Đồng Nai và sông Cửu Long trong nhiều thế kỷ. Phần lớn là đồng bằng, ít núi đồi, trừ vùng Tây- Tây Bắc của Đông Nam Bộ và Tây Nam của Tây Nam Bộ có một vài dãy núi, đồi thấp bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi kênh rạch, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long hay còn gọi là Tây Nam Bộ. Người Việt Nam Bộ, vốn là những lưu dân có gốc từ Bắc Bộ và Trung Bộ. Phần lớn họ là những nông dân, thợ thủ công, dân nghèo sống không nỗi ở quê nhà đành phải buộc lòng ly hương tìm nơi đất sống mới. Cùng đến đất Nam Bộ, thành phần của dân người Việt còn khá nhiều các lớp người khác như các binh lính được phái đi đồn trú, khẩn hoang, những quan lại bị “kỷ luật”, các nhà nho bất đắc chí, những thương nhân và cả những tội đồ bị đầy biệt xứ, những phần tử tội phạm của nhà nước phong kiến bị truy nã, trốn tránh phải thay tên đổi họ… Đến đất Nam Bộ định cư, những lưu dân người Việt đã tập hợp lại thành những nhóm, những cộng đồng, bắt tay vào công việc khai mở đất đai, lập ấp khẩn hoang.

Vốn là những cư dân của nền văn minh nông nghiệp canh tác lúa nước, họ đã nhanh chóng thích ứng với vùng đất mới. Thiên nhiên Nam Bộ vừa hào phóng nhưng cũng không ít những khó khăn thách đố. Người Việt đã đến Nam Bộ với những hành trang, với chiều dày lịch sử hàng ngàn năm, kinh nghiệm trồng lúa, trồng màu, với cách tổ chức đời sống cộng đồng là cái vốn quý nhất để họ đối diện và tồn tại trên vùng đất mới này. Thêm vào đó là sự cộng cư với người Khmer và người Hoa và các dân tộc bản địa anh em, người Việt đã có thêm những học hỏi văn hóa mới, tao nên sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất Nam Bộ. Hơn ba thế kỷ qua, người Việt đã đạt được nhiều thành công, thành tựu lớn lao trong công cuộc định cư và khai mở vùng đất Nam Bộ. Những xóm ấp được lập nên, những cánh đồng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái… trải dài khắp miền đất phương Nam. Cùng với cuộc sống vật chất, một nhu cầu tâm linh cũng dần dần đươc đáp ứng đó là những đền, đình, chùa, miếu cũng được xây cất, một số tín ngưỡng tôn giáo ra đời, và cả phương thức tổ chức đời sống cộng đồng làng xã quen thuộc được đem từ phía Bắc vào. Hơn ba trăm năm trải nghiệm và thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội, người Việt Nam Bộ, đã hình

thành một nét văn hóa riêng của mình trên vùng đất Nam Bộ. Người Việt Nam Bộ cũng giống như người Việt ở các vùng miền khác của đất nước, có cội nguồn văn hóa chung từ hàng nghìn năm, từ cái nôi văn minh Sông Hồng, văn minh trồng lúa nước ở Bắc Bộ. Đó là điều cơ bản. Người Việt Nam Bộ là một bộ phận của người Việt Việt Nam, đã chuyển dịch không gian sinh tồn vào vùng đất phương Nam. Ở đây, họ đã tái lập (hoặc tái cấu trúc) văn hóa Việt truyền thống trên một vùng đất mới, trong không gian văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Nơi đó văn hóa Việt truyền thống đã tìm cách thích ứng và phát triển trong điều kiện tự nhiên và xã hội khác với vùng “đất Tổ” của mình. Chính điều đó đã tạo nên nét riêng của văn hóa của người Việt Nam Bộ.

Một phần của tài liệu cá sấu trong truyện kể dân gian nam bộ (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)