CHƯƠNG 3: NHỮNG MOTIF CƠ BẢN VÀ Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
3.2. Ý nghĩa của truyện kể dân gian về cá sấu ở Nam Bộ
3.2.2. Truyện kể dân gian về cá sấu góp phần thể hiện những tính cách đặc trưng của người dân Nam Bộ
Từ những truyện kể nói đến quá trình chinh phục thiên nhiên cũng như phản ánh môi trường sống mới của lưu dân ở vùng đất phía Nam, người nghe nhận ra rất rõ những nét tính cách được hình thành buổi đầu của người dân Nam Bộ. Từ buổi sơ khai, vùng đất Nam Bộ là nơi hội tụ của những con người “tứ chiếng”, nghèo khổ từ nhiều địa phương khác nhau đến đây sinh sống. Họ đến đây vì nhiều lí do khác nhau.
Tuy nhiên, đích cuối cùng hướng tới vẫn là tìm một nơi an cư, lập nghiệp. Nam Bộ đã hội tụ đủ những điều kiện cần cho những con người ấy. Trong môi trường mới, lưu dân cần phải thích nghi. Từ đấy, họ cải biến những lề lói, nếp sống, lối ứng xử, ... vốn có và hình thành nên những tính cách mới phù hợp hơn với cuộc sống ở vùng đất mới này. Dần dần, những đặc điểm và sự trù phú của thiên nhiên nơi đây đã góp phần hình thành nên tính cách, và phát triển thành những đặc trưng rất riêng người dân Nam Bộ. Đó là cách sống trọng nghĩa tình, phóng khoáng, hào hiệp, trượng nghĩa, giản dị, và cùng hòa mình vào thiên nhiên, ...
Trong những câu chuyện kể về cuộc mưu sinh của lưu dân ở phương Nam với nhiều chủ đề khác nhau, thì truyện về sấu đã góp phần lí giải thêm đặc điểm tính cách của người Nam Bộ. Qua đó khắc họa rõ nét hơn vai trò, vị trí của truyện kể trong việc lưu giữ dấu ấn của con người Nam Bộ ở buổi đầu khẩn hoang, lập ấp.
Với những câu chuyện kể về sấu được sưu tầm, thống kê, khảo sát, người viết nhận thấy: tính cách người Nam Bộ xưa được thể hiện qua lối ứng xử với thiên nhiên và cách ứng xử với con người.
+ Tính cách trọng nghĩa, khinh tài
Trọng nghĩa, khinh tài là một trong những nét tính cách nổi bật nhất của người Nam Bộ. Ở đây, con người luôn đặt chữ nghĩa lên hàng đầu, coi thường hai chữ “tiền tài”. Nét tính cách này đi vào trong văn học viết như một sản vật đặc trưng ở Nam Bộ. Chúng ta đã bắt gặp những nét tính cách ấy rất rõ qua những nhân vật như: Lục Vân Tiên, Hớn Minh trong tác phẩm Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
Chắc hẳn ai khi đọc qua tác phẩm đều cảm nhận và khắc sâu trong lòng trước cung cách đậm ân tình, cùng cách ứng xử mang nét rất đặc trưng của người Nam Bộ:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”
Và cũng như nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa nhận định: “Họ rất chuộng nghĩa khí, quí trọng tình bạn bè, tình huynh đệ giang hồ nghĩa hiệp, coi khinh tiền tài như cỏ rác, sẵn sàng xả thân vì nghĩa” [Xem Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr.123].
“Lao xao sóng búa dưới lùm
Thò tay vớt bạn chết chùm cũng ưng.”
Tác giả ca dao Nam Bộ thường xuyên nói về chữ nghĩa cũng trên tinh thần đó.
Trọng nghĩa là thái độ ứng xử của người Việt Nam nói chung chứ không riêng của người Việt ở Nam Bộ. Có điều, đây được xem là một nét trội hơn trong tính cách của người dân vùng đất mới. Họ vốn là những lưu dân đi tìm sự sống trong muôn ngàn cái chết. Qua nhiều lần thoát hiểm nhờ sự liên kết, nhờ tinh thần hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, họ càng thấm thía thế nào là tình huynh đệ hào hiệp. Trọng nghĩa gắn với khinh tài. Nếu người xưa đã từng cay đắng nhận rằng “nén bạc đâm toạc tờ giấy”
hoặc chua chát “có tiền mua tiên cũng được”thì tác giả ca dao Nam Bộ khẳng định:
Tiền tài như phấn thổ, Nghĩa trọng tợ thiên kim Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi.
Phấn thổ (bụi đất) và thiên kim (ngàn vàng) trong bài ca dao mang ý nghĩa biểu trưng. Sự đối lập của hai hình ảnh này chính là sự đối lập giữa cái tầm thường và cái cao quí. Nếu có cái gọi là bên trọng bên khinh thì nghĩa là bên trọng, tiền tài là bên khinh.
Tất cả những ai tiếp xúc với người dân ở Nam Bộ đều yêu mến rất nhiều bởi tính cách đôn hầu, hiền hòa, đầy nghĩa tình. Nét tính cách trên một phần là sự kế thừa
truyền thống vốn có của dân tộc; một phần từ quá trình thích nghi với môi trường sống mới đã tạo nên.
Thiết nghĩ, trước một môi trường sống đầy thuận lợi “rừng vàng, bể bạc”, cá tôm đầy sông, ruộng đất mênh mông, đất rộng người thưa, con người không cần vật lộn tranh giành từng miếng ăn, tấc đất. Như một sự mặc định ngay từ buổi đầu Nam tiến, chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn, sức ai khai phá được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Chính sự hào sảng của thiên nhiên nơi đây là chiếc nôi hình thành nên lối nghĩ: tiền tài là vật ngoài thân. Bên cạnh đó, những lưu dân vào Nam một thời là những con người mang dòng máu hiệp nghĩa, không chịu khuất phục trước uy quyền, không chịu cúi đầu bị đài đọa đến bước đường cùng và đã phiêu bạc vào đây. Đến nơi rừng thiêng nước độc này, họ phải đối mặt với bao thứ thách của môi trường mới, cảnh sắc heo hút, lại thêm tứ cố vô thân, ... Thương cảm trước số phận những con người đồng cảnh ngộ, họ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nhằm chống chọi lại những thử thách trong cuộc mưu sinh. Vì thế, chữ “nghĩa” luôn được họ trân trọng: “nghĩa”
ấy có cả nghĩa khí và nghĩa tình trong đó. Những điều trên tạm xem như một cách lí giải về sự hình thành nét tính cách trọng nghĩa khinh tài của những con người ở Nam Bộ.
Trong truyện kể về cá sấu, nét tính cách này được thể hiện trong rất nhiều truyện. Chẳng hạn như truyện Bị sấu đớp mà thoát được ngoài việc tái hiện lại cuộc sống của người dân trong buổi đầu khai khẩn, nó còn đọng lại trong lòng người nghe, người đọc những dư vị ngọt ngào của cái tình, cái nghĩa. Nếu không có sự đùm bọc, tương trợ lẫn nhau giữa những người tha phương cầu thực thì ông Sáu Kiều dù có thoát khỏi miệng sấu ông cũng sẽ chết vì đuối sức. Chi tiết “Chừng nửa giờ sau, có một chiếc xuồng đi ngang qua thấy dòng máu đỏ loang trên mặt nước và con kỳ đà treo trên cây, biết có chuyện chẳng lành tri hô lên” [17, tr 199]. Qua đó, truyện nói lên phần nào tinh thần vị nghĩa của người Nam Bộ từ ngàn xưa. Mặc dù nhân vật trên chiếc xuồng là người thân quen hay xa lạ với ông Sáu Kiều, nhưng thấy người đang gặp nguy nan liền ra tay cứu giúp. Tinh thần vị nghĩa ấy là sự kế thừa và phát triển từ tấm lòng thương người - vốn là nét đẹp tinh thần lâu đời của người Việt Nam.
Hay truyện Truyền thuyết thác Trị An có đoạn kể: “Năm kia, trời hạn hán. Các con suối lớn nhỏ đều khô cạn. Cả người lẫn thú đổ xô ra sông tìm nước uống, Một hôm trời chuyển dông, mây đen chao đảo trên vòm trời. Một chiếc xuồng độc mộc chở một thiếu nữ tất tả xuôi mau vào bờ. Bỗng một con cá sấu từ dưới nước nổi lên và đuổi theo chiếc xuồng. Lập tức hai mũi lao từ Điểu Du phóng nhanh về phía con cá sấu. Nó bị thương nên càng vùng vẫy lồng lộn, há miệng định nuốt chuẩn cả chiếc xuồng và người con gái. Trong cơn nguy hiểm, may sao thuyền của Xơra Đina vừa kịp xuất hiện. Nhanh như chớp, chàng bắn liền hai phát tên. Cá sấu trúng tên chạy được một đoạn thì chìm nghỉm” [17, tr.90]. Bất chấp hiểm nguy, Xơra Đina đã
“nhanh như chớp” cứu nàng Điểu Du mà không cần suy nghĩ điều gì.
Với tinh thần trọng nghĩa khinh tài được thể hiện trong những truyện kể có xuất hiện hình tượng cá sấu ở Nam Bộ càng tô đậm hơn nét tính cách đặc trưng của người Nam Bộ. Qua đó, những câu chuyện kể này là những bài học quí báu về tình người, tình đời cho bao thế hệ cháu con sau này sống ở Nam Bộ nói riêng và mọi người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
+ Tinh thần dũng cảm, gan góc, bản lĩnh
Cũng từ những truyện kể được khảo sát có hình tượng cá sấu đã thể hiện một phương diện tính cách nữa của người Nam Bộ, đó là tính gan góc và bản lĩnh.
Nói về qua trình khai hoang, lập ấp của những lưu dân ở vùng đất Nam Bộ, không ai không khâm phục trước họ bởi nghị lực và bản lĩnh phi thường. Từ một vùng đất hoang vu, âm u, đầy hiểm trở, họ đã lập nên những đồn điền đầy hoa quả trĩu cành. Nhà cửa mọc lên san sát nhau, người đến cư ngụ đông đúc dần.
Để có được cuộc sống bình yên nơi “rừng thiêng nước độc”, để có thể chiến thắng những loài thú dữ, ... Đòi hỏi con người phải thật gan dạ, dũng cảm, can trường trước những thách thức của môi trường sống gây ra. Còn hơn thế nữa, những lưu dân đến vùng đất Nam Bộ này có mang sẵn trong người sự gan góc. Có lẽ, tất cả cũng xuất phát từ tâm tính ban đầu của những người đi mở cõi: không chịu cúi đầu, không khuất phục.
Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với nhiều lí do khác nhau nhưng mang chung trong mình lòng kiên cường, dũng cảm, bất khuất, ngang tàng,... Và sau những chiến vượt đèo băng suối đến vùng đất mới, họ lại càng mạnh mẽ hơn để chinh phục môi trường sống mới. Họ không khuất phục trước uy quyền của con người, họ lại càng không khuất phục trước những thách thức do thiên nhiên gây ra. Đã đến nơi này, họ càng quyết chí ở lại đây, sinh sống lại đây, và xem đây như quê hương thứ hai của mình. Nên từ già đến bé, ai cũng bền gan, chặt chí bám trụ trên mảnh đất này dù thiên nhiên có thách thức dữ dội như thế nào.
Tất cả những đặc điểm trên đều được thể hiện trong nhiều thể loại văn học dân gian ở Nam Bộ. Truyện kể về cá sấu là một mảng nhỏ nói lên đặc điểm tính cách người ở phương Nam. Chẳng hạn như truyện Chuyện kể về cá sấu trấn Vĩnh Thanh nói về một anh chàng có tài câu thiện nghệ, đã giúp người dân tiêu diệt con sấu hung tợn mà bấy lâu nay quấy phá. Nó “mình lớn năm vây, dài đến sáu trượng, hằng ngày đón chặng ghe, xuồng, hất văng người xuống hoặc đánh lật úp ghe rồi nhảy vọt lên táp nuốt”. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, anh chàng dùng một móc câu thật to móc vào một con vịt rồi anh nhảy ùm xuống nước dụ sấu. Anh đợi khi sấu đang định nuốt con vịt thì liền lặn vào bờ hô nhau kéo dây và dâm chết con sấu.
Hay trong Sự tích Rạch bỏ lược, người mẹ đã biến nỗi đau tột cùng của bản thân vì mất con thành sức mạnh. Bên cạnh đó là sự mạnh mẽ, gan góc, bà tìm cá sấu để trả thù. Trước sức mạnh và sự hung bạo của loài sấu, làm sao bà không nghĩ đến kết cuộc là cái chết. Nhưng bà vẫn quyết diệt con sấu dữ. Điều bà làm không chỉ mang ý nghĩa trả thù mà còn giúp dân làng giết loài thú dữ. Sự gan dạ, dũng cảm của một người phụ nữ dám đối mặt với loài cá sấu, chỉ điều ấy thôi cũng đủ nhận thấy rằng bà rất bản lĩnh. Trước cái chết đầy khí phách, gan góc của bà, cũng như bao thế hệ người đã ra đi như thế, dân gian đã viết nên những bài văn tế cô hồn nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc, như:
“ ...Hồn ở đâu?
Hồn ơi! Hỡi hồn?
Sa cây, sa cối,
Sa cột, sa cành.
Cuối bãi, đầu gành, Cọp tha, sấu bắt Hoặc vì thắt ngặt Manh áo chén cơm, Hoặc vì ngậm hờn Bỏ quê phiêu bạt, Tràm xanh bát ngát, Nước chum đỏ ngầu.
Hồn ở sông sâu, Hồn nương cành biếc, Ta thương ta tiếc, Lập đàn giải oan.”
(Sơn Nam sưu tầm)
Với tinh thần bình sinh không khuất phục trước bất cứ thế lực nào, cùng với lòng gan dạ, ý chí sắc bén, tinh thần mạo hiểm họ đã đi qua lịch sử với những chiến thắng vẻ vang trước muôn ngàn thử thách của đất rừng phương Nam tạo ra.
Có thể thấy rằng, những truyện kể có chứa hình tượng cá sấu nhằm tô đậm thêm tính gan góc, bản lĩnh của con người phương Nam. Nó cũng đã góp phần làm trọn vẹn và sinh động hơn bức tranh toàn cảnh về chiến công đánh cọp - giết sấu, giữ cuộc sống yên lành cho bao thế hệ người. Đây chính là nét chính hình thành nhóm truyện đánh cọp, diệt sấu có dấu ấn độc đáo ở vùng Nam Bộ, như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định: “chuyện đánh cọp, giết sấu là một thể tài nổi bật nhất của loại hình tự sự dân gian trong buổi đầu khai phá vùng đất mới Gia Định”.
+ Lối sống hòa mình với thiên nhiên
Trong những truyện kể có hình tượng cá sấu được khảo sát, người viết nhận thấy ngoài việc thể hiện tính cách trọng nghĩa, khinh tài; gan góc, bản lĩnh còn thể hiện lối ứng xử mang tính hòa hợp, linh hoạt với môi trường tự nhiên của người Nam Bộ. Ở đó, môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành môi trường sống của con người, mà chủ yếu là ở môi trường nước. Bởi:
Thứ nhất, Nam Bộ được biết đến là một vùng trũng, thường xuyên chịu ngập lụt. Bên cạnh đó, trên vùng đất này sông ngòi chằng chịt. Thuở xưa, thời khai hoang, lập ấp ở Nam Bộ, nền nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Vì vậy, nước và hình ảnh sông ngòi đi vào tâm thức của mỗi con người sống nơi đây. Chúng vừa là người bạn tri âm, tri kỉ của con người. Chúng cũng vừa là thế lực thiên nhiên tai ác, gây hại cho cuộc sống của những lưu dân. Chính điều đó, khi nhắc đến thiên nhiên Nam Bộ, người ta thường nghĩ ngay đến nước và sông ngòi. Và những đặc trưng tính cách của người Nam Bộ nay cũng xuất phát từ cách ứng xử với môi trường nước.
Thứ hai, cá sấu được xem như một loài thủy quái. Vì chúng thể hiện sức mạnh, vẻ hung tợn trong môi trường nước là chủ yếu. Còn nếu lấy chúng ra khỏi môi trường nước, chúng sẽ ít đi khả năng gây hại cho các loài vật khác, cho con người. Nhắc đến sự hung tợn của cá sấu, người ta không thể tách rời với môi trường nước.
Vì thế, những truyện kể thường gắn liền với những biểu hiện về cách ứng xử với môi trường nước của lưu dân khi vào Nam Bộ.
Lối ứng xử với môi trường nước của người dân Nam Bộ thể hiện cách sống giản dị, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ nơi đây. Từ buổi đầu đến vùng đất nê địa này, lưu dân đã dựa vào sự giàu có về sản vật của Nam Bộ để sinh sống. Họ bắt cá có sẵn dưới sông để ăn, lên rừng chặt cây làm nhà để ở, ... Cuộc sống giữa môi trường như thế cũng đã hình thành trong mỗi con người nơi đây lòng yêu mến, gắn bó với chim muông, cây cỏ; ... Cùng kiểu tư duy vốn có của người Việt Nam, người phương Nam luôn mang trong mình tâm thức hòa hợp với thiên nhiên hơn là chống cự lại.
Với những truyện kể trên thể hiện khá rõ nét tính linh hoạt và mong muốn được hòa vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên chứ không còn là phá hủy, tiêu diệt.
Đây cũng là một nội dung cần được tìm hiểu rộng hơn, sâu sắc hơn trong các thể loại
truyện kể. Những nét nổi bật về tính cách đặc trưng trên là một phần trong vẻ đẹp về tâm hồn của người dân Nam Bộ. Tuy là một mảng đề tài nhỏ trong hệ thống khối lượng rất lớn những truyện kể ở Nam Bộ, về Nam Bộ nhưng đã soi rọi được những khía cạnh cần thiết, đặc trưng của con người nơi đây.