CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
2.2. Cá sấu – quái vật ăn thịt người
Nguyễn Phương Thảo trong Văn hóa dân gian Nam Bộ - những phác thảo đã ghi nhận: “Buổi ban đầu khi người Việt đặt chân lên vùng này, thiên nhiên nơi đây còn hoang sơ, thậm chí còn hiểm trở, với cảnh những rừng rậm, trâu rừng tụ họp thành bầy, như Châu Đạt Quan đã ghi chép trong Chân Lạp phong thổ ký của ông, với cảnh: dưới sông sấu lội, trên giồng cọp đua, hay như lời một bài ca dao Nam Bộ:
xứ đâu có xứ lạ lùng, con chim kêu tôi cũng sợ con cá vùng tôi cũng ghê” [52, tr 236].
Phủ biên tạp lục, sách thế kỷ XVIII đã ghi nhận: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”… Hiện thực đã được khái quát hóa trong những sáng tác văn học dân gian. Ca dao Nam Bộ đã ghi lại những xúc cảm đầu tiên của con người khi đặt chân đến vùng đất còn âm u, nê địa:
“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn, Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”;
“U Minh khốn khổ quá chừng, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.
Ở truyện dân gian, sự nhận thức về thực tại được thể hiện với những nhân vật và sự kiện cụ thể, trong đó nổi bật dấu ấn về thời kỳ khai phá và hình ảnh những con
người tiên phong trong công cuộc chinh phục, cải tạo thiên nhiên. Tác giả Nguyễn Phương Thảo cho biết thêm: “Hiện ra trong các tác phẩm folklore ở mọi thể loại là một thiên nhiên của thời kỳ khai phá, dấu vết của một thời gian lao có thể mờ nhạt khi màu xanh cây cỏ, sự trù phú của những cánh đồng xuất hiện nhưng trong kí ức con người, thiên nhiên ấy lại hoang vu, gợi ra sự hoang vắng khi con người mới đặt chân tới”. Thực tế, không gian hoang sơ đã xuất hiện trong truyện dân gian Nam Bộ, nơi khởi nguồn của tiến trình khai phá vùng đất mới, với hình ảnh rừng rậm và thú dữ. Qua đây cho thấy không gian hoang sơ chính là không gian thực tại, là hình ảnh rất đặc trưng của vùng đất, trở thành một không gian nghệ thuật đặc thù, nó đánh dấu quá trình con người chinh phục, thích ứng với thiên nhiên hoang dã, tạo lập nên địa bàn sinh thái nhân văn nơi đây.
Theo Kiến Hòa (Bến Tre xưa) thì thuở mới khai hoang, ở vùng Bến Tre ngoài khí hậu độc địa, còn có vô số loài thú dữ như rắn rít, cọp, cá sấu,.... “Sấu ở dưới nước, rình rập những người đi ghe xuồng. Nếu làm ruộng rẫy ở trên đất cao ráo, chúng ta chẳng bao giờ bị sấu hại”.
Theo Aubaret trong Gia Định thông chí thì: “Rạch Tiên Thủy, năm trước có một con sấu thật to, mình dài đến 60 pieds, cái thân của nó năm người ôm mà không giáp, gọi nó là ông rồng, và sức nó mạnh đến nỗi nó dùng đuôi quất một cái đủ văng người xuống nước để ăn tươi nuốt sống, và ghe xuồng gì đều bị nó quất bể tan tành”.
Cá sấu trong các truyện kể dân gian đều có mở đầu rất giống nhau: Ngày xưa, cả vùng đất quanh núi Bồ-piêl, một ngọn núi thuộc bảy núi tỉnh An Giang ngày nay, còn là một hòn đảo nằm giữa biển nước mênh mông.... Bỗng nhiên có một con cá sấu khổng lồ, hung dữ xuất hiện. Nó thường quậy nước biển thành sóng lớn đánh chìm ghe, đón bắt người ăn thịt” (Bồ - piêl diệt cá sấu khổng lồ); “Chuyện xảy ra đã lâu lắm, hồi ấy vùng Cà Mau còn nhiều trăn, rắn, kỳ đà… và nhất là cá sấu” (Cá sấu đớp mà thoát được); “Ngày ấy ở khúc sông Tiên (Sa Đéc) có một con cá sấu mình lớn năm vây, dài đến sáu trượng, hằng ngày đón chận ghe xuồng hất văng người xuống goặc đánh lật úp ghe rồi nhảy vọt lên táp nuốt” (Chuyện kể về cá sấu ở Trấn Vĩnh Thanh); “Ngày xưa ở Vàm sông Cần Thơ có một con sấu rất lớn và hung dữ, ai nấy
khi đi ghe ngang đây đều sợ sấu ăn thịt” (Truyền thuyết về Đầu Sấu, Cái Răng);
“Truyện kể rằng: Thuở nọ ở Vũng Gấm có một con sấu rất to. Nó thường làm hại nhiều người qua lại trên sông này” (Cá sấu Vũng Gấm);....
Kinh sợ là điều tất yếu, bởi nơi đây nổi tiếng là rừng thiêng nước độc, “cọp tha, sấu bắt”, ao đầm nhung nhúc cá sấu,... Như vậy, cá sấu xuất hiện không chỉ cản bước con đường mưu sinh của con người nơi đây mà còn là mối nguy hiểm cho tính mạng của họ. Không chỉ gà, vịt, chó, heo bị sấu bắt thịt hàng ngày mà món “thịt người”
cũng trở thành món khoái khẩu của chúng. Trong điều kiện sông nước, con người muốn di chuyển thì tất yếu phải dùng xuồng ghe đi lại trên sông. Sấu biết được điều đó nên chúng thường “đón chận ghe xuồng hất văng người xuống hoặc đánh lật úp ghe rồi nhảy vọt lên táp nuốt” (Chuyện kể về cá sấu ở Trấn Vĩnh Thanh).
“Hồi ấy, sông Đồng Nai có rất nhiều sấu đến nỗi muốn tắm giặt phải tốn công phu rào bến thành cái “bến chuồng” nhỏ hẹp, không được bơi lội tự do. Gà, vịt, chó, heo bị sấu bắt thịt hàng ngày. Dân chúng ai cũng oán sấu, nhưng nhiều người dầu bị sấu làm hại cũng không dám oán trách lại còn làm thịt gà vịt để cúng thần sấu” (Sấu đỏ mũi). Ở làng nọ, nơi khúc sông đầu làng bổng xuất hiện một con cá sấu đến từ đâu không ai biết. Con cá sấu thành tinh đang thèm ăn thịt người sau bao ngày đói khát.
Một hôm, nhân có một đám cưới đông đủ họ hàng hai bên đang hướng ra bến sông.
Con sấu biến thành một chiếc thuyền rồng lộng lẫy đậu sẵn dưới bến. Mọi người thấy thuyền đẹp không ngần ngại rủ nhau bước xuống. Chờ mọi người bước xuống đông đủ, con cá sấu hiện nguyên hình và nuốt chửng cả đoàn người vào bụng (Diệt cá sấu).
Trong tổng số 29 truyện mà chúng tôi khảo sát được, có đến 19/29 (chiếm tỷ lệ 75.9%) truyện miêu tả cá sấu xuất hiện gắn liến với hình ảnh sấu ác. Nó trở thành nỗi khiếp đảm cho những con người nơi đây khi phải sống trong cảnh rừng thiêng nước độc và đối mặt với loài sấu dữ.
Cách săn mồi phổ biến của cá sấu là thường đón chặn ghe xuồng của người dân và dùng đuôi đánh lật úp để bắt người ăn thịt. Và biết lợi dụng điểm mạnh của mình là cái đuôi để làm phương tiện săn mồi của chúng. Với những con có thân hình to lớn thì chiếc đuôi trở thành một vũ khí lợi hại trong chiến dịch săn mồi. Trong
truyện Sự tích Ông Luồng ở sông Tiên Thủy kể lại rằng: “có một con cá sấu lớn kì lạ - có đến năm vây, mỗi chét tay là một vây dài sáu thước, thường đón ghe thuyền qua lại trên sông dùng đuôi quật người trên ghe cho sa xuống nước, hoặc làm cho úp thuyền ghe đặng bắt người nuốt sống. Một lúc sau, nghe tiếng sóng nước dạt mạnh vào mạn thuyền, bỗng một cái đuôi con cá sấu quật lên (trong Sự tích miếu Ông Cù).
Hàng ngày đón chận ghe qua, đánh lắc cho văng người xuống, hoặc đánh lật úp ghe rồi nhảy vọt lên táp nuốt (trong Câu sấu). Khi đám rước đi ngang khúc sông nọ, bất thần con sấu nổi lên, nó quật đuôi thật mạnh làm chìm 3 - 4 chiếc xuồng, ghe. Những người đi trong đám rước ném bỏ lễ vật, cố chèo chống, bơi lội thoát thân (Con sấu mê hát bội). Chính vì thế mà khi đi lại trên sông người dân vô cùng hoảng sợ khi thấy bóng dáng chúng xuất hiện, bởi như “cầm chắc cái chết trong tay”. Nhưng vì cuộc mưu sinh nên con người phải mạo hiểm tính mạng của mình.
Bên cạnh đó, sấu không chỉ tìm bắt người khi họ di chuyển trên sông rạch mà còn tấn công con người khi họ ở trên bờ. Với cách bắt mồi này chúng tôi khảo sát được 3/29 truyện (chiếm tỷ lệ 10%). Đó là truyện Bưng sấu hì, Cá sấu đớp mà thoát được, Sấu đỏ mũi.
Dù cách thức đón chặn xuồng ghe dưới nước hay nằm ẩn mình trên cạn chờ con mồi đi qua để tấn công thì tính chất của sấu cũng rất tinh ranh và đáng sợ. Cách thức nó dìm chết nạn nhân trước khi ăn thịt vừa thể hiện sức mạnh trong môi trường nước của sấu vừa cho thấy tính chất thủy quái của loài vật này. Trong Bưng sấu hì người ta kể lại rằng: Năm nọ, đã qua tới tháng năm mà trời vẫn chưa mưa, nước ở trong bưng, đìa,... khô kiệt. Đàn cá sấu mắc cạn trong một cái hà lãng giữa rừng. Một hôm đứa con trai của đôi vợ chồng nghèo vào rừng lấy mật ong, nhưng đến quá khuya vẫn chưa thấy về. Cha mẹ đứa bé vô cùng lo lắng và cùng với xóm làng vào rừng tìm. Khi đến hà lãng, họ phát hiện đàn cá sấu đã ăn thịt đứa bé nọ. Người cha vô cùng đau đớn, quyết tâm tiêu diệt bầy sấu để trả thù.
Hay như trong truyện Sấu đỏ mũi kể lại: Hôm nọ, người vợ mới cưới của Năm Hải vừa mới về nhà chồng thì bị sấu bắt trong lúc chị đang ngồi trên cầu rửa bát.
Đến như nhân vật Ông Sáu Kiều ở ấp Cây Me, xã An Viên Tây, theo đạo Cao Đài, để tóc dài, búi cái trâm, vốn là tay thợ săn dày dạn ở vùng rừng đước Năm Căn cũng không thoát khỏi quai hàm của loài sấu dữ. “Một hôm, ông Sáu dẫn chó săn đi vào vùng rạch Ông Đôi, ấp Ông Trang để săn kỳ đà. Sau khi bắt được một con kỳ đà, ông đốn một nhánh cây cắm cạnh mép nước, treo con kỳ đà, rồi ngồi trên một thân cây ngã ngang lòng rạch, hai chân buông xuống nước, móc thuốc ra hút, nghỉ mệt.
Bỗng nhanh như chớp, một con sấu lớn bằng chiếc xuồng ba lá, ngoi lên mặt nước đớp gọn bắp vế ông Sáu, nó ngoạm chặt và lôi ông xuống lòng rạch” (Sấu đớp mà thoát được).
Như vậy, nạn sấu bắt ăn thịt không chỉ là nỗi khiếp sợ của người dân khi di chuyển trên sông rạch mà ngay cả khi ở trên cạn con người cũng trở thành miếng mồi ngon của chúng. Qua đây cho ta thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng đất mới này là vô cùng lớn lao. Con người dù tìm mọi cách thích ứng với thiên nhiên nhưng dường như tai ương vẫn chưa buông tha họ.
Theo thói quen của loài sấu khi bắt được mồi, chúng thường quật lên quật xuống nhiều lần cho con mồi chết hẳn, rồi mới nuốt cho dễ. Với kiểu tấn công chớp nhoáng, con mồi không kịp trở tay là cách săn mồi vô cùng hiệu quả của cá sấu. Với điều kiện sống trong vùng ao hồ chằng chịt thì nạn sấu bắt, cọp tha luôn xảy ra hằng ngày. Nó trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức của người dân nơi đây. Con người luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi vùng đầm lầy là thánh địa của chúng mà con người vì cuộc mưu sinh của mình phải dấn thân vào trong ấy. Có thể nói, vùng đất Nam Bộ trù phú, đất đai màu mỡ, cây trái sum suê cung cấp cho con người một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nhưng nơi vùng đất này cũng mang lại sự hiểm nguy cho tính mạng con người khi phải đối đầu với thú dữ. Không cọp thì sấu luôn thay phiên nhau hoành hành cuộc sống của họ.
Với cách thức săn mồi như trên, sấu hiện lên là một con vật hung bạo luôn đe dọa tính mạng con người. Trong môi trường sông nước, sấu tha hồ tác oai tác quái mà con người không thể làm gì được chúng, đành bất lực để sấu ăn thịt. Nhưng trải qua nhiều lần đụng độ với sấu dữ con người dần tìm ra những điểm yếu của chúng để
phản công. Nếu như chiếc đuôi là vũ khí lợi hại thì Ông lái buôn trong truyện Sự tích miếu Ông Cù đã dùng phản chặt đứt đuôi con sấu. Kể từ đó nó không còn ăn thịt nữa.
Như vậy, chiếc đuôi là điểm mạnh nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của cá sấu. Nhờ và đó mà nhiều nạn nhân của sấu đã thoát khỏi tử nạn trong gang tấc. Trong Sấu đớp mà thoát được, ông Sáu Kiều bình tĩnh rút cây trâm cài bằng lông nhím đâm mạnh vào mắt con sấu, nhớ thế mà ông thoát nạn. Hay như người chồng trong Đá cá sấu biết trở thế đứng khi con sấu tiến lại gần,... Chính sự hiểu biết trong cách thức săn mồi của cá sấu nên anh chàng thợ câu thiện nghệ trong truyện Ông Luồng ở sông Tiên Thủy chẳng những không hề khiếp sợ mà anh ta còn giỡn với sấu: “tay không ôm con vịt nhảy xuống sông nhử sấu”. Anh ta đợi cá sấu bơi đến gần, trồi đầu lên khỏi mặt nước há miệng táp thì thừa cơ ném con vịt vào miệng cho sấu nuốt. Liền sau đó, anh bơi vào bờ mà kêu dân chúng kéo dây mây lôi sấu vào bờ và xúm lại đâm chết. Như vậy, sấu dữ trong truyện dân gian hiện lên là một quái vật ăn thịt người nhưng những con người gan dạ nơi đây đã biết cách thuần phục chúng, biến vùng đất đầy lau sậy sình lầy này trở thành một vùng đất màu mỡ. Đó chính là thành quả của sự kiên cường, bám trụ, không ngại khó, ngại khổ của ông cha ta thời mở đất.
Những câu chuyện kể dân gian không chỉ ghi lại thực tế gian khổ mà con người phải đối mặt trong cuộc mưu sinh mà còn cho thấy thái độ ứng xử của họ trước sức mạnh của tự nhiên. Từ chỗ cá sấu hoành hành hại người, con người nảy sinh tâm lí e sợ và tìm mọi cách tiêu diệt loài thủy quái này.
Như vậy, vào thời ấy ở khắp Nam Bộ đâu đâu cũng có loài cá sấu hung ác chuyên bắt người ăn thịt, chúng trở thành nỗi khiếp đảm cho những người dân nơi đây. Nếu như cọp là thủ lĩnh của vùng rừng rậm hoang vu thì cá sấu là con vật thống trị dưới nước. Dưới nước cá sấu lội lềnh khênh, nhe những chiếc răng nhọn hoắt, chơm chởm trong đôi hàm rộng hoang hoác chỉ chực chờ nuốt chửng người trên ghe, xuồng.
Qua những câu chuyện kể trên ta thấy rằng cá sấu không chỉ làm hại đến cuộc sống của người dân mà chúng còn được xem là một ác thần vùng sông nước, là nỗi ám ảnh trong tâm thức của con người nơi đây. Chúng là hiện thân của loài thủy quái
hung tợn chuyên ăn thịt người. Trong cuộc chiến với cảnh rừng thiêng nước độc, con người không chỉ chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn phải đối đầu với loài thú dữ. Trong cuộc chiến cam go không cân sức này cuối cùng phần thắng thiên về phía những con người nhỏ bé. Họ không chỉ chinh phục được thiên nhiên mà còn bắt thiên nhiên phục vụ cho mình.
Như vậy, ta thấy rằng trong truyện kể dân gian Nam Bộ, cá sấu nổi lên là một hình tượng quái vật ăn thịt ghê ghớm; là nỗi ám ảnh mà người dân buổi đầu khai phá phải nơm nớp lo sợ. Từ chỗ lo sợ, bị tấn công, con người sẽ dẫn đến tâm lý chống lại.
Đó là cơ sở của những người diệt sấu trong công cuộc khai phá nơi vùng đất mới này.