CHƯƠNG 3: NHỮNG MOTIF CƠ BẢN VÀ Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
3.2. Ý nghĩa của truyện kể dân gian về cá sấu ở Nam Bộ
3.2.1. Truyện dân gian về cá sấu phản ánh vẻ hoang vu của thiên nhiên và quá trình
3.2.1.1 Vẻ hoang vu của thiên nhiên vùng đất Nam Bộ xưa
Nam Bộ được biết đến như một vùng đất mới vì quá trình khai hoang, lập làng muộn hơn so với những vùng đất khác. Trước khi người Việt, người Hoa, người Chăm,... vào thì nơi đây là vùng đất hoang sơ, ẩm thấp, cây cối rậm rạp, ... Trong Phủ Biên tạp lụccủa Lê Quý Đôn ở thế kỉ XVIII đã có ghi chép như sau: Ở Phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”. Trong Địa chí Đồng Tháp Mười có ghi chép lại: “Cách đây 50 đến 60 năm, vùng Mộc Hóa còn có cá sấu ăn thịt người. Tại Vàm Ba Thắng Hiệp, còn có thời kỳ chống Mỹ, thậm chí đến năm 1960 vẫn còn loại cá sấu to. Trong chống Pháp, ở Chùa Nổi vẫn còn cá sấu, có truyền ngôn là ghe trễ (tức ghe bên cạnh có dàn lưới)
nếu gặp cá sấu thì phải giải nghệ. Năm 1974, có người còn gặp cá sấu to trong vịnh xuống Nồi Gọ” [24, tr.79]
Và trong tâm thức của rất nhiều thế hệ cha anh, miền đất mới này vô cùng giàu có, trù phú. Ca dao Nam Bộ đã ghi lại những cảm xúc đầu tiên khi con người mới bước chân vào:
“Ruộng đồng mặc sức chim bay Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua.”
Hay:
“Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.” ...
Nhưng nơi giàu có, trù phú ấy cũng ẩn chứa biết bao điều sợ hãi, ghê rợn, thách thức con người khi đến đây: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội như bánh canh/
Cỏ mọc thành tinh/ Rắn đồng biết gáy”.
Nghe qua những câu ca dao - dân ca trên, chúng ta tưởng chừng như các tác giả dân gian đang cường điệu để gây thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, dù có pha chút phóng đại nhưng vốn dĩ đất Nam Bộ xưa qua nhiều thư tịch cổ, những nhân chứng sống, không ai có thể chối bỏ sự um tùm của lau sậy, bạt ngàn của rừng rậm, vắng vẻ ít bóng dáng con người, ... Chính đây là điều kiện thuận lợi để các loài vật như: muỗi, đỉa, chim chóc, cọp, sấu, ... sinh sống và phát triển. Vì vậy, những hiện thực cuộc sống ấy được phản ánh khá rõ nét trong văn học dân gian Nam Bộ.
Ngày nay, trước mắt chúng ta là một vùng đất Nam Bộ giàu có về kinh tế, thông thoáng về giao thông, trù phú về khoáng sản, ... khó mà có thể hình dung ra được vẻ hoang sơ của thiên nhiên trong buổi đầu khai phá. Chính những câu chuyện truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, ca dao, dân ca, hò vè, ... đã ghi lại hình ảnh ban đầu ấy của Nam Bộ xưa. Trong đó, truyện kể về sấu cũng góp một mảng nhỏ vào việc thể hiện sự trù phú về sản vật nhưng cũng đầy hiểm trở của vùng đất Nam Bộ xưa.
Câu chuyện Bị sấu đớp mà thoát được vừa thể hiện cuộc sống của những lưu dân “tứ chiếng” trong buổi đầu đến đất Nam Bộ, cũng vừa vẽ nên bức tranh hoang vu của thiên nhiên nơi đây. Truyện kể: “Chuyện này xảy ra đã lâu lắm, hồi ấy vùng Cà
Mau còn nhiều trăn, rắn, kỳ đà,... và nhất là cá sấu” [17, tr 298]. Ông Sáu Kiều ở ấp Cây Me, xã An Viên Tây, theo đạo Cao Đài và là tay thợ săn dày dạn các loại heo rừng, trăn, kỳ đà, ... Ở vùng rừng đước Năm Căn. Một hôm ông đi vào vùng rạch Ông Đôi, ấp Ông Trang để săn kỳ đà. Tại đây, ông Sáu Kiền bị một con sấu “bằng chiếc xuồng ba lá” [17, tr 298] nhanh như chớp đớp gọn bắp chân ông. Nhờ sự dũng cảm và bình tĩnh trong việc ứng phó với con sấu, ông Sáu Kiền đã thoát chết trong gan tất.
Ở đây Rạch Ông Đôi được giới thiệu là: “rộng chừng bốn chục thước, sâu sáu bảy thước, hai bên bờ cây cối rậm rạp, hoang vắng, yên tĩnh” [17, tr 298]. Trước vẻ hoang vu ấy, con người sinh sống nơi đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để có thể tồn tại.
Tương tự như truyện kể trên, một số câu chuyện khác miêu tả về cá sấu với số lượng rất lớn làm người nghe phải rợn người như: “Thuở xưa ở sông Bến Nghé có rất nhiều sấu. Chúng thường bơi lội trên sông và kêu như nghé rống. Do vậy sông này có tên là sông Bến Nghé” (Sự tích sông Bến Nghé). Hay “Thuở ấy, U Minh còn hoang vắng lắm. Thú rừng đi lại thị thường ngày cũng đêm. Dưới sông sấu lội lềnh khênh.
Trên bờ cọp gầm rống kinh hồn. Chẳng mấy ai dám léo hánh đến”... Không gian trong truyện hiện lên đầy vẻ hoang sơ, âm u làm người ta phải e dè và khiếp sợ: “Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”.
Có thể thấy rằng, vào thời đầu cuộc khai hoang mở cõi, ở Nam Bộ đâu cũng là rừng rậm, sông sâu thì có cá sấu, trên rừng có cọp - những loài thú dữ. Chúng sống thành bầy đàn, rất đông và là mối nguy hiểm đối với những người mới di cư vào vùng đất này.
Những truyện kể trên đã làm nổi bật dấu ấn về thời kỳ khai phá và hình ảnh của những con người trong cuộc chinh phục, cải tạo thiên nhiên ở Nam Bộ xưa. Như tác giả Nguyễn Phương Thảo nhận xét: “Hiện ra trong các tác phẩm Folklore ở mọi thể loại là một thiên nhiên của thời kỳ khai phá, dấu vết của một thời gian lao có thể mờ nhạt khi màu xanh cây cỏ, sự trù phú của những cánh đồng xuất hiện nhưng trong kí ức con người, thiên nhiên ấy lại hoang vu, gợi ra sự hoang vắng khi con người mới
đặt chân tới” [52, 1997]. Và những câu chuyện kể về cá sấu ở Nam Bộ đã tái hiện lại cảnh tượng hoang vu một thời.
Tuy là một mảng nhỏ trong loại truyện kể dân gian về đề tài động vật ở Nam Bộ, cũng như là truyện cổ Nam Bộ nhưng những câu chuyện trên góp phần không nhỏ khi nhấn mạnh thêm vẻ hoang sơ, nê địa, âm u. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng không gian hoang sơ trong truyện kể chính là không gian thực tại, đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Nó đánh dấu quá trình con người đến đây khai hoang, lập làng, mở cõi.
3.2.1.2 Phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên của người dân Nam Bộ
Nói đến Nam Bộ là nói đến một thời kì khai phá vùng đất mới đầy khó khăn, gian khổ. Đến vùng đất này, những lưu dân đã gặp phải không ít những thách thức khi đối mặt với cảnh tượng hoang vu, rừng cây rậm rạp, đầm, bưng đầy lau sậy chằng chịt, ... Môi trường sống mới đã gây không ít bất lợi cho những con người li hương.
Họ đã vật lộn với bao nhiêu thử thách khắc nghiệt như: dịch bệnh, thú dữ, hạn hán, lũ lụt, ... để có thể trụ vững trên vùng đất mới nhiều màu mỡ nhưng cũng lắm tai ương này. Thực tế đó được phản ánh khá sinh động trong nhiều câu chuyện dân gian.
Trong hệ thống truyện kể về một thời kì khẩn hoang của ông cha ở Nam Bộ, những câu chuyện kể về cá sấu hấp dẫn rất nhiều thế hệ. Chúng thể hiện sinh động cuộc sống của những lưu dân ở vùng đất “rừng thiêng nước độc”.
Ở một số truyện được thống kê khi tìm hiểu về hình tượng cá sấu trong truyện kể dân gian Nam Bộ, người viết nhận thấy có hai nội dung chính được thể hiện nhằm phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên: thứ nhất là những câu chuyện tiêu diệt cá sấu nhằm ca ngợi chiến công của những “bậc tiền nhân” mở cõi khi đi khai hoang;
thứ hai là những câu chuyện thể hiện sự mất mát to lớn mà con người phải gánh chịu trong cuộc chiến với môi trường sống mới. Cả hai nội dung này đều được thể hiện khá đặc sắc qua những truyện kể dân gian ở vùng đất Nam Bộ.
+ Ngợi ca những chiến công của người dân lao động
Những truyện kể nhằm ngợi ca chiến công oanh liệt của lưu dân trong thời kì khai khẩn vùng đất Nam Bộ chiếm số lượng khá đồ sộ. Ở đây, tác giả luận văn đi vào tìm hiểu riêng những truyện kể có sự xuất hiện của hình tượng cá sấu.
Từ ngàn xưa, trong tâm thức của người bình dân cọp và sấu là hai hình tượng đại diện cho sức mạnh hoang dã, luôn luôn đe dọa con người. Riêng hình tượng cá sấu, con người luôn xem nó như một loài thủy quái đáng kinh sợ. Nhất là đối với vùng đất mới như Nam Bộ, việc lưu thông, đi lại chủ yếu bằng thuyền, bè, xuồng ba lá, ... thì cá sấu càng là mối lo ngại rất lớn. Nhưng đối mặt với chúng, con người ít nhiều e ngại. Bởi, Nam Bộ vùng đất trũng, nhiều đầm lầy là nơi sinh sống thuận lợi của loài sấu. Cho nên, số lượng cá sấu sống ở đây nhiều và theo từng bầy, đàn đông đúc. Một phần cũng do là lưu dân từ nhiều miền khác nhau đến đây với những vũ khí thô sơ, sống theo từng cụm nhỏ, lẻ, ... Chính những lí do trên, việc chiến đấu chống lại loài thủy quái như cá sấu là niềm mong ước lớn của lưu dân để việc đi lại, sinh sống trở nên thuận tiện và tốt hơn.
Xuất phát từ những thực tế cuộc sống và suy nghĩ của những di dân ở vùng đất mới đối với loài cá sấu nên khi một cá nhân, một tập thể nào diệt được sấu đều được
“phong” thành “anh hùng”. Điều này thể hiện trong nhiều truyện kể ở Nam Bộ, cụ thể như truyện Bồ Piêl diệt cá sấu khổng lồ. Truyện kể về người anh hùng Bồ Piêl (nay là tên của một ngọn núi ở vùng Bảy Núi của An Giang) có công trừ cá sấu hung ác, bảo vệ cuộc sống của người dân trong vùng. Ở câu chuyện kể này, cá sấu là một loài rất hung dữ. “Những lúc trời đất giận dữ nổi sấm chớp, bão bùng, con sấu khổng lồ hiện ra, mình mẩy đen ngòm, dài hàng chục sải. Mồm sấu há rộng thổi phì phò, nhe hai hàm răng nhọn hoắt. Mắt con vật đỏ như hai quả cầu lửa. Cá sấu tung hoành ngang dọc, quật đuôi, đạp nước làm biển dậy thành những cơn sóng lớn. Gặp những lúc ấy, thuyền bè đi biển bị sóng đánh chìm không ít, và sấu tha hồ đón bắt và ăn thịt những ngư dân. Người dân trên đảo kẻ mất cha, người mất chồng tiếng oán thán và nỗi sợ hãi trùm lên khắp đảo” [1, tr.91]. Rõ ràng, cá sấu ở đây là mối hiểm họa đe dọa rất lớn đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, niềm mơ ước về một dũng sĩ diệt loài sấu mang lại yên bình cho con người là nỗi niềm đau đáu. Và cũng chính vì thế Bồ Piêl và cuộc chiến với loài sấu dữ, hung tợn luôn nằm lòng trong mỗi thế hệ người dân, không chỉ riêng gì người Khơ me ở Nam Bộ. Chiến công của Bồ Piêl được miêu tả khá sinh động trong truyện kể: “Bồ Piêl nhảy xuống nước, hóa thành một con cá sấu to lớn, nổi vảy năm sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng, xé nước nhắm thẳng con sấu dữ
lao tới. Con sấu dữ thấy cá sấu lạ bèn chống lại kịch liệt. Trận chiến kéo dài bảy ngày, bảy đêm liên tiếp và diễn ra trên một đoạn sông lớn đến mãi tận cửa biển. Sóng dâng cao từng đợt to như những mái nhà, nước sông và biển đục ngầu như vừa trải qua một trận cuồng phong” [1, tr.92]. Truyện kể mang nhiều yếu tố thần thoại nhằm ca ngợi sự gan dạ, dũng cảm của nhân vật Bồ Piêl. Truyện còn thể hiện sự đóng góp to lớn của những cư dân Khơ me sinh sống trên đất Nam Bộ trong những ngày đầu.
Ngày nay, câu chuyện kể Bồ Piêl diệt cá sấu khổng lồvẫn được nhiều người dân trên vùng đất An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung truyền tai nhau kể cho con cháu đời sau nghe với sự khâm phục, niềm tự hào về một thời khai khẩn.
Tương tự như câu chuyện trên, Diệt cá sấu cũng là một truyện thể hiện khá sinh động cuộc chiến đấu của người anh hùng với loài sấu dữ. Qua đó, dân gian nhằm ngợi ca tinh thần dũng cảm, gan dạ, ... của con người. Truyện còn thể hiện ước mơ của những người lao động trong việc tiêu diệt loài sấu hại, chinh phục và chiến thắng thiên nhiên nơi đây.
Hay ở truyện Chau Sanh - Chau Thông đã miêu tả: “Một hôm, ông lão cùng Chau Sanh ra bưng sâu bắt cá. Hai cha con đang bắt cá thì bỗng có một con sấu lớn, thân nó dài hàng chục sải tay xé nước lao vút đến toan vồ người cha. Liền lúc ấy, Chau Sanh quay lại ôm chặt cổ sấu ghì lại. Con sấu rất hung dữ vùng vẫy làm nước bưng cuộn lên những đợt sóng dữ tung tóe mịt mờ cả một vùng. Ông lão thoát chết vội vã chạy về nhà khóc kể với vợ rằng Chau Sanh đã bị sấu ăn thịt. Nhưng đến quá trưa Chau Sanh đã giết được sấu và chàng vác sấu về nhà” [65, tr.71].
Chau Sanh đã mang sức mạnh vốn có và trí thông minh, nhanh nhẹn của bản thân để cứu cha và giúp sóc diệt loài thú dữ. Từ ấy, Chau Sanh trở thành người anh hùng bảo vệ sự yên bình cho phum, sóc.
Không chỉ vậy, những câu chuyện kể dân gian về chủ đề ngợi ca chiến công diệt sấu mà “những người anh hùng” được nói đến còn là một tập thể người, như truyện Bưng Sấu Hì. Truyện kể rằng: Ngày xưa, lúc Đồng Tháp Mười còn hoang vu, có một gia đình nông dân đến lập nghiệp. Họ sống ở bìa rừng tràm, chồng phá rừng khai hoang làm ruộng, vợ lo chăn nuôi heo gà, lo cơm nước. Hai vợ chồng có cậu con
trai mười tuổi, hằng ngày thường vào rừng bẫy chim, bắt cá, ăn ong, ... Năm nọ, đã qua tháng năm âm lịch mà trời vẫn chưa đổ mưa, nước trong bưng, đìa, bàu, ....đều khô kiệt hết. Một hôm, cũng như thướng ngày, cậu con trai vào rừng nhưng mãi đến trưa, xế chiều vẫn chưa về. Đến đêm, hai vợ chồng đi tìm con và lần theo tiếng hì ẩn sâu trong rừng tràm. Họ đã tìm thấy một bưng cá sấu đang “mắc cạn”. “Sau một hồi trấn tĩnh, người chồng hướng dẫn hàng xóm dùng xuồng đào một cái rãnh nhỏ ngược với hướng gió, rồi vào rừng tìm cây mốp xác đốt lên. Khói cây mốp làm lũ cá sấu cay mắt, sặc sụa tìm đường bò lung tung, nhưng không sao thoát ra khỏi hà lãng, vì chung quanh không có nước. Để tránh cay mắt và không bị sặc, chúng bò lên hướng ngược gió và như vậy là từng con lần lượt nối đuôi nhau bò vào cái rãnh vừa đào. Những người hàng xóm cứ đè bắt từng con, lấy mây rừng xỏ mũi như xỏ vàm trâu và dùng mác vót cắt rút gân đuôi, nên chúng không cồn quẫy đạp làm gì được nữa” [19, tr.389].
Với sức mạnh của cộng đồng người, tinh thần đùm bọc lẫn nhau cùng với ước muốn tiêu diệt loài sấu hung tợn, mọi người đã cùng nhau bắt cả đàn cá sấu. Qua đó, truyện như một biểu tượng đẹp về tình đoàn kết vốn có của người Việt Nam. Bưng Sấu Hì còn thể hiện sự thông minh, am hiểu thiên nhiên, quyết tâm chinh phục vùng đất mới, ... của những cư dân nơi đây.
Cùng một nhóm truyện kể về chiến công của những “anh hùng diệt sấu” còn có: Truyền thuyết về Đầu sấu, Cái Răng; Chuyện kể về cá sấu ở trấn Vĩnh Thanh;
Truyền thuyết về thác Trị An, ... Những câu chuyện như những huyền thoại về con người trong buổi đầu chinh phục vùng đất phía Nam này. Truyện mang ý nghĩa ngợi ca những chiến công trong việc tiêu diệt sấu thể hiện rất sâu sắc thực tế chiến đấu của con người ở nơi đây. Từ đó, góp phần nhấn mạnh sự gian lao, khổ cực nhưng đầy oai hùng của cộng đồng “tứ chiếng” ở Nam Bộ xưa.
Hầu hết, những truyện kể ngợi ca những chiến công được khảo sát đều mang yếu tố thần thoại, truyền thuyết. Bởi chúng nhằm thể hiện ước mơ chinh phục thiên nhiên, vừa kể về những sự kiện có thật được dân gian ghi chép lại, ...
Nói tóm lại, truyện kể về cá sấu có chủ đề ngợi ca sự chinh phục thiên nhiên, mà ở đây là cá sấu, một nhóm truyện kể khá thu hút người nghe và lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian, đặc biệt ở Nam Bộ.
+ Thể hiện sự mất mát mà sấu gây ra cho người dân Nam Bộ
Bên cạnh những chiến công oanh liệt của con người trước loài sấu dữ thì cá sấu luôn là một mối hiểm họa lớn gây ra nhiều mất mát cho những lưu dân đến Nam Bộ.
Sấu là một loài thủy quái, theo quan niệm xưa nay vẫn thế. Cá sấu xuất hiện trong đa phần các câu chuyện kể đều là con vật đầy gớm ghiếc, hung tợn. Nó luôn gây rắc rối và lúc nào cũng trực chờ vồ, giết con người. Nó là hiểm họa cho những cư dân phải sinh sống trên sông nước.
Cuộc đối đầu giữa con người và cá sấu trong quá trình chinh phục thiên nhiên ở Nam Bộ luôn là cuộc chiến dữ dội mà cả hai bên phải có những thiệt hại nhất định.
Con người tuy có sự mưu trí, thông minh, am hiểu môi trường sống nhưng cũng chịu nhiều mất mát do sấu gây ra. Đó là những nỗi niềm đau đáu của lưu dân.
Có những con người đã chôn mình vào bụng sấu, rũ xương, bỏ thân dưới lòng sông bởi bị sấu đớp. Nước mắt người thân giàn giụa nhưng vẫn không thể làm gì khác hơn, như trong truyện Bưng Sấu Hì, người con của hai vợ chồng nông dân đã bị sấu ăn mất xác. Niềm đau đớn trước cái chết của người con khiến “người vợ gào lên thảm thiết, người chồng im lặng, nước mắt chảy quanh” [19, tr.389] đứng chết lặng.
Trong cuộc mưu sinh, sự mất mát lớn nhất là về con người. Nhưng điều đó không khiến lưu dân co mình lại, thụt lùi trước những kì vọng lớn lao. Hơn thế nữa, chính sự mất mát đau thương ấy đã làm tăng thêm ý chí, quyết tâm và nghị lực để họ có thể khai phá thêm nhiều hơn nữa để ổn định và phát triển cuộc sống ở vùng đất mới ...
Đặc biệt là kinh nghiệm để chống chọi lại những thế lực đe dọa của thiên nhiên.
Chính vì thế, người cha trong Bưng Sấu Hì đã trấn tĩnh và cùng dân làng diệt hết bầy sấu.
Truyện Sự tích Rạch bỏ lược cũng có thể hiện về sự mất mát về con người của lưu dân ở vùng đất mới. “Thuở nọ có hai mẹ con chèo xuồng chở nước ngọt trên sông, một hôm đứa bé ghé vào bờ chặt tàu lá dừa chẳng may bị sấu đớp. Người mẹ