CHƯƠNG 3: NHỮNG MOTIF CƠ BẢN VÀ Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
3.2. Ý nghĩa của truyện kể dân gian về cá sấu ở Nam Bộ
3.2.3. Truyện kể dân gian về cá sấu góp phần giải thích những địa danh và phản ánh tâm thức văn hóa của người dân Nam Bộ
Ngoài hai nội dung trên, xét trong một loạt các truyện kể đã khảo sát còn góp phần lí giải sự hình thành các địa danh và phản ánh tâm thức văn hóa của người dân Nam Bộ. Đây là nội dung phổ biến trong truyện kể của nhiều vùng miền khác nhau.
Tuy nhiên, vùng văn hóa Nam Bộ vẫn có những nét riêng biệt khi chúng ta đi vào chi tiết cụ thể.
3.2.3.1 Góp phần giải thích tên gọi của những địa danh ở Nam Bộ
Nam Bộ với hệ thống địa danh về tỉnh lỵ, kênh, rạch, cầu đường khá lớn.
Chúng được lí giải theo nhiều góc độ khác nhau, từ tên gọi hành chính đến tên gọi theo tư duy văn học nghệ thuật, ... Để qua đó thể hiện mặt đặc trưng rõ nét, chính thống hơn văn hóa vùng Nam Bộ.
Những câu chuyện kể về sấu mang đậm dấu vết của “ngạc ngư” thể hiện trong các địa danh ở Nam Bộ lại hết sức da dạng, phong phú, như:
Đìa Sấu (Cai Lậy, Tiền Giang), nơi tập trung nhiều cá sấu.
Rạch Đầu Sấu ở xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng (Long An).
Cầu Đầu Sấu ở quận Cái Răng (Cần Thơ) là “đầu con cá sấu” vì người Việt xưa rất sợ cá sấu nên thường thờ đầu cá sấu bên sông (theo Sơn Nam). Khoảng năm 1940, nơi đây vẫn còn cảnh làm thịt sấu tại đầu vàm. Sấu thịt được chở về từ Nam Vang và An Giang bằng xuồng, ghe. Buôn bán rất sung, người mua khá đông giống như một lò mổ. Lúc đó vàm này đã có tên là vàm Đầu Sấu. Tại khu vực một, phường An Bình (Cần Thơ) hiện nay vẫn còn một ngôi chùa cổ kính mang tên là chùa Ông Vàm Đầu Sấu.
Ấp Đầu Sấu Đông, ấp Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Đầu Sấutrong tiếng Khmer là Khal Kropơ. Trong truyền thuyết Núi Thuyền(Phnom Sampâu) của người Khmer, ngọn đồi nổi lên ngay chỗ con sấu chết gọi là Đồi Sấu(Phnom Krapư), hai cái đầm chỗ sấu quậy đầu và đuôi gọi là Bưng Mũi (Bâng Chromoc) và Bưng Đuôi (Bâng Kantuôi).
Rạch Bỏ Lược(Cà Mau). Truyền thuyết kể về một người mẹ có con bị cá sấu ăn thịt. Để trả thù, bà lấy mác đâm con cá sấu và cả hai cùng chết, chỉ để lại một cái lược bà đang chải tóc.
Rạch Cái Cá ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), gọi là “rạch cá” vì dưới rạch này trước đây có nhiều cá sấu.
Rạch Cái Cấm bao quanh cù lao Thanh Tân, nay thuộc xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Cái Cấm là “rạch cấm”, vì ngày xưa rạch này có nhiều cá sấu nên quan cấm dân đi qua rạch một mình.
Rạch Cái Khếchảy từ Cầu Đôi đến Đầu Sấu(thành phố Cần Thơ), dài 5km.
Rạch Đường Chừa(Vĩnh Long), vì con đường có một khúc phải chừalại do không đắp được vì sợ cá sấu ăn thịt những người đắp đường.
Bưng Sấu Hì(vũng nước lớn giữa đồng) ở giữa đồng Tháp Mười, (Đồng Tháp). Một cặp vợ chồng kia có đứa con 10 tuổi bị sấu ăn thịt. Khi chồng gọi kiếm con, chỉ nghe tiếng sấu kêu hì. Sau đó, người địa phương giết được bầy sấu và đặt tên trên.
Ngã ba Tàu ở Kiên Giang. Một trong giả thuyết để giải thích nguồn gốc địa danh này là do có một con cá sấu bị người đi đốn dừa nước chặt đứt khúc đuôi nên trông như một chiếc tàu.
Hang Sấuthuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), xưa có rất nhiều cá sấu. Đặc biệt nơi đây có một cái hang cá sấu rất lớn, người dân qua lại khu vực này thường bị cá sấu tấn công.
Việc đặt tên địa danh kết thúc với một số dạng thức như: “Do đó, sau này những người chặt cây vào đây thường gọi chỗ này là “Bai xau” tức là “cơm sống”,
dần dần thành quen vào đọc trại thành Bãi Xàu” (Sự tích địa danh Bãi Xàu) [17, tr 140]; “và cũng từ đó, cái bưng này có tên là bưng Sấu Hì” vì phát hiện đàn sấu nằm trong bưng kêu hì hì. (Bưng Sấu Hì) [19, tr 389]; “Do vậy sông này có tên là sông Bến Nghé” (Truyền thuyết về Bến Nghé); ...
Những truyện kể cùng với địa danh nhằm ghi dấu ấn một thời khẩn hoang của ông cha ta từ thời mở cõi. Cái tên mộc mạc, câu chuyện vừa thực vừa hư nhưng đã thể hiện những tư tưởng, tình cảm, lối tư duy chân chất như những con người ở Nam Bộ này.
Nhìn chung, những câu chuyện kể về sấu đã góp phần không nhỏ trong việc lí giải những địa danh vốn quen thuộc ở vùng Nam Bộ nay. Qua đó, một phần phản ánh tâm thức người Nam Bộ về hình tượng cá sấu.
3.2.3.2 Phản ánh tâm thức văn hóa của người dân
“Truyện kể dân gian không phải là sáng tạo nghệ thuật thuần tuý tách khỏi các mục đích thực dụng. Nó gắn với tín ngưỡng, phong tục và là một hình thức nhận thức cuộc sống của những tập thể, phản ánh trình độ tập thể. Cái thực dụng được hoàn thiện sẽ mang ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa đó được phản ánh ngay trong nội dung của mối quan hệ hiện thực - thẩm mỹ có tính nguyên hợp, tạo thành sức sống lâu bền và bản sắc độc đáo tộc người” [43, tr 25].
Truyện kể mang hình tượng sấu cũng không nằm ngoài nội dung ấy, thể hiện tâm thức một thời của những cư dân ở Nam Bộ nói riêng.
Nam Bộ cũng là một trong những vùng văn hóa mang tính đa dạng vào bậc nhất. Bởi ở đây đa dạng về cộng đồng người, giàu có về những tín ngưỡng tôn giáo.
Vùng đất này dù hình thành muộn hơn những vùng khác nhưng có một bề dày về văn hóa. Một điều cần khẳng định rằng, những trầm tích văn hóa của nhiều cộng đồng người từ nhiều miền khác nhau về đây tụ hội. Chính những điều trên đã một lần nữa lí giải về sự đa sắc màu trong vùng văn hóa phương Nam.
Trong tâm thức của mỗi người, loài cá sấu luôn là vật hung tợn, gian ác, cần phải tránh xa. Bởi chúng có thể gây hại với bất kì sinh vật, con người, ... Vì thế, nó đi vào những câu chuyện dân gian chiếm đa phần là mang tính hung hãn, chuyên gây
hại cho muôn loài. Như những câu chuyện kể: Lai lịch trường án Cấn Lố, Truyền thuyết về thác nước L’iêng Hur, Truyền thuyết về Đầu Sấu, Cái Răng, ... Vì thế con người luôn tìm cách tiêu diệt cá sấu.
Sự hung hãn, dữ tợn của loài cá sấu khi đi vào những câu chuyện cổ loài vật hay truyện ngụ ngôn đều được giữ nguyên vẹn. Bên cạnh đó, chúng còn được xây dựng thành những nhân vật luôn đối mặt với cái đói và luôn tỏ ra tham ăn, tham lam,... Mặc dù xuất hiện những truyện về con sấu có nghĩa song rất hạn chế. Tình cảm yêu mến dành cho cá sấu được thể hiện có phần khá ít ỏi nhưng cũng đã thể hiện tính hai mặt của một vấn đề. Rõ ràng, hình tượng cá sấu đã được lưu giữ vào bề dày văn hóa với những nhìn nhận và phản ánh khác nhau.
Nói tóm lại, cá sấu trong tâm thức của dân gian mang hai ý nghĩa thể hiện thái độ của con người trước hình tượng này. Trong lối tư duy dân gian, cá sấu vừa là đối tượng thiên nhiên đáng sợ, muốn tiêu diệt; nhưng mặt khác con người lại tôn thờ, kính trọng nó như một thần linh.
Tiểu kết chương 3
Từ những biểu hiện của hình tượng cá sấu trong truyện kể dân gian Nam bộ, chúng tôi đã khái quát lại trên những nội dung cụ thể được trình bày ở chương 3 này.
Đó là vẻ hoang sơ của vùng đất Nam bộ và hành trình khai phá, chinh phục thiên nhiên của những lưu dân; tìm hiểu về nét tính cách đặc trưng; đặc điểm văn hóa được lưu giữ trong tâm thức cũng như biết được giá trị của những câu chuyện kể về sấu trong việc lí giải những địa danh quen thuộc ở vùng đất Nam bộ.
Từ đó, chúng tôi nhận thấy rằng: Truyện kể về sấu như là những thước phim có giá trị cho công cuộc tìm hiểu về vẻ hoang sơ, âm u, rậm rạp của Nam bộ xưa.
Chúng cũng góp phần nhắc nhở bao thế hệ mai sau về công lao của những lưu dân tha phương, mở cõi: để có được những vùng đất màu mỡ phù sa cho cây trái sum suê trĩu quả như hôm nay, ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, và xương máu xuống mảnh đất này.
Bên cạnh đó, những câu chuyện kể có hình tượng cá sấu cũng giúp chúng ta hiểu thêm về những đặc điểm tính cách, lối sống, cách sinh hoạt thuở đầu của cha ông đi khai hoang mở cõi. Đó cũng là cơ sở hình thành nên những nét phẩm chất rất đặc trưng và đáng tự hào của người Nam bộ.
Truyện kể về sấu góp phần không nhỏ trong việc phản ánh tâm thức một thời của người Việt Nam không chỉ riêng gì cá sấu. Chúng là những viên ngọc sáng, có sức lan tỏa và được lưu truyền qua tư duy, truyền thống văn hóa của nhiều thế hệ người Việt Nam ta.
Những câu chuyện kể ấy còn thể hiện cách lí giải khá hồn nhiên nhưng đầy chất lí lẽ của dân gian trong việc đặt tên làng, tên đất, tên cầu, kênh, rạch, ...ở Nam bộ từ xưa đến nay.
So với mảng truyện kể về cọp, hình tượng cá sấu được thể hiện ít hơn. Song, không vì thế mà các tác giả dân gian bỏ quên nó đi. Những cuộc chiến giữa người và sấu cũng không kém phần hấp dẫn; những trang viết đầy chất nghĩa tình cũng chan đầy nước mắt giữa người với người, người với sấu.