Cá sấu – con vật vong ơn bội nghĩa

Một phần của tài liệu cá sấu trong truyện kể dân gian nam bộ (Trang 65 - 71)

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ

2.5. Cá sấu – con vật vong ơn bội nghĩa

Như vậy, ngoài đặc trưng là loài vật hung tợn, ăn thịt người và cũng là con vật có nghĩa thì cá sấu trong truyện kể dân gian cũng xuất hiện với tính chất là một loài vật vong ơn bội nghĩa. Ca dao Việt Nam có câu: “Nước mắt cá sấu” dùng để chỉ những người xảo trá, lọc lừa và vong ân bội nghĩa. Và bản chất ấy được người dân đúc kết từ những biểu hiện của loài cá sấu. Xuất phát từ tính chất nhân vật chức năng của truyện cổ, nhân vật con cá sấu cũng là một kiểu nhân vật thuộc đặc trưng này.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi sưu tầm được 5 truyện có nội dung miêu tả như trên: Con Dukhi Dukhia(Trà Vinh), Chú thỏ thông minh, Con sấu bội ơn, Chuyện thỏ và cá sấu, Cá sấu, Quạ và ông bà lão chở củi. Đây là hệ thống 5 truyện thuộc thể loại truyện ngụ ngôn về con vật tinh ranh.

Với 5 truyện trên đủ để thấy rõ những đặc điểm của loại hình nhân vật chức năng của truyện kể về nhân vật sấu. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gắn cho con sấu những phẩm chất có ý nghĩa âm tính như: bội ơn, phản trắc, lọc lừa và hung ác.

Trong truyện “Con sấu bội ơn” những phẩm chất của sấu đã thể hiện rõ những biểu hiện trên kia. Khi được ông lão và cô cháu gái cứu khỏi cơn mắc cạn, cá sấu sau khi được đưa ra sông thì đòi ăn thịt cô cháu gái. Đang lúc cần phân xử đúng - sai, Thỏ xuất hiện. Diễn tiến câu chuyện và kết thúc sấu bị Thỏ chơi khăm nên chỉ cho ông lão đập cho bẹp đầu, đến nay loài sấu có loài dẹp lép và khúc bụng thót lại. Và một hệ lụy sau đó nữa, sấu phải đón nhận là thỏ lừa sấu để thoát khỏi cái miệng hung ác của nhân vật này. Tiếp tục câu chuyện cho đến kết thúc sấu luôn lộ rõ phẩm chất là con vật luôn luôn độc ác, nham hiểm, lừa bịp và cũng vì thế, sấu bị quạ trả đũa sau khi sấu lừa cướp mồi ngon của quạ. Bi thảm hơn nữa là sấu bị người chồng của cô gái đã từng cùng ông lão cứu sấu trong khi mắc cạn kết liễu mạng sống. Đây là một kết thúc quen thuộc của truyện cổ nói chung, cái ác bị trừng trị.

Hay như trong truyện Cá sấu, Quạ và ông bà lão chở củi kể rằng: Trời năng như thiêu đốt. Xung quanh không có một giọt nước. Cái khát càng đốt cháy cổ họng sấu. Cuối cùng sấu không lê được nữa, đầu gục xuống, nước bọt sủi ra hai bên mép, nằm thở dốc chờ chết.

May sao, lúc ấy có hai vợ chồng bà lão đi lấy củi về, đi ngang qua chỗ sấu nằm. Sấu nài nĩ hai ông bà lão cứu giúp chở về bến sông và hứa sẽ tìm cách trả ơn.

Hai ông bà lão bèn lấy dây thừng buộc cổ sấu lôi về. Về tới bến sông, khi ông bà lão tháo dây buộc ra, sấu bèn uống một bụng nước no nê. Lấy lại sức xong sấu bèn giở giọng trở mặt ngay, sấu đòi ăn thịt hai ông bà lão vì cho rằng hai ông bà đã buộc cổ mình quá chặt.

Như vậy, qua hai truyện trên ta thấy sấu hiện lên là một kẻ gian ngoa, xảo trá, là kẻ vong ân bội nghĩa. Sấu không những không mang ơn người đã cứu giúp mình mà còn trở mặt đòi ăn thịt chính những người đã cứu nó. Với dụng ý của tác gia, truyện ngụ ngôn chủ yếu dùng loài vật làm phương tiện để nhận thức và lí giải những vấn đề của con người và xã hội loài người và đưa ra những bài học kinh nghiệm. Đó là phải biết ghi ân những người đã có công cứu giúp mình nếu không sẽ phải chịu một kết cục thảm hại như nhân vật cá sấu trong truyện.

Ta thấy có một kiểu kết cấu trong hệ truyện ngụ ngôn, đó là khi con người bị lừa (sấu trở mặt đòi ăn thịt) thì đúng lúc đó nhân vật thỏ hiện ra bày kế cứu giúp và trừng trị con vật hung ác: Vừa lúc đó, thỏ đi ngang qua, thấy ông bà lão đang khóc lóc, bèn bước đến bên. Sau khi tỏ rõ đầu đuôi sự việc, biết được tâm địa sấu xa của con sấu, thỏ rất phẫn nộ, nhưng cố giữ vẻ điềm tĩnh...Thỏ giúp ông cụ già ra sức siết chặt dây thừng xung quanh cổ sấu căng hơn, rồi căng hơn nữa đến nỗi sấu ta bắt đầu vùng vẫy, chới với hai chân trước.

Lúc ấy, thỏ mới ôn tồn bảo ông bà lão:

- Bây giờ, hai bác có thể yên trí dùng thanh củi mà đánh chết nó đi. Cái loài vong ân bội nghĩa như thế để nó sống làm gì cho chật đất.

Một cách nhìn nhận khác, truyện ngụ ngôn khi xây dựng kiểu nhân vật thông minh thường được xây dựng trên môtip là “mẹo lừa” và tài ”xử kiện” . Những con vật thông minh bao giờ cũng là những con vật nhỏ bé, hiền lành, không có sức mạnh về thể chất, nhưng khi gặp những tình huống cấp bách, nguy hiểm thì con vật nhỏ bé biết dùng những mẹo lừa để lừa những con vật lớn và độc ác hơn. Bằng những mẹo lừa đó con vật có thể tự cứu được mình hoặc có khi cứu được những con vật khác

đang gặp nguy hiểm, đồng thời dạy cho con vật to lớn hơn hung hăng, hống hách những bài học đích đáng. Còn đối với những con vật ngu ngốc được xây dựng trên môtip luôn luôn bị lừa và luôn luôn bị thua. Những con vật ngu ngốc này thường là những con vật có ngoại hình lớn, có sức mạnh nhưng lại bị lừa bằng trí thông minh, sự khéo léo và lanh lợi của những con vật bé hơn. Từ hệ thống đó, tác giả muốn phản ánh một vấn đề nào đó trong xã hội hoặc nêu lên những bài học triết lí hay đạo đức mà tác giả dân gian muốn thể hiện qua từng nhân vật con vật trong truyện.

Nhìn một cách tổng thể, nhân vật sấu nhận kết thúc cuộc đời bi kịch bởi tính cách độc ác (sấu đòi ăn thịt cô gái), lừa bịp và gian xảo, sấu hiện thân là kẻ dối trá, lọc lừa (sấu giả chết), có lúc theo tình huống truyện (sấu cướp mồi của quạ) sấu hiện nguyên hình là một kẻ cướp. Từ tình huống truyện, đến diễn tiến, kết thúc truyện, tác giả dõn gian ôgắnằcho sấu những phẩm chất mang ý nghĩa tiờu cực và chức năng của sấu trong loại truyện này không ngoài ý nghĩa biểu tượng cho cái ác mà trong tâm thức người dân trong sinh hoạt hằng ngày, trong cách đối nhân xử thế cần lưu ý nhiều hơn.

Từ những nhận định trên chúng tôi đưa ra mô hình hóa về các tình tiết của truyện sấu vong ơn bội nghĩa như sau:

Sấu mắc nạn

Van xin người giúp đỡ

Trở mặt đòi ăn thịt ân nhân

Sấu bị trừng trị đích đáng Thỏ xuất hiện, bày kế trả thù sấu

Qua câu chuyện ngụ ngôn về sấu vong ơn bội nghĩa tác giả dân gian muốn nêu lên bài học cảnh báo cho những kẻ gian ngoa, xảo trá trong xã hội, phải biết sống thật thà và không quên công cứu giúp của những người đã giúp đỡ mình lúc hoạn nạn.

Ngoài ra, trong truyện Con sấu bội ơnkhông chỉ khẳng định phẩm chất của sấu mà còn có ý nghĩa giải thích tục khắc đầu sấu trên thành xe bò, giải thích hình dáng sấu. Những chức năng này được phản ánh và nhận diện là nhờ vào phẩm chất tiêu cực của sấu.

Qua truyện trên ta thấy rõ tính cách của người dân Nam Bộ là yêu - ghét rất rõ ràng, sự phân biệt trái - phải, đúng - sai, tích cực - tiêu cực luôn luôn nằm ở thế đối lập nhau. Sự xuất hiện của nhân vật lừa bịp, độc ác trong truyện sẽ có một nhân vật khác đứng ra dành lại công lý như trường hợp của sấu - thỏ. Cặp đôi nhân vật này xuất hiện cùng lúc sẽ góp phần làm rõ hơn tính cách của sấu qua từng tình tiết, tình huống và cách kết thúc truyện.

Như vậy, ngoài bản chất là một kẻ hung tợn, hại người thì trong tâm thức dân gian cá sấu còn hiện lên là một kẻ gian ngoa, xảo trá, vong ơn bội nghĩa. Điều này đã được các tác giả dân gian ghi nhận lại qua những câu chuyện ngụ ngôn. Tác giả dân gian muốn lấy chuyện loài vật để nói chuyện người, đây chính là những bài học quý báu mà ông cha ta muốn răn dạy con cháu mai sau. Sống phải biết có trước có sau, có nghĩa có tình nếu không sẽ nhận một kết cục thảm hại.

Tiểu kết chương 2

Tóm lại, ở chương hai, xét về số lượng truyện khảo sát được thì sấu xuất hiện trong hai phương diện, vừa là quái vật ăn thịt người nhưng đồng thời cũng là đối tượng để con người tiêu diệt. Chúng tôi thấy rằng ở cả hai phương diện sấu đều xuất hiện với tần số dày đặc. Điều này phản ảnh những khó khăn vất vả mà con người phải đương đầu nơi vùng đất mới này. Điều đó cho ta thấy bên cạnh xu hướng khuất phục thiên nhiên trong đời sống thì xu hướng chinh phục, cải tạo thiên nhiên cũng không kém phần quan trọng. Hai xu hướng này đã thể hiện cho chúng ta thấy được tính cách của con người Nam Bộ là luôn muốn hòa mình với thiên nhiên. Đúng như tác giả Chu

Xuân Diên từng nhận xét: Trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, người Việt phụ thuộc vào tự nhiên, nương nhờ vào tự nhiên hơn là chiếm lĩnh, làm chủ tự nhiên.

Từ đó cho ta thấy khuynh hướng này thể hiện thành sự tôn trọng, sùng bái tự nhiên, trong hành động thể hiện những sự lựa chọn thích nghi với tự nhiên, tận dụng sức mạnh của tự nhiên, trong sinh hoạt thể hiện lối sống hòa hợp cùng với thiên nhiên, gắn bó với môi trường tự nhiên.

Bên cạnh hình ảnh sấu ác và là đối tượng để con người tiêu diệt thì cá sấu có nghĩa cũng là một đề tài khá thú vị được chúng tôi khảo sát và phân tích. Từ những nhận định của mình chúng tôi cho rằng cá sấu trong tâm thức dân gian của người dân Nam Bộ không chỉ là quái vật ăn thịt người mà còn là những con vật có ân có nghĩa, biết cứu giúp con người khi con người gặp nguy khó. Chúng tôi cho rằng, một số cách kiểu kết thúc của truyện bằng việc thu phục nhân tâm; sấu tu tâm dưỡng tính trở thành nhân vật tốt… phản ảnh tư duy của người Việt đồng thời cho thấy đã có sự ảnh hưởng của phật giáo trong tư duy truyện cổ dân gian Nam Bộ.

Truyện về sấu trong dân gian Nam Bộ không chỉ ghi lại bằng những câu chuyện truyền thuyết mà còn được tác giả dân gian để lại thông qua những câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa. Nếu ở trên sấu hại người thì ở đây sấu còn là một con vật vong ơn bội tín. Điều này được tác giả dân gian đúc kết dựa trên bản chất của loài thủy quái này. Qua đây, tác giả dân gian muốn khẳng định rằng: con người có mưu trí dù nhỏ bé, yếu đuối cũng có thể thắng được kẻ có sức mạnh mà không có mưu trí.

Đồng thời qua đó để rút ra những ”bài học triết lí hay đạo đức, hoặc một kinh nghiệm sống mà tác giả dân gian của nó đã tổng kết và muốn nói ra được bằng lời một lối nói kín đáo”.

Như vậy, bằng tài đức của mình, người dân mới đến đã làm cho cồn đất âm u, chốn chốn quạnh quẽ trở nên đông vui, màu mỡ. Người đến càng đông, rắn rít không còn, thú dữ dần dần tìm về những miệt rừng tận miền trên. Đầu cồn cuối bãi bây giờ san sát ruộng lúa nương khoai. Người dân đào mương dẫn nước vào cồn, xây cồn, lập vườn cây ăn quả. Nhà cửa mọc lên san sát, người dân đi lại trên sông dập dìu. Sức sống mãnh liệt đã làm nên khát vọng chiến thắng những tai ương do thiên nhiên

mang lại. Cuối cùng, thú dữ dầu có ương ngạnh tới đâu cũng phải dần khuất phục trước sức mạnh và trí tuệ của những người đi mở cõi.

Một phần của tài liệu cá sấu trong truyện kể dân gian nam bộ (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)