CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.2. Khái quát về cá sấu trong văn hóa dân gian
1.2.1. Vài nét về cá sấu trong văn hóa thế giới
Trong văn hóa thế giới, Cá sấu (Crocodile) là một con vật thiêng, “xuất hiện từ nền văn minh này sang nền văn minh khác, từ thời đại này sang thời đại khác, đại diện cho muôn vàn biểu hiện của chuỗi hình tượng cơ bản biểu trưng cho chuỗi hình tượng những sức mạnh chi phối sự chết và sự tái sinh”. Chúng được xem là con vật
“khiêng vác vũ trụ, một thần linh của đêm trăng, chủ tể của nước nguyên thủy, háu ăn như đêm tối nuốt chửng mặt trời mỗi buổi hoàng hôn” [23, tr 119].
Theo Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới, ở Trung Hoa, cá sấu đã sáng chế ra trống và bài hát, nó đóng một vai trò quan nhất định trong sự hòa điệu của vũ trụ.
Những người già Trung Quốc thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện cổ tích về loài vật sáng tạo ra trống, tạo nhịp điệu cho âm nhạc và thổi hơi thở vào sự sống trong vũ trụ. Còn với người dân Cam-pu-chia, cá sấu lại là biểu tượng của ánh sáng, khi dịu dàng, lúc dữ dội. Tại Ấn Độ, cá sấu là vật cưỡi của mantra Vam, hạt giống ngôn từ của nước. Trên tranh tượng thờ, nó không khác gì makara, vật cưỡi của thần Varuna là chúa tể của nước. Trong huyền thoại và tín ngưỡng dân gian Campuchia, chúa tể của đất và nước không phải là con rắn Nagar ở Angkor, mà là con vật có tên đồng âm và hoàn toàn tương đương, đó chính là Nak (cá sấu). Asura Bali, ở Campuchia là Kron Pâli, chủ đất, tức cá sấu. Cờ cá sấu được dùng trong các tang lễ ở
Campuchia, gắn với truyền thuyết về Kron Pâli, ngự trị ở thế giới âm ty, rất gần với hình ảnh cá sấu của thần Seth của Ai Cập hay Typhon của Hy Lạp – biểu tượng của bóng tối và sự chết. Các truyền thuyết ở Cam-pu-chia cũng đặt cá sấu vào sự liên hệ với ánh sáng của ngọc trai và kim cương. Trong mối liên hệ này, các sấu có quan hệ với sấm chớp, mưa. Qua công trình Étude sur les rites agraires des Cambodgiens (Nghiên cứu về các lễ tiết nông nghiệp của người Campuchia) của E.
Porée Maspéro ta có thể thấy được chức năng thần nước của cá sấu, chức năng chúa đất của nó, vị trí của nó trong các nghi lễ và kiêng kỵ, hình tượng của nó trong cổ tích và huyền tích.
Với người Thái Lan, cá sấu là biểu tượng của nguồn sống: nước tao nên những vụ mùa bội thu. Nhiều nhóm cư dân trên một số đảo thuộc Indonesia, Philippin giữ một thái độ cung kính đặc biệt đối với cá sấu. Trên nhiều đảo thuộc châu Đại Dương còn lưu truyền những cổ tích và huyền tích nói về việc phụ nữ bị cá sấu phủ. Hệ truyện này rất gần với hệ truyện lớn của Đông Nam Á lục địa kể chuyện phụ nữ bị rắn phủ, cá sấu tương đồng với rắn, vì đều là đại diện của thế giới bên dưới.
Đối với người Pueblo – Mixtèque và người Aztèque (Mêhicô cổ), đất được sinh ra từ cá sấu sống dưới biển nguyên thủy. Trong Codex Borgia, cá sấu được họa hình như là biểu tượng của đất. Cá sấu trong sách chép tay Chilam Balam là một trong những tên của con Rồng Trời sẽ phun nước làm nên đại hồng thủy vào ngày tận thế.
Theo dị bản về cuộc sáng thế của người Maya, cá sấu nguyên thủy đã mang quả đất trên lưng mình trong một vỏ sò.
Như một thần linh âm ty, cá sấu hay xuất hiện như một nhân vật thay thế cho Jaguar vĩ đại, chúa tể của các thế giới dưới đất, thông qua biểu tượng cây súng.
Những thổ dân Aztec ở Mê-hi-cô coi cá sấu là vị thần sáng tạo ra đất đai, làng mạc. Họ tôn thờ vị thần dũng cảm rời bỏ biển khơi để đem đến sự sống cho con người và muôn loài. Với nhiều bộ lạc ở châu Phi, trong những lễ hội gọi đất và mặt trời, không thể thiếu được vũ điệu cá sấu-dịu dàng uyển chuyển nhưng cũng không kém phần quyết liệt mạnh mẽ. Trong một số huyền thoại của người dân da đỏ Nam Mỹ, cá sấu cũng xuất hiện với tư cách là một vị thần của âm ty. Ở Mélanésie (một
vùng thuộc phía Tây Nam Thái Bình Dương), cá sấu lại xuất hiện với tư cách “tổ phụ sáng lập ra đẳng cấp xã hội thứ tư – xuất hiện sau cùng, nó có rắn là con vật thay thế”
[23, tr 120].
Trong thần thoại Ai Cập, cá sấu thường được xem là các quái vật. Cá sấu Sobek được gọi là Ông Ngấu Nghiến, chuyên chầu chực để nuốt chửng các linh hồn không biện minh được cho mình. Nhiều đền thờ cá sấu được lập ở các vùng có nhiều đầm hồ. Có cả một thành phố được mang tên riêng của cá sấu: Crocodilopolis. Nó được tôn xưng là bò tót trong những bò tót, là con vật đực vĩ đại, là thần phồn thực, vừa thủy tính, âm ty tính, lại thiên tính, thái dương tính.
Trong Kinh Thánh, cá sấu mang tên Léviathan được miêu tả như một trong những quái vật của cõi hỗn mang nguyên thủy. Ở phương Tây, cá sấu gần gũi với rồng về ý nghĩa, nhưng nó mang trong mình một sự sống cổ sơ hơn, vô cảm hơn, có khả năng tiêu hủy không thương tiếc sự sống của con người. Nó là một biểu tượng phản diện, bởi vì nó biểu thị một thiên hướng tối tăm và hung bạo của cái vô thức tập thể.
Cá sấu còn giữ vị trí trung gian giữa hai nguyên tố là đất và nước với những mâu thuẫn cơ bản. Nó chuyển động trong bùn, làm cho cây cỏ sinh trưởng dồi dào, nên là biểu tượng của phồn thực. Nhưng nó cũng ăn lấy ăn để và phá hủy, lại xuất hiện đột ngột từ nước và lau sậy, do đó là quỷ ác dữ, biểu tượng của bản chất tội lỗi.
Phồn thực và tàn bạo, nó là hình ảnh của thần chết, vậy nên đóng vai trò dẫn dắt linh hồn. Những người chết ở Ai Cập đôi khi được thể hiện dưới hình dạng những con cá sấu. Nó giống như những con khủng long thời tiền sử và những con rồng trong thần thoại. Với tư cách ấy, nó là vị chủ của những bí ẩn về sự sống và sự chết, là đấng truyền phép vĩ đại, là biểu tượng của trí thức huyền bí, là ánh sáng hoặc bị che khuất đi hoặc biến thành sét đánh.
Nhìn chung, tùy vào mỗi quốc gia, khu vực và lãnh thổ, cá sấu có thể có những biểu trưng không giống nhau trong văn hóa thế giới. Song về cơ bản, cá sấu là vị thần của âm ty; cõi nước; là quái vật đáng sợ; có mối liên hệ với nguồn nước và các sự
kiện thời tiết liên quan đến mưa. Đây cũng là điểm tương đồng lớn nhất của hình tượng cá sấu trong văn hóa dân gian thế giới.