CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.2. Khái quát về cá sấu trong văn hóa dân gian
1.2.2. Cá sấu trong văn hóa dân gian Việt Nam
Cùng với ý nghĩa của biểu tượng cá sấu trong nền văn hóa thế giới thì cá sấu ở Việt Nam cũng mang những nét ý nghĩa riêng biệt. Có thể thấy trong nền văn hóa dân gian Việt Nam cá sấu đóng một vai trò quan trọng trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Từ thời xa xưa, người Việt hay sống tại vùng sông nước, cho nên người ta thường tôn sùng các loài thủy vật bò sát: Thuồng luồng, ba ba, cá sấu … như những con vật linh thiêng. Theo Nguyễn Cung Thông, cá sấu là con vật được thần thánh hóa thành con Giao Long. Trên thực tế, người ta lại xem thuồng luồng là một giống rắn khổng lồ sống ở nước, và hình như con vật này chưa có ai thấy bao giờ. Thật ra con sấu không thuộc vào loài cá, mà là loài động vật bò sát lớn, có máu lạnh, ăn thịt, vừa sống dưới nước như cá vừa sống trên bờ như các thú vật. Bảng phân loại khoa học của con sấu Trung Hoa:
Giới : Animalia.
Ngành : Chordata.
Lớp : Sauropsida.
Bộ : Crocodilia.
Họ : Alligatoridae.
Chi : Alligator [Xem 57. Nguyễn Cung Thông, http://www.viethoc.org]
Mặc dù trong sách chữ Hán của người Việt xưa gọi cá sấu gốc Trung Hoa là Giao long hay thuồng luồng. Nhưng bây giờ cá sấu và thuồng luồng đã trở thành hai giống khác nhau. Một con có hình hài và nguồn gốc có thể biết được theo cái nhìn khoa học. Còn một con dù có thật hay không trong lịch sử sinh vật học, hình ảnh của nó vẫn tồn tại ở trong tiềm thức của người Việt Nam.
Khi nhắc tới cá sấu người dân Việt Nam ta hay nhớ đến câu “Nước mắt cá sấu” đây là một nét nghĩa tiêu cực khi nhắc tới hình ảnh con vật này. Bởi đây là một loại
bò sát hung bạo, ăn thịt động vật mà nó bắt được. Loài vật này có thể tấn công và bắt những con vật lớn hơn như trâu, bò và con người cũng trở thành miếng mồi ngon của chúng. Có một điều đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khóe mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó. Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng. Do vậy, người ta liên tưởng ngay đến những hạng người giả dối trong xã hội.
Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói những lời tử tế hiền lành. Như vậy ta thấy rằng câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” nó đại diện cho sự gian xảo, lọc lừa, điêu ngoa trong xã hội. Bên cạnh đó cá sấu còn trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm thức dân gian của người Việt bởi tính hung ác và tàn bạo của nó. Vì đây là một loài bò sát lớn thích ăn thịt người, chúng không chỉ ăn các loài động vật mà còn tấn công cả con người. Trong tâm thức dân gian của người Việt thì cọp và cá sấu là hai loài động vật đáng sợ nhất trong buổi đầu khai hoang lập ấp ở những vùng đất mới, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ. Câu ca dao “Ác như sấu Vũng Gấm” đã phần nào nói lên được tính hung bạo của loài thủy quái luôn rình rập hại người này. Trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt con người không chỉ đối mặt với những khó khăn của cuộc sống mà họ còn luôn phải đối mặt với những loài thú dữ hại người, đặc biệt là cá sấu. Chính vì bản tính hung bạo, ăn thịt người nên khi nhắc đến chúng người dân luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.
Ngoài những nhận thức trên thì ta thấy rằng cá sấu còn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian của người Việt Nam. Người Đông Sơn có tục xăm mình liên quan đến con giao long dưới nước. Nhiều bộ sử Trung Quốc đã ghi chép: ”Người Việt vẽ mình, cắt tóc để tránh cái hại giao long” (Hán thư, Địa lý chí hạ). Sách Lĩnh Nam chích quái cũng đề cập đến chuyện này “dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường bị giao long làm hại, mới kêu với Hùng Vương nói : Loài ở chân núi với loài thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà ghét dị loại cho nên làm hại. Bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành thủy quái, từ đó không còn cái nạn giao xà làm hại nữa. Cái tục xăm mình của người Bách Việt bắt đầu từ đó”. Con giao long này có thể là thuồng luồng, rắn nước mà cũng có thể là cá sấu, đều là các con vật dữ, thường xuyên làm hại cư dân sông nước.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con rồng trong truyền thuyết có nguồn gốc từ con cá sấu [50]. Trần Kinh Hòa sử dụng ngôn ngữ học để chứng minh chữ “giao”
(long) và “ngạc” (cá sấu) cũng là biến thái của chữ ghi nhận tiếng kêu của con cá sấu.
Hình ảnh con cá sấu thường gắn liền với cuộc sống của những người Việt cổ.
Điều này đã được chứng minh bằng các hoa văn hình cá sấu được trang trí trên nhiều di vật bằng đồng ở các di chỉ thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Đó là cá sấu trên thạp đồng Đào Thịnh, trên khóa thắt lưng Ninh Bình, trên các rìu đồng ở Đông Sơn, Núi Sõi, Sơn Phú hoặc trên các rìu, giáo và dao găm bằng đồng khác được Bảo tàng Mỹ Thuật sưu tầm rải rác ở Thanh Hóa từ di chỉ Đông Sơn. Ngoài thạp đồng Đào Thịnh và khóa thắt lưng Ninh Bình, các nhà khảo cổ còn phát hiện 4 chiếc rìu, 3 chiếc giáo và 1 dao găm có trang trí hình cá sấu.
Trên thạp Đào Thịnh I khắc họa hình cá sấu đang giao nhau xen giữa hai chiếc thuyền. Thân cá sấu dài, đuôi to, mồm nhọn, cả hai được chạm theo lối trắc diện, quay bụng vào nhau và dính chân dính đuôi, mình được tô điểm bằng nhiều chấm dải.
Hai đôi cá sấu ở hai mặt của rìu xéo Đông Sơn khắc họa có phần cách điệu hơn. Chúng quay bụng vào nhau nhưng chỉ dính phần chân, còn đuôi đều cuộn tròn lại, mồm nhọn đang há biểu lộ sự dữ tợn.
Các đôi ở khóa thắt lưng Ninh Bình tính cách điệu càng cao hơn. Bốn đôi cá sấu ở 4 góc của hiện vật cũng bố cục quay bụng vào nhau nhưng chi tiết mất hết nên cả 2 trở thành một khối chung và trông như một bông hoa với 2 cánh tròn cuốn lại, rất khó nhận ra. Ở khóa thắt lưng Bắc Kỳ và Đông Sơn thì hình cá sấu được bố cục từng đôi quay đầu vào nhau, mắt tròn to, thân chạy dài cho đến đuôi thành cả một mảng liền. Có người cho đó là hình của giao long trong các truyền thuyết và có thể là tiền thân của con rồng Việt. Kiểu thuyền và những hình khắc trên thuyền rất giống những mô típ trang trí trên trống đồng Đông Sơn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa [50, tr 359-380].
Tương truyền vào năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), có cá sấu vào sông Phú Lương (sông Hồng), Nguyễn Thuyên được lệnh triều đình lập đàn tế và làm bài văn tế bằng
chữ Nôm ném xuống sông, cá sấu bèn bỏ đi. Vua cho Nguyễn Thuyên đổi thành Hàn Thuyên giống như tích đuổi cá sấu bên Tàu [20, tr 1190-1191].
Cá sấu ở vùng đất phía Nam được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí cho biết có đầu vuông, mi mắt có khía, đuôi chẻ, khía răng cưa, răng nanh lởm chởm, không có mang tai, có 4 chân, không vảy, cái đuôi rất mạnh. Có loại sấu màu vàng và đen, to bằng chiếc xuồng, đặc biệt rất hung dữ. Những người đi ghe xuồng trên sông hay bị dùng đuôi đập vào cho rớt xuống sông rồi gặm tha vào bờ để ăn thịt.
Bên cạnh những ý nghĩa trên thì hình ảnh cá sấu còn mang một ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông nước.
Nếu rắn là một “thủy thần” luôn mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người thì người ta thờ cá sấu để cầu mong sự bình an. Trong tín ngưỡng của người Việt về thờ động vật thiên về thờ thú hiền như hươu, nai, cóc, không thờ thú dữ như văn hoá du mục. Đặc biệt là thờ các loài vật phổ biến ở vùng sông nước như chim nước, rắn, cá sấu. Người Việt tự nhận là thuộc về họ Hồng Bàng, giống Tiên Rồng (Hồng Bàng là tên một loài chim nước lớn, Tiên là sự trừu tượng hoá một giống chim đẻ trứng, Rồng sự trừu tượng hoá từ rắn, cá sấu). Rồng sinh ra từ nước bay lên trời là biểu trưng độc đáo đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Còn ở vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ, cá sấu ở một số nơi được xem như một ác thần cai quản vùng sông nước và trở thành đối tượng để người dân thờ cúng, họ xem cá sấu như một biến thể của thần sông.
Đối với văn học dân gian, đặc biệt là những mảng truyện kể về cá sấu ở khu vực Nam Bộ thì hình tượng cá sấu mang nhiều nét nghĩa phong phú và đa dạng. Cá sấu trong truyện kể của lưu vực Nam Bộ chủ yếu xuất hiện với hình ảnh thực của nó, gắn liền với đời sống ở vùng sông nước của những lưu dân vùng Nam Bộ. Nếu như cá sấu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên xuất hiện với tư cách là một biểu tượng trong việc thờ cúng, tôn sùng thì cá sấu trong truyện kể dân gian Nam Bộ không mang nhiều màu sắc tâm linh như thế. Hình ảnh cá sấu xuất hiện gắn liền với quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên trong buổi đầu khẩn hoang lập ấp. Thứ
nhất cá sấu xuất hiện với bản chất là một quái vật ăn thịt người. Như trong truyện Sự tích rạch bỏ lược, truyện kể về câu chuyện hai mẹ con chèo thuyền chở nước ngọt trên sông, người con chẳng may bị sấu đớp và người mẹ quyết tâm ngày ngày chờ đợi trên bến sông ấy để tiêu diệt con sấu hung ác trả thù cho đứa con của mình. Cá sấu ăn thịt người còn xuất hiện trong các truyện như: Cá sấu đớp mà thoát được, truyền thuyết về Ông Đình Tây và cá sấu năm chèo, Chuyện kể về cá sấu ở trấn Vĩnh Thanh (hay Cá sấu Vũng Gấm),… Bên cạnh truyện kể về cá sấu như một loài quái vật ăn thịt thì cá sấu còn xuất hiện gắn liền với công cuộc đánh bắt sấu và giải thích các địa danh. Đây có thể xem là mảng truyện phong phú nhất kể về cá sấu gắn liền với công cuộc khai phá vùng đất mới của những người lưu dân Nam Bộ trong buổi đầu khai hoang lập ấp. Công cuộc đánh cọp bắt sấu góp phần cho ta thấy những khó khăn, khắc nghiệt mà những người dân vùng đất mới này phải gánh chịu, nhưng qua đó cũng đã cho ta thấy sự trí dũng của những người dân Nam Bộ trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, khai phá đất nước. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt những địa danh, tên gọi gắn liền với hình ảnh cá sấu như: Bàu sấu, Rạch Đầu Sấu, Cầu Sấu, Ấp Đầu Sấu Đông, ấp Đầu Sấu Tây, Rạch Cái Cấm,…
Trong công cuộc chinh phục vùng đất mới bằng trí tuệ và lòng quả cảm, những lớp cư dân nơi đây đã đương đầu với những sức mạnh tự nhiên, những loài thú dữ như cọp beo, sấu, rắn... Vươn lên chế ngự nó, nhằm tạo ra những điều kiện để khai thác, canh tác, bảo đảm cuộc sống an lành là công việc đòi hỏi sự bền bĩ, lâu dài.
Việc “đánh sấu” trên hết chỉ xuất phát từ việc làm điều thiện, điều nghĩa, phản ảnh cái tinh thần khí khái của người dân Nam Bộ trong việc diệt trừ thú dữ. Thông qua hình ảnh con cá sấu, ta dường như hiểu rõ hơn bức tranh hiện thực về văn hóa dân gian của vùng đất này với những sắc thái hết sức đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ.
Tóm lại, hình ảnh cá sấu trong nền văn hóa thế giới và trong văn hóa của người dân Việt Nam mang nhiều nét nghĩa đa dạng và phong phú. Hình ảnh cá sấu ở mỗi khu vực và mỗi giai đoạn lịch sử đều mang đến cho ta những ý nghĩa khác nhau. Nó góp phần làm phong phú thêm những sắc thái văn hóa khác nhau của đất nước.
Trên đây chúng tôi vừa khảo sát hình ảnh cá sấu trong văn hóa thế giới và trong tâm thức dân gian của người Việt Nam. Có thể thấy hình ảnh cá sấu xuất hiện ở mỗi nơi đều gắn với những ý nghĩa khác nhau. Ở Việt Nam hình ảnh cá sấu xuất hiện cũng mang nhiều nét nghĩa phong phú và đa dạng. Ngoài những nét biểu trưng gắn với nước tương đồng giữa cá sấu trên thế gới thì ở Việt Nam, cá sấu còn có những tương đồng đặc biệt với rắn. Sấu+Rắn là cơ sở để tạo nên Rồng. Trong phạm vi đề tài này chúng tôi tập trung làm rõ những nét đặc trưng của cá sấu trong những truyện kể dân gian Nam Bộ. Từ hình ảnh cá sấu trong những mẫu chuyện kể cho ta một cái nhìn khái quát về đời sống của những người dân nơi đây khi phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt và những ứng xử của của người dân trong môi trường sông nước.