CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
2.4. Cá sấu – con vật có nghĩa
Nhắc đến sấu, người ta luôn nghĩ sấu là loài vật hung ác, chuyên ăn thịt người và luôn là kẻ thù đe dọa cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát về loài vật này chúng tôi nhận thấy rằng cá sấu không chỉ hại người mà còn cứu giúp người trong lúc hoạn nạn. Đó là lí do chúng tôi mạnh dạn xếp chúng vào nhóm truyện sấu có nghĩa. Do số lượng truyện hạn chế nên chúng tôi chỉ tìm được 4 truyện có nội dung miêu tả sấu có nội dung như trên. Đó là những truyện: Bồ-piêl diệt sấu khổng lồ, Sự tích thần Ô Ngạc Ngư, Chuyện cá sấu cứu chúa tôi Nguyễn Ánh được phong chức Lang Lai đại tướng quân, Trâu khôn sấu linh.
Những câu chuyện này đều xảy ra hết sức ly kì và hấp dẫn. Cá sấu hiện lên trước mắt người đọc không còn là con vật hung tợn nữa mà còn là một trong những nhân vật quan trọng đã nhiều lần cứu con người thoát khỏi hiểm nguy. Tiêu biểu nhất là hai truyền thuyết về thời kì tẩu quốc của vua Gia Long. Có thể thấy được trong tâm thức của những lưu dân Nam Bộ, hình ảnh cá sấu còn là một trong những con vật linh thiêng, có tính linh.
Bản kể của tác giả Huỳnh Minh, mục “Những chuyện tích xưa ở Bạc Liêu”
trong Bạc Liêu xưa ghi: “Đoàn chiến thuyền đang dong ruỗi trên sông Ông Đốc thì bỗng có một đàn cá sấu nổi lên đặc nghẹt cản đường. Thuyền chúa Nguyễn không làm sao vượt qua được. Thấy sự lạ cho là điềm xấu, Nguyễn vương đứng trước mũi soái thuyền lâm râm khấn vái: - Tôi là Nguyễn Ánh (…)”. Khấn vái xong, đàn cá sấu lặn đi rồi nổi lên ba lần như lời khấn nguyện. Nhờ sự báo điềm này mà đoàn chuyến thuyền của quân Nguyễn Ánh thoát khỏi sự mai phục của quân Tây Sơn. Về sau phục được cơ nghiệp, Gia Long không quên ơn những giống vật đã cứu mình trong lúc
hiểm nghèo, phong cho đàn cá sấu mỹ danh là Tân Ngạc Ngư Long”. Về ý nghĩa cụ thể, đây là tình tiết kể về sự tri ân, báo đáp của nhân vật bằng cách đặt tên con vật để ghi nhớ hoặc sắc phong, ban lệnh thờ cúng hoặc qua sự việc người dân ghi nhớ đặt tên, lập nơi thờ tự, tạo nên những địa danh, chứng tích văn hóa ở địa phương. Việc đặt tên, phong tước hiệu, cho thờ phụng loài cá linh thiêng hay sắc tứ các chùa chiền… cũng đưa đến ý nghĩa văn hóa ở các truyện kể.
Hay như trong truyện Trâu khôn sấu linh, lể lại rằng: Năm Quý mão (Năm Quý mão âm lịch, 1783 dương lịch, năm thứ sáu đời vua Thái Đức (Tây Sơn) và năm thứ tư đời vua Quang Trung) chúa Nguyễn đang đánh nhau với Tây Sơn, đặng lo phục quốc. Tháng tư, chúa tôi ở tại Bến Lức. Giặc Tây Sơn do Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Lữ nghe chúa ở tại Bến Lức, liền đem binh tới đánh. Binh chúa thua chạy tản bậy, giặc rượt chúa chạy tới Rạch Chanh, ý chúa muốn chạy sang bên kia sông cho khỏi giặc, mà lại Rạch Chanh có nhiều sấu dữ nên chúa không dám sang.
May thay, chúa liền thấy một con trâu nằm dựa mé sông, chúa liền lên lưng trâu biểu nó chở ngang qua sông. Trâu liền chở chúa lội ra xa, nước chảy mạnh quá, trâu hụt chơn bơi không nổi, liền chìm xuống mà trôi, tức thì có một con sấu lớn trừng lên, chúa nghĩ sấu trừng lên đặng gắp mình, ai ngờ là sấu kề lưng lại rước, chúa liền leo lên lưng sấu lội qua sông. Giặc rượt theo tới mé sông, mắc sông giặc không có ghe mà chèo theo. Con sấu nó lội riết qua sông, đến mé sông thì cặp vào bờ cho chúa bước lên. Sau đó chúa đáp bộ chạy về Mỹ Tho, kiếm ghe chở mẹ và vợ ra Hòn Phú Quốc.
Từ đó, ta thấy một điều, loài vật tuy không có nhận thức như con người nhưng cũng có trí khôn, sấu tuy hung ác nhưng cũng biết hiện lên cứu người.
Trong truyện Bồ-piêl diệt sấu khổng lồ kể lại rằng: Sấu rất thích ăn thịt người.
Đó là mối đe dọa với người dân trên đảo. Nhưng vì kế sinh nhai nên họ đành đánh bạo ra biển mò tôm, bắt cá về sống qua ngày. Mỗi khi nghe sóng động hay thấy bóng dáng cá sấu thì ai nấy đều khiếp đảm và cầm chắc cái chết trong tay. Càng ngày con sấu lại càng tỏ ra lì lợm hơn, vào tận cửa sông để bắt người ăn thịt.
Bồ-piêl thấy con sấu do chính người em mình nuôi ngày trước đã trở nên hung hãn nên tìm cách tiêu diệt cá sấu. Một hôm Bồ-piêl giả làm chú tiểu, xuôi theo sông
Hậu, ra đến biển gặp cá sấu chàng bèn hóa thành một con cá sấu lớn, nổi vây năm sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng xé nước nhắm thẳng con sấu hung dữ mà lao tới. Hai bên chiến đấu bảy ngày bảy đêm, và diễn ra trên một đoạn sông lớn từ “biêm Ra – rạch”
đến tận cửa biển. Sóng dâng cao từng đợt như những mái nhà, nước sông và biển đục ngầu như vừa trải qua một trận cuồng phong.
Có thể thấy được trong trận chiến với con sấu ác hại người này, Bồ-piêl đã hóa thân thành một con sấu nổi vây năm sắc để chống trả lại. Tại sao Bồ-piêl không biến hóa thành một con vật khác mà lại là cá sấu? Phải chăng trong nhận thức của người dân Nam Bộ để chống lại loài sấu ăn thịt người thì phải dùng chính sức mạnh của chúng để chống lại chúng. Đó là lí do tại sao Bồ-piêl lại hóa thân thành cá sấu. Điều này cũng chứng minh rằng bên cạnh hình ảnh sấu ác thì sấu có nghĩa cũng trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân nơi vùng đất mới này. Như chúng tôi đã nói ở trên, đây chính là tính lưỡng nguyên trong con vật. Không con vật nào ác hoàn toàn.
Nếu như con hổ có tánh linh, biết ân đền hoán trả thì cá sấu trong truyện kể của những người dân Nam Bộ cũng là những con vật có nghĩa, có tình. Chi tiết này thể hiện khát vọng sống hòa mình với thiên nhiên của người dân nơi vùng đất mới.
Thú dữ tuy là đối tượng cản trở trên bước đường sinh cơ lập nghiệp của những người dân “tứ chiếng”, nhưng bên cạnh đó thú dữ cũng là một lực lượng đối trọng trong việc phù trợ con người đối đầu với những khó khăn khổ ải trong quá trình khẩn hoang lập ấp của mình.
Trong truyện Sự tích thần Ô Ngư Ngạc, người ta kể lại như sau: Xích Ngư Ngạc làm mưa làm gió địa phận của mình quen thói, một hôm rề vào lãnh địa của Ô Ngư Ngạc đến vàm rạch Cái Bần. Thế là một trận quyết chiến xảy ra. Mặc dù thân thể đã cụt đuôi, nhưng sấu mun cũng cương quyết vì bảo vệ dòng họ, nổi lên chạm trán một còn một mất với sấu đỏ. Mọi người còn truyền nhau: Ban đầu nhìn thấy như hai chiếc ghe cà dom có gắn máy cao tốc, một đen từ trong Ngã Ba Tàu, một đỏ từ Cái Nước xé nước lao ào ào và đâm vào nhau. Sau một cú chạm mạnh đến rung rinh mặt đất mấy cây số. Hai con sấu nhảy dựng cao lên tới ngọn bần, rồi rơi xuống, nước tạt dựng phủ cả mé lá hai bên bờ sông. Trận đánh nhau của Ô Ngư Ngạc bảo vệ lãnh địa với Xích Ngư Ngạc kéo dài đến 3 ngày đêm. Khúc sông từ Ngã Ba Tàu đến Vàm
Thầy Quơn sóng nước cứ nổi dậy ầm ầm, không một xuồng ghe nào dám qua lại.
Cuối cùng, sau một trận mưa to, con sông Cái Lớn lại êm. Mấy ngày sau, người ta thấy xác con cá sấu đỏ xình lên, trôi tấp vào rượng đáy chỗ vàm rạch Cái Nước. Còn sấu mun thì biến đâu biệt tích. Bà con vùng Ngã Ba Tàu cảm thương con sấu “thần”
biết quên mình chiến đấu dũng cảm, mặc dù tàn tật nhưng vẫn gan dạ chiến đấu chống ngoại xâm, chia nhau tìm xác sấu mun. Thế nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu, họ đinh ninh là sấu đã chết, nên lập miếu thờ sấu tại mõm doi vàm xép. Mấy ông cụ thì cho rằng: sấu mun không chết, mà trầm tích tại Ngã Ba Tàu, nằm cấn về phía doi đất vàm xép mà tu hành. Rồi một ngày nào đó sấu sẽ “đắc đạo” hóa rồng mà bay lên mây.
Như vậy, cùng với những người dân anh hùng trong cuộc chiến chống lại loài thú dữ hại người thì những con sấu có nghĩa cũng là một lực lượng quan trọng giúp đỡ những người dân Nam Bộ định cư trên vùng đất mới. Nếu như con người lập được chiến công được mọi người ngợi ca, sùng bái thì những con vật có nghĩa cũng được mọi mọi người ghi ân, tạc dạ. Họ tin rằng một ngày nào đó những con sấu có nghĩa sẽ được tu hành đắc đạo, sẽ “hóa rồng” mà bay lên mây. Ngoài việc ban chức tước, phong tước hiệu thì việc lập đền miếu cũng là một cách tri ân những con vật có nghĩa đã có công cứu giúp con người. Từ những nhận định trên chúng tôi đưa ra mô hình hóa tình tiết của nhóm truyện về cá sấu có nghĩa như sau:
Con người gặp nguy hiểm
Cá sấu giúp đỡ (trực tiếp/ báo tin)
Con người thoát nạn và mang ơn sấu
Được phong chức tước, thờ cúng
Việc phong chức tước và lập đền thờ cúng thần sấu không chỉ ở Nam Bộ mà còn xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Có thể thấy một điều, việc lập đền thờ cúng thần sấu ở vùng đất Nam Bộ không nhiều, chỉ rải rác ở một số nơi và vùng đất của người Khmer Nam Bộ. Điều này khác với hình ảnh cá sấu trong truyện kể của khu vực Bắc và Trung Bộ. Ở hai vùng đất này, cá sấu trở thành một biểu tượng và được nhân dân thờ cúng, còn cá sấu trong truyện kể Nam Bộ mang tính chất hiện thực hơn, nó gần gũi với đời sống của người dân nơi vùng đất mới này. Đây chính là nét sáng tạo trong tư duy văn hóa của người dân Nam Bộ, ngoài tính chất kế thừa văn hóa truyền thống thì sự sáng tạo cũng là một sự phát hiện mới trong nhận thức của người dân Nam Bộ.
Với hình thức và nội dung khá ngắn gọn và hầu như không được ghi lại một cách khoa học trong những tập truyện dân gian nhưng những mẫu chuyện về cá sấu có nghĩa ở Nam Bộ vẫn đang tồn tại như một kiểu truyện về sấu đặc trưng của vùng đất mới này. Và hơn hết nó vẫn đang sống âm ỉ trong tâm thức của người dân nơi đây như một minh chứng cho tinh thần bao dung, vị tha và hào sảng của người dân vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
Tóm lại, qua quá trình tìm hiểu và phân tích, chúng ta cũng thấy rằng những câu chuyện kể về cá sấu ở Nam Bộ cũng thể hiện rất rõ tính đặc trưng của văn hóa vùng miền. Trong cuộc sống hòa thuận của nhiều dân tộc cùng định cư trên một mảnh đất. Truyện kể về cá sấu phần nào đã phản ánh được những nét vắn hóa rất đặc trưng của con người nơi vùng đất Nam Bộ. Ngoài tính kế thừa nét văn hóa từ mảnh đất tổ thì những con người nơi đây cũng đã sản sinh ra những nét văn hóa của riêng mình. Đó là bên cạnh hình ảnh sấu hung ác thì vẫn tồn tại những con sấu có nghĩa, sẵn sàng cứu giúp người khi con người lâm nguy. Đây có thể xem là một nét mới trong tư duy của con người về loài thủy quái này. Trên mảnh đất mới đầy huyền bí, đã và đang tồn tại nhiều câu chuyện về sấu mà không một nơi nào khác có thể có.