CHƯƠNG 3: NHỮNG MOTIF CƠ BẢN VÀ Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN NAM BỘ
3.1. Một số motif cơ bản trong truyện kể dân gian về cá sấu ở Nam Bộ
Motype là thuật ngữ vay mượn tiếng Pháp (motif), thuật ngữ này đã được nhiều nhà khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến. Theo định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học, thì motif là mẫu đề, “nhằm chỉ những nhân tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định, bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian”.
Trong 29 truyện kể dân gian về sấu ở khu vực Nam Bộ thu thập được; qua quá trình phân tích đặc điểm như ở chương 2, chúng tôi nhận thấy một số motif tiêu biểu như sau:
3.1.1. Motif Sấu ăn thịt người và vật nuôi
Motif này xuất hiện với tần số khá lớn, 22/29 truyện. Dù truyện kể có liên quan đến địa danh hay lịch sử văn hóa, thì đều cũng phản ánh một thực tế khắc nghiệt của buổi đầu mở đất mà ở chương 2 tôi đã nhắc tới nhiều lần. Đó là nạn sấu hoành hành cản trở bước đường lập nghiệp của ông cha ta. Bởi thế, trong hệ thống những truyện dân gian về vùng đất mới này không thể thiếu những truyện về nạn sấu dữ gây hại cho con người.
Vì cuộc mưu sinh nên ông cha ta mới tìm đất còn nhiều hoang vu này để sinh cơ lập nghiệp. Trong cuộc mưu sinh này ông cha ta phải phá rừng làm rẫy, làm ruộng. Mà như vậy nghĩa là đã lấn chiếm đến nơi sinh sống của loài sấu dữ. Và lẽ dĩ nhiên là một khi môi trường sinh sống bị đe dọa thì chúng phải cản phá để bảo tồn địa bàn sinh sống. Hơn nữa trong mắt chúng, con người lại là một miếng mồi ngon không thể bỏ qua được. Vậy là cuộc đọ sức giữa người và thú dữ diễn ra một cách khốc liệt, dai dẳng.
Cuộc chiến diễn ra dữ dội giữa cá sấu hung tợn với những nhân vật có sức mạnh phi thường, tài nghệ biến hóa như Bồ Piêl; Chau Thanh; thông minh, dũng
cảm, am hiểu về loài sấu như nhân vật anh chàng đi câu trong Chuyện kể về cá sấu trấn Vĩnh Thanh; hay những người dân bình thường như vợ chồng người nông dân trong Bưng Sấu Hì; người đàn bà tay yếu chân mềm nhưng can trường trong Sự tích rạch Bỏ lược, v v... Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về công cuộc khai hoang đầy vất vả, gian lao của cha ông đi trước.
Truyện có xảy ra với nhiều sự việc, tình tiết hoàn toàn khác nhau, nhân vật, cách thức thực hiện cũng khác nhau, nhưng đều mang cái chung nhất vẫn là cuộc chiến đấu quyết liệt giữa người và sấu. Dù kết thúc cuộc chiến với loài sấu dữ con người có chiến thắng hay thất bại, điều thể hiện ý chí sắc bén, tinh thần hỏa cảm và nghị lực phi thường. Nó góp thêm vào bức tranh hào hùng thời kì mở cõi của người xưa qua nhiều thăng trầm của lịch sử một nét nhìn toàn diện và cao đẹp.
Nhìn chung, motif sấu ăn thịt là một trong những motif chính trong các truyện kể dân gian về sấu ở Nam Bộ. Motif này vừa thể hiện bản chất tiêu biểu của hình tượng sấu là quái vật ăn thịt, đồng thời làm tiền đề cho motif diệt sấu về sau.
3.1.2. Motif tiêu diệt cá sấu
Motif này xuất hiện 22 lần trong 29 truyện. Như một hệ quả tất yếu của việc sấu ăn thịt người, vật nuôi, quấy phá cuộc sống con người, người dân đã đứng lên tìm cách diệt sấu. Như chúng tôi đã trình bày ở chương 2, cách thức tiêu diệt ác thú cũng rất đa dạng. Người dân dùng câu, dùng mác, dùng cả gậy thậm chí là những công cụ lao động thô sơ để đánh sấu. Bên cạnh những người tài giỏi như những dũng sĩ thì đa số người tiêu diệt sấu là những người nông dân bình thường, thậm chí cả phụ nữ, vì căm phẫn trước hành vi ăn thịt người của sấu mà dũng cảm đứng lên đánh đuổi. Đôi khi sức mạnh tập thể cũng được phát huy trong các cuộc đánh đuổi, tiêu diệt thế lực thù địch đến từ sông nước. Rõ ràng, ngay từ buổi đầu khai hoang lập ấp, những người dân Nam Bộ đã biết đồng sức đồng lòng, sử dụng trí thông minh, lòng dũng cảm của mình để vượt qua những trở lực đến từ tự nhiên. Đặc điểm này là cơ sở quan trọng để hình thành nên tính cách Nam Bộ sau này.
3.1.3. Motif sấu cứu giúp người
Motif này xuất hiện 4 trong tổng số 29 truyện mà chúng tôi khảo sát, bao gồm:
Chuyện cá sấu cứu chúa tôi Nguyễn Ánh được phong chức Lang Lai đại tướng quân;
Bồ-piêl diệt cá sấu khổng lồ; Sự tích thần Ô Ngạc ngư; Trâu khôn sấu linh.
Nếu như trong tâm thức dân gian của người dân Nam Bộ, hổ dữ tuy hại người nhưng cũng có tính linh, biết ân đền oán trả thì sấu lại là loài quỷ quyệt, chỉ biết hại người. Motif này cho thấy, trong tâm thức dân gian, cá sấu đôi khi vẫn hiện lên với tư cách là một nhân vật tốt, có tình nghĩa, biết phải trái phân minh. Xét cho cùng, đây là một sự sáng tạo trong tư duy truyện cổ, đồng thời phản ánh tư tưởng lưỡng nguyên trong cách nhìn nhận sự vật hiện tượng.
Người Khơ Me có tục thờ cúng cá sấu như một vị thần đại diện cho vùng nước, gọi là thần sông thì không có gì ngạc nhiên khi nhân vật Bồ Piêl biến thành con cá sấu để chiến đấu với con cá sấu hung tợn, gây hại cho loài người. “Bồ-piêl thấy con sấu do chính người em mình nuôi ngày trước đã trở nên hung hãn nên tìm cách tiêu diệt cá sấu. Một hôm Bồ-piêl giả làm chú tiểu, xuôi theo sông Hậu, ra đến biển gặp cá sấu chàng bèn hóa thành một con cá sấu lớn, nổi vây năm sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng xé nước nhắm thẳng con sấu hung dữ mà lao tới. Hai bên chiến đấu bảy ngày bảy đêm, và diễn ra trên một đoạn sông lớn từ “biêm Ra – rạch” đến tận của biển.
Sóng dâng cao từng đợt như những mái nhà, nước sông và biển đục ngầu như vừa trải qua một trận cuồng phong”. Ở đây, tại sao Bồ-Piêl không biến thành một loài động vật nào khác như: cá voi, cá mập, cá heo, ... mà lại là cá sấu? Có lẽ, chính vì lối tư duy vốn có của người dân nơi đây: phải có sự cân tài cân sức mới mang tính thuyết phục cao cho chiến thắng Bồ Piêl; bên cạnh đó, cá sấu cũng là đối tượng trợ giúp cho con người, cứu giúp con người. Đấy như một cách lí giải về cốt truyện của truyện Bồ Piêl diệt sấu khổng lồ.
Hay như trong truyện Chuyện cá sấu cứu chúa tôi Nguyễn Ánh được phong chức Lang Lai đại tướng quân kể lại rằng khi chúa Nguyễn Ánh đang trên đường tẩu quốc, trước sự truy đuổi sát sao của quân Tây Sơn, đoàn chiến thuyền của chúa Nguyễn Ánh dung ruỗi trên sông Ông Đốc. Bỗng lúc ấy có một đàn cá sấu đặt nghẹt
nổi lên chặn đường. Chúa Nguyễn thấy điềm lạ bèn khấn vái rằng: “Tôi là Nguyễn Ánh, đông cung thừa nghiệp của tiên vương, bị quân Tây Sơn đuổi đánh phải bôn đáo, đang ở vào lúc thế cùng vận bĩ. Nay tôi định lánh xa cường tặc, chiêu binh mãi để khôi phục cơ đồ, đàn cá sấu kia sao dám chặn đường ta? Phải chăng lòng trời còn nương tựa nhà Nguyễn, xui khiến đàn sấu chỉ điểm cho tôi biết nguy hiểm đang đón chờ, ỏ đầu sông kia là tử lộ? Nếu phải vậy thì đàn sấu kia hãy dang ra đi rồi tái hiện ba lần. Bằng không hãy để tôi tiếp tục hành trình, vì thời gian rất quí báu”. Nguyễn chúa khấn vái xong đàn sấu bỗng lặn đi mất. Nhưng một lát sau lại nổi lên cản đường nữa, và làm như vậy đúng ba lần. Nguyễn Ánh tin điềm, liền ra lệnh cho chiến thuyền quay trở lại, đồng thời phái thám tử đi dò xét thử. Vài hôm sau thám tử trở về, báo cho biết rằng quả có lực lượng Tây Sơn rất hùng hậu phục kích ở cuối sông Ông Đốc.
Bằng cách hiện thân ba lần, cá sấu đã giúp chúa Nguyễn Ánh thoát khỏi hiểm nguy trên bước đường loạn lạc của mình.Và để ghi ơn bầy sấu có nghĩa trên, Nguyễn Ánh đã phong chức tước cho sấu là “thần Ngạc Ngư Long”. Đây là một cách trả ơn cho loài vật có nghĩa đã ra tay giúp đỡ khi con người gặp hoạn nạn.
Hay như trong câu chuyện Sư tích thần Ô Ngư Ngạc kể lại rằng: Thời mới lập làng, sông Cái Lớn, từ cửa sông vào độ 30km tới ngã ba đầu tiên, đó là Ngã Ba Tàu thuộc địa phận xã Vĩnh Phước A, có một con sấu cụt đuôi thường nổi lên, nhưng rất hiền lành, người ta gọi là Ô Ngạc Ngư. Một hôm có con sấu hung dữ Xích Ngạc Ngư rề vào lãnh địa của Ô Ngư Ngạc đến vàm rạch Cái Bần. Thế là một trận quyết chiến xảy ra. Mặc dù thân thể đã cụt đuôi, nhưng sấu mun cũng cương quyết vì bảo vệ dòng họ, nổi lên chạm trán một còn một mất với sấu đỏ. Mọi người còn truyền nhau: Ban đầu nhìn thấy như hai chiếc ghe cà dom có gắn máy cao tốc, một đen từ trong Ngã Ba Tàu, một đỏ từ Cái Nước xé nước lao ào ào và đâm vào nhau. Sau một cú chạm mạnh đến rung rinh mặt đất mấy cây số. Hai con sấu nhảy dựng cao lên tới ngọn bần, rồi rơi xuống, nước tạt dựng phủ cả mé lá hai bên bờ sông. Trận đánh nhau của Ô Ngư Ngạc bảo vệ lãnh địa với Xích Ngư Ngạc kéo dài đến 3 ngày đêm. Khúc sông từ Ngã Ba Tàu đến Vàm Thầy Quơn sóng nước cứ nổi dậy ầm ầm, không một xuồng ghe nào dám qua lại. Cuối cùng, sau một trận mưa to, con sông Cái Lớn lại êm. Mấy ngày sau, người ta thấy xác con cá sấu đỏ sình lên, trôi tấp vào rượng đáy chỗ vàm rạch
Cái Nước. Còn sấu mun thì biến đâu biệt tích. Bà con vùng Ngã Ba Tàu cảm thương con sấu “thần” biết quên mình chiến đấu dũng cảm, mặc dù tàn tật nhưng vẫn gan dạ chiến đấu chống ngoại xâm, chia nhau tìm xác sấu mun. Thế nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu, họ đinh ninh là sấu đã chết, nên lập miếu thờ sấu tại mõm doi vàm xép.
Qua những truyện trên ta thấy rằng cá sấu không chỉ xuất hiện là loài thủy quái chuyên ăn thịt người mà còn là một con vật nghĩa tình đã ra tay giúp đỡ những người khốn khó trên bước đường lâm nguy. Tuy mẫu chuyện này không nhiều nhưng nó góp cho ta một nét nhìn mới về loài thủy quái hung tợn này. Phải chăng xuất phát từ tinh thần vị tha, từ bi bác ái của đạo phật đã thâm nhập vào trong tư tưởng của người dân, để từ đó con người ta có cái nhìn vị tha hơn về cuộc sống xung quanh?
Nội dung mô hình cốt truyện trên cũng nhằm góp phần thể hiện nỗi mong muốn hòa nhập với thiên nhiên, sống hòa bình với thú dữ. Tư duy của người Nam Bộ cũng là lối suy nghĩ vốn có của người Việt Nam từ ngàn xưa: sống hòa nhập, chang hòa với thiên nhiên, không có sự mâu thuẫn nào giữa con người và môi trường sống tự nhiên.