CHƯƠNG 1. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, CÁI NHÌN TOÀN CẢNH
1.2. Quá trình vận động phát triển
1.2.2. Xu hướng sáng tác giai đoạn 1945 – 1954
Trong suốt ba mươi năm, đời sống xã hội về mọi mặt ở Bình Thuận cũng nằm trong bối cảnh chung của dân tộc, một thời kỳ lịch sử không bình thường – thời kỳ lịch sử chiến tranh. Chiến tranh làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống, mất mát, chia ly, đau thương, mâu thuẫn, dã man tàn bạo, chết chóc, đổ nát, hận thù; yêu thương, gắn kết, đùm bọc,
giúp đỡ nương tựa vào nhau… Tất cả các nhà văn đều sống và hít thở cái không khí chiến tranh ấy để suy ngẫm, để cảm xúc, để tìm ra cái chân giá trị về lẽ sống, để nhìn thấy cái thiện và cái ác, văn minh và man rợ, để bộc lộ tiếng lòng qua sáng tác. Tìm hiểu văn học Bình Thuận giai đoạn này, qua tác phẩm của họ, chúng tôi bắt gặp điều đó. Suốt ba mươi năm chiến tranh với những xung đột giữa sự sống và cái chết, từ trong khó khăn gian khổ song hành với những khát vọng tự do, hạnh phúc, mà ý thức về dân tộc được đặt lên hàng đầu… đã trở thành hiện thực sinh động, là chất liệu giúp các nhà văn nhà thơ làm nên những tác phẩm rất có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Một đặc điểm về sự phát triển văn học giai đoạn này mà chúng tôi rất chú trọng, đó là căn cứ vào thực tế sinh hoạt của những tác giả ở hai địa hạt khác nhau: vùng kháng chiến và trong lòng đô thị, cũng như những tác phẩm của họ thấy có những xu hướng khác nhau. Chính điều đó đã tạo nên diện mạo văn học Bình Thuận giai đoạn này.
Từ đầu năm 1946, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các địa phương khác trên cả nước, nhân dân Bình Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng ác liệt.
Qua sưu tầm, chúng tôi nhận thấy lực lượng sáng tác văn học ở Bình Thuận thời kỳ đầu, sau năm 1948 còn rất mỏng, đa số mang “tính chất quần chúng và tự phát”. Năm 1949, Đại hội văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ tổ chức tại Bình Định, bầu ra Ban đại diện văn hóa Khu 5, trong đó có các chi hội văn nghệ liên khu. Lúc này ở chiến trường Bình Thuận, có một số các nhà văn, nhà thơ nơi khác đến Bình Thuận như Tế Hanh, Tịnh Hà, Giang Nam… bàn việc xây dựng phong trào sáng tác văn nghệ phục vụ kháng chiến. Sinh hoạt văn nghệ kháng chiến đầu tiên của Bình Thuận có thể ghi nhận sự kiện là nghe nhà thơ Minh Quốc thông tin về hoạt động trại văn nghệ Liên khu 5 ở Bồng Sơn.
Năm 1950, Chi hội văn nghệ Bình Thuận ra đời, hoạt động theo cương lĩnh: “Sau 5 năm kháng địch, đồng bào trong tỉnh đã hăm hở thưởng thức và bắt đầu sáng tác văn nghệ, giết giặc. Phong trào văn nghệ quần chúng đương lên. Văn nghệ sĩ phải kịp thời đứng ra hướng dẫn nhân dân và cùng nhân dân chiến đấu trên trận tuyến văn hóa... các văn nghệ sĩ cần tập hợp lại” [15, tr. 666]. Trên tinh thần “kháng chiến hóa văn hóa” và
“văn hóa hóa kháng chiến”, phong trào sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ kháng
chiến, phục vụ cách mạng ở Bình Thuận tuy chưa thật mạnh mẽ, nhưng bước đầu đã tác động đến nhận thức trong nhân dân.
Tế Hanh (1921 – 2009) sinh ra ở Quảng Ngãi, từ năm 1948, ông tham gia sinh hoạt tại Chi hội văn nghệ Liên khu 5, là người có công đầu trong việc xây dựng Chi hội văn hóa kháng chiến tại Bình Thuận. Viết về mảnh đất cực Nam Trung Bộ (trong đó có Bình Thuận) trong những ngày khói lửa, ông có những tập thơ xúc động về quê hương đất nước, về con người kháng chiến như: Hoa mùa thi (1948), Nhân dân một lòng (1953), Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963). Nhiều bài thơ bộc lộ cách nhìn, cách nghĩ với cảm xúc chân tình về vùng đất cực Nam của tổ quốc, như Người đàn bà Ninh Thuận, Đội vũ trang tuyên truyền Lâm Đồng, Bà má Bình Thuận, Tình Bắc Nam, Nối liền Bắc Nam…
“Tang cha còn trắng trên đầu Đến chồng bị giết, mẹ rầu chết theo Đứa con dại leo đeo bên nách Chú em vào du kích bấy nay Ruộng hoang bỏ chẳng ai cày
Xâu cao thuế nặng đọa đầy tấm thân…”
(Người đàn bà Ninh Thuận, Tế Hanh)
Nhà văn Tịnh Hà (em ruột nhà thơ Xuân Diệu), đã từng tham gia chiến đấu và sáng tác phục vụ kháng chiến ở Bình Thuận, để lại những tác phẩm Đường về cực Nam in chung với nhà thơ Tế Hanh, truyện dài Giành lúa (đăng ở tạp chí Chi hội văn nghệ Liên khu 5). Hoạt động của Tịnh Hà với văn nghệ sĩ nơi đây được Tế Hanh chia sẻ:
“Đầu năm 1951, tôi cùng với Tịnh Hà đi thực tế ở Cực Nam. Mục đích của chuyến đi này là tìm hiểu thực tế sáng tác và tổ chức lực lượng văn nghệ ở các tỉnh Khu 6... kỉ niệm sâu sắc trong chuyến đi Cực Nam của tôi là khi chúng tôi đến thăm Trung Đoàn 82 Cực Nam. (…) nhà văn đối với người lính vô cùng thân thiết, gần gũi. (…) Đêm ấy, tôi đọc truyện ngắn Gặt lúa của Tịnh Hà còn Tịnh Hà đọc bài thơ Người đàn bà Ninh Thuận của tôi, cả hai tiết mục được anh em vỗ tay tán thưởng nhiệt tình đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời sáng tác của tôi” [20, tr. 140].
Lâm Bình Phước, quê ở Bình Định, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đến Bình Thuận tham gia chiến đấu. Sáng tác không nhiều, nhưng thơ ông có những câu rất xúc động về tình yêu thương và lòng căm hận tội ác khi viết về sự kiện giặc Pháp giết hại, tàn sát nhân dân La Gàn (Tuy Phong) năm 1947, làm cho xóm làng trở nên tiêu điều, vắng lạnh và luôn nung nấu một nỗi lòng, một tinh thần đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước:
“Khách xa dừng lại bên đường vắng Nỗi đau không nói hết lòng thương Nhắn ai mài kiếm trong đêm lạnh Nhớ giữ giùm nhau một lưỡi gươm”
(Chiến sĩ, Lâm Bình Phước)
Phan Hạo, quê ở Quảng Nam, là một người lính tình nguyện vào chiến trường cực Nam để chiến đấu, khi chia tay Bình Thuận (1948), ông có những dòng thơ gửi gắm nỗi lòng lưu luyến mến yêu với một vùng quê:
“Hôm nay gió lại làm tôi nhớ
Bình Thuận miền Nam cách núi sông Từ lúc tôi đi, non có lở,
Đá mòn, rừng có nhớ thương không?”
(Nhớ Bình Thuận, Phan Hạo)
Hiện thực cuộc sống của nhân dân với tinh thần chiến đấu, hy sinh của quân dân Bình Thuận thời kỳ đầu chống Pháp là đối tượng phản ánh và cảm xúc chủ yếu đối với người sáng tác. Bên cạnh những nhà thơ, nhà văn đã trải nghiệm, có những người lần đầu mới cầm bút sáng tác, như Trương Quang Mỹ viết Chiến thắng Lầu Ông Hoàng, Phạm Quang Pháp viết Chiến thắng Ngã hai, Trương Công Nghĩa viết về anh bộ đội xung kích gửi cô dân quân gương mẫu vùng Tam Giác sau chiến thắng Ngã Hai, Hồ Phú Diên (tức Đồng Sĩ Kỳ) với bút kí Trận phục kích Đá Ông Địa…
Đoàn Tá giai đoạn này tiếp tục sáng tác một số bài thơ thể hiện tấm lòng thương dân, lo lắng về chủ quyền dân tộc như: Đưa con ra trận (1945), Trông cụ Hồ đi Pháp
mau về (1946), Cảm hoài chiến sĩ (1946), Nghĩa đồng bào (1951), Vịnh đò ngang sông Long Hương (1952).
Sau năm 1946, các khu trung tâm thị xã, thị tứ, khu tập trung đông dân cư ở Bình Thuận như Phan Thiết, La Gi bị thực dân Pháp tái chiếm, hoạt động sáng tác văn học tại chỗ hầu như chưa có. Nhưng một số tác giả quê hương Bình Thuận lại sinh hoạt sáng tác khá sôi nổi ở Sài Gòn, tác phẩm của họ đăng tải trên các báo, tạp chí, khẳng định tên tuổi trên diễn đàn văn học, được công chúng đón nhận như Vũ Anh Khanh, Nguyễn Ngu Í.
Vũ Anh Khanh (1926 – 1957), quê ở quận Hải Long - Mũi Né, nay là phường Mũi Né thành phố Phan Thiết – Bình Thuận. Cha ông là người miền Trung đến Bình Thuận lập nghiệp, có thời gian làm trợ giáo tại Trường tiểu học Khánh Thiện, người dân ở đây thường gọi ông là trợ Đãi. Các tài liệu tìm được hiện có chưa thấy ghi lại việc học hành và làm việc của Vũ Anh Khanh, chỉ xác định thời gian ông vào Sài Gòn sáng tác văn chương – viết văn và làm thơ, trong đó văn xuôi chiếm số lượng lớn. Năm 21 tuổi (1947), ông đã viết tiểu thuyết Cây ná trắc đăng trên Tiếng chuông. Tác phẩm của ông được phát hành rộng rãi và có ảnh hưởng sâu rộng đối với độc giả. Về tiểu thuyết có Nửa bồ xương khô (1949), Bạc xỉu lìn (1949), tập truyện có Sông máu (1949), Đầm Ô Rô (1949), Bên kia sông (1949), Ngũ Tử Tư (1949). Về thơ có tập Chiến sĩ hành, và bài Tha La. Sự nghiệp sáng tác của Vũ Anh Khanh có vị trí lớn trên văn đàn cả nước chứ không riêng ở Bình Thuận. Trong Văn chương tranh đấu miền Nam, Nguyễn Văn Sâm nhận định tác phẩm Vũ Anh Khanh có ảnh hưởng nhiều đến công chúng, đặc biệt là người dân thành phố, đọc tác phẩm của Vũ Anh Khanh “ta thấy tinh thần yêu nước một cách nồng nhiệt, lên đường làm nhiệm vụ công dân là một lẽ dĩ nhiên” [30, tr. 4]. Trong công trình Văn học thời kì 1945 – 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh (Vũ Hạnh và Nguyễn Ngọc Phan) nhận xét: “Vũ Anh Khanh là nhà văn hăng hái và nhiệt tình với cách mạng và kháng chiến” [25, tr. 64]. Từ điển Văn học đã ghi nhận những đóng góp và vị trí sự nghiệp văn học của ông một cách trân trọng: “Vũ Anh Khanh là một trong những nhà văn miền Nam xuất sắc. Đối mặt với kẻ thù giữa lòng Sài Gòn. Tác phẩm của ông nói về những mất mát, đau thương, do quân ngoại xâm gây ra, có sức xúc động lớn đối với người đọc, đồng thời cũng dẫn người đọc đến một con đường tất yếu: vùng lên tự giải phóng. Tinh thần dân tộc hầu như quyện chặt vào từng nhân vật trong tác phẩm. Bên
cạnh đấy, ông còn là một nhà thơ. Chiến sĩ hành, ca ngợi những người yêu nước, đặc biệt âm hưởng hơi hiu hắt buồn; Tha La miêu tả một xóm vắng, miền rừng, già, trẻ, gái, trai hàng hàng lớp lớp còn bận lên đường trả nợ núi sông” [46, tr. 2017- 2018].
Nguyễn Ngu Í (1921 – 1979), quê làng Tam Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Thân sinh ông là nhà nho yêu nước, mang tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục đến Bình Thuận “mở trường dạy học, đem cái hay cái mới thức tỉnh đám người làng, gieo hạt giống dân tộc dân chủ, tiêm tinh thần ái quốc, óc xã hội cho đám học trò lớn ở tổng Phong Điền” [19, tr. 16]. Nguyễn Ngu Í cũng là một tác giả khá đặc biệt cả về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Năm 7 tuổi, Nguyễn Ngu Í vào Sài Gòn học tiểu học, sau đó học trung học tại trường Petrus Ký (1934 – 1938). Năm 1942, Nguyễn Ngu Í cộng tác với Nam kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, sau đó viết cho Thanh Niên tuần báo, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ Nam kỳ. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Tổng thư ký đầu tiên của Ủy ban nhân dân Cách mạng xã Tam Tân, La Gi. Cuối năm 1946, ông tham gia Ủy ban kháng chiến miền Nam đặt tại Quảng Ngãi. Khi học trường sư phạm, Nguyễn Ngu Í bị bệnh tâm thần nên bỏ học, chuyển sang viết văn, viết báo. Là một thanh niên mang tinh thần dân tộc, tư tưởng cấp tiến, nhưng trước tình cảnh nước mất nhà tan và bổn phận công dân của mình, chưa xác định được hướng đi, ông tỏ ra lúng túng: “Đời tôi rồi sẽ ra sao? Đò đưa không khách, ai rào đường đi”. Nguyễn Ngu Í là tác giả cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá đấy đủ về sự nghiệp sáng tác của ông.