Triết lý nhân sinh

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 75 - 81)

CHƯƠNG 2. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, GIÁ TRỊ NỘI

2.3. Triết lý nhân sinh

Nghiên cứu văn học Bình Thuận giai đoạn này, chúng tôi thấy những biến động của lịch sử cũng là những biến động xâu xa trong tâm hồn của người cầm bút. Tác phẩm của họ để lại dấu ấn khá rõ trải nghiệm nhân sinh – triết lý về cuộc đời, cả những tâm trạng hoài nghi về thế cuộc.

Trong tác phẩm của Hoài Khanh, chúng ta có thể tìm thấy vẻ đẹp đa chiều, đa tầng bằng cái nhìn đầy suy nghiệm trong chiến tranh. Không gian tác giả hướng đến có thể là một vùng quê Phan Thiết, một nơi nào đó ở Bình Thuận, nói rộng ra là đất nước

Việt Nam, hay một “miền Châu Á vô định” (Hoài Khanh). Quê hương đó hiện lên những gam màu trầm buồn bởi những mất mát, đau thương, không tìm thấy được nẻo về bình yên. Quê hương trong thơ Hoài Khanh là quê hương của sự suy tư, chiêm nghiệm, đau thương. Nó là sinh thể sống mang tính biểu tượng, không chỉ cho một vùng đất, mà còn cho một quốc gia triền miên trong ngập tràn khói lửa chiến tranh.

Người đọc dễ dàng bắt gặp trong thơ Hoài Khanh hình ảnh dòng sông, con thuyền, núi, non thoạt mới nhìn là được miêu tả như một đối tượng hiển hiện cụ thể, rõ ràng, nhưng đọc lại ta thấy chúng là con đường để chuyển vào một thế giới nội tâm.

Những ngôn từ trĩu nặng suy tư như: dòng sông đầy tâm trạng, đồi núi trĩu nặng suy tư, con đê trở mình, một nhịp cầu – mấy nhịp sầu, thời gian đi cùng sương, khói, tháng, năm… được dùng rất nhiều trong thơ ông. Trong chùm bài thơ của ông viết về Bình Thuận, người đọc dễ dàng đón nhận những cách điệu nhân hóa Biển - niềm nhớ, Trường Sơn - lưu luyến, Núi Cú - lạnh hồn, Ba Hòn - trơ vơ. Từ đó nhà thơ gieo vào đấy tiếng lòng của mình:

“Một dòng xanh mấy niềm sâu Ngẩn ngơ gió lạnh từ đâu thổi về Trở mình sương rụng trên đê

Người đi rồi chẳng thấy về chao ôi.”

(Bình Thuận,Hoài Khanh)

Có khi với tâm trạng lạc lõng, trống vắng như đang trong những ngày xa xứ:

“Quê hương từ dạo phân ly

Từng đêm... tiếng hát kinh kì xót xa”

(Tiếng quê hương, Hoài Khanh)

Điệp khúc quê hương luôn xuất hiện trong thơ Hoài Khanh, đó là những điệp khúc buồn đau: “Mắt người mang cả quê hương/ Ngàn năm rồi chỉ một quê hương/ Màu quê hương hiền dịu đẹp đơn sơ/ Vai mình mang một quê hương/ Dạo nào quê hương loãng nắng/ Ngậm ngùi một nửa quê hương” (Thân phận); hay “Ôi bến nào về lại bến quê hương/ Chia tay cuối bến quê hương cõi nào/ Dãi đất nghèo nàn này quê hương tôi

(Gió bấc trẻ nhỏ hoa hồng và dế), “Quê hương một đốm lửa hồng/ Quê hương từ dạo phân ly” (Lục bát).

Nỗi buồn thân phận trong thơ Hoài Khanh là cái buồn thương mênh mang, vô định của một kiếp người do “hoàn cảnh chiến tranh kéo dài trên đất nước như một hiện thực nghiệt ngã, tạo ra một tâm thế bi quan, chán chường, bất lực bao trùm thân phận, lỡ làng cả sự nghiệp.” [51, tr. 15].

“Con sông nào đã xa nguồn Thì con sông đó sẽ buồn với tôi”

(Dòng sông của tôi, Hoài Khanh)

Quê hương trong thơ Hoài Khanh là những suy nghiệm như vừa hòa nhập, như vừa phân thân về hiện hữu và vô thường của con người lo âu, buồn khổ:

“Vai mình mang một quê hương Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh”

(Đổi thay, Hoài Khanh)

Có khi nghi ngờ trong kết nối giao duyên giữa chủ thể và tha nhân, chỉ còn lại trong đời là kiếp sầu không bao giờ kết thúc, gần như trong cảm quan về cuộc đời trở nên mơ hồ, như đang lạc vào một thế giới khác, không định rõ:

“Qua sông là một nhịp cầu Qua tôi là một kiếp sầu vô chung.

Nước non giờ chẳng mịt mùng,

Mà nghe ấm lạnh như chùng dáng mơ”

(Tự tình, Hoài Khanh)

Có người cho rằng nhà thơ mang thiên cổ sầu ngay từ thuở được sinh ra, lúc có mặt trên cõi đời này đã cố “giành lấy” nỗi sầu muộn của nhân thế. Nỗi sầu của cá nhân nhà thơ, rộng ra là nỗi sầu thời cuộc, trước những chiêm nghiệm cuộc đời, thế giới này, từ góc độ triết học. Trong bài Đi vào cõi thơ, viết năm 1962, Bùi Giáng đã nhận định về thơ Hoài Khanh: “Từ Dâng rừng tới Thân phận, Hoài Khanh đi một bước riêng biệt choáng váng trong dòng lục bát của ông. Ông không bị ảnh hưởng nào gò bó. Ông chỉ

chịu ảnh hưởng của trời, của gió, của sương, của dòng sông, bến quạnh quê hương…

những bài “xuất thần” bi ca của ông thì quả thật vô song bát ngát” [56].

Vô thường trong cõi thơ Hoài Khanh là sự lạc loài của kiếp nhân sinh, vì con người trót sinh ra trong thời đại “văn minh cơ khí giết dần thương yêu” (Hoài Khanh).

Từ đó, trong lòng thi nhân phát khởi nỗi buồn tử sinh và người đọc thì cảm nhận cái chơi vơi trong cuộc tương tàn. Để rồi, “Chỉ còn một niềm phiêu dật hồn nhiên tự phóng nhiệm hòa vào cây cỏ, nước mây, là môi trường riêng tây của thi sĩ” [56].

“Ta hiểu vô thường nhưng lòng thắc mắc Ta biết dại khờ nhưng chắc gì đâu

Tháng rồi năm... dòng nước vẫn qua cầu Và như thế... có gì đâu vĩnh viễn”

(Thân phận, Hoài Khanh)

Về sau Thơ Hoài Khanh dần chuyển từ lục bát “nâu”, sang lục bát “thiền”. Những suy nghiệm, buồn thương về kiếp con người như chất phù sa, sâu đậm trong thơ ông.

Người đọc như lạc vào một cõi hoang liêu, mờ sương, trong bóng chiều tịch mịch buồn nhớ, cũng như không chủ đích để tìm lại một nỗi nhớ cụ thể nào, chỉ thấy cứ mênh mang, tràn đầy trong vũ trụ:

“Cái gì hễ mất là còn

Hễ không là có hễ tròn là lăn Ngày xưa có một dấu chân

Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh Ngược xuôi bao kẻ đi về

Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong Đã nghe đất dậy môi trường

Cõi miên viễn bỗng vô thường âm thanh”

(Phương trời lưu viễn, Hoài Khanh)

Hình ảnh cánh đồng Việt Nam hay một vùng trời buồn thương Á Đông rất thường thấy trong tác phẩm Hoài Khanh: “Đó là một trong muôn vàn cái ao đồng Việt Nam hay rộng hơn của châu Á đau khổ đang phản chiếu lại tận cùng những gì là khốn khổ, thê lương của mỗi linh hồn đau khổ bơ vơ” [89, tr. 11], “Ấy là những ngày Việt Nam hắt hiu tự bao đời với vô vàn sự sống và sự chết. Ấy là những đêm Việt Nam với vô vàn mộng mị và khổ đau” [89, tr.13].

Khảo sát văn học giai đoạn này, chúng tôi quan tâm đến yếu tố hiện sinh xuất hiện trong các tác phẩm của Hoài Khanh, Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ... Theo Huỳnh Như Phương trong bài viết Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954 - 1975 (trên bình diện lý thuyết) thì chủ nghĩa hiện sinh đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội ở miền Nam trước 1975 trên 3 bình diện: “bình diện lý thuyết triết học và văn học; bình diện sáng tác văn học và bình diện thái độ sống” [64]. Đối với sáng tác và thái độ sống, ta thấy yếu tố hiện sinh ảnh hưởng ở hai khía cạnh. Trên bình diện sáng tác, nó đã “đem lại cho văn học miền Nam những thay đổi đáng kể, với quan niệm nghệ thuật về con người cô đơn trong một thế giới phi lý, với ngôn ngữ và kỹ thuật mô tả hiện tượng luận”

[64]. Trên bình diện thái độ sống, nó dẫn đến lối sống “nổi loạn”, “hưởng thụ” nhưng cũng thấy rõ là nó vừa gợi lên những suy tư, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước tình cảnh đất nước và chọn lựa thái độ ứng xử cũng như hành động nhập cuộc. Có thể thấy tinh thần hiện sinh trong các tác phẩm Thân phận, Lục Bát, Gió bất trẻ nhỏ hoa hồng và dế của Hoài Khanh. Ta có thể thấy những cảm nhận sâu sắc về thân phận của cá nhân trước bối cảnh xã hội. Sự trăn trở về giá trị con người trước cuộc đời qua những chiều kích rộng lớn về thời gian, không gian, về sự tồn tại, tan biến, đồng thời cũng là biểu hiện trạng thái tìm tới câu hỏi cho cái tôi cá nhân, như dự phóng cho bản thể. Cái tôi trong thơ Hoài Khanh là cái tôi cô đơn, lạc lõng, buồn đau, có khi bi quan trước đời sống thực tại. Cuộc đời như một “phi lý toàn triệt”:

“Ta cúi đầu trong chiều buồn nhỏ lệ Bước vội vàng sợ động mấy vì sao

Ngắm bâng quơ thành phố sáng muôn màu Ta có phải là ta từ thưở cũ

(Đêm trắng canh tàn, Hoài Khanh)

Nguyễn Mạnh Trinh khẳng định: “Thơ của ông cũng nói về chiến tranh trong một thời kỳ mà cường độ chém giết đã ở mức cao nhất. Hoài Khanh làm thơ về tình yêu. Về suy niệm thân phận con người. Về những ý thức siêu hình. Về một con người cô đơn bi quan. Về một khung trời thi ca mênh mang của một kiếp người chịu thua mạng số. Và thơ của ông hình như lúc nào cũng ngấm ngầm những phá phách của một người tuy không muốn mà phải chiều theo sắp xếp của Thượng đế trên cao. Và với chiến tranh, ông bôi đen tâm tư với nỗi buồn rầu bất lực” [66].

Với thơ Nguyễn Bắc Sơn chúng tôi thấy yếu tố hiện sinh hiện ra qua cách ông nhận thức và trăn trở về thời cuộc: Cuộc chiến này được hiểu như thế nào? Chúng ta cần làm gì?... là những câu hỏi thường trực trong Chiến tranh Việt Nam và tôi:

“Nhiều người chào đời, nhiều người đã chết Nhưng không ai hiểu vì sao mình được sinh ra”

(Bức bích họa về một thành phố ban mai, Nguyễn Bắc Sơn) Trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, tuy có biểu hiện chất ngông, ngang tàng, bất chấp, nhưng cái “tôi” tác giả luôn gắn mình với thời cuộc, yêu quý cuộc sống trong từng khoảnh khắc, từng phút giây. Sự suy ngẫm và tự phản biện là cảm thức rất dễ tìm thấy.

Theo chúng tôi, lối sống tận tụy, từ bi, trách nhiệm với cuộc đời là điều đáng quý ở Nguyễn Bắc Sơn. Ông tự nhận thức ở chính mình là người “hiền khô”, nhưng vì “đời bắt một kẻ làm thơ đi làm lính”, nên chỉ làm anh “lính cậu” – mang danh là lính nhưng không nặng tinh thần chiến đấu. Dẫu thế, ông không thể quên những gì đang diễn ra trong cuộc sống, trong kiếp con người. Ông chỉ ra chính những kẻ huênh hoang nhân danh thời đại – nhà cách mạng, lại là những kẻ “thường phóng uế trước nhà”, mất một con gà lại nghi ngờ láng giềng rồi “chửi thề như máy” và “không mảy may yêu người hàng xóm”. Ngược lại, những con vật bé nhỏ tưởng chừng như khuất lấp lại tạo nên sự đồng cảm. Đó là một chú “cá tràu già” những đêm trăng “không sao ngủ được”, một chú dế cũng cất lên tiếng gáy trong đêm tịch mịch, cùng nhau nhận ra những giá trị của sự sống tồn tại trong mỗi bản thân:

“Trong góc nhà tôi Sống một chàng dế nhũi

Y cao hứng cất tiếng ca

Đánh thức những sinh vật vô hình trong đêm tĩnh mịch Y đánh thức luôn tôi”

(Viết tặng những nhà cách mệnh giả hình trong thời đại tôi, Nguyễn Bắc Sơn) Tinh thần hiện sinh trong thơ Huỳnh Hữu Võ là cách đặt vấn đề về hậu quả chiến tranh, chết chóc và đau thương, hình ảnh đã trở thành biểu tượng ám ảnh cho khổ nạn và đau buồn. Đây đó trong thành phố này, trên quê hương này những con đường hằn vết đau thương, những hàng ghế đá, góc phố có xác người chết, có khi là một nấm xương người và cả những ký ức đen… là những trải nghiệm của người trong cuộc, phải làm gì để hết chiến tranh, để thôi không còn chết chóc, không còn cảnh tương tàn. Tất cả những điều đó trở thành nguồn cảm hứng không thôi trong thơ ông:

Những khí giới tối tân

Đã nướng chín tình anh em bằng hữu Hai mươi năm trên vai mẹ Việt Nam”

(Về những người chết muộn, Huỳnh Hữu Võ)

Thảm họa chiến tranh là những vỉa trầm tích đau buồn thấm thía lớn lao của nhân loại, của dân tộc, đã đi vào sáng tác của Hoài Khanh, Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ với bao nỗi niềm trăn trở khôn nguôi.

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)