Cảm hứng về thân phận con người

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 70 - 75)

CHƯƠNG 2. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, GIÁ TRỊ NỘI

2.2. Cảm hứng về thân phận con người

Thân phận con người trong chiến tranh là cảm hứng được nhiều tác giả đề cập trong nhiều tác phẩm chân thực, sinh động. Cách lý giải của từng tác giả tuy có khác nhau, nhưng đều hội tụ về một mối đồng cảm, yêu thương con người và dạt dào tính nhân văn. Thực trạng chiến tranh, dù ở bên chiến tuyến nào đi nữa, thì cùng là những tang thương, điêu tàn, mất mát; đều là xót xa, bất hạnh. Để tồn tại, họ có nhiều sự lựa chọn khác nhau, người đã chọn cho mình lối sống thoát ly hiện tại, quên đi trách nhiệm công dân. Hình ảnh những cô gái, chàng trai sa vào đời sống trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, trộm cướp, đĩ điếm xuất hiện khá phổ biến trong sáng tác Vũ Anh Khanh. Đó là mảng u tối của bộ mặt xã hội mà Lý Văn Sâm gọi là “Bộ mặt của thành phố vô ý thức”. Bởi

“Trong lúc quê hương ly loạn, lòng người ta thán họ đứng ra ngoài lề đời, quên bổn phận làm mẹ làm vợ, chạy theo những ảo ảnh.” [34, tr 1146].

“Hỡi cô con gái đô thành nội Ai điểm trang mà em phấn son”

(Phấn son, Vũ Anh Khanh)

Mặc nhiên họ xem thị thành là nơi để lựa chọn lối sống như vậy: “Nào có phải gì mình Son đâu? Sài Gòn bây giờ cờ bạc thạnh hành, thì lẽ tất nhiên theo luật tuần hoàn

trai sinh ra trộm cắp, gái sinh ra điếm đàng, hàng trăm cái “hộp đêm” lén lút mở cửa”

[34, tr. 1155].

Trong tác phẩm Vũ Anh Khanh, nỗi buồn thân phận còn tìm thấy trong thế giới của cái chết. Thường là những cái chết đau thương, chết hận, chết chưa toại nguyện vì còn nặng nợ với đời. Như cái chết không được cứu rỗi linh hồn của nhân vật Thuận trong Theo khói nhang rằm: “suốt đời lăn mình vào mưa gió lầm than để tìm lẽ sống về cho muôn vạn sinh linh. Chàng vì lý tưởng phải vào khám ra tù, lên đèo xuống thác.”

[95, tr. 16]. Hình ảnh người anh hùng đi vào chiến địa sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng như Kinh Kha thuở trước cũng là hình ảnh dễ tìm gặp trong các truyện ngắn của Vũ Anh Khanh.

Truyện Đường về ô rô của Phạm Khánh Cao nói về số phận bất hạnh, nhục nhã và những cái chết bi thương của những người Việt, người Chăm khu vực Bắc Bình – Tuy Phong trong những năm kháng Pháp. Đau đớn nhất là vụ nhân dân La Gàn bị bọn thực dân Pháp thảm sát: “Hàng trăm đồng bào vô tội bị chúng nhốt vô chùa. Chúng hèn hạ xả súng bắn chết. Máu đồng bào ta ngập tới chân bệ thờ. Máu vọt lên nhuộm đỏ sách, kinh, tượng Phật” [68, tr. 18]. Nhân vật bé Hoa – một trong ba nạn nhân nhỏ tuổi sống sót kể lại: “thằng Tây đã lùa đồng bào ta vào chùa La Gàn đông nghẹt, tụi nó chĩa súng bắn suốt một buổi chiều... Em và hai bạn nhỏ nằm ở dưới, xác người đè lên trên nên không trúng đạn. Tới tối bọn em bới máu, bới xác đồng bào chui ra” [68, tr. 169]. Hay thân phận Hê-len, cô gái mang dòng máu Pháp - Việt, một nạn nhân của chiến tranh. Cô sinh ra trong hoàn cảnh nghiệt ngã: “Một hôm, nhân dịp lễ Nôen, bọn lính lấy rượu uống say, tới tiệm giặt đòi quần áo đập phá cửa hiệu rồi bắt những người làm công hãm hiếp, Hê-len ra đời từ đó” [68, tr. 27]. Sau này tên quan Năm - một tên thực dân khát máu đội lốt thầy tu - đã nhận cô làm con nuôi cho ăn học... nhưng khi biết Hê-len đã nhận ra mẹ mình, biết cô tin tưởng vào Việt Minh, đấu tranh cho cách mạng bảo vệ nước Việt thì Đơ Mi-sen (tên quan Năm) không ngại ngần “rút súng lục bắn vào đầu Hê-len” [68, tr.

45].

Tập truyện ngắn Cho lòng thở than của Hoài Khanh là những tự tình xúc động về nỗi đau thân phận người lao động nghèo. Trong truyện, nhân vật chị Năm đã cố gắng vượt qua bao nhiêu thử thách, khổ đau, để đến với anh Năm - người yêu thương chị.

Anh chị có với nhau cháu Trần Văn Luân. Một lần giặc Pháp đi càn, chị bị buộc phải

chọn quyết định đau đớn vô cùng là phải giết cháu Luân để ngăn tiếng khóc, không để giặc phát hiện nơi ẩn nấp nhằm cứu sống mấy trăm người dân. Không có nỗi đau nào hơn tình cảnh người mẹ đành đoạn ném con xuống ao, tự mình hủy diệt sự sống của một sinh linh do mình đứt ruột đẻ ra: “Được rồi bà con cô bác ơi, tôi sẽ ném nó xuống ao.

Trời ơi, tôi không thể nào bóp họng nó được... trời ơi, tôi sẽ ném nó” [89, tr. 26]. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở nỗi niềm khổ đau tột cùng của một con người, mà còn là nỗi đau lớn của một kiếp người, rộng ra là nỗi bất hạnh của cả một dân tộc.

Huỳnh Hữu Võ nhìn thân phận đau thương con người trong chiến tranh qua những cái chết tan xác dưới góc phố, chân cầu hay ở một con đường thân quen nào đó trong lòng thị xã:

“Mùi vôi tanh hay da thịt loài người Hàng cây nghiêng nghiêng

Trường Phan Bội Châu đỏ lửa mái tóc duyên thề Còn đâu nữa em ơi ngày tháng u mê.

Phú Hội ngày xưa Bình Hưng xõa tóc Dòng Mường Giang xác trôi lềnh bềnh”

(Tết Mậu Thân ở Phan Thiết, Huỳnh Hữu Võ)

Đọc những bài thơ của Huỳnh Hữu Võ trong tập Hòa bình ơi! Hãy đến, ta thấy hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh về sự chết chóc bi thương: “lòng mẹ giờ đây, bom đạn xới cày”, “máu chan hòa đất mẹ”, “xác Việt chất lên nhau”, “này là mảnh xương”, “còn đây là thịt vụn”. Những hình ảnh như vậy đã đạt đến mức lay động tận cùng nỗi đau của mỗi người dân xứ biển này. Cái chết nhìn từ phía người mẹ, hay từ cảm quan tác giả, dù là khóc cho con hy sinh vì cách mạng, hay người mẹ có con đi lính cho chính thể Việt Nam Cộng hòa tất cả đều đau đớn như nhau. Với tác giả, người cầm súng bước vào cuộc chiến tranh là người đang ngụp lặn vào thế giới của chết chóc, vào nước mắt khổ đau nó không trừu tượng, mà rất cụ thể, đó là nỗi đau của anh em, bạn bè đang ở chung quanh, của chính bản thân mình, và rộng ra là người Việt Nam:

“Tôi vào quê hương bằng đường nước mắt Nước mắt bạn bè, nước mắt anh em

Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó

Máu loang đầu tôi chảy xuống ruột mềm (Đi vào quê hương, Huỳnh Hữu Võ)

Trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, thân phận con người được nhìn như một nỗi đau không thể dứt được, giữa cái hiện hữu và vô thường: “Con trai ta chào đời, người bạn ta nằm xuống”. Cái chết của người bạn mà cũng có thể là cái chết của bất kỳ ai trong thời đoạn này. Tiếp mạch cảm thức đau thương, ngột ngạt, tưởng như kiếp sống không hồn trong thơ Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Bắc Sơn cũng cảm thấy cái kiếp con người thật đau thương:

“Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què”

(Tha lỗi cho ta, Nguyễn Bắc Sơn)

Hình ảnh thơ bộc lộ tâm trạng người trai không tìm ra lối thoát, thấy cuộc đời như đang bị đóng khung trong “chiếc chuồng”, thấy bất lực về sự rong ruổi đường xa của đời trai như “kiếp ngựa què”. Đó là sự ám ảnh thân phận.

Cuộc sống đau thương, con người bất hạnh là một nội dung dễ tìm gặp trong nhiều truyện ngắn của Yên Hy Ba, như: Tiếng trúc trên đồi, Nước bấc về gành, Trăng trên sông, Vỡ tổ, Lá bay về cội, Thương để trong tim, Dấu nước mắt trên gối, Những người chết chưa chôn, Cháy đỏ đêm hè. Ngoài bất hạnh do chiến tranh và nghèo khó, còn có nỗi bất hạnh do bệnh tật – khía cạnh này được ông khai thác khá sâu sắc. Ông viết hai truyện ngắn: Những người chết chưa chôn (đăng tạp chí Bách Khoa, số 174, ngày 1/4/1964), Cháy đỏ đêm dài (đăng tạp san Giữ thơm quê mẹ, số 11, tháng 11/1966).

Cả hai truyện đề cập đến nỗi đau người bệnh phong. Nhưng điều ông đặt ra không chỉ phân tích nỗi đau thân xác mà cái đau đớn nhất là sự ghẻ lạnh, ganh ghét, thâm thù của chính những người bệnh với nhau. Truyện Những người chết chưa chôn, viết về tình cảnh người bệnh ở trại phong, nơi “Những thằng cùi như mình bị đồng loại khinh bỉ, rẻ rúng sống dở, chết dở, ê chề tủi nhục, nghe đâu có sự đùm bọc của tình thương là tìm tới, bấu níu vịn dựa” [3, tr. 66], nhưng có bệnh nhân không thương yêu nhau, mà tìm mọi cách để ly gián các mẹ (mẹ là những người Công giáo tự nguyện chăm sóc bệnh

nhân phong ở các trại) với nhiều bệnh nhân khác trong trại. Sự ganh ghét ấy làm cho nhân vật Sơn bị tổn thương và đau đớn đến chết. Truyện Cháy đỏ đêm dài kể nỗi đau của Nguyễn, bị bắt vào tù, nhà tù của những người bệnh phong, anh nhận ra cái thời gian ngưng trệ, nhận ra cái hình ảnh hiện tại và tương lai của từng người bệnh, rồi nghĩ đến lúc phải sớm ra đi, phải đau đớn, phải lìa xa mọi người thân yêu. Những suy nghĩ của nhân vật Nguyễn trong truyện làm người đọc xúc động “hai mươi ngày không một lần tắm, không một lần xúc miệng rửa mặt, không một chút canh, một chút xanh, ăn ngày hai bữa với khô mặn, uống ngày hai lượt với cái chén tanh cá. Nên đêm đêm, xen vào giữa từng khoảng lo nghĩ là những ước ao bé nhỏ” [4, tr. 48]. Tình cảnh phân biệt giữa bệnh nhân Tây và bệnh nhân Việt, cái cảnh chống chọi của người bệnh trông đợi một ngày ra được khỏi chốn bệnh tật bằng sự khỏe mạnh chứ không phải là cái chết thảm như Già Ký. Tất cả những điều đó cho ta thấy tấm lòng nhân ái bao la của nhà văn đối với số phận bất hạnh của con người.

Trong bài thơ Quán tản cư của Lê Nguyên Ngữ, qua lời tâm sự của hai nhân vật trữ tình “em” và “anh”, nhà thơ nhức nhối trước hiện tình người dân phải chịu đựng do chiến tranh gây ra, số phận con người trước sự sống và cái chết rẻ rúng đến bi thảm:

Trên đường chạy giặc Mẹ em trúng bom

Chết phanh thây chẳng chiếu chẳng hòm Đầu bết tóc mắt trừng bên bờ ruộng Mẹ em tội tình chi chết oan chết uổng Ôm đầu người khóc giữa đạn bom rơi.”

(Quán tản cư, Lê Nguyên Ngữ)

Từ tâm sự về hoàn cảnh của “em” buồn đến thế, nhân vật “anh” chợt nghĩ đến gia đình mình với nỗi lòng tái tê vì cũng chẳng biết số phận ra sao, có thoát khỏi hay cùng hoạn nạn khổ đau khi cuộc chiến phân chia mỗi người một ngã:

Mẹ già em dại biết ra sao

Sống còn không hay dạt tấp phương nào

Có trong số xác phơi đường chạy giặc?

Anh ở đây mà gan bào ruột thắt Lo về quê mẹ ở phương xa

Chiều hắc hiu mây un kín quê nhà

(Quán tản cư, Lê Nguyên Ngữ)

Có những hình ảnh thơ như khái quát lên cái cảnh ngộ rờn rợn ghê người về sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh, mạng sống của con người như rơm như rác – mà đó là những hình ảnh rất hiện thực đã xảy ra, ai đã từng sống trải qua trong thời kỳ lịch sử đạn bom này chắc không lấy làm xa lạ, một hiện thực trần trụi đến buốt nhói, mà khi hạ bút viết những dòng này chắc con tim nhà thơ cũng đau buốt trước thảm nạn của người dân:

Dân trong vùng chết bấn loạn rứa thê Ngày chạy giặc thây người như đất cục Xác thúi, xác tươi sâu dòi lúc nhúc

(Quán tản cư, Lê Nguyên Ngữ)

Có thể nói, các tác giả văn học giai đoạn này đều chịu lực hút hết sức mạnh mẽ về thân phận con người đau thương khi sáng tác. Điểm chung dễ thấy là tinh thần nhân đạo và mối đồng cảm sâu xa với những thân phận con người bất hạnh – con người số phận trong cuộc chiến. Tinh thần ấy đã vượt qua sự ngăn cách chiến tuyến ta và địch;

niềm đồng cảm ấy đã mang lại những trang viết hết sức nhân văn cho văn học giai đoạn này.

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)