CHƯƠNG 3. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
3.2.1. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
Khái niệm sử thi được biết như là “Tác phẩm tự sự dài (thường là thơ) xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của các dân tộc nhằm ngợi ca sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử” [26, tr. 239]. Tác phẩm viết theo khuynh hướng sử thi thường quan tâm đến những vấn đề có tính toàn dân, sự tồn vong của đất nước, những bi kịch đau thương của cộng đồng, những chiến công cả một dân tộc. Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm viết theo khuynh hướng này thường là những người anh hùng, mang phẩm chất của cộng đồng, biểu trưng cho nét đẹp tâm hồn, tính cách hay số phận của cả cộng đồng. Ngôn ngữ mang tính trang trọng, tụng ca, biểu dương, cổ vũ. Khi viết về đặc điểm văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Văn học giai đoạn 1945 – 1975 là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của nó là những con người đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại và kết tinh một cách chói lọi những phẩm chất cao quý của cộng đồng” [50, tr. 22].
Các nhà thơ viết về Bình Thuận giai đoạn này cũng hòa chung với tinh thần ấy đã có nhiều tác phẩm với những phát hiện quan trọng và mới mẻ về hiện thực và con người, về vẻ đẹp oai hùng của một dân tộc vùng dậy đi tới ánh sáng và tự do với tinh thần:
“Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
(Đất nước, Nguyễn Đình Thi)
Qua ba mươi năm, hiện thực chiến tranh in đậm trong các tác phẩm văn học nói chung và thơ ca nói riêng, đó là hiện thực lịch sử khốc liệt, đau thương. Khi nhà thơ viết về hiện thực ấy, phần nhiều mang âm hưởng của khuynh hướng sử thi với khí thế hào hùng ra trận của toàn dân tộc chống xâm lăng cứu nước gắn với những ước mơ về ngày mai tươi sáng trong niềm tin chiến thắng đầy cảm hứng lãng mạn (Tác phẩm mang khuynh hướng sử thi luôn đi với cảm hứng lãng mạn, nhưng không phải cảm hứng lãng mạn nào cũng có khuynh hướng sử thi).
Trong những năm đầu kháng Pháp, Vũ Anh Khanh sáng tác bài Tha La và tập Chiến sĩ hành. Ở thời điểm này, các thi phẩm ấy như một dự báo cuộc chiến tranh gian khổ và lâu dài của dân tộc. Tác giả Tha La chọn một vùng xứ đạo, với cảm hứng lên đường vì quê hương, vì đất nước. Hình ảnh đối lập giữa đạo và đời, ngoài đời là cuộc li tan thì Thánh đường cũng không bình yên. Chỉ còn cách lên đường vì sự sống. Không gian bài thơ tuy viết về một vùng quê cụ thể, nhưng cũng là biểu trưng cho nhiều làng mạc quê hương đang rơi vào cảnh loạn li của trời Nam.
“Lạy đức Thánh Cha Lạy đức Thánh Mẹ Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…”
(Tha La, Vũ Anh Khanh)
Đến với Chiến sĩ hành, người đọc dễ nhận ra tính ước lệ và tượng trưng, theo lối cổ điển. Thể thơ song thất lục bát, vốn rất thành công trong sử dụng để viết những khúc ngâm (Cung oán ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm).
Chiến sĩ hành cũng thế, dẫn người đọc đến với không khí thời cuộc lúc bấy giờ. Bởi đó là “một khúc ca hùng tráng và lâm ly của những kẻ vì nước xa nhà. Bạn hãy ngâm lên với tôi đi. Gió trăng không còn có nữa để cho bạn buồn. Ý nhị của thời xưa mở ra, để cho bạn nhận lấy một hơi hướng mới” [93, tr. 49]:
“Hai năm trước, cuối mùa thu xám
Lửa căm hờn cháy nám trời xanh Gió ngàn tứ hướng lộng hành
Mây mù bủa khắp kinh thành loạn ly!”
(Chiến sĩ hành, Vũ Anh Khanh)
Điệp khúc lên đường được xác định vào một mùa thu. Thời điểm đất nước tang thương, người tráng sĩ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, đã “giã nhà đeo bức chiến bào” (Chinh phụ ngâm) lên đường trong tâm thế chí làm trai:
“Xếp bút nghiên mài giũa kiếm cung Cao tay thề với non sông
Noi gương xưa những anh hùng dọc ngang”
(…)
“Từ Nam quan đến Cà mau
Con Hồng cháu Lạc đua nhau lên đường”
(Chiến sĩ hành – Vũ Anh Khanh)
Viết ở thời điểm bị kiểm duyệt gắt gao, nên tác giả cũng phải tìm cách thể hiện trong quá trình sáng tác bằng những thú pháp tượng trưng, ước lệ với cảm hứng hoài cổ, gợi không khí trang nghiêm giúp người đọc nhớ về những trang sử vẻ vang oanh liệt của dân tộc, ngầm kêu gọi lên đường. Tuy bút pháp ước lệ, tượng trưng không phải là một lựa chọn của nhiều nhà văn, nhà thơ trong thời kỳ này.
Những vần thơ của các tác giả ở vùng kháng chiến tuy còn thô mộc, chưa chú ý nhiều về yếu tố nghệ thuật, nhưng cảm hứng đi suốt những năm tháng chiến tranh với một vẻ đẹp của tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, khí phách anh hùng của người chiến sĩ là cảm hứng chủ đạo trong sáng tác ở thời kỳ này.
Về sự kiện thảm sát ở La Gàn – Bình Thuận đầu năm 1947, được ghi lại trong nhiều trang văn thơ và nhạc như một biên bản chiến tranh. Lâm Bình Phước cảm hứng về thực trạng đau thương nhức nhối của vùng quê ấy:
“Máu ai loang đổ ngoài góc hẻm
Xương ai khô trắng cạnh tường xiêu Thịt ai cháy khét bên bụi xém
Hồn ai than ngõ lạnh cô liêu”
[15 tr. 665]
Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, khuynh hướng sử thi được thể hiện khá rõ trong văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Những nhà thơ Bình Thuận ở vùng kháng chiến trong thời gian này vẫn tiếp tục phản ánh không khí chiến tranh, động viên quân dân chiến đấu, bày tỏ tâm tình của con người Bình Thuận đối với tổ quốc, nhân dân.
Viết về con người trong chiến tranh, các tác giả đã lượt đi những yếu tố đời thường riêng lẻ, hay có đề cập cũng chỉ có tính chất tạo phông nền cho để nâng cao vẻ đẹp khí chất anh hùng, tinh thần bất khuất.
Những người mẹ, người chị, người em bình dị, lam lũ cần cù, nhưng khi bước vào cuộc chiến, họ vượt qua sự bình thường dung dị ấy để trở thành những con người phi thường về tinh thần chịu đựng, về ý chí kiên cường, tuy hoạt động của họ âm thầm lặng lẽ, nhưng mang ý nghĩa lớn lao, cao đẹp, bởi không còn khuất lấp trong cuộc sống đời thường của làng xóm, mà vươn lên tầm cao vĩ đại của tổ quốc, của dân tộc.
“Mẹ già đi sớm về trưa
Mắt lòa chân yếu ngăn ngừa giặc lên Thức canh mấy chục đêm liền
Lòng già bao bọc lưới thuyền như con Nhìn ra tàu địch căm hờn
Nhìn vô chòm xóm mà thương muôn vàn”
(Bà mẹ canh biển – Tế Hanh)
Có khi nhìn từ sự tàn phá đổ nát bởi chiến tranh, nhưng ngoại cảnh đó lại tác động mạnh mẽ thúc đẩy ý chí kiên cường bất khuất để đối đầu trước những hủy diệt thách thức của quân thù gây nên, nhà thơ biểu đạt cảm xúc của mình với cảm hứng lãng mạn bằng giọng thơ hào sảng, dạt dào niềm tin, tràn đầy sức sống:
“Bởi ở nơi đây dưới những hố bom
Giữa những cánh rừng Na–pan khô cháy Sự sống vẫn cứ tưng bừng trỗi dậy
Nhựa ứa trào, bất diệt những mầm non…
Bởi tự lòng ta, tự trái tim ta Tin yêu cuộc đời, tin yêu đất nước Bởi những mùa xuân chở nặng phù sa Đã nuôi hồn ta sáng trong như ngọc”
(Mùa xuân và chiến sĩ, Nam Hà)
Thơ ca kháng chiến Bình Thuận giai đoạn này gần như tập trung vào phản ánh, miêu tả, cảm xúc về quê hương, con người trong diễn biến chiến tranh – mà đó cũng là vấn đề trung tâm của dân tộc, của thời đại – vượt qua đau thương, mất mát, các nhà thơ hướng về phẩm chất cao cả, ngợi ca tinh thần bất khuất, khí phách hào hùng, động viên cổ vũ chiến công… với giọng thơ hào sảng, trang trọng mang âm hưởng sử thi và tràn đầy cảm hứng lãng mạn.