Khát vọng tự do, hòa bình

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 86 - 90)

CHƯƠNG 2. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, GIÁ TRỊ NỘI

2.4. Tình yêu, khát vọng tự do, hoà bình

2.4.2. Khát vọng tự do, hòa bình

Văn học Bình Thuận giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hình thành trong bối cảnh toàn xã hội bị hút vào “chiếc cối xay khổng lồ” (Nam Hà) của cuộc chiến.

Và như một phản ứng tự nhiên, trong đổ nát đau thương, con người cần một sự thay đổi, đó là niềm mong ước được hòa bình, độc lập và tự do. Khát vọng hòa bình là một trong những đề tài nóng bỏng đối với người cầm bút.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến là thắng lợi của khát vọng tự do, khát vọng hòa bình của đồng bào Bình Thuận. Dù là nhà văn sáng tác ở vùng kháng chiến hay vùng đô thị, sáng tác của họ luôn hướng về độc lập, tự do.

Nguyễn Bắc Sơn khẳng định mong muốn được sống trong hòa bình, muốn mọi người sống yêu thương nhau, một đời sống được cảm thông, hạnh phúc, sẻ chia:

“Ôi hạnh phúc

Bao giờ ta biến thành ngươi”

(Mừng dự tính lãng mạn đầu năm 1970, Nguyễn Bắc Sơn) Ông mong muốn được sống đời tự do với một đời sống đầy tính thiện, có trách nhiệm với cộng đồng, mà cụ thể là từ những điều giản dị gần gũi ngay trong cuộc sống hàng ngày.

“Nếu chúng ta tự đáy lòng

Không mảy may yêu người hàng xóm Vậy hy sinh vì cách mệnh còn nghĩa gì”

(Viết tặng những nhà cách mệnh giả hình trong thời đại tôi, Nguyễn Bắc Sơn) Trong cuộc mít tinh của giáo chức thị xã Phan Thiết chào mừng ngày giải phóng Phan Thiết, Bình Thuận, Nguyễn Bắc Sơn đã phát biểu: “Trước hết từ nay tôi sẽ được cởi bỏ bộ quân phục mà không phải mất một cắc hối lộ. Thứ hai, từ nay tôi sẽ được nói những điều tôi suy nghĩ, và cuối cùng, từ nay tôi sẽ được làm những điều tôi nói” [51.

tr. 148].

Tập thơ Hòa bình ơi! Hãy đến của Huỳnh Hữu Võ như tiếng gọi thiết tha về cơ hội hòa bình, độc lập dân tộc; như giấc mơ về một đời sống thời hậu chiến để gột rửa những đau thương, bất hạnh chiến tranh, để được hưởng trọn vẹn ý nghĩa hai chữ tự do:

“Cha ở đây một đời mong ngóng

Mơ ngày hòa bình nhưng có được gì đâu”

(Lời dỗ dành ngày hưu chiến, Huỳnh Hữu Võ)

Chúng ta dễ dàng tìm gặp khát vọng tự do, hòa bình trong thơ Hoài Khanh qua những thanh âm trầm buồn, qua tâm trạng hoài nghi trước cái đằng đẵng của chiến tranh:

“Vì dòng sông cứ lặng lẽ trôi hoài”

Những cuộc chiến tranh - tôi không làm sao chịu nổi.

(Tuổi trẻ và dòng sông, Hoài Khanh)

Đối với các tác giả tham gia kháng chiến, hàng ngày trực tiếp đối diện với kẻ thù, khát vọng tự do, hòa bình càng hiện rõ trên từng trang viết. Họ khắc khoải về một nền độc lập, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng; phải qua một quá trình đấu tranh gian khổ ác liệt mới làm nên chiến thắng cuối cùng, mới có được hòa bình, tự do.

Nhân vật Helen trong Đường về ô rô của Phạm Khánh Cao đã chọn con đường đấu tranh cùng học sinh, sinh viên Việt Nam, cùng nhân dân lao động Bình Thuận. Cô vạch trần tội ác những kẻ cướp nước, cô chiến đấu để đem lại một cuộc sống hòa bình, tự do. Tác giả đặt quan hệ xung đột căng thẳng giữa ba bên: Một là những người làm cách mạng, đồng bào Bình Thuận yêu nước (có cả người dân tộc Chăm được giác ngộ theo cách mạng); hai là những người lầm đường lạc lối (như Bố Hạo); ba là bọn Việt gian và thực dân Pháp.

Người dân Bình Thuận một lòng thiết tha yêu hòa bình, tự do, sẵn sàng đương đầu với cuộc kháng chiến lâu dài, nhiều hy sinh, đau thương mất mát. Tinh thần yêu tự do và khát vọng hòa bình ở những sáng tác của Nam Hà, Phan Minh Đạo, được mô tả cụ thể trong đời sống kháng chiến, với muôn vàn khó khăn của cộng đồng, đến cả những hy sinh và mất mát riêng tư như cuộc đời chị Thơm trong Ngày rất dài, nhân vật ông Năm B, bác cả Long, bà mẹ của Xuyến... trong Dưới những cánh rừng ô rô của Nam Hà. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong chiến tranh.

Một số truyện ngắn của Yên Hy Ba về đề tài này, tuy số lượng không nhiều, nhưng thế giới hiện thực được phản ánh khá phong phú, mỗi trang viết đều để lại những ý nghĩa, giá trị tư tưởng, người đọc có thể tìm thấy ở đó một tấm lòng, một tinh thần dấn thân, cống hiến, để tìm được yêu thương, hạnh phúc, nói lên khát vọng lớn lao về tự do, dân chủ, được sống đúng ý nghĩa sự sống trên cuộc đời này. Những nhân vật như Kim Núp trong Người trai miền nương xanh, các em học sinh trong Nắng lên, cậu học trò Huy trong Những vồng khoai xanh… đều để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc nhất khát vọng của cả một cộng đồng mong được sống trong độc lập, hòa bình.

Tiểu kết

Văn học Bình Thuận giai đoạn 1945 – 1975 tuy chưa có nhiều tác phẩm đặc sắc về nội dung đấu tranh giành độc lập, tự do, thể hiện khát vọng hòa bình, nhưng đã hình thành một dòng tư tưởng rõ rệt và có chỗ đứng nhất định không thể phủ nhận. Đó là tiếng nói nhân văn về quyền được sống, về quyền lựa chọn con đường tự do và hòa bình cho cả dân tộc.

Trong khốc liệt của chiến tranh, trong đau thương của số phận con người, tiếng nói khát vọng tự do, khát vọng hòa bình trong văn học Bình Thuận giai đoạn này là điểm sáng đáng quý và trân trọng. Các nhà văn đã đề cập đến số phận con người ở nhiều góc độ khác nhau và đã lý giải được nguyên do nỗi đau thương thân phận ấy.

Tinh thần phản chiến là một nội dung được thể hiện thành công trong nhiều tác phẩm văn học giai đoạn này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rõ ý thức dấn thân của các thế hệ nhà văn dù ở chiến khu hay trong lòng đô thị. Họ luôn đứng về phía chính nghĩa, đứng về phía nhân dân, cảm thông sâu sắc với bao cảnh đời đau khổ, bất hạnh, trăn trở về trách nhiệm của bản thân. Họ bày tỏ tất cả nỗi lòng, những suy nghiệm của

mình, họ viết về những biến thiên của số phận của con người theo tiếng gọi của lương tri, với tinh thần nhân văn sâu sắc.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)