CHƯƠNG 2. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, GIÁ TRỊ NỘI
2.1. Cảm hứng yêu nước
2.1.1. Tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm
Năm 1943, Đề cương văn hóa ra đời, được xem là kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, nhất là văn học đấu tranh chống thực dân, phát xít, chống văn hóa nô dịch, nhằm vào ba căn bệnh lớn: phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng, để bảo vệ tổ quốc, mỗi nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đường lối này sau 1945 được lan tỏa trên khắp các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên mọi miền đất
nước, trong đó có những người cầm bút tham gia kháng chiến và lãnh đạo cách mạng ở Bình Thuận.
Mảnh đất tụ nghĩa năm xưa, ngày nay – sau 1945, là nơi hội tụ của các đồng chí cán bộ cách mạng trên đường vào Nam chiến đấu. Văn thơ yêu nước Bình Thuận trong kháng chiến chống Pháp tuy còn khá mỏng (cả về lực lượng sáng tác và số lượng tác phẩm), nhưng ở mức độ nhất định, văn học giai đoạn này đã phản ánh chân thật cuộc sống con người và văn hóa Bình Thuận trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh với những đau thương, mất mát.
Nằm trong mạch cảm hứng chung về văn học kháng chiến trên cả nước, người cầm bút cùng hít thở một cách tự nhiên cái bầu không khí sục sôi về tinh thần đấu tranh chống xâm lược của cộng đồng; đặc biệt họ là nhà văn, nhà thơ cũng có mặt trên các tuyến đầu lửa đạn ở chiến trường, với tư thế như Chế Lan Viên đã từng nói: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Nhà văn nhưng cũng là hiện thân của người lính, gắn bó đồng hành với cuộc kháng chiến. Trong cảm thức của mình nhà văn luôn hướng về nét đẹp tinh thần, khí phách, về trách nhiệm lớn lao và thiêng liêng của người cầm súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước; chiến đấu với niềm tự hào, lạc quan tin tưởng, có tinh thần đồng chí, đồng đội, có trách nhiệm với tổ quốc, với nhân dân. Cảm hứng của những người cầm bút sáng tác trên mảnh đất Bình Thuận trong thời chiến tranh cũng không thể tách rời khỏi bầu không khí chung ấy của cả nước. Nhưng đi từ những nét chung bao quát đó, khi tìm hiểu, nghiên cứu những tác giả, tác phẩm trên quê hương Bình Thuận giai đoạn này, chúng ta thấy được những nét riêng nhất định của một vùng văn học địa phương.
Tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm và lòng yêu nước đó hầu như xuất hiện đều khắp trong các sáng tác của những cây bút tham gia kháng chiến, ngay từ thời kì đầu, như bài thơ Chiến thắng Lầu Ông Hoàng (1947) của Trương Quang Mỹ, Chiến thắng Ngã Hai (1952) của Phạm Quang Pháp, hay Thư anh bộ đội xung kích gửi cô dân quân gương mẫu Tam Giác sau chiến thắng Ngã Hai của Trương Công Nghĩa. Đó là những sáng tác thời kỳ đầu, tuy yếu tố nghệ thuật chưa cao, nhưng đã đi vào lòng người đọc ở địa phương này, được xem như sự khởi nguồn quan trọng cho văn học thể hiện tinh thần yêu nước của người Bình Thuận buớc vào cuộc kháng Pháp:
“Anh kể em nghe tin chiến thắng
Mười chín tháng rồi đánh Ngã Hai Quân thù bị diệt năm mươi sáu Tù binh ta bắt bốn mươi hai Đêm về thấp thoáng anh du kích Xóm dưới làng trên rộn tiếng ca”
(Chiến thắng Ngã Hai, Phạm Quang Pháp)
Khi dân làng La Gàn (Tuy Phong) bị giặc Pháp tàn sát hết sức dã man (vào ngày 03/10/1947), Lâm Bình Phước đã viết những câu thơ chân tình, thống thiết với nỗi cảm thương đau xót tột cùng trước thảm họa đồng bào phải gánh chịu, làng xóm quê hương tiêu điều, xơ xác, vắng lạnh, sự sống như đang bị hủy diệt:
“Lửa tắt vườn hoang chuối xác xơ, Cô thôn nằm chết tự bao giờ.
Trăng lạnh lùng soi hiên vắng vẻ, Gió buồn ôm hận khắc trong mơ.
(Chiến sĩ, Lâm Bình Phước)
Cảm xúc ở một góc độ khác về quê hương và con người, Phan Hạo gửi gắm một nỗi niềm, một tình cảm sắt son trong những ngày xa cách, chẳng khác nào ngày xưa Trần Tế Xương có lần thương nhớ Phan Bội Châu: “Ta nhớ người xa cách núi sông/
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?”. Còn Phan Hạo thì với một quê hương:
“Hôm nay gió lại làm tôi nhớ
Bình Thuận miền Nam cách núi sông Từ lúc tôi đi non có lở
Đá mòn, rừng núi nhớ thương không?”
(Nhớ Bình Thuận, Phan Hạo)
Trên đường “Hành phương Nam”, Tế Hanh ghi nhận và cảm xúc về miền đất cực Nam Trung Bộ, về Bình Thuận, với những con người luôn giữ vững tinh thần chiến đấu như: Bà má Bình Thuận, Người đàn bà Ninh Thuận, Bà mẹ canh biển... Nhà thơ vừa
ngưỡng mộ, tự hào về tinh thần đấu tranh anh dũng, vừa xúc cảm sẻ chia với những mất mát đau thương mà nhân dân gánh chịu:
“Quê hương giặc phá tan tành Cửa nhà ra bụi, thuyền mành ra tro Cuộc đời bữa đói bữa no
Thù này lấy biển mà đo chửa vừa”
(Bà mẹ canh biển, Tế Hanh)
Trong bút ký Trận phục kích Đá Ông Địa, Hồ Phú Diên đã ghi lại diễn biến trận phục kích trong tình thế lực lượng của ta và địch chênh lệch, nhưng các chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, một mất một còn. Tác phẩm được ghi lại bằng một giọng điệu khá hài hước, hóm hỉnh, dường như đã thấm đượm tinh thần cách mạng “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” (Tố Hữu). Những chiến sĩ như Ngộ, Ngọ, Lộc… với vũ khí thô sơ chỉ có súng trường và lựu đạn, phải đọ sức với giặc Pháp, những chiếc GMC trang bị đầy vũ khí tối tân hiện đại, bằng mưu trí, thông thuộc địa hình, trong tư thế người chiến thắng: “Nhưng đến lúc này, súng anh Ngọ vẫn im hơi lặng tiếng anh cứ hí hoáy lượm từng viên đạn lép chùi vào áo, bỏ vào bao, rất bình tĩnh như không hề biết nơi đây đang nổ ra một cuộc chiến tranh” [15, tr. 1172].
Với Yên Hy Ba, tình cảm yêu nước gần như trải khắp các trang viết của ông.
Trong Người trai miền nương xanh, Yên Hy Ba phân tích mối thù thằng Tây của Kim Núp bắt nguồn từ tình yêu bếp (bản làng). Cội nguồn của lòng yêu nước được khơi dậy từ tội ác tày trời của thằng Tây. Trong một lần càn quét vào làng, bọn giặc bắt và định làm nhục vợ anh; để cứu người vợ thân yêu đang mang thai, Kim Núp đã bắn thằng Tây một mũi tên tẩm độc. Nhưng đau đớn thay! Mũi tên lại trúng Bran Mai (vợ anh). Nhìn cảnh vợ chết anh vô cùng đau đớn và căm hờn, anh đã giết thằng Tây. Anh đưa xác vợ về xóm “để rồi phải rụng rời chết sững bênh cạnh xác mẹ anh, trước đống tro tàn lụi của mái “bếp”. Thằng Tây nó đốt “bếp”! Nó bắn mẹ anh! Nó quăng luôn xác mẹ anh vào lửa! Ơ trời!... Người mẹ già của anh giờ chỉ còn là một khúc than cháy khét” [67, tr. 44].
Tất cả chỉ còn lại là căm hờn đau thương ngút trời “Người chết đi không nói được với anh lấy một lời. Hẳn cũng không biết rằng, Bran Mai cũng đã chết. Chỉ còn có mỗi mình anh đang đau đớn như cắt từng khúc ruột” [67, tr. 44]. Kim Núp có số phận giống như
nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, khi tận mắt chứng kiến cảnh vợ con anh phải chết do tội ác dã man của kẻ thù. Nhưng khác với Tnú ở chỗ cái hòn tên, mũi đạn kia lại do chính từ tay Kim Núp bắn ra. Cái bi kịch ấy dằn xé dữ dội trong tâm trạng nhân vật, sự uất ức, căm thù càng rực cháy. Cho nên, ba năm sống ở ngục Pagode, anh vẫn giữ vững tấm lòng người dân tộc yêu làng, yêu nước: “bước vào tù ngục thực dân, khí tiết con người sẽ ngướu như tương, hoặc càng vững như đồng. Tụi Tây không phải thù nội người Kinh. Mà là kẻ thù của cả người Chiêm, người Thượng…
Phải đánh đuổi nó đi thì mới yên ổn được” [67, tr. 39].
Vũ Anh Khanh với những tác phẩm in ấn phát hành ở Sài Gòn được xem như một hiện tượng văn học. Một trong những nội dung Vũ Anh Khanh thể hiện thành công là trân trọng vẻ đẹp lòng yêu nước của con người Việt Nam trong thời đoạn ly tán, đất nước bị ngoại xâm. Thế giới nhân vật yêu nước trong sáng tác của ông nhận thức rất rõ về truyền thống lịch sử, nỗi đau mất nước, thấy được thân phận vong quốc của kiếp nô lệ, không còn tự do, nên sẵn sàng đấu tranh trực diện “sống mái” với kẻ thù. Không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt nghề nghiệp, không phân biệt địa vị cao sang hay thấp hèn, các nhân vật trong tác phẩm Vũ Anh Khanh đều hết mình với vai trò trách nhiệm của công dân khi tổ quốc bị lâm nguy: “Họ là những người tha thiết với quê hương mình, dám vứt bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của quê hương, bỏ sau lưng mình cuộc đời đang lên, tươi đẹp, bỏ tất cả tuổi hoa mộng đang hé tay chờ đợi để giúp đỡ phần nào những người chiến sĩ đã xả thân cho quê hương” [30, tr. 83].
Đó là những nhân vật Tảo, Bảo, Niềm (Cây ná trắc) ở ngôi làng Khánh Thiện ven biển, trong những ngày kháng Nhật. Khi nhận thấy tâm địa và hành động dã man của quân giặc, họ sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ làng quê. Nhưng khi quyết định bước vào cuộc chiến đấu trực diện với quân thù có phương tiện khí tài hiện đại, thực tế đặt ra cho họ không biết bao nhiêu tình huống ngặt nghèo, không giản đơn chút nào, từ chiến lược, chiến thuật quân sự, đến vũ khí tác chiến của họ có khác nào các nghĩa sĩ Cần Giuộc ngày xưa bước vào trận đánh. Họ tự hỏi “Ngăn giặc bằng gì? … Thôi thì vựa củi đi rừng, mác tre, dao phay bằm cá, tất cả những thứ đồ sắt nào đâm được, chém được đều đem ra dùng. Họ tự an ủi lẫn nhau: Một chiếc guốc vông nhẹ còn có thể giết người được nữa là! Miễn cần có một bầu máu nóng gan lì mà chịu đựng, một ý chí mãnh liệt hy sinh” [92, tr. 13]. Mặt khác, họ đã vượt qua những rào cản của lối sống, gần như
bứt phá với chính bản thân mình để thay đổi cách sống, cách nhìn để hòa mình vào cuộc kháng chiến: “Những cô gái nhu mì đã bắt đầu can đảm cắt ngay mớ tóc đuôi gà, áo may ngắn tay, một mảnh vải đính chữ thập hồng bịt ở đầu, một hộp đựng đồ cứu thương đeo ngang lưng, một túi dét quần áo mang cạnh sườn và luôn luôn đi đó đi đây lo công việc từ thiện” [92, tr. 14].
Ở tiểu thuyết Bạc Xỉu Lìn (Bạch Tiểu Liên), người thiếu nữ mang hai dòng máu Việt – Hoa, trước thực trạng quê hương, đất nước lầm than, cô đã cùng một nhóm những người yêu nước Việt hợp thành một tổ chức để chống lại quân Nhật bảo vệ quê hương.
Điều quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để dân tộc được độc lập, tự do. Trước cái chết tấm lòng trung kiên ấy lần nữa lại rạng rỡ, sáng ngời: “Trước khi từ giã cõi đời, em xin cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam mau ca khúc khải hoàn” [91, tr. 131].
Trong Nửa bồ xương khô, ba cô gái quê Cải, Tín, Huyện trẻ trung, nhanh nhẹn, tuy có phần vô tư, ngây thơ, nhưng khi thấy tình cảnh đất nước lâm nguy, các cô đã theo tiếng gọi của quê hương, xung phong lên đường làm nữ cứu thương góp phần vào cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Tình cảm yêu nước ấy được lồng một cách khéo léo trong câu chuyện tình yêu và lòng chung thủy. Truyện mở ra một không khí chiến tranh bao trùm, từ đó miêu tả sự dấn thân tự nguyện và bản lĩnh: “Vào một mùa thu, Phú trở về thăm nhà và gặp thời loạn lạc, nàng lại ra đi, nàng đi ra bãi chiến trường, nàng đi theo tiếng gọi của Chúa: “Con hãy yêu quê hương, giòng giống con trước …”. [96, tr. 262]. Nhân vật đi theo tiếng gọi lý tưởng yêu nước không phải bằng tình cảm tự phát, mơ hồ, mà nhận biết được chân lý khi dấn thân – đây cũng là quan niệm yêu nước mà nhà văn muốn tỏ bày với bạn đọc: “Yêu nước thì phải làm những chuyện gì đừng để tủi hồn nước, phải giữ gìn đất đai của nước, phải hy sinh thân mình, hạnh phúc riêng mình cho nước” [96, tr. 343].
Tập truyện Bên kia sông, Vũ Anh Khanh khéo léo xây dựng để cho các nhân vật thấy được ý nghĩa đời mình, thấy được giá trị của bản thân và tìm ra ý nghĩa về lẽ sống.
Chỉ khi nhận ra hành động mang lại độc lập, tự do cho đất nước thì họ mới thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Tướng cướp Năm Đen, một ngày bừng tỉnh trước cảnh đất nước tang thương đã ngộ ra và quyết tâm đi tìm con đường mới (truyện Bên kia sông). Nhân vật Nga trong Đêm Sài Gòn, Tôn Nữ Lan Phương trong truyện ngắn
cùng tên, văn sĩ Liêu trong Cười mưa tan, Trâm trong Người khách viễn phương đều tìm thấy được giá trị thật có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời là hành động mang lại lợi ích cho dân cho nước. Qua các trang viết trong Đầm Ô rô, Vũ Anh Khanh đã khắc họa những cảnh đời như trụy lạc, xuống dốc, sống buông thả, tầm thường “Trong lúc quê hương li loạn, lòng người ta thán họ đứng ra ngoài lề đời” [34, tr. 1146]. Nhưng đằng sau những gì biểu hiện bên ngoài tưởng chừng như hờ hững đó là tấm lòng ái quốc sâu xa, giấu kín đáng quí của họ. Nhân vật Phổ trước khi chết đã để lại những dòng tuyệt mệnh cho bạn mình là Hoàng: “Ít ra tôi cũng đã ghi lại trên đời một cái gì không để tủi cho vong hồn tổ tiên, còn việc sống hay chết đối với một chiến sĩ nào có ý nghĩa gì” [34, tr. 1146]. Ý nghĩa đó là “Cuộc kháng chiến thầm lặng trong lòng địch ở nội thành, sự hy sinh cao cả, mặt đối mặt với quân thù giữa chiến trường. Tuy ở hai mặt trận, hai chiến trường khác nhau nhưng đều toát lên một chính nghĩa duy nhất: giành độc lập dân tộc”
[34, tr. 1126].
Vũ Anh Khanh còn mượn sự kiện, nhân vật trong quá khứ - tích xưa ở nước ngoài, gợi niềm hoài cổ, như tác phẩm Ngũ Tử Tư, gợi lên hình ảnh phần nhiều mang tính biểu tượng về các nhân vật đáng kính, lồng vào đó nỗi lòng cố quốc sâu xa, đau đáu hướng về vận mệnh một đất nước, dân tộc. Đó là một Kinh Kha, tráng sĩ sang nước Tần hành thích Tần Thủy Hoàng; một Ngũ Tử Tư đau đớn khi chưa cứu được nước Việt, nên “tự khoét mắt, ngày mai nhờ ngươi đem đôi tròng mắt của ta treo lên cửa thành, để ta được nhìn về phía nước Việt, để ta được nhìn sâu vào lòng dạ Câu Tiễn Việt Vương”
[95, tr. 8]. Vũ Anh Khanh miêu tả thái độ, hành động của Kinh Kha, Ngũ Tử Tư gợi cho người đọc liên tưởng đến hai thời đại của hai đất nước khác nhau, một Việt Nam một Trung Quốc, từ thời Tần Thủy Hoàng đến thời hiện tại của nước Việt.
Trong một số truyện như Nhạc thần, Theo khói nhang rằm Vũ Anh Khanh tả thế giới vô hình như hòa trong thế giới hữu hình, thế giới của người sống đi về cùng thế giới của người chết. Đó là cái cớ để nhà văn giải bày những nỗi oan ức, về tình cảnh gia đình, về tình thế của đất nước, về ước vọng được lập công cho một đất nước Việt Nam tự do.
Trong truyện Nhạc thần, Vũ Anh Khanh kể nỗi đắng cay của Thái Dương Thần Nữ khi tâm sự với Minh Trị và Nải Mộc về tình cảnh đất nước Phù Tang. Dân Phù Tang đang đói rét vì bị bóc lột, tang thương vì nhục mất nước, đau đớn vì bảy cái quốc tang. Tuy vậy, họ vẫn gắng sống, nhẫn nhịn chịu đựng, họ âm thầm cầu mong một ngày nào đấy,
trời sẽ giúp họ trả được quốc thù. Đó cũng là chính là ẩn ý cho tình cảnh con dân nước Việt hiện tại.
Tập Chiến sĩ hành của Vũ Anh Khanh là khúc binh hành của chiến sĩ năm xưa ra trận. Hình ảnh tráng sĩ vì nước quên thân, lên đường ra trận vừa oai hùng vừa hào sảng.
“Thương đất Việt mười phương nổi gió Trai anh hùng vò võ thiết tha
Mong mau đến chiến trường xa
Chiến trường máu đổ chan hòa lối đi”
(…)
Muôn binh sĩ đã rời thành nội Ra ngoại ô, bờ cõi dân quân Quyết tâm chống giữ đến cùng
Đất Nam Việt tẩm máu giòng Việt Nam”
(Chiến sĩ hành, Vũ Anh Khanh)
Cảm hứng trong Chiến sĩ hành tô đậm tinh thần tranh đấu cho quê hương đất nước: “Đó là một khúc ca dài hùng tráng và lâm ly của những kẻ vì nước xa nhà... Chiến sĩ hành vẽ những dấu chân người chiến sĩ để lại trên muôn dặm trường đình. Chiến sĩ hành bỏ lại trong lòng người thành thị những hình ảnh thân yêu. Chiến sĩ hành đánh vào không khí những tiếng vang của từng điệp khúc lên yên” [93, tr. 49].
Những năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận nằm trong địa giới Khu 6. Một chiến khu chịu gian khổ “muối trường kỳ, mì chiến lược” (mì là khoai mì, sắn), liên tục thiếu thốn về lương thực, cán bộ, chiến sĩ nhiều khi phải dùng lá đu đủ khô trộn với ớt để thay cho muối ăn (Phan Minh Đạo). Từ thực tế cuộc sống, chiến đấu, nhiều văn nghệ sĩ được chi viện từ miền Bắc, miền Trung vào đã nhanh chóng hòa nhập vào không khí sinh hoạt, chiến đấu của địa phương để sáng tác, phản ánh hiện thực của chiến trường.
Thời kỳ này, thơ ca yêu nước chống Mỹ đã phát huy được thế mạnh. Nhiều tác phẩm ra đời trên những chặng đường hành quân, với mục đích kịp thời phản ánh tinh thần chiến đấu, tuyên truyền, động viên, cổ vũ, tác phẩm thường có dung lượng ngắn,