CHƯƠNG 3. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
3.1.2. Truyện dài và tiểu thuyết
Tên gọi truyện dài và tiểu thuyết còn nhiều ý kiến tranh luận, có những trường hợp phân biệt khó rạch ròi. Ở đây, chúng tôi không đi vào phân tích những đặc điểm tên gọi của thể loại ấy, chỉ tập trung vào tìm hiểu về Xây dựng nhân vật trung tâm – nhân vật cộng đồng, Thời gian và không gian nghệ thuật của thể loại văn xuôi này trong văn học Bình Thuận giai đoạn 1945 – 1975. Đây là thể loại tự sự, có khả năng bao quát và phản ánh hiện thực xã hội rộng lớn. Nó chứa đựng những mâu thuẫn hay xung đột, những quan hệ xã hội khác nhau vừa phức tạp trong xã hội, trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ. Nó có đủ khả năng bao quát để truyền đạt cơ cấu của nhân cách, như Bielinski đã
từng gọi tiểu thuyết là “sử thi của đời tư”, do chỗ “nó miêu tả những tình cảm dục vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và nội tâm con người” [1, tr. 327].
Trong quá trình nghiên cứu, so sánh các tác phẩm truyện dài và tiểu thuyết (gọi chung là tiểu thuyết) thời kỳ này chúng tôi nhận thấy có thể tìm hiểu thành tựu trên các phương diện cụ thể như: Tiểu thuyết đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật trung tâm và ngoại biên, tạo cảm hứng anh hùng đi với giọng điệu ngợi ca, trang trọng, và sự thành công trong xây dựng thời gian và không gian nghệ thuật.
Xây dựng nhân vật trung tâm – nhân vật cộng đồng
Tiểu thuyết giai đoạn này đã xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện khá tiêu biểu xoay quanh con người cộng đồng, con người thời đại. Bên cạnh nhân vật trung tâm, các tác giả còn xây dựng hình tượng nhóm nhân vật (nhân vật tập thể), như trong các tác phẩm Cây ná trắc, Bạc Xíu Lìn, Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh. Nhân vật trung tâm, đóng vai trò chính trong cốt truyện, nhân vật tập thể góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa về nét đẹp của nhân vật trung tâm. Họ là những người có cùng bản làng, quê hương (Tảo, Niềm trong Cây ná trắc), là những người cùng chung chí hướng, mưu lo việc lớn (Cải, Huyện, Tín, Chung trong Nửa bồ xương khô), nhân vật tập thể ở đây còn là những người cùng dòng máu anh hùng, dòng máu hoàng tộc (Bạc Xíu Lìn). Hình ảnh nhân vật tập thể trong Cây ná trắc là những con người lao động, lam lũ, vất vả, chịu thương chịu khó, bản tính hồn hậu và chân thực trong lối sống. Mỗi người một nét đẹp riêng, nhưng cùng chung tính chất công dân yêu nước của vùng quê Khánh Thiện. Câu chuyện tuy có phần đơn giản về nội dung nhưng khá chân thực về bút pháp thể hiện. Từ lúc giặc xuất hiện, họ – những người làng Khánh Thiện – Mũi Né, tâm trạng đầy lo âu khi chuẩn bị chống lại quân Nhật. Bởi đối đầu với một thế lực quân sự xâm lược chuyên nghiệp mà trong tay họ chỉ có những vũ khí thô sơ như dao, rựa, dáo mác.
Trong Nửa bồ xương khô, nhân vật trung tâm là những cô gái cứu thương, như Huyện, Cải, Tín. Các cô từ bỏ đời sống êm đềm bên luỹ tre làng, tự nguyện đi theo tiếng gọi của non sông lên đường tham gia kháng chiến, làm công việc cứu thương ở chiến trường. Họ cùng với các chiến sĩ trẻ như Chung, Đồng, Kỳ cùng niềm khát khao đem lại thanh bình, hạnh phúc cho mọi người. Họ vượt qua bao nhiêu khó khăn, nghịch cảnh.
Một cô Huyện mồ côi ba, mẹ đã đi bước nữa, cô ở với bà, nhưng phải tạm xa bà để lo việc nước. Còn cô Cải, Tín thì rất hồn nhiên, vui tính, chưa biết lo xa, chưa nghĩ đến
chuyện lớn, chưa biết “đồng chí” là gì, nhưng cũng dấn thân hoạt động sớm trở thành những chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm trong hoạt động cách mạng nội thành. Trong đó có cả những con người lầm đường lạc lối, bị xã hội lên án, chê cười, như trộm cướp, đĩ điếm... nhưng khi nhận ra ý nghĩa cuộc đời, họ trở về, hoàn lương. Nhân vật Năm Rồng là tay chúa bạc, đã từng vào tù ra khám, xem thường kỉ cương phép nước, lập những băng đảng, nổi loạn, thanh toán lẫn nhau. Nhưng khi đã giác ngộ, nhân vật đã thay đổi rất nhiều, rồi tham gia vào kháng chiến, chịu rất nhiều khổ nhục để hết lòng với đồng chí, đồng bào. Hay người con gái Quảng Trị (Marianne) vốn là cô gái rất đẹp, lắm tình nhân, sống cuộc đời xa hoa, ăn chơi đàng điếm, sẵn sàng làm tình nhân của những kẻ có tiền, có quyền. Nhưng khi thắm thía nỗi ê chề, nhục nhã và vô nghĩa của cuộc sống, cô đã quyết tâm thay đổi trở thành người có ích cho cộng đồng, cho dân tộc.
Trong Đường về ô rô, Phạm Khánh Cao đặt ra vấn đề đấu tranh dân tộc và chính nghĩa trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về cuộc đời và số phận của các nhân vật trung tâm như Hêlen, cha con Bố Huân, Bố Hạo, chiến sĩ Khoai ở vùng Bắc Bình, Tuy Phong (Bình Thuận) trong thời kháng Pháp. Tác phẩm phản ánh số phận của người Kinh, người Chăm và của cả người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương này sẽ như thế nào? Đâu là lựa chọn cho mục đích, lý tưởng và lối sống cho những thanh niên mới lớn. Trong tác phẩm này Phạm Khánh Cao xây dựng ba tuyến nhân vật đặt trong một xung đột lớn – xung đột giữa chính nghĩa – phi nghĩa. Trước hết, đó là những con người trung nghĩa, những chiến sĩ, du kích anh hùng, những cán bộ cách mạng, những người dân giác ngộ cách mạng, yêu nước như chị Diên, chị Dung, Capiten Khả (Khoai), chiến sĩ Thơ. Thứ hai, đối lập với tuyến nhân vật này là những nhân vật phản diện, đó là bọn thực dân Pháp – những kẻ xâm lược, độc ác, những kẻ bị mua chuộc, những người con lầm lạc như cha con bố Huân, Bố Hạo và một nhóm các nhân vật tự ý thức về bản thân, tự đấu tranh để giác ngộ tìm đến lý tưởng sống, qua thực tế cuộc đấu tranh của cộng đồng, họ nhận thức được bản chất kẻ thù, tội ác tày trời của giặc Pháp. Nhân vật trung tâm là những con người tin tưởng vào cách mạng, một lòng theo Đảng, không bị lung lạc để kẻ thù lợi dụng chiêu dụ, không để mất đoàn kết trong cộng đồng người Kinh – người Chăm. Người Kinh – người Chăm hay cả những người có dòng máu Việt – Pháp như Hê Len, đều hướng đến cách mạng vì độc lập, tự do, dân chủ.
Tính chất và yêu cầu của thời đại đã đặt ra nhiệm vụ cho các nhà văn, cần phản ánh được vẻ đẹp tinh thần – về nhiều mặt, trong đó nổi bật lên vẻ đẹp lòng yêu nước, ý chí kiên trung, anh dũng đấu tranh chống ngoại xâm của người Bình Thuận trong những thời đoạn khốc liệt của lịch sử.
Thời gian và không gian nghệ thuật
“Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, sự trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể cảm tính bộc lộ toàn bộ bản tính của nó” [46, tr. 136]. Không gian nghệ thuật là khái niệm chỉ không gian mang tính chủ quan của nhà văn, không đồng nhất với không gian địa lí. Nó là không gian tâm tưởng, phản ánh tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Không gian nghệ thuật cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo của các hình tượng nghệ thuật. Còn thời gian nghệ thuật “là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chính thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một cái nhìn nhất định trong thời gian” [46, tr. 272].
Thời gian nghệ thuật không phải thời gian vật lí, vận động theo một chiều. Điều đó có nghĩa là không phải bất cứ lúc nào theo một trật tự trước sau cố định mà nó có thể đảo chiều, song hành. Không phải lúc nào thời gian nói đến trong tác phẩm cũng trùng khớp với thời gian nghệ thuật. Điểm để phân biệt thời gian và thời gian nghệ thuật là khi nào thời gian trong tác phẩm đi cùng các yếu tố kết cấu, cốt truyện, nhân vật... làm nên cái nhìn chủ quan của nhà văn, nhà thơ trong tác phẩm. Hay nói cách khác, nó thể hiện cái nhìn của người viết về con người, cuộc đời.
Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng có sự liên hệ tương hỗ. Có thể nói “Khi nhà văn dừng lại khắc họa không gian thì thời gian bị hãm chậm hay triệt tiêu. Người ta có thể không gian hóa thời gian bằng cách miêu tả sự kiện biến đổi theo trật tự liên tưởng, cái này bên cạnh cái kia” [33, tr. 160].
Khảo sát các tác phẩm văn học Bình Thuận giai đoạn này chúng tôi nhận thấy các nhà văn thường chú trọng miêu tả không gian mang tính bao quát. Từ không gian thực tại trở thành không gian mang ẩn ý, và chuyển tải những nội hàm vượt ra ngoài yếu tố địa lý thông thường trở thành không gian của hình tượng, của ý niệm. Từ những khoảng không gian rộng lớn vùng trời, vùng đất xuất hiện trong tác phẩm văn học đã
làm bật lên tâm tình của tác giả về con người trong bối cảnh xã hội. Trong Cây ná trắc, không gian ấy là một vùng quê yên bình, như đã có ở đây ngàn đời, hàng dừa xanh phủ bóng xuống những mái nhà tranh vách lá đơn sơ dưới nền cát trắng, gợi lên một không khí thanh bình của cuộc sống một vùng biển ở làng quê của tác giả (làng Khánh Thiện, Mũi Né, Bình Thuận). Một bên là đồi cát, vườn tược, hàng cau, rặng dừa, bên kia là biển cả yên bình và hiền hòa. Cái làng “với những hàng cau cao vun vút, những mương chuối ba tiêu mướt xanh, những động cát trắng ngà... Hôm nay, ngày rằm trăng sáng. Ánh trăng vàng mênh mông chảy trên hàng cây so đũa, những lá so đũa nhỏ lăn tăn lấp loáng tắm trăng” [92, tr. 23]. Bức tranh ấy chuyển thành bức tranh tâm cảnh khi quân giặc xuất hiện. Phần tả cảnh của tác giả không nhiều và không còn chủ ý nữa khi nó đã chuyển thành cái để tâm trạng: “Chiều hoàng hôn đang chìm chìm phủ xuống làng Khánh Thiện một sắc tím xám, lạnh lùng.” [92, tr. 5].
Không gian ban đầu được đề cập trong Nửa bồ xương khô là không gian của cảnh làng quê thanh bình, nơi những thôn nữ như Huyện, Cải, Tín sống những ngày tháng sống êm đềm, yên bình bên cạnh những người thân yêu, trong “sự yên tĩnh của khu vườn rộng, những đám mía lau nằm rãi rác... Bóng cây chùm ruột” [96, tr. 128]. Ở đó có cuộc sống “yên tĩnh trong bốn hàng lũy tre già, quanh năm chải gió yên phận” [96, tr. 232].
Hay đó là bầu trời Việt Nam trong tâm tưởng của Sơn, trong tiểu thuyết Bạc Xíu Lìn:
“Nơi đấy, anh còn có một bà mẹ già, một đứa em gái trẻ, một vườn nho xanh và một tủ sách đầy. Nơi đấy, anh đã làm hàng ngàn bài thơ ca tụng cảnh đẹp của vườn nho xanh, khen ngợi mái tóc bạch kim của em gái” [91, tr. 69].
Trong Đường về ô rô, Phạm Khánh Cao lại xây dựng góc nhìn khác. Không gian mô tả trong tác phẩm là sự giao nhau giữa bức tranh đời sống thành thị và nông thôn giữa Phan Thiết các vùng nông thôn lân cận cùng những biến động của thời kỳ Việt Minh, kháng Pháp cứu quốc và một bên là đời sống vùng giáp ranh giữa ta và địch ở vùng đồng bào dân tộc Kinh và Chăm. Không gian ấy gợi ra quá trình đến với cách mạng của đồng bào các dân tộc ở vùng Bắc Bình Thuận.
Không gian hiện thực được chuyển biến sắc màu qua không gian tâm tưởng, diễn ra nội tâm bên trong của con người, được ánh xạ từ không gian bên ngoài. Có khi mượn cảnh vật thiên nhiên để dự báo biến động xã hội sắp xảy ra: “Tại làng Khánh Thiện xa xôi, mịt mờ trong sương gió muối và sống biển đại dương… Một đêm mưa bão…. Gió
rít dài trên nóc lá. Mưa nặng hạt. Mây kéo đen kịt nền trời. Mước lũ chảy tràn khắp mấy ngả đường thấp như có lụt, từng bè rác trôi theo nước lềnh bềnh” [96, tr. 482]. Không gian đời sống hiền hòa của xóm làng ven biển trong Đường về ô rô biểu đạt một tâm tư, tình cảm của tác giả với một vùng quê trù phú, thanh bình với nhịp sống bình dị đời thường nhưng rất nên thơ. Đó là một cách phản ánh hồn quê hơn là miêu tả không gian vật lý đơn thuần: “Ngoài Duồng người đi lại tấp nập, phần lớn là đàn bà làm cá. Những hiệu thuốc bắc của người Hoa kiều hiệu tạp hóa, hiệu ăn vẫn mở cửa đón khách. Một thị trấn yên tĩnh trong chiến tranh” [68, tr. 42]. Hiện thực đời sống diễn ra như chứa bao nhiêu tâm trạng của người viết: “Tôm cá từ biển mới đánh lên được bày la liệt. Nhiều mê cá cao ngất qua đầu người. Cá sòng, cá nục bụ bẫm, mình mang sọc xanh lóng lánh.
Cá thu mình hoa lốm đốm, cá chim tròn trịa mắt xanh sáng ngời. Cá hồng phơi mình sặc sỡ bên cá ngừ lưng xanh lè mượt mà. Cá đuối to gần mặt bàn, nằm trên cát đuôi còn ngọ nguậy... hàng cá mực la liệt, mực dẹp, mực ống tươi roi rói cạnh những con sam, bạch tuộc ngọ nguậy trên cát” [68, tr. 44].
Sự chuyển dịch không gian nghệ thuật cũng là một cách thức tổ chức kết cấu tác phẩm giúp tạo hiệu quả nghệ thuật, giải bày tư tưởng nhà văn. Nếu ở các tác phẩm Cây ná trắc, Nửa bồ xương khô, Vũ Anh Khanh mô tả sự dịch chuyển không gian qua hồi ức nhân vật từ hướng hẹp – rộng dần, từ không gian làng quê mở ra một không gian rộng lớn của cả một dân tộc, trên đường tranh đấu vì đất nước, thì Bạc Xíu Lìn mở rộng phạm vi hoạt động của các nhân vật từ Việt Nam (từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn) ra thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore.
Thời gian tâm trạng trong các truyện ngắn, tiểu thuyết thời kỳ này thường thấy đượm màu như “một chiều hoàng hôn”. Các tác giả mượn màu hoàng hôn để biểu đạt tâm trạng, biểu đạt tình cảm, theo quy luật tâm lý “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
(Nguyễn Du). Một ráng chiều thu, gợi một ánh sắc buồn bã, những “mùa chinh chiến”,
“mùa thu khói lửa”, “mùa thu chiến tranh”, “sắc tím hoàng hôn buồn” là những cụm từ có tần suất cao lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm: “Chung lại ra đi, Huyện buồn ủ rủ giữa mùa thu lá rụng nhiều chiều” [96, tr. 243] hay ở một đoạn khác “Gió bắt đầu thổi nhẹ và làm tan dần sương mù. Mùa này là mùa thu nên gió này là gió heo may, thổi vào buổi sáng không lạnh lắm chỉ mát vừa vừa, gọi là mát lòng trời, lòng người” [96, tr.
253]. “Cơn gió thu thổi nhẹ, lai rai phớt qua, lòng Lìn tự nhiên thấy hiu hiu buồn. Nàng
chợt nhớ những tấm thân ngang tàng vì quê hương đã lăn vào khổ cảnh. Ngoài xa kia, trên miệt thượng du rừng núi, mùa thu đã tàn, mùa đông sắp đến, hẳn sương núi lạnh lùng! Mùa đông gió lạnh lùng, gió lạnh lùng!” [91, tr. 78].
Dòng thời gian di chuyển, thu sang đông, đông sang xuân cũng chính là chuyển động của dòng tâm trạng. Người ra đi vì nghĩa lớn cũng chờ đợi một thời điểm để được trở về, sum họp, đoàn tụ. Đó là lúc thanh bình, bầu trời quang đãng, được thấy ánh sáng của một mùa xuân sum họp, hay là khúc ca lên đường, như Bạch Tiểu Liên “nghĩ đến cái vui ngày kia một ngày còn xa xôi lắm, ngày được trở về thăm quê cũ, sống lại những ngày xưa, hưởng cuộc đời thanh bình của thời thơ ấu” [96, tr. 259].
Thời gian nghệ thuật mang tính đồng hiện hay hồi tưởng xuất hiện khá rõ trong một số tác phẩm. Những hồi ức về tuổi thơ, về kỉ niệm khó quên của Thu Hương (Đường về ô rô) “Bên ngoài những đồi cát trắng phau với những cây bạch đàn cao vút là rú ổi.
Từ rú về xóm khoảng hai cây số. Xóm Gọ! Bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ êm đềm hiện ra trong kí ức Thu Hương...” [68, tr. 25], cứ thế, dòng thời gian hồi tưởng giúp cho nhân vật sống cùng quá khứ với “cánh đồng xanh mượt, rú ổ trái chín trĩu cành, thân cây bóng loáng đồi cỏ mịn màng thơm ngát” [68, tr. 25]. Nhịp điệu thời gian cũng là phương tiện nghệ thuật thể hiện cái nhìn tâm trạng của nhân vật (hay của nhà văn), trong những đoạn tả cảnh mùa thu, hoàng hôn, thời gian chia tay, tạm biệt... thời gian các nhân vật hoạt động cách mạng bị giam cầm, tra tấn hay bị mất tự do, “bước đi” thời gian thường chuyển động chậm, nặng nề. Trong khi đó, khi mô tả không khí tập luyện, những đoạn các nhân vật phải vào tận hang ổ kẻ thù, hay những liên lạc viên giữ việc tiếp cận và chuyển thông tin tài liệu mật cho cách mạng thì thời gian được thể hiện với nhịp điệu nhanh, gấp gáp, phù hợp với không khí và tâm trạng con người.
Mối quan hệ giữa thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật là quan hệ tương hỗ. Cách miêu tả thời gian ở đây thường mang tính chất ước lệ, thì không gian cũng hòa theo bằng những mô típ mang tính tượng trưng quen thuộc. Buổi chiều đi với ánh hoàng hôn, cơn gió lạnh, bến vắng, màu đỏ thẫm gợi màu máu, gợi những cảnh chiến trường lạnh lẽo, cái chết chóc của chiến tranh. Trong khi đó, những đoạn viết về không khí mọi người nô nức học tập bình dân học vụ để hiểu biết, tuyên truyền tinh thần yêu nước và chống giặc (trong Cây ná trắc), những đoạn viết về tinh thần hăng hái lên đường của mọi người, đặc biệt là những nữ cứu thương (trong Nửa bồ xương khô), hay tâm trạng