CHƯƠNG 3. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
3.2.2. Các thể thơ: dân tộc và hiện đại
Tiếp bước những thay đổi của thơ ca trước 1945, thơ ca Bình Thuận giai đoạn 1945 – 1975 cũng đã chú ý nhiều đến thay đổi về phong cách diễn đạt, thể loại, và ngôn ngữ. Các thể thơ truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng như lục bát, song thất lục bát nhưng không phải là thể thơ chủ đạo mà chủ yếu là thể thơ tự do.
Tính chất truyền thống có thể thấy rất rõ trong các sáng tác thơ ở những thập niên 1940, 1950. Vũ Anh Khanh viết Chiến sĩ hành theo thể song thất lục bát, vốn dĩ đã trở thành quen thuộc theo lối ngâm, khúc ngâm nói về người tráng sĩ ra trận trong Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm. Ngôn ngữ trong Chiến sĩ hành mang tính ước lệ tượng trưng, dùng điển tích để gợi tả đến sự việc, tâm trạng, tình cảnh người ra đi vì vận mệnh đất nước.
Trong khi đó bài thơ Tha La lại khác, với 97 dòng thơ, kết cấu các khổ thơ: năm dòng, bảy dòng, đoạn giữa viết theo lối đối đáp (kịch thơ), các dòng thơ trả lời là những dòng tám chữ. Lời thơ mộc mạc, chân thành, âm điệu buồn thương:
“Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!”
(Tha La, Vũ Anh Khanh)
Ở tập thơ Lục bát (1968), Hoài Khanh viết 28 bài thơ bằng cách sử dụng thể thơ truyền thống quen thuộc của dân tộc để chuyển tải cái cảm thức cô đơn và tâm trạng vạn cổ sầu của thi nhân trước thời cuộc. Ngôn ngữ thơ không mới, còn sử dụng yêu tố điển tích, mang tính triết lý chuyển tải nỗi buồn trong cõi nhân sinh – nỗi buồn cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc:
“Chiều nào tiếng quốc lâm chung Bờ hiu hắt rộng sông trùng điệp dâng Cõi khô bỗng ứa hai hàng
Dòng xanh bỗng dậy vô vàn điệu ru Mưa về từ cõi hoang vu
Còn ta từ cõi nào thu mối sầu”
(Mưa và đất, Hoài Khanh)
Về thể thơ lục bát, có bài đã tạo nên nét riêng về phong cách tác giả, để lại dấu ấn khá sâu sắc trong cảm nhận của người đọc. Trường hợp Nguyễn Bắc Sơn, “tuy không phải là một tác giả chuyên về lục bát nhưng đã có những câu thơ hết sức xúc động về rượu về tâm hồn người lính trẻ, về cảnh núi rừng hoang vu, thiên nhiên hoang dã, u buồn. Sự dấn thân vào cuộc vì tuổi trẻ không thể đứng ngoài” [36, tr. 437]:
“Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh”
(Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân – Nguyễn Bắc Sơn) Nguyễn Ngu Í có một số bài lục bát viết về quê hương La Gi, như Còn nao mấy lòng, Tiễn đưa, hay Quê tôi, đăng trên Tạp chí Bách Khoa, lời thơ giản dị, chân tình, như cách chuyện trò, nhưng gợi tấm lòng sâu lắng với làng quê:
“Chiều chiều cò trắng về vườn,
Đồng khô, chân bước bụi đường gió tung…
Khắp nà thuốc lá ven sông,
Trai vun thuốc lớn, già trồng thuốc con.
Các cô, quần áo xoăn tròn,
Oằn vai gánh nước tưới vồng thuốc tơ…
Đến khi nắng tắt nẻo mờ,
Người về rộn rịp, sông ngơ ngẩn buồn”
(Quê tôi, Nguyễn Ngu Í)
Nguyễn Như Mây với những bài lục bát như Bóng thu vàng, Nằm trong mùa vàng, Trăng bên khung cửa, Chuyện đời, Phút giây tang hải, Trên sông, Cuối đời giang hồ... thể hiện nỗi buồn thời cuộc của tuổi hoa niên, tình cảm gắn bó với cuộc đời, là lời tâm sự với bạn bè, quê hương:
“Hỏi ta buồn tự bao giờ
Đêm say còn đợi nghe mưa lạnh hồn Hỏi ta còn mấy dòng sông
Còn bao bờ bến nằm trông nước về Hỏi ta và hỏi bốn bề
Nhân gian còn mấy nẻo về hư vô?”
(Nằm trong mùa vàng – Nguyễn Như Mây)
Trong khi đó các thể thơ tự do, thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ được các tác giả trong vùng đô thị miền Nam hay vùng kháng chiến sử dụng nhiều và khá thành công, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Những bài thơ 5 chữ như Ngày ở Việt Nam (Nam Hà), Say (Nguyễn Bắc Sơn), Trên cụm nắng thu buồn, Giọt buồn (Huỳnh Hữu Võ), Sóng buồn, Tiếng hè, Im lặng (Hoài Khanh); thơ 6 chữ: Giao cảm, Màu áo kinh kì, Trong ý mùa thu (Hoài Khanh); thơ 7 chữ: Mật khu Lê Hồng Phong, Thảo khấu (Nguyễn Bắc Sơn), Nước mắt (Hoài Khanh), Về khu Lê (Nam Hà); thơ 8 chữ: Chiến tranh Việt Nam và tôi (Nguyễn Bắc Sơn), Máu – Việt Nam (Nguyễn Như Mây).
Thơ tự do được xem là một trong những thành công của hầu hết các tác giả trong sáng tác văn học giai đoạn này. Do không bị ràng buộc số dòng, số chữ, gieo vần... nên các tác giả đã có nhiều thuận lợi trong biểu đạt cảm xúc để chuyển tải nội dung tư tưởng.
Bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi của Nam Hà có 56 dòng, chia thành 10 khổ không đều nhau (khổ 1 đến khổ 8 mỗi khổ có 5 dòng, khổ 9 có 9 dòng và khổ cuối có 7 dòng thơ), dòng thơ ngắn nhất có 2 từ, dài nhất có 12 từ, nhằm bộc lộ cảm xúc về Đất nước, về một dân tộc anh hùng, với giọng thơ đầy hào khí tạo được hiệu ứng lan tỏa trong tâm hồn người đọc, người nghe.
Một số nhà thơ có những đóng góp làm mới trong cách thể hiện. Nguyễn Bắc Sơn có nhiều bài vừa tài hoa, vừa lắng đọng sâu xa, triết lý:
“Một đêm kia
Y chiêm bái ngọn bất đèn
Và tìm thấy sự ấm áp vô cùng của lửa Y chiêm bái hạt muối trắng tinh Y chiêm bái hạt mè đen bóng Có lần y chiêm bái một hạt mưa sa Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con Cùng đôi mắt chim người nữ
Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ”
(Sống ở đời như một nhà thơ đông phương – Nguyễn Bắc Sơn) Hoài Khanh chuyển tải tâm trạng bằng những câu thơ rất dài như lối văn xuôi và cách xuống dòng, ngắt mạch rất lạ (cách xuống dòng mà một số cây bút những năm gần đây sáng tác gọi là thơ tân hình thức):
“Giấc mộng là hình ảnh chiếc nôi đan em đã ngủ mê trong đó – loài chim dơi tìm thấy mặt trời vào những buổi chiều ngã xuống những viên sỏi lề đường lóng lánh sương đêm
Làm sao lệ ta cứ hoài hoài nhỏ xuống giấc chiêm bao ở trên chiếc giường này và với ngày tháng đó
Ôi, chính là em mà ta hằng thương xót suốt một đời quằn quại
Rồi mỗi giọt sương tan để bước chân ta gần với ta hơn những lần hai con mắt sâu chìm”
(Giọt sương, Hoài Khanh)
Bài thơ này cùng với một số bài thơ của các tác giả khác tạo một bước đột phá về hình thức trong cấu trúc của thơ tự do. Cách thể hiện về hình thức thơ này ta còn bắt gặp trong sáng tác của Từ Thế Mộng như Ý nghĩ về một tối tân hôn (1961), Ngà cánh tay nương (1961), Lời ca cỏ non, nhằm bộc lộ dòng tâm tưởng của tác giả, đã bứt phá vượt qua lối truyền thống:
Anh nghe trong hơi nước đầy hơi sương. Trong hơi
sương đầy hơi em. Trong hơi em đầy hơi mặt trời mọc Tình yêu ủ kín mười năm nở cánh những cánh hoa dài,
hương sắc êm như lời hứa hẹn…
Rồi những đêm khuya về lạnh, trời đêm sâu ngun ngút
Anh tìm vì sao hôm, anh tìm vì sao mai, anh tìm vì sao của mặt trời mới mọc”.
(Lời ca cỏ non, Từ Thế Mộng)
Trong thực tế, các nhà thơ ở Bình Thuận trong giai đoạn này có những bài thơ mang tính cách tân là do nằm trong xu thế chung của dòng thơ đô thị miền Nam, chứ không phải riêng bản thân họ. Đọc thơ đô thị miền Nam ta thấy điều đó có tính phổ biến, như Thanh Tâm Tuyền viết Mặt trời tìm thấy:
“Gỡ mình ra khỏi trói buộc thời gian, con chim không làm tổ trên trần nhà kín. Vài cọng rơm nhặt ngoài đồng nội, hương của tóc em – anh
tưởng tượng
Bỏ ngoài quá khứ, những hòn sỏi chìm xuống đáy nước trong. Anh thèm khát”
(Mặt trời tìm thấy, Thanh Tâm Tuyền)
Đến thời điểm ấy, thể thơ văn xuôi này không phải là mới. Nhưng qua đó cho thấy các nhà thơ đã tìm kiếm sự khác biệt trong cách thể hiện, muốn thoát khỏi những gì quen thuộc, đặc biệt là cách xuống dòng, tạo âm điệu, gieo vần như muốn thể hiện sự phóng túng về cái tôi của nhà thơ.