Tinh thần phản chiến

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 61 - 70)

CHƯƠNG 2. VĂN HỌC BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975, GIÁ TRỊ NỘI

2.1. Cảm hứng yêu nước

2.1.4. Tinh thần phản chiến

Hậu quả của mỗi cuộc chiến tranh là đau thương, mất mát, là những ám ảnh thường trực và rộng khắp, kéo dài theo thời gian, cho dù quá khứ đã đi rất xa. Trước khi một cuộc chiến tranh xảy ra người ta đã dùng nhiều phương cách để có thể nó không

xảy ra; hay làm thế nào để nó sớm kết thúc và ít tổn thất nhất. Chọn phản đối chiến tranh là một trong những cách để giải quyết tình thế.

Như thế cần phải tìm tới một khái niệm để có sự đồng thuận về tinh thần phản chiến của văn nghệ sĩ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Tinh thần phản chiến ở đây được hiểu là cái nhìn phản đối, bất bình, thái độ chống đối những gì do chiến tranh gây nên;

là sự cảm thông với những số phận đau thương, chia sẻ những nỗi niềm với quê hương bị giày xéo điêu linh, với bạn bè, người thân, gia đình xiết bao bất hạnh trước những ly tan, chết chóc do cuộc chiến gây ra. Phản đối chiến tranh còn thể hiện ở niềm mong ước hòa bình, kêu gọi xóa bỏ hận thù, đem lại bình an cho cộng đồng, cho mỗi tấc đất, ngôi nhà, đồng lúa, dòng sông, cho từng số phận con người.

Trong văn học phản chiến giai đoạn 1945 – 1975, nhất là giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam, đã xuất hiện nhiều tác phẩm sách, báo, tạp chí, những ca khúc – đặc biệt như Trịnh Công Sơn – nói về nỗi đau mất mát của thân phận con người, của quê hương, dân tộc, với những nỗi buồn mênh mang, cũng như những khát vọng hòa bình, yên vui hết sức nhân văn. Hòa trong bản đồng ca về tinh thần phản chiến đó, chúng tôi thấy văn học Bình Thuận giai đoạn này xuất hiện những Nguyễn Bắc Sơn, Hoài Khanh, Nguyễn Ngu Í, Huỳnh Hữu Võ, Phạm Cao Hoàng, Từ Thế Mộng, Nguyễn Dương Quang, Đào Nguyên Vu, Nguyễn Như Mây. Mỗi tác giả có một cái nhìn khác nhau về cuộc chiến và mức độ đậm nhạt tinh thần phản chiến trong tác phẩm cũng có khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều lên tiếng nói phản đối chiến tranh, phản đối bạo lực, phản đối việc đi lính, cầm súng. Có tác giả đau đáu nỗi lòng với con người và cuộc chiến, đọng lại sâu lắng nhất vẫn là niềm mong mỏi chấm dứt những đau thương.

Ở đề tài này, Nguyễn Bắc Sơn được xem là nhà thơ tiêu biểu nhất. Hơn ai hết, ông là người rơi vào cảnh ngộ: hai cha con ở hai chiến tuyến đối lập nhau, nên khi bị bắt đi lính, ông nhận rõ sự oái oăm cho thân phận con người, sự vô nghĩa của chiến tranh khi bản thân tham gia cầm súng và sự khó hiểu trong lý giải nguyên nhân chiến tranh.

Tinh thần phản chiến trong thơ Nguyễn Bắc Sơn xuất hiện ngay tiêu đề tác phẩm tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi. Chúng tôi nghĩ tác giả muốn đặt vấn đề đối thoại giữa bản thân (tôi), tức là xem xét tôi, đặt tôi với một thời điểm lịch sử, để đối thoại với chính mình và đối thoại với thời cuộc. Chính những điều này đã gây nên một sự thú vị, một sức hấp dẫn đặc biệt và lạ lùng với người đọc xa gần và xưa nay khi đọc Chiến tranh

Việt Nam và tôi. Nguyễn Bắc Sơn không dưới một lần tự bạch “ta là người phản chiến”, để rồi phủ nhận tất cả những gì bản thân mình đang gánh chịu:

“Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt Xin giã từ đời vũ khí huy chương Xin trở về như một kẻ hoàn lương Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết”

(Tiệc tẩy trần của người sống sót, Nguyễn Bắc Sơn)

Nguyễn Bắc Sơn quan niệm, chiến tranh là một trò chơi không hơn không kém, chỉ lao tâm và khổ tứ, chỉ bắn giết lẫn nhau, chỉ máu chảy đầu rơi, trong khi cuộc đời cần biết bao nhiêu điều tốt đẹp hơn thế, cần ngợi ca, cần nuôi dưỡng. Chúng tôi thấy có một Nguyễn Bắc Sơn rất chân thành trong cách tiếp cận chiến tranh. Mang tâm trạng một người lính bị ép buộc, nên nhiều lần và nhiều câu thơ nhắc đi nhắc lại so sánh giữa chiến tranh với trò chơi trẻ con thuở ấu thơ, đó là những giả định, những quy ước, những

“hiệp ước” tạm thời, cho dù có bên thắng kẻ thua thì tất cả cũng trở lại như ban đầu, không nghĩa lý gì cả.

“Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Lên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”

(Chiến tranh Việt Nam và tôi,Nguyễn Bắc Sơn)

Nói “suy nghĩ làm gì” nhưng tâm trạng nhà thơ luôn đau đáu xót xa về sự “vô vị”

của những mảnh đời khi bước vào cuộc chiến, bởi sự thật nghiệt ngã thời cuộc đang bày ra trước mắt, có người đã ngã xuống, có người bị tật nguyền, có bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi buồn khi bước vào cuộc chiến:

“Lao mình vào cuộc phân tranh

Tiếc thương xương máu sinh thành được ư?”

(Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân,Nguyễn Bắc Sơn)

Thơ Nguyễn Bắc Sơn thể hiện một chút ngông, một chút ngang tàng phá phách, một sự bất cần trong hóm hỉnh, vừa trào tiếu, vừa chua cay về sự vô nghĩa của cuộc đời người lính:

“Mai ta đụng trận ta còn sống Về ghé sông Mao phá phách chơi Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm Đốt tiền mua vội một ngày vui”

(Mật khu Lê Hồng Phong, Nguyễn Bắc Sơn)

Với Nguyễn Bắc Sơn, tham gia chiến tranh không phải là lựa chọn trong cuộc đời, mà đó là một sự bắt buộc, ngoài mong đợi, thậm chí đi ngược lại niềm yêu thích của ông. Tác giả khẳng định mình là kẻ sinh ra đời để làm thơ, sứ mệnh của nhà thơ đem niềm vui đến cho con người là lẽ hiển nhiên, như sự có mặt hiển nhiên của núi sông, rừng biển trên trái đất này:

“Trên trái đất có rừng già núi non cùng sông biển Trong con người Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ”

(Chân dung Nguyễn Bắc Sơn,Nguyễn Bắc Sơn)

Nhưng biết làm thế nào được, khi “Đời bắt kẻ làm thơ đi làm lính” thì kẻ làm thơ chỉ có thể là tên “lính cậu” mang nỗi buồn theo. Đọc Chiến tranh Việt Nam và tôi còn thấy niềm vui “rong chơi phương ngoại” trong cảm xúc của ông, đó là sự vui thích cuộc sống bình an, thanh nhàn, yêu thú đi câu, uống rượu tiêu sầu. Với tâm thế chiến tranh như vậy, nên người lính trong ông cũng khác hẳn, đứng riêng ra, một Nguyễn Bắc Sơn đi lính không lẫn vào đâu được:

“Ta vốn hiền khô ta là lính cậu

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo”

(Chiến tranh Việt Nam và tôi, Nguyễn Bắc Sơn)

Ông giễu cợt với chính cuộc đời “binh nghiệp” của mình, nói lên thân phận của kẻ “hào hoa” bị lưu đày trong “cõi rừng già núi xanh”. Không che đậy, không dối lòng,

Nguyễn Bắc Sơn sẵn sàng nói lên sự thật về tinh thần người lính mỗi khi chuẩn bị hành quân:

Khi tao đi lấy khẩu phần

Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao Chúng mình nhậu đế trừ hao

Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng Mùa này gió núi mưa bưng

Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan

(Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân, Nguyễn Bắc Sơn) Cái nhìn của Nguyễn Bắc Sơn về cuộc chiến tranh dường như chới với, không phương hướng. Ông cho rằng mình sinh ra không phải lúc, phải thời, là kẻ không may mắn trong cuộc rong chơi... Có khi không trách bên này, mà cũng không trách bên kia, muốn tìm một chút bình yên nhẹ nhõm cho đời:

Kẻ thù ta ơi các ngài du kích

Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo Hãy tránh xa ra ta xin tí điều

Lúc này đây ta không thèm đánh giặc Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh

(Chiến tranh Việt Nam và tôi, Nguyễn Bắc Sơn)

Thơ Nguyễn Bắc Sơn còn thể hiện một tâm trạng hoài nghi chiến tranh. Cuộc chiến này như một đại tự sự dở dang của dân tộc, còn thân phận con người như là mảnh ghép không thành. Ông hoài nghi kết quả của chiến tranh, hoài nghi quá khứ, hoài nghi hiện tại, hoài nghi cả tương lai: “Đêm đen quá dài nên người quá khác/ Không thể nào tin sẽ có bình minh” (Nhắc đến Ma Lâm) – Ma Lâm là một trong những địa bàn giao tranh hết sức khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Ông hoài nghi cả số phận của chính con người mình:

“Khi ta thôi học

Ta không biết con người sinh ra để làm gì”

(Những điều cần nói khi thôi học năm 1963, Nguyễn Bắc Sơn) Ông thấm thía nỗi buồn chiến tranh đến cô đơn, bất hạnh, cảm thấy lạc lõng bơ vơ trên chính quê hương mình:

Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưởng Một mình huýt sáo một mình nghe Theo sau còn có vầng trăng lạnh Cao tiếng cười buông tiếng chửi thề

(Tha lỗi cho ta, Nguyễn Bắc Sơn)

Đó là nỗi buồn, một sự cô đơn đến lạnh lẽo trong tâm trạng bức bối không ổn định. Dẫu cười, nói, “chửi thề”, “huýt sáo” thì cũng đều rơi vào khoảng không trống vắng, chẳng biết san sẻ cùng với ai. Nhiều khi ông nhận ra những khoảnh khắc tưởng chừng như có ý nghĩa, nhưng vội thoáng qua, cuối cùng để cuộc đời làm lính là vô nghĩa lý, tất cả trở thành hư vô:

“Ngày vui đời lính vô cùng ngắn Mặt trời thoắt đã ở phương Tây Nếu lỡ ta chết vì say rượu

Linh hồn chắc sẽ thành mây bay”

(Mật khu Lê Hồng Phong, Nguyễn Bắc Sơn)

Huỳnh Hữu Võ viết về chiến tranh ở góc nhìn khác. Thơ của ông bộc lộ nỗi đau về quê hương, đất nước, về số phận con người bởi sự tàn phá, hủy diệt bạo tàn của chiến tranh, khao khát hòa bình. Điều đó được thể hiện ngay từ nhan đề của các bài thơ: Hòa bình ơi! Hãy đến, Lời dỗ dành ngày hưu chiến, Nỗi lòng người lính miền xa, Về những người chết muộn, Ngày giỗ ở Việt Nam... Đọc thơ Huỳnh Hữu Võ, ta bắt gặp những hình ảnh, từ ngữ đầy ám gợi: cái chết, sự tang thương, máu chảy ruột mềm, nấm mồ, xương, sọ người, ký ức đen… với bao đau thương nghe buốt lạnh:

“Khi chiến tranh chấm dứt Tôi sẽ trở về miền thôn dã

Đốn tre gốc vườn đan thật nhiều mê rổ Buổi sáng tôi bới đất sàng tìm mảnh xương Buổi chiều tôi múc nước hố bom tưới vườn Buổi tối tôi chong đèn suốt sáng

Cái này là mảnh bom!

Cái này là mảnh xương!

Cái này là thịt vụn!

Nhỡ mai này con tôi khôn lớn

Nhìn phần mộ này mà căm hận thay tôi”

(Hòa bình ơi! Hãy đến, Huỳnh Hữu Võ) Giọng thơ như đếm, như kể một cách từ tốn, nhưng mỗi chi tiết, hình ảnh trong khổ thơ đều toát lên cảm giác rợn ngợp về hậu quả dã man của chiến tranh không thể nào quên được. Thơ ông là lời cảnh báo, hãy căm hận, lên án về những tai họa khi chiến tranh xảy ra và phải biết gìn giữ giá trị của hòa bình.

Phản đối chiến tranh là một cảm hứng thường trực dễ thấy trong thơ Huỳnh Hữu Võ, nỗi niềm xót xa, nhưng chan chứa yêu thương trước hiện tình quê hương, đất nước bị chiến tranh tàn phá:

Những thằng con trai phơi thây ngoài trận địa Lòng mẹ giờ đây bom đạn xới cày

Con cúi xuống lệ hờn rưng rức chảy Hai mươi năm thân xác mẹ hao gầy

(Đi trên nỗi buồn, Huỳnh Hữu Võ)

Viết “Những thằng con trai”, Huỳnh Hữu Võ không phân biệt ở phía bên nào, mà trong cảm quan của ông đó là tuổi trẻ Việt Nam, nỗi đau của ông là nỗi đau dân tộc, xót thương trước cảnh “Chiến trường đầy xác Việt chất lên nhau” (Đi trên nỗi buồn). Nên đọc thơ phản chiến của Huỳnh Hữu Võ, ta thấm thía ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Trong cuộc chiến có biết bao trẻ trai nằm xuống, họ là ai:

Cứ nhìn kỹ mà coi này anh này em Cứ nhìn kỹ mà coi này bạn này bè

Cứ nhìn kỹ mà coi cũng sắc máu màu da Cứ lật mặt lên coi

Việt Nam đó! Cứ lật mặt lên coi

(Trong trí nhớ mọi người, Huỳnh Hữu Võ)

Chính vì thế mà ông cảm thấy ăn năn, hối hận khi buộc phải đứng vào đội ngũ những người cầm súng, nên thơ ông là những lời tạ tội với quê hương:

Tôi vào quê hương theo nòng thép súng Lửa cháy trong hồn máu chảy trong da Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ

Cổ thụ sai oằn lựu đạn mọt chê

(Đi vào quê hương, Huỳnh Hữu Võ)

Khi bị bắt đi lính, Huỳnh Hữu Võ xin làm chân y tá trong lính nghĩa quân ở địa phương, nhưng ông nhìn thẳng vào sự thật, đã cầm súng vào trận thì phải giết người, là tự nhận ra trên khuôn mặt tuổi trẻ ấy của chính mình, cũng như những người cầm súng, đã biến dạng già nua, biến thành khuôn mặt hung thủ giết người, mang đầy sát khí, “sai oằn lưu đạn mọt chê”. Có xót đau nào hơn thế, có nỗi ăn năn nào còn cao đẹp hơn và có sự căm ghét nào lại nhân đạo như tinh thần phản chiến. Ông nhận thức rất rõ về cuộc chiến này giữa dân tộc với ngoại xâm, kết án thế lực ngoại xâm chính là kẻ ra gây ra tội ác, gieo rắc đau thương tang tóc cho dân tộc mình:

Sự có mặt của lũ quạ ngày Những ruộng khô máu đọng

(…)

Hằng muốn biết ngoài những chuyến viễn du ấy Chúng nó ăn những gì?

Ngoài xác chết anh em!”

(Sự có mặt của lũ “quạ” ngày, Huỳnh Hữu Võ) Hay:

“Bây giờ đường lót thay người

Nhìn từng lũ “quạ” con bồi hồi đau”

(Những mạch xanh của rừng, Huỳnh Hữu Võ) Hình ảnh “lũ quạ” trong thơ được Huỳnh Hữu Võ chú thích là máy bay F105, F111, B52. Ông là người lính Việt Nam Cộng hòa, nhìn các phương tiện chiến đấu đó trong mắt ông lại thấy những hung thần tàn bạo, chúng đi đến đâu là “ruộng khô đọng máu”, sự sống của chúng là “xác chết anh em” – “anh em” ở đây là người Việt Nam, việc làm của “lũ quạ” là phá nát quê hương, gieo đau thương tang tóc.

Thơ phản chiến của Huỳnh Hữu Võ nhiều bài, nhiều đoạn chống đối trực diện như thế, là sự khẳng khái đối đầu với chế độ, nên thơ ông trước 1975 nhiều khi đã lên bản kẽm rồi còn bị Bộ Thông tin Chiêu hồi miền Nam kiểm duyệt đục bỏ nhiều câu, nhiều đoạn (Năm 1968, trong bộ sưu tầm của Thế Uyên, thơ Huỳnh Hữu Võ bị đục bỏ nhiều nhất). Điều đó nói lên nét đẹp tâm hồn, nhân cách, lòng nhân ái và bản lĩnh của một nhà thơ trong ông.

Với Hoài Khanh, thơ ông chuyển đạt một tình yêu quê hương gắn với những gì thật cụ thể, thân thương với những địa danh thường xuất hiện như Tà Cú, Tà Dôn, Phan Thiết, Cà Ty. Ông viết về tinh thần chống chiến tranh không trực diện, cụ thể như Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ, mà lồng vào những sự suy nghiệm về nguyên nhân của nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh. Những cảm thức sâu lắng ấy đã là tiếng nói chống chiến tranh rất rõ trong tác phẩm của ông: tập Lục bát, Thân phận, Dâng rừng có thể tìm thấy tiếng đồng vọng của con người ghê sợ chiến tranh.

“Quê hương tôi ở chốn nào

Phải chăng Châu Á buồn đau ngút ngàn Mẹ hiền sớm chít khăn tang

Màu hương khói lạnh đồng hoang chiến trường”

(Tiếng quê hương, Hoài Khanh)

Có thể khẳng định rằng văn học Bình Thuận giai đoạn 1945 – 1975 tuy không nhiều tác giả viết về tinh thần phản chiến, dẫu số ít nhưng cũng đã ghi được dấu ấn rõ rệt rất ấn tượng đối với văn học một thời. Tiếng lòng ấy đã không còn là tiếng nói cá nhân của từng tác giả mà đã trở thành tiếng nói của một thế hệ thanh niên miền Nam trong những năm tháng chiến tranh. Bất kỳ một thanh niên nào yêu nước và mang tinh thần chống chiến tranh đều có thể tìm thấy khát vọng hòa bình, tình yêu tự do của mình trong đó.

Một phần của tài liệu Văn học bình thuận giai đoạn 1945 1975 (Trang 61 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)