CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG
1.3 Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở của lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin về Nhà nước và pháp luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước XHCN với những đặc trưng cơ bản của quan hệ lao động và thị trường lao động Việt Nam.
Đề tài vận dụng phương pháp luận của triết học Mác – Lê Nin mà chủ yếu là phép biện chứng duy vật và phương pháp luận duy vật lịch sử kết hợp với các phương pháp nghiên cứu truyền thống trong khoa học pháp lý. Đặc biệt là phương pháp tổng hợp, so sánh, phân tích quy phạm pháp luật và dự báo là những phương pháp nghiên cứu cơ bản được sử dụng xuyên suốt và phổ biến trong luận án.
Để làm rõ vấn đề nghiên cứu, luận án sử dụng cụ thể các phương pháp cơ bản sau:
Luận án đã sử dụng xuyên suốt phương pháp tổng hợp trên cơ sở tổng hợp các quy định khác nhau về đại diện lao động, phân loại đại diện lao động để làm rõ những vấn đề lý luận về đại diện lao động và pháp luật về đại diện lao động. Đồng thời, thông qua phương pháp tổng hợp các quy định về thành lập, tổ chức đại diện lao động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện lao động và các biện pháp bảo đảm pháp lý của tổ chức đại diện lao động một số nước luận án làm rõ khái niệm pháp luật đại diện lao động cũng như nội dung pháp luật về đại diện lao động.
Luận án đã sử dụng phương pháp so sánh luật học nhằm so sánh pháp luật về đại diện lao động của một số nước và Việt Nam, nghiên cứu đối chiếu các Công ước, các tiêu chuẩn lao động quốc tế để tham khảo những bài học kinh nghiệm về điều chỉnh pháp luật theo quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế và của một số
nước, làm một trong những cơ sở đánh giá hạn chế pháp luật hiện hành về đại diện lao động và hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động ở Việt Nam.
Luận án đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội trong việc làm rõ bản chất của đại diện lao động dưới góc độ ngôn ngữ, kinh tế, xã hội và pháp lý, vai trò của đại diện lao động trong nền kinh tế thị trường, thực tiễn hoạt động của tổ chức đại diện lao động trong giai đoạn hiện nay, sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động.
Luận án đã sử dụng phương pháp phân tích quy phạm pháp luật: trên cơ sở các quy phạm pháp luật thực định, luận án đã phân tích, đánh giá và làm rõ thực trạng áp dụng các quy phạm pháp luật về thành lập, tổ chức đại diện lao động, quyền, nghĩa vụ của tổ chức đại diện lao động cũng như những bảo đảm pháp lý cho tổ chức đại diện lao động hoạt động. Đồng thời sử dụng phương pháp phân tích quy phạm pháp luật để làm cơ sở đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động trong thời gian tới.
Luận án đã sử dụng xuyên suốt phương pháp hệ thống hoá trên cơ sở các công trình nghiên cứu, tài liệu, báo cáo đánh giá, báo cáo tổng kết, số liệu thực tiễn, kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan nghiên cứu để đánh giá thực trạng thực hiện nhóm quy phạm pháp luật về thành lập, tổ chức đại diện lao động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện lao động cũng như những bảo đảm pháp lý cho tổ chức đại diện lao động hoạt động.
Luận án đã sử dụng phương pháp dự báo: Trên cơ sở của việc thu thập, xử lý số liệu, đánh giá thực trạng pháp luật về đại diện lao động hiện hành, luận án đã xây dựng các luận cứ khoa học để xác định xu hướng phát triển của pháp luật về đại diện lao động trong tương lai. Thông qua việc phân tích các tác động có thể về sự thay đổi của pháp luật đại diện lao động và đưa ra các lựa chọn để thực hiện sự thay đổi đó, luận án đề xuất các luận cứ khoa học để hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động trong thời gian tới.
Ngoài ra, luận án còn sử dụng kết hợp một số các phương pháp khác như:
phương pháp logic, phương pháp lịch sử, phương pháp quy nạp để giải quyết một số vấn đề nghiên cứu cơ bản khác của luận án.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
1. Đại diện lao động là một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ lao động được nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát dưới các góc độ khác nhau. Trong đó, các nhà khoa học tiếp cận, bàn luận, đánh giá những vấn đề lý luận về đại diện lao động và pháp luật về đại diện lao động, nghiên cứu thực trạng pháp luật về đại diện lao động cũng như việc hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động.
2. Đối với các công trình nghiên cứu pháp luật về đại diện lao động nước ngoài, cuốn “Trade, Employment and Labour standards: A study of core worker’s Rights and Internatinonal Trade” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD[119] và cuốn: “Rights at work: an assessment of the Declaration’s technical cooperation in select countries” của tác giả Colin Fenwick and Thomas Kring[116]
là những công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết một cách sâu sắc những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn lao động, quyền tại nơi làm việc và thương mại quốc tế. Các công trình này cũng tập trung làm rõ quyền thành lập, tổ chức đại diện lao động của người lao động và thương lượng tập thể, xác định vai trò của loại quyền này trong quá trình thực thi quyền của người lao động trong quan hệ lao động, nhấn mạnh vai trò của loại quyền này trong mối quan hệ với Chính phủ, người sử dụng lao động và là cơ sở thúc đẩy và hài hòa hóa quan hệ công nghiệp, thúc đẩy đối thoại xã hội và tăng khả năng thực thi quyền liên kết của người lao động. Đây là những công trình có giá trị khoa học cốt lõi, là cơ sở để nghiên cứu sinh kế thừa khi đánh giá vai trò của tổ chức đại diện lao động trong giai đoạn hiện nay.
3. Đối với các công trình nghiên cứu pháp luật về đại diện lao động trong nước, luận án “Pháp luật về công đoàn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả Trần Thị Thanh Hà[40], luận văn ”Công đoàn – tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ lao động” của ThS Nguyễn Ngọc Việt[107] và luận văn “Vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay”của ThS Vũ Thị Hải Yến[111] là các công trình tiêu biểu nghiên cứu pháp luật về công đoàn
ở Việt Nam và thực trạng áp dụng. Qua khảo sát, các công trình nghiên cứu đã giải quyết một số vấn đề lý luận về đại diện lao động cụ thể khái niệm đại diện lao động dưới phương diện pháp lý và tiếp cận cách phân loại đại diện lao động theo tính chất và căn cứ phát sinh hình thức đại diện lao động. Đồng thời, các công trình nghiên cứu cũng đề cập đến thực trạng tổ chức công đoàn, vai trò của tổ chức công đoàn trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến đời sống người lao động và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức công đoàn. Do mục đích, đối tượng, phạm vi và thời điểm nghiên cứu khác nhau nên các công trình nghiên cứu đó không nghiên cứu một cách có hệ thống cụ thể pháp luật về đại diện lao động sau khi có Bộ luật Lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012. Tuy nhiên, kết quả của các công trình nghiên cứu này là những giá trị khoa học để luận án kế thừa trong quá trình nghiên cứu pháp luật về đại diện lao động trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đó cũng sẽ là những gợi mở để luận án đánh giá sâu sắc hơn trên quan điểm cá nhân giải quyết một cách hệ thống các nhiệm vụ đặt ra trong quá trình nghiên cứu.
4. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học, luận án tiếp tục làm rõ và giải quyết một cách có hệ thống những nội dung cơ bản sau: quan niệm về đại diện lao động dưới góc độ ngôn ngữ, kinh tế xã hội và pháp lý; phân loại đại diện lao động theo tiêu chí về chủ thể, tính chất và cấp độ đại diện lao động;
vai trò của tổ chức đại diện lao động; nội dung cơ bản của pháp luật đại diện lao động, nguyên tắc của pháp luật đại diện lao động; thực trạng pháp luật về thành lập tổ chức đại diện lao động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện lao động, những bảo đảm pháp lý cho tổ chức đại diện lao động hoạt động; hướng hoàn thiện pháp luật về đại diện lao động trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2