CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG
2.1 Đại diện lao động trong quan hệ lao động
2.1.1. Quan niệm về đại diện lao động
“Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống con người, đến một mức và trên một ý nghĩa nào đó chúng ta phải nói rằng: Lao động đã tạo ra chính bản thân con người”[56; tr.2]. Lao động là hoạt động quan trong nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Trong lao động con người tồn tại và phát triển. Quan hệ lao động là một thuật ngữ được đề cập đến dưới các góc độ khác nhau. Tổ chức lao động quốc tế định nghĩa: “Quan hệ lao động là những mối quan hệ cá nhân và tập thể giữa những người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc, cũng như các mối quan hệ giữa các đại diện lao động của họ với nhà nước”[75;tr.10]. Cũng có quan điểm tiếp cận quan hệ lao động theo nghĩa rộng và xác định quan hệ lao động là “quan hệ giữa người với người trong lao động”[104; tr.6]. Bên cạnh đó, quan hệ lao động cũng được hiểu là “một hệ thống bao gồm nhiều chủ thể tương tác lẫn nhau trong quá trình lao động sản xuất”[75; tr.11]. Khái niệm này cũng được Bộ luật Lao động quy định:”là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động”. Dù tiếp cận quan hệ lao động dưới phương diện nào thì quan hệ lao động đều phản ánh chủ thể, mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ mua bán hàng hoá sức lao động diễn ra trên thị trường lao động.
Quan hệ lao động có nhiều chủ thể với địa vị pháp lý khác nhau trong đó người lao động và người sử dụng lao động được xem là các chủ thể mà nếu thiếu sẽ không thể tồn tại loại quan hệ này. Người lao động tham gia quan hệ lao động với tư cách là người bán sức lao động và người sử dụng lao động tham gia vào thị trường lao động để tìm kiếm lợi nhuận thông qua quá trình sử dụng sức lao động đó.
Khi tham gia quan hệ lao động các chủ thể này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chủ thể để thực hiện việc thuê mướn và sử dụng lao động. Điều dễ thấy nhất
trong quan hệ này đó là việc người lao động lệ thuộc vào người sử dụng lao động và là người có vị trí thế yếu so với người sử dụng lao động. Người lao động tham gia quan hệ lao động đặt trong mối quan hệ không cân sức với người sử dụng lao động.
Sức lao động được xem là hàng hoá để trao đổi tiền lương phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của người lao động và gia đình họ. Trong khi đó, người sử dụng lao động lại có tài sản và những đặc quyền gắn với việc sở hữu tài sản đó. Quyền quản lý lao động là một thuộc tính gắn liền với người sử dụng lao động buộc người lao động phải lệ thuộc trong quá trình lao động. Quá trình phát triển của quan hệ lao động trong lịch sử đã chứng minh đặc điểm: “Trong quan hệ lao động, người lao động bao giờ cũng bị lệ thuộc vào người sử dụng lao động. Sự phụ thuộc này có thể ở những mức độ khác nhau trong mỗi hình thái kinh tế xã hội nhưng tồn tại trong tất cả các giai đoạn phát triển. Sự tiến bộ của loài người chỉ có thể giảm bớt những phụ thuộc quá mức cần thiết, giải phóng người lao động để họ được tự do và hưởng quyền con người một cách đầy đủ chứ không thể xoá bỏ nó một cách hoàn toàn”[51; tr.8-9]. Yếu tố phụ thuộc này được người lao động và người sử dụng lao động mặc nhiên thừa nhận và xem như tồn tại khách quan vì “yếu tố cấu thành quan hệ sản xuất luôn chịu sự chi phối của quan hệ sở hữu”[51; tr.9]. Chính yếu tố phụ thuộc và vị trí thế yếu của người lao động so với người sử dụng lao động là những thuộc tính riêng của quan hệ lao động. Để cân bằng địa vị pháp lý của người lao động với người sử dụng lao động, việc liên kết giữa những người lao động với nhau được xem là một nhu cầu tất yếu khách quan. Trước hết, tổ chức đại diện lao động đứng ra thương lượng với người sử dụng lao động để đạt những lợi ích nhất định cho tập thể lao động, đồng thời bảo vệ người lao động khi có các sự kiện pháp lý làm thay đổi hay chấm dứt quan hệ lao động. Về phần mình, nhu cầu có đại diện lao động cho người sử dụng lao động cũng được thiết lập để tham gia vào quá trình đàm phán, củng cố quyền quản lý lao động, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ lao động. Bên cạnh người lao động, người sử dụng lao động và các đại diện của họ, nhà nước cũng là một chủ thể tham gia trong quan hệ lao động với tư cách là chủ thể đặc biệt, có địa vị pháp lý khác với các chủ thể khác trong quan hệ lao động. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều tiết quan hệ lao động và dung hoà lợi ích
của các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động. Trong một số trường hợp, những thiết chế phi chính phủ, cơ quan phi tài phán1 cũng tham gia với tư cách bên thứ ba trong quan hệ lao động.
Cùng với sự phát triển ngày càng phong phú đa dạng của quan hệ lao động, các thiết chế đại diện của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng khẳng định được vị trí cũng như việc mở rộng phạm vi thiết lập trên khu vực và thế giới. Đặc biệt là sự ảnh hưởng của thiết chế đại diện người lao động trong quan hệ lao động. Đảm bảo quyền lợi của tập thể lao động, thúc đẩy trách nhiệm xã hộidoanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động ổn định, bền vững là những mục tiêu cơ bản mà thiết chế đại diện lao động hướng đến.
Đại diện lao động là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn đời sống. Tuy nhiên ít có sách báo, công trình nghiên cứu làm rõ khái niệm thuật ngữ này.
Theo Từ điển Tiếng Việt, đại diện là “thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể”
hoặc “người được cử thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể”[52; tr.372-373] nên có thể hiểu dưới góc độ ngôn ngữ, đại diện lao động là sự thay mặt cho cá nhân người lao động hoặc cho tập thể lao động.
Dưới góc độ kinh tế, đại diện lao động được hiểu là tổ chức hoặc cá nhân thay mặt cho người lao động thông qua việc liên kết để cùng hành động nhằm cải thiện điều kiện về kinh tế.
Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động quan tâm, hướng đến chính là những lợi ích gắn chặt với quyền và nghĩa vụ của mình. Do vị thế phụ thuộc trong quan hệ lao động nên các thỏa thuận về lợi ích với tư cách cá nhân thường không đạt được kết quả như người lao động mong muốn. Đại diện lao động là tổ chức hay cá nhân, nhân danh tập thể có thể thay mặt người lao động thỏa thuận với bên sử dụng lao động để đạt được lợi ích cao hơn về kinh tế trong quá trình lao động.
Thông qua tổ chức hay cá nhân đại diện, người lao động sẽ đạt được mức thu nhập phản ánh đúng giá trị thực sức lao động đã tiêu hao trong lao động, họ được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn, đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định,
1 Cơ quan hoà giải lao động, Trọng tài lao động tự nguyện[75; tr.14]
những tranh chấp bất đồng gây thiệt hại về kinh tế được giảm thiểu… Lợi ích mà người lao động hướng đến cũng chính là lợi ích mà tổ chức hay cá nhân nhân danh người lao động hướng đến.
Dưới góc độ xã hội, đại diện lao động được hiểu là một tổ chức xã hội hoặc một cá nhân do người lao động tự nguyện lập hoặc cử ra thay mặt người lao động tham gia vào quan hệ lao động.
Đại diện lao động là tổ chức xã hội nhằm thống nhất ý chí và định hướng hành động, tập trung sức mạnh để đạt được lợi ích lớn hơn trong quan hệ cá nhân và để hợp tác phát triển quan hệ lao động, giải quyết các vấn đề lợi ích bằng thương lượng, thỏa thuận. Đại diện lao động là tổ chức xã hội do người lao động tự nguyện lập ra. Do vậy, hoạt động nội bộ của tổ chức đại diện lao động như xác định tư cách thành viên, cơ cấu hoạt động, nhiệm kỳ hoạt động, nguyên tắc hoạt động,… do các thành viên quyết định thông qua việc xây dựng điều lệ của tổ chức đại diện lao động.
Thông qua tổ chức xã hội, người lao động được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia quan hệ lao động. Trong mối quan hệ với người lao động, tổ chức xã hội do người lao động quyết định lựa chọn, thay mặt, phản ánh ý chí và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Một cách khách quan, người lao động chỉ lựa chọn tổ chức xã hội nào bảo đảm được quyền lợi cho họ một cách hiệu quả nhất. Do đó, việc tồn tại nhiều tổ chức xã hội là cơ sở để người lao động lựa chọn trong việc bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi tham gia quan hệ lao động, tổ chức xã hội là một bên, một đối tác của người sử dụng lao động. Trong mối quan hệ này, tổ chức xã hội là một thực thể xã hội có sự độc lập, bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ mang tính xã hội đối với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, sự độc lập trên thực tế của tổ chức xã hội trong mối tương quan với người sử dụng lao động phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau trong đó có yếu tố tự thân từ chính tổ chức xã hội. Trong mối quan hệ với nhà nước, tổ chức xã hội có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Mối quan hệ này được xác lập vừa trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, vừa trên cơ sở mệnh lệnh công quyền.
Một mặt, tổ chức xã hội đàm phán, thỏa thuận với nhà nước những quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, mặt khác, tổ chức xã hội chịu sự quản lý, kiểm tra,
giám sát của nhà nước khi tổ chức xã hội tham gia vào quan hệ lao động. Dù trong mối quan hệ nào, tổ chức xã hội hay một cá nhân do tập thể lao động bầu hoặc cử ra cũng đều phản ánh yếu tố tự nguyện của người lao động và đạt mục đích bảo vệ quyền lợi của tập thể lao động.
Dưới góc độ pháp lý, đại diện lao động là một chế định trong đó chủ thể (tổ chức hoặc cá nhân) được nhà nước trao cho các quyền năng pháp lý nhất định thay mặt cho người lao động để thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Là tổ chức xã hội, song tổ chức đại diện lao động được nhà nước trao cho các quyền năng pháp lý nhất định khi tham gia quan hệ lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong quan hệ lao động, đại diện lao động là tổ chức xã hội do người lao động tự nguyện thành lập có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, có tư cách pháp nhân và cơ chế pháp lý bảo đảm hoạt động trên thực tế. Địa vị pháp lý của tổ chức đại diện lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động được xem là độc lập, bình đẳng trong đó, tổ chức này có quyền nhân danh mình hoặc có quyền thay mặt cho người lao động để thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đối với trường hợp một cá nhân do người lao động cử ra, pháp luật cũng thừa nhận và trao cho những quyền năng pháp lý nhất định để bảo vệ người lao động. Đối với các quốc gia khác nhau, pháp luật quy định quyền năng khác nhau cho cá nhân khi thực hiện chức năng đại diện.Trong một số trường hợp, pháp luật chỉ cho phép các chủ thể này được thực hiện quyền trong giới hạn nhất định. Điều này lý giải tại sao sự tham gia của tổ chức đại diện lao động là một tổ chức xã hội như là một điều kiện cho môi trường lao động dân chủ và công bằng hơn trong xã hội hiện đại[51; tr.72].
Đại diện lao động thể hiện một loại quyền được công ước quốc tế cũng như pháp luật quốc gia quy định. Theo đó, quyền tự do liên kết, tự do lập hội của người lao động được pháp luật thừa nhận trong Hiến pháp, trong Bộ luật Lao động và trong Luật Công đoàn của các nước khác nhau. Tập thể lao động tập hợp nhau lại để thông qua một tổ chức hoặc cá nhân do tập thể lao động lựa chọn, thay mặt người lao động bày tỏ ý chí của người lao động. Người lao động có quyền lựa chọn để gia
nhập hoặc không gia nhập một tổ chức nhất định mà không chịu sự ép buộc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Người lao động có quyền tự do bầu ra đại diện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Mọi sự can thiệp dưới các hình thức ảnh hưởng đến quyền tự do liên kết, tự do tổ chức của người lao động đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Dưới phương diện luật pháp, đại diện lao động được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, xác nhận việc tổ chức thành lập cũng như hoạt động của tổ chức đó, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan (người lao động, đại diện người lao động cũng như đại diện người sử dụng lao động) và ghi nhận những bảo đảm pháp lý cho tổ chức đại diện lao động được thực hiện.
Đại diện lao động là một chủ thể của quan hệ pháp luật lao động. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật lao động, đại diện lao động xác định cụ thể điều kiện trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật lao động. Theo đó, đại diện lao động có thể là một hoặc nhiều tổ chức xã hội được pháp luật quy định những điều kiện cụ thể để thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động. Chức năng này được thực hiện khi tổ chức đó được thành lập hợp pháp và thực hiện thông qua người đứng đầu tổ chức đó. Ngoài ra, tổ chức đó phải có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Điều đó vừa tạo ra tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức hoạt động của đại diện lao động vừa tạo ra sự quản lý cần thiết của nhà nước trong quan hệ lao động.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, tổ chức đại diện lao động là một đối tác của người sử dụng lao động. Trong đó, pháp luật ghi nhận cho các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng với nhau khi tham gia quan hệ lao động. Tuy nhiên, pháp luật chỉ tạo cơ sở cho các chủ thể quyền bình đẳng, còn thực tế tổ chức đại diện lao động có bình đẳng hay không lại phụ thuộc vào chính tổ chức đó. Mối quan hệ giữa tổ chức đại diện lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động vừa mang yếu tố thống nhất vừa mang yếu tố mâu thuẫn. Xét một cách khách quan, tổ chức đại diện lao động và người sử dụng lao động phải nhằm đạt đến những mục tiêu chung như: xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, ngăn ngừa hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, cùng chung tay để đạt mục tiêu về kinh tế… Tuy nhiên,
lợi ích của tổ chức đại diện lao động và người sử dụng lao động bao giờ cũng là những véc tơ trái chiều nhau. Để dung hòa lợi ích của người sử dụng lao động và của tập thể người lao động đòi hỏi tổ chức đại diện lao động phải có những khả năng nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, mối quan hệ giữa tổ chức đại diện lao động với người sử dụng lao động không chỉ diễn ra ở cấp doanh nghiệp mà còn có thể diễn ra ở cấp quốc gia, cấp khu vực. Điều đó đòi hỏi thái độ thiện chí cũng như sự hợp tác từ phía người sử dụng lao động.
Trong mối quan hệ với người được đại diện, tổ chức đại diện lao động thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của tập thể lao động. Việc đại diện và bảo vệ này diễn ra từ khi xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật lao động. Tổ chức đại diện lao động được pháp luật quy định các biện pháp pháp lý cần thiết để thực hiện chức năng đại diện của mình. Phạm vi đại diện ngày càng được mở rộng, nội dung đại diện ngày càng được chú trọng, chất lượng đại diện ngày càng được nâng cao.
Đại diện lao động là một chế định pháp luật lao động. Định chế pháp lý về đại diện lao động bao gồm những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận về thành lập, tổ chức đại diện lao động, quyền và nghĩa vụ của đại diện lao động và các bảo đảm pháp lý cho hoạt động của đại diện lao động.
Thuật ngữ đại diện lao động cũng đã được pháp luật các nước khác nhau quy định một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, quy định trong một chế định của đạo luật chung (Pháp, Thái Lan, Chile, Achentina, Philippin...) hoặc thừa nhận bằng một văn bản riêng biệt (Nga, Trung Quốc, Látvia, Singapore...).
Đại diện lao động trong các quốc gia khác nhau quy định phạm vi chủ thể, địa vị pháp lý khác nhau căn cứ vào hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Pháp luật của Nga và Trung Quốc đều xác định tổ chức công đoàn là tổ chức duy nhất được thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho tập thể lao động (Điều 2 Luật Công đoàn Nga, Điều 2 Luật Công đoàn Trung Quốc). Trong khi đó, pháp luật của Campuchia và Lào lại có những quy định khác về phạm vi đại diện cho tập thể lao động.