CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG
2.1 Đại diện lao động trong quan hệ lao động
2.1.2 Vai trò của đại diện lao động trong quan hệ lao động
Sự tồn tại của tổ chức đại diện lao động trong nền kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động bao giờ cũng gắn liền với sự tồn tại của tổ chức đại diện lao động. Không có mối quan hệ lao động nào lại không chứa đựng yếu tố đại diện lao động. Điều đó được lý giải bởi nhiều lý do.
Tham gia vào quan hệ lao động, người sử dụng lao động là người có vốn, có tài sản. Pháp luật trao cho người sử dụng lao động quyền quản lý lao động trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên con đường tìm kiếm lợi nhuận, đa số các chủ sử dụng lao động bao giờ cũng muốn khai thác triệt để sức lao động của người lao động, tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp bằng nhiều phương thức khác nhau. Người sử dụng lao động có thể tăng thời giờ làm việc của người lao động, chi phí cho các trang thiết bị máy móc hạn chế đến mức có thể, trả lương bằng hoặc cao hơn không đáng kể mức giới hạn pháp luật cho phép, cắt giảm các chế độ, chính sách của người lao động... Trong khi đó, với sức lao động mà mình bỏ ra, người lao động bao giờ cũng muốn được trả lương tương xứng hoặc cao hơn giá trị thực sức lao động, người lao động muốn được hưởng các chế độ đãi ngộ hợp lý trong quá trình lao động. Sự mâu thuẫn về lợi ích và các nhu cầu từ phía người lao động và người sử dụng lao động đã tạo ra các véc tơ lợi ích trái chiều nhau. Để bảo đảm lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, sự tồn tại của tổ chức đại diện lao động là một tất yếu.
Xét về địa vị pháp lý của các bên trong quan hệ lao động, người lao động bao giờ cũng ở vào vị trí thế yếu. Pháp luật quy định cho chủ sử dụng lao động rất nhiều quyền năng trong quá trình tuyển dụng lao động, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và chấm dứt quan hệ lao động đối với người lao động. Từ những quyền năng đã được pháp luật thừa nhận, người sử dụng lao động đã thực sự giữ vị trí chủ động, linh hoạt trong điều tiết lực lượng lao động và nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Điều đó xây dựng và tạo ra vị thế của người sử dụng lao động trong thị trường lao động. Người sử dụng lao động được coi là “kẻ mạnh” giữ vị trí thống lĩnh trong quan hệ lao động. Trong diễn đàn đó, người lao động chỉ có sức lao động
để bán và vũ khí cuối cùng như một “barie” an toàn cho họ đó chính là đình công.
Điều đó đồng nghĩa với việc xác định người lao động là “kẻ yếu” khi tham gia vào quá trình mua – bán sức lao động. Chính từ sự chênh lệch khác nhau về địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ lao động đòi hỏi phải có một tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi của chủ thể có vị trí thế yếu. Tổ chức đại diện lao động tồn tại vừa mang bóng dáng của một thực thể xã hội, vừa mang yếu tố thực thể pháp lý đứng ra bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho tập thể lao động trước sức ép của nền kinh tế thị trường. Một mặt, tổ chức đại diện lao động bảo vệ tập thể người lao động trước sự can thiệp của người sử dụng lao động vào các quyền và nghĩa vụ của mình, mặt khác tổ chức đại diện lao động nhằm thúc đẩy yếu tố cạnh tranh hợp tác trong lao động.
Sự tồn tại của tổ chức đại diện lao động trong quan hệ lao động để nhằm cân bằng vị thế giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tham gia trong quan hệ lao động, trên thực tế, tổ chức đại diện lao động là đại diện cho một bên quan hệ lao động, là đối tác của người sử dụng lao động, phản ánh tính bình đẳng, tính độc lập về vị thế của mình. Vị thế của người lao động được cân bằng với người sử dụng lao động thông qua việc pháp luật trao cho tổ chức đại diện lao động quyền năng đại diện cho người lao động. Trong quan hệ ba bên, tổ chức đại diện lao động cùng với người sử dụng lao động tham gia với Nhà nước để xây dựng chương trình, chính sách pháp luật liên quan mật thiết tới đời sống của người sử dụng lao động. Trong mối quan hệ hai bên, tổ chức đại diện lao động tham gia với người sử dụng lao động từ khi thiết lập, thay đổi và chấm dứt một quan hệ pháp luật lao động. Tổ chức đại diện lao động sẽ là nơi cung cấp thông tin về các chế độ chính sách cho tập thể lao động, đề đạt yêu cầu nguyện vọng của tập thể lao động đến với người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, người sử dụng lao động sẽ phản hồi giải quyết thỏa đáng những vấn đề tổ chức đại diện lao động đưa ra. Ngoài kênh trung gian trong việc truyền tải thông tin hai chiều, tổ chức đại diện lao động cũng thực hiện chức năng tham vấn, tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc trên cơ sở tôn trọng, hợp tác, bình đẳng và tự định đoạt.
Trên thế giới trong giai đoạn trước đây, cuộc đấu tranh chống thất nghiệp, tình
trạng thiếu việc làm, cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện bảo hiểm xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương, giảm giờ làm... là những mục tiêu chính của phong trào công đoàn thế giới. Tuy nhiên trong thế kỷ XXI, Tuyên bố của Diễn đàn Công đoàn họp tại Copenhagen (Đan Mạch) đã khẳng định công đoàn kêu gọi các Chính phủ cam kết thực hiện một chương trình hành động phối hợp toàn cầu để tạo ra công ăn việc làm đầy đủ, thích hợp cho tất cả mọi người, bảo đảm những thành quả tiến bộ xã hội là của chung tất cả mọi người và nó chỉ được thực hiện khi công đoàn thực sự được tham gia[79; tr.14-15].
Ở Việt Nam, trong phạm vi cấp doanh nghiệp, tổ chức đại diện lao động có vai trò quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cũng như phong trào công đoàn trên thế giới, trong nền kinh tế tập trung, tổ chức đại diện lao động chủ yếu bảo vệ người lao động thông qua việc yêu cầu người sử dụng lao động phải đáp ứng các mục tiêu như tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động... Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, vai trò của tổ chức đại diện lao động đã có sự thay đổi rõ nét. Ngoài việc đảm bảo cho người lao động được cải thiện về tiền lương, thu nhập, đảm bảo môi trường, điều kiện lao động an toàn, đạt chuẩn, đảm bảo về đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện tình trạng sức khỏe cho người lao động... tổ chức đại diện lao động còn đảm bảo cho người lao động được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển cá nhân, được đối xử bình đẳng, công bằng, được giữ gìn danh dự, nhân phẩm...[36; tr.58]. Trước đây, vai trò của tổ chức đại diện lao động chủ yếu là “đấu” và “đòi” thì nay vai trò ấy đã thực sự chuyển hướng sang “đối thoại”, “hợp tác” và “cùng phát triển”. Ngoài vai trò bảo vệ người lao động, tổ chức đại diện lao động còn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Trong đó, để hướng đến việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ cần phải đáp ứng các tiêu chí: i) phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp và tiến bộ; ii) phải có các thiết chế đảm bảo và hỗ trợ cho quan hệ lao động (bao gồm thiết chế của Nhà nước và các thiết chế hai bên, ba bên); iii) phải có tổ chức công đoàn (đại diện cho người lao động) và tổ chức đại diện người sử dụng lao động, có khả năng thực hiện đầy đủ, đúng chức năng của mình; phải có cơ chế tương tác, phối hợp tốt giữa các đối tác trong quan hệ lao động[88; tr.22]. Trong
mối quan hệ ba bên, tổ chức đại diện lao động thể hiện ý chí của mình đối với nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động. Trong mối quan hệ hai bên, tổ chức đại diện lao động tham gia trong quá trình thương lượng tập thể, hành động công nghiệp, tham gia xây dựng tiền lương, nội quy lao động... để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tổ chức đại diện lao động giữ vai trò trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động, thiết lập mối quan hệ hòa bình công nghiệp đáp ứng được các điều kiện của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với các quốc gia trên thế giới, dù ở vị trí, trình độ phát triển nào thì các quốc gia cũng đều có xu hướng chung là được thừa nhận và tiếp tục điều chỉnh quan hệ đại diện lao động phù hợp với điều kiện hiện nay. Các quốc gia đều thừa nhận tổ chức đại diện lao động trong hệ thống pháp luật của nước mình. Các quốc gia có thể thừa nhận mô hình đại diện lao động là tổ chức công đoàn đơn nhất hoặc đa công đoàn, cũng có thể thừa nhận tổ chức đại diện lao động khác tồn tại song song cùng với tổ chức công đoàn. Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức đại diện lao động, mở rộng chức năng, phạm vi chủ thể, tính chất hoạt động cũng như sự thừa nhận của pháp luật đối với tổ chức đại diện lao động.