CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ ĐẠI DIỆN LAO ĐỘNG
3.1 Thành lập và tổ chức đại diện lao động
3.1.3 Quy định về thành lập tổ chức đại diện lao động
Quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động là thủ tục cơ bản cho ra đời một tổ chức đại diện lao động. Trước đây quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động
bao gồm các bước cơ bản sau: i) Thành lập ban vận động; ii) Khảo sát, tuyên truyền vận động; iii) Xây dựng và ban hành các quy định, quy chế; iv) Lấy ý kiến của người lao động để quyết định việc thành lập tổ chức đại diện; v) Bầu Ban chấp hành lâm thời để hoạt động[108; tr. 89-93]. Như vậy, quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động trên thực tế cho thấy việc thành lập tổ chức đại diện thuộc về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, không phải do nội tại từ phía người lao động tự nguyện thành lập và người sử dụng lao động thừa nhận. Thực chất, quy trình thành lập này làm cho quyền tự do thành lập tổ chức đại diện lao động trở thành một loại quyền mang tính chính trị nhiều hơn là một loại quyền mang tính pháp lý và nó có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của tổ chức đại diện lao động ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, thực tế người sử dụng lao động cũng có vai trò và ảnh hưởng nhất định đến quá trình thành lập tổ chức đại diện lao động trên cơ sở có văn bản đồng thuận về việc thành lập tổ chức đại diện lao động, giới thiệu nhân sự vào Ban chấp hành công đoàn. Theo kết quả khảo sát tại 55 tỉnh cho thấy, người được tập thể giới thiệu chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 29,10%; trong khi công đoàn cấp trên giới thiệu chiếm 25,45%; người sử dụng lao động giới thiệu chiếm 45,45%[92; tr.201].
Có thể khẳng định, quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động này chịu sự chi phối, ảnh hưởng của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và người sử dụng lao động dẫn đến tính pháp lý của loại quyền tự do thành lập và hoạt động đại diện lao động mang màu sắc của một loại quyền chính trị.
Hiện nay, quy trình này được quy định một phần thông qua Điều 189, Bộ luật Lao động và Điều 16, Luật Công đoàn. Theo đó, quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động bao gồm các bước cơ bản sau: i) Tổ chức Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở; ii) Tổ chức Hội nghị thành lập; iii) Đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động không đủ khả năng tổ chức Ban vận động hoặc đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thành lập công đoàn cơ sở. Đây là một quy trình phản ánh đúng bản chất “quyền công đoàn” của người lao động. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, người lao động không có tổ chức đối trọng nào, họ có tâm lý “an phận” với thực
tại, việc tham gia thành lập hay không thành lập tổ chức đại diện lao động đối với họ không quan trọng. Khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng hoặc bị can thiệp từ phía người sử dụng lao động, đình công như là một loại “vũ khí” được người lao động sử dụng để phản kháng lại người sử dụng lao động. Không chỉ thế, đa số người lao động chưa có ý thức thành lập tổ chức đại diện lao động. Cũng có nhiều người lao động đặt câu hỏi “Vào tổ chức đại diện lao động để làm gì?” Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do sức ép của nền kinh tế thị trường, khả năng tìm kiếm việc làm tương đối khó khăn, một bộ phận người lao động thường được ký loại hợp đồng lao động ngắn hạn, người sử dụng lao động chưa thiện chí trong việc tạo và khuyến khích người lao động thành lập tổ chức đại diện lao động và chính tổ chức đại diện lao động cũng chưa chứng minh được những giá trị mà tổ chức đại diện lao động đem lại cho người lao động cũng như người sử dụng lao động và đại diện của họ.
Người lao động chưa chủ động trong việc thành lập tổ chức đại diện lao động, ít người lao động nhận thức được sự cần thiết của việc thành lập tổ chức đại diện lao động. Việc thành lập vẫn chủ yếu do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tác động và xúc tiến việc thành lập. Do đó, về bản chất, việc thành lập tổ chức đại diện lao động chưa xuất phát từ nhu cầu nội tại của người lao động, chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế, vẫn là hình thức “bình mới rượu cũ” mà chưa thực sự thay đổi yếu tố cốt lõi trong nhận thức của chính người lao động.
Thứ hai, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện thuận lợi và thừa nhận để tổ chức đại diện thành lập và hoạt động.
Pháp luật quy định khi công đoàn cơ sở được thành lập theo đúng quy định của Luật Công đoàn thì người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động (Điều 189, Bộ luật Lao động). Để thành lập theo đúng quy định của Luật Công đoàn, ngoài việc đảm bảo điều kiện về đối tượng có quyền thành lập tổ chức công đoàn, trình tự thủ tục gia nhập và hoạt động công đoàn tuân thủ theo Điều lệ công đoàn, các bên còn không vi phạm vào những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 5, Điều 9, Luật Công đoàn). Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người sử dụng lao động phải tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; phối hợp và tạo điều kiện thuận
lợi cho công đoàn cấp trên cơ sở tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên thành lập công đoàn cơ sở; đảm bảo các điều kiện để tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động (Điều 22 Luật Công đoàn, Điều 192 Bộ luật Lao động). Việc người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thành lập tổ chức đại diện lao động được hiểu là việc tôn trọng quyền công đoàn, việc đồng thuận trong thành lập và việc phối hợp trong xúc tiến để thành lập tổ chức đại diện lao động. Theo đó, sự thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi có những giá trị căn bản đưa lại cho cả doanh nghiệp và tổ chức đại diện lao động: i) Thủ tục ban hành nội quy nhanh chóng, thuận lợi; ii) Xây dựng được thỏa ước lao động tập thể (một "Luật của doanh nghiệp”) có tác dụng đối với việc điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động; iii) Đảm bảo các thủ tục pháp lý một cách cần thiết trong quá trình quản lý của người sử dụng lao động; iv) Tận dụng lợi thế địa vị pháp lý của các bên trong xây dựng quan hệ lao động…[145].
Tuy nhiên trên thực tế, một số chủ doanh nghiệp tìm cách gây khó khăn, không hợp tác, trì hoãn với công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong quá trình thành lập tổ chức đại diện lao động14. Ngược lại, có những doanh nghiệp sự can thiệp của người sử dụng lao động, sự tác động đến quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động đi theo chiều hướng có lợi như ủng hộ, phối hợp nhiệt tình, cung cấp đầy đủ các phương tiện để người lao động tổ chức vận động thành
14Qua khảo sát thực tế ở nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động đều có nhu cầu chính đáng tham gia
vào tổ chức công đoàn, tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà chủ sử dụng lao động luôn tìm mọi cách để không thành lập. Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký kinh doanh, song số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125[153]; Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 6.000 doanh nghiệp, nhưng mới chỉ có 344 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Phần lớn chủ sử dụng lao động né tránh vì cho rằng, thành lập tổ chức công đoàn là tự nguyện…[154]; Ông Nguyễn Xuân Lập, Trưởng Ban Tổ chức Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: Vận động thành lập công đoàn cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Những kết quả trên là thành quả cố gắng của cả hệ thống trong khoảng thời gian dài kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Theo ông Lập, một số đơn vị cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này; nhiều chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, né tránh, trì hoãn, kéo dài và không tạo điều kiện để người lao động gia nhập công đoàn[129];
lập công đoàn cơ sở, thậm chí, trong một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn hỗ trợ về tài chính cho người lao động. Nhiều người quan ngại xem đây là sự can thiệp mang tính chất hiệp thương để sử dụng tổ chức đại diện lao động vào hoạt động không cho phép hoặc phục vụ lợi ích cho người sử dụng lao động. Chính vì vậy, sự thừa nhận theo chiều hướng thuận hay nghịch đều ảnh hưởng đến quy trình thành lập tổ chức đại diện lao động. Việc pháp luật hiện nay chỉ quy định việc phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhưng lại không cụ thể hóa việc tạo điều kiện về thời gian, tạo điều kiện về mặt tài chính, tạo điều kiện trong phối hợp tuyên truyền hay tạo điều kiện trong góp sức thành lập và hoạt động đại diện lao động. Sự thiếu vắng các quy định mang tính giải thích chính thức trong văn bản pháp lý sẽ tạo ra các cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Vấn đề này cần phải được hoàn thiện trong thời gian tới.
Thứ ba, pháp luật quy định về vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc thành lập tổ chức đại diện lao động.
Điều 189, Bộ luật Lao động quy định "Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở”. Pháp luật cũng quy định công đoàn cấp trên cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Khoản 2, Điều 16, Luật Công đoàn). Về lý luận, các dạng quyền này của tổ chức công đoàn chủ yếu như là một "lời hiệu triệu", dạng quyền mang tính kêu gọi hơn là một quyền năng pháp lý thực thụ mang tính khuôn mẫu. Việc quy định này chưa đủ mạnh trong phạm vi đòi sự hợp tác từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương. Trong khi đó, thực tế cho thấy, cơ quan quản lý lao động địa phương giữ vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ lao động, người lao động cũng như người sử dụng lao động. Cơ quan quản lý lao động có chức năng quản lý lĩnh vực lao động bao gồm việc đảm bảo thực hiện các chính sách chế độ cho người lao động, quản lý về việc làm, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ
sinh lao động và các nội dung khác liên quan mật thiết đến quan hệ lao động như đăng ký nội quy lao động, thang bảng lương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vẫn chưa chủ động phối hợp với cơ quan quản lý lao động địa phương trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ để xúc tiến nhanh việc thành lập tổ chức đại diện lao động. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy định của pháp luật dưới dạng nghĩa vụ áp dụng trực tiếp cho cơ quan quản lý sẽ là rào cản trong quá trình đẩy nhanh việc thành lập tổ chức đại diện trên thực tế.