Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp tới hoạt động tài chính – ngân hàng ở miền Nam Việt Nam
1.1.3.1. Nhóm công trình về tiền tệ và ngân hàng ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc Tác phẩm Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859- 1939) của Jean Pierre Aumiphin do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1994 (Bản dịch của: Đinh Xuân Lâm, Ngô Thị Chính, Hồ Song, Phạm Quang Trung) đã nêu rõ những vấn đề cơ bản của Đông Dương dưới thời Pháp như sự lưu thông tiền tệ; vai trò chúa tể của Ngân hàng Đông Dương trong đời sống kinh tế - tài chính thuộc địa, sự phân bố và hoạt động của các vốn tư nhân và Chính phủ Pháp đầu tư vào Đông Dương qua các thời kỳ. Tác giả Aumiphin một mặt ghi nhận sự đóng góp của các nhà tư bản Pháp nhưng cũng đề cập tới mặt tiêu cực của sự hiện diện tài chính của Pháp đó là tính chất cho vay nặng lãi (của Ngân hàng Đông Dương) như một đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Đây là công trình tham khảo có giá trị về ngân hàng Đông Dương trước cách mạng tháng Tám.
Công trình “Lịch sử Tiền tệ Đông Dương và Ngân hàng Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX” chưa xuất bản và còn ở dạng bản thảo lưu hành nội bộ của Viện Nghiên cứu kinh tế tiền tệ, tín dụng và ngân hàng (Thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) năm 1978, hiện đang lưu tại Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Công trình đã phân tích về các loại hình tiền lưu hành ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX giữa thế kỷ XX. Dưới quan điểm Mác-xít, công trình cũng phân tích quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển cũng như đặc tính của ngân hàng Đông Dương, và phân tích các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng của Ngân hàng Đông Dương.
1.1.3.2. Nhóm công trình về cơ cấu, tổ chức ngân hàng của miền Nam Việt Nam Các công trình Vấn đề tiền tệ, ngân hàng và khuếch trương kinh tế tại Việt Nam tự do của Richard W. Lindholm xuất bản năm 1957, NXB Công Đàn (song ngữ), Sài Gòn là một trong những nghiên cứu sớm nhất về hệ thống tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Tác giả của công trình này đã từng nghiên cứu những nghiệp vụ kinh tế và cộng tác với nhiều nhóm Việt-Mỹ hỗn hợp ở miền Nam Việt Nam. Trong công trình này, NHQG được đặt trong mối tương quan với các vấn đề tiền tệ và các chính sách phát triển kinh tế của chính quyền, mối quan hệ giữa NHQG với ngân khố và các định chế tài chính tại Việt Nam cũng như so sánh mô hình tổ chức của NHQG với ngân hàng của Mỹ. Tuy nhiên do mục tiêu của công trình là biên soạn để phục vục cho những bài giảng đại cương về tiền tệ và ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử nên chưa đi sâu vào các hoạt động và vài trò của ngân hàng trong nền kinh tế miền Nam Việt Nam.
Năm 1970, tác giả Nguyễn Thu đã công bố tập tài liệu về Hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng miền Nam Việt Nam hiện nay và đối sách của ta trong giai đoạn Chính phủ Liên hiệp dân tộc dân chủ sắp tới, Tập bản thảo lưu tại NXB Sự Thật, Hà Nội. Công trình cũng là một trong những nghiên cứu sớm nhất của các học giả miền Bắc về hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam. Trong công trình này, tác giả đã phân tích một cách hệ thống về cơ cấu tổ chức và một số mặt hoạt động của hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam, trong đó có NHQG và các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, tác giả đã phân biệt hai loại ngân hàng ở miền Nam Việt Nam là hệ thống ngân hàng thuộc chính phủ (VNCH) và hệ thống ngân hàng tư bản tư nhân. Tuy nhiên, do xuất bản vào năm 1970 cho nên những hoạt động của hệ thống ngân hàng từ những năm 1970 đến năm 1975 được cho là thời kỳ phát triển mạnh của hệ thống ngân hàng thì không được đề cập đến.
Khi nghiên cứu về hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam, Hoàng Ngọc Khiêm trong “Nguyên tắc điều hành và kế toán hệ thống ngân hàng tại Việt Nam”, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn (1973) đã bàn về những nguyên tắc và quy chuẩn trong các nghiệp vụ ngân hàng ở miền Nam. Đây có thể coi là một trong những công trình hiếm hoi được xuất bản dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa trình bày tổng quát các vấn đề lý thuyết chung, các nguyên tắc căn bản mà các ngân hàng cần phải tuân thủ như: tỷ lệ ký gửi, trả tiền, cho vay và thể thức kế toán ngân hàng. Công trình này cũng được sử dụng trong một số trường đại học ở miền Nam trước năm 1975, phục vụ cho các sinh viên
chuyên ban kinh doanh và kinh tế thương mại. Vì tính chất khát quát của nó nên các vấn đề liên quan đến hoạt động cụ thể của hệ thống ngân hàng thì không được đề cập đến.
Bên cạnh đó còn một số công trình cũng đề cập đến các khía cạnh khác nhau của cơ cấu tổ chức ngân hàng ở miền Nam Việt Nam như: Tập bài giảng về tiền tệ và ngân hàng. Phần VIII, Hệ thống ngân hàng Pháp, hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, hệ thống tài chách Việt Nam, vấn đề an ninh nội bộ ngân hàng, các chương mục ngân hàng của Học viện Hành chính Quốc gia, xuất bản năm 1957; cuốn Chính sách tiền tệ Việt Nam: Từ thời kỳ Pháp thuộc đến đệ nhị cộng hoà của Nguyễn Anh Tuấn, xuất bản năm 1968; tác phẩm Đồng đôla trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồi ký Thăng Long năm 1997, NXB Trẻ…
Tuy nhiên, số lượng những công trình vẫn còn hạn chế. Những thay đổi trong cơ cấu tổ chức các cấp của hệ thống ngân hàng chưa được phân tích sâu. Các công trình trên, đề cập đến ngân hàng như một bộ phận của nền kinh tế, tài chính miền Nam Việt Nam, coi đây như một công cụ trong các chính sách kinh tế. Một số tác phẩm đã phân tích nhiều chiều cạnh của ngân hàng miền Nam Việt Nam như nghiệp vụ, quyền hạn ngân hàng, tuy nhiên chỉ được giới thiệu khái quát trong tổng thể nền kinh tế, mà chưa thấy được sự phân tích hoạt động của ngân hàng theo hướng chuyên sâu.
1.2.2.3. Nhóm công trình về hoạt động của hệ thống ngân hàng miền Nam Việt Nam Vấn đề ngân hàng ở miền Nam Việt Nam là chủ đề nghiên cứu trong các luận văn, luận án của học giả dưới thời VNCH, tiêu biểu như: Nhận xét về một số biện pháp kinh tế tài chính căn bản của chính phủ từ năm 1966 đến nay, Luận văn tốt nghiệp đốc sự hành chính, năm 1970 của Lê Tấn Tài; Ngân hàng Nông thôn Việt Nam là phúc trình tập thể của Nguyễn Tấn Dũng, Dương Hiệp Nghĩa, Phan Bá Phi, Đỗ Đình Tiến thuộc Viện Đại học Đà Lạt, Trường Chánh trị kinh doanh, niên khóa 1970- 1971; Ngân hàng phát triển kỹ nghệ Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia hành chánh, năm 1972 của Trịnh Nhạc Phi; Tài trợ tín dụng cho nông thôn Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh của Trần Văn Chốn năm 1972; Một giải pháp cho vấn đề nông tín khảo kê về ngân hàng nông thôn, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh của Nguyễn Khiết năm 1973; Hệ thống ngân hàng nông thôn Việt Nam Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh của Ngô Thị Hiến; Sự phát triển của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh của Diệp Văn Cấm..
Trong công trình Central Banking in South and East Asia” (Ngân hàng trung ương ở các nước Nam và Đông Á), của tác giả S. Gethyn Davies xuất bản năm 1960, NXB Oxford University, London đã trình bày những nét tổng quan về ngân hàng trung ương ở các nước “không cộng sản” ở Nam và Đông Á, nhấn mạnh vào vai trò của ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát ngoại hối và tín dụng. Bằng việc so sánh vai trò của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia như Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Việt Nam Cộng hòa, công trình đã cho thấy hoạt động ngân hàng trung ương các nước tập trung vào việc khuyến khích tín dụng nông nghiệp và sử dụng hệ thống thanh tra ngân hàng để điều chỉnh hệ thống ngân hàng địa phương. Công trình cũng phản ánh một số cuộc tranh luận về các vấn đề tài chính của Việt Nam Cộng hòa và Pakistan, trong đó nhấn mạnh Quỹ đối giá mà Hoa Kỳ đã áp dụng ở Hàn Quốc và Việt Nam Cộng hòa đã có ảnh hưởng đáng kể đến lịch sử tiền tệ của các nước này.
Đề cập đến vai trò của người Hoa trong hoạt động tài chính thương mại thời kỳ này là hai luận văn “Vấn đề Hoa Kiều tại Việt Nam” của tác giả Lưu Trường Khương, bảo vệ tại Học viện Quốc gia Hành chánh năm 1968, và công trình “Vai trò của Hoa kiều trong nền kinh tế Việt Nam” của Trương Hòa Tấn. Hai công trình này đều có cùng quan điểm là người Hoa đã chi phối hoạt động kinh tế ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại là trung gian phân phối các sản phẩm. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, người Hoa không chỉ ảnh hưởng tới các hoạt động tín dụng chính thống mà còn có một hệ thống tín dụng ngầm thống trị thị trường tài chính miền Nam.
Chính quyền VNCH ngay từ đầu đã có những chính sách để hạn chế sự lũng đoạn và thao túng của người Hoa ở miền Nam, tuy nhiên những ảnh hưởng của người Hoa vẫn là rất lớn đối với nền kinh tế miền Nam Việt Nam.
Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh của Diệp Văn Cẩm với tiêu đề “Sự phát triển của ngân hàng thương mại tại Việt Nam” (1969) đã trình bày sơ lược về quá trình hình thành của hệ thống ngân hàng thương mại ở miền Nam Việt Nam.
Luận văn cũng đề cập đến một số đặc điểm của ngân hàng thương mại như tập trung, cấp vốn chủ yếu cho ngoại thương và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, những lập luận trên được đưa ra mà chưa có sự phân tích chuyên sâu với những số liệu thuyết phục. Bên cạnh chỉ ra những mặt tích cực mà ngân hàng thương mại đã làm được cho nền kinh tế Sài Gòn như: gia tăng giao dịch thương mại, gia tăng khối tư bản, góp phần giảm áp lực lạm phát, tác giả còn nhấn mạnh tới mặt trái của hệ thống ngân hàng, sự thao túng của hệ thống ngân hàng đối với thị trường tài chính VNCH.
Trong Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh với tiêu đề “Tín dụng thương mại tại Việt Nam” (niên khóa 1969-1972) của tác giả Bùi Minh Nhựt đã khảo cứu một số hình thức tín dụng cổ truyền ở miền Nam Việt Nam như hụi, nghề cầm đồ, cho vay nặng lãi; sự hình thành của Quỹ tiểu thương tín dụng và một số phương tiện thực hiện chính sách tín dụng. Đặc biệt, tác giả cung cấp một số thông tin liên quan hoạt động tín dụng cho hoạt động thương mại, bao gồm cả tín dụng của các ngân hàng ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, luận văn chưa đi sâu phân tích tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng như vai trò của nó đối với nền kinh tế tài chính của VNCH. Trong luận văn, tác giả chỉ giới hạn trong những nghiệp vụ chính của ngân hàng mà chưa đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân cũng như phân tích ưu nhược điểm trong các hoạt động của ngân hàng thương mại cho nền kinh tế Sài Gòn.
Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh của Chế Minh Châu với tiêu đề “Tín dụng công kỹ nghệ tại Việt Nam” (1972) đã trình bày một số hoạt động của các cơ quan tín dụng có ảnh hưởng tới nền công nghiệp miền Nam Việt Nam như Trung tâm Khuếch trương kỹ nghệ, Công ty Sofidiv. Công trình đã cung cấp những số liệu quan trọng về các loại hình tín dụng công nghiệp của các tổ chức tín dụng phục vụ cho sản xuất công nghiệp và những ảnh hưởng của nguồn tín dụng này trong việc phát triển một số ngành công nghiệp ở miền Nam. Tuy vậy, luận văn chỉ dừng lại ở mức cung cấp số liệu mà thiếu sự so sánh giữa các loại hình tín dụng của ngân hàng, cũng như chưa lý giải được nguyên nhân sự thay đổi tín dụng cho công nghiệp qua các thời kỳ.
Công trình “Tín dụng kỹ nghệ” là luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh của Lâm Ngọc Báu (1972) đã trình bày một số sơ lược về sự thành lập và hoạt động của ngân hàng phát triển kỹ nghệ. Mặc dù đưa ra quan điểm cho rằng tín dụng dành cho hoạt động công nghiệp của các ngân hàng còn tương đối hạn chế, nhưng tác giả không chỉ ra những con số chứng minh thuyết phục và phân tích nguyên nhân cũng như động của chính sách trên tới nền công nghiệp miền Nam Việt Nam.
Công trình “Tín dụng và phát triển nông nghiệp Việt Nam Cộng hoà” là luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh của Ngô Quang Lãnh (1974) đã khẳng định sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ viện trợ của Hoa Kỳ và sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tác giả đồng thời cũng đưa ra những nhận định và so sánh về số lượng tín dụng cấp phát của các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng nông thôn và ngân hàng thương mại, đồng thời cũng có cùng quan
điểm với nhiều tác giả khi cho rằng bản chất của hệ thống ngân hàng thương mại chỉ nhằm tài trợ các hoạt động thương mại và công nghiệp.
Công trình “Hệ thống ngân hàng nông thôn Việt Nam” của Ngô Thị Hiến (Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh, niên khoá 1969-1972) đã trình bày về hoạt động của hệ thống ngân hàng nông thôn VNCH, đánh giá những mặt ưu, nhược điểm của ngân hàng. Một trong những đóng góp quan trọng của luận văn là đã phân tích vai trò của ngân hàng nông thôn với việc phát triển kinh tế của VNCH, tuy nhiên sự phân tích vẫn còn chưa sâu sắc và số liệu dẫn chứng chưa đủ sự phong phú, thuyết phục.
Luận văn tốt nghiệp với tiêu đề “Ngân hàng nông thôn” của Nguyễn Văn Tuấn (Học viện Quốc gia Hành chánh, niên khoá 1969-1972) đã trình bày về những yêu cầu cho việc ra đời hệ thống ngân hàng nông thôn, cung cấp những tư liệu liên hoạt đến bộ máy tổ chức và cơ chế vay vốn của ngân hàng. Luận văn bước đầu đưa ra những nhận định về vai trò của ngân hàng nông thôn đối với kinh tế nông nghiệp VNCH.
Luận án tiến sỹ của Trần Như Long với tiêu đề “Capital needs in the agriculture of south Vietnam” (Dịch là “Nhu cầu vốn trong nông nghiệp của miền Nam Việt Nam”) bảo vệ tại Đại học Florida năm 1976. Luận văn khảo luận về những ảnh hưởng của dòng vốn tới lĩnh vực nông nghiệp ở các khu vực đồng bằng, phía Tây, vùng Duyên hải và Tây nguyên của lãnh thổ VNCH. Tác giả đã khảo sát những điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp như: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ dưỡng, tình hình sản xuất các mặt hàng nông phẩm; các thể chế tín dụng cho vay. Tác giả cho rằng khi nguồn đầu tư tư bản giảm thì việc sản xuất và phân phối cũng bị suy giảm theo. Chính vì thế, để hoạt động sản xuất nông nghiệp khuyến khích sự phát triển kinh tế, thì việc gia tăng trong năng suất và thu nhập cần được kết hợp với việc gia tăng sử dụng nguồn vốn. Tác gỉa chỉ ra những nguyên nhân trong việc thiếu hụt nguồn vốn trong sản xuất nông nghiệp như: các tổ chức tín dụng tư quy mô nhỏ, lãi suất tín dụng không chính thức ở mức cao. Trong công trình của mình, tác giả cho rằng, mô hình xây dựng ngân hàng nông thôn ở miền Nam là theo kiểu của Philippines và được giúp đỡ của Philippines, đó là những ngân hàng tư nhưng được sự trợ giúp của chính phủ để đáp ứng nhu cầu về vốn của những hộ nông dân nhỏ. Trong vòng 5 năm đã có khoảng 200 ngân hàng tư được thành lập ở miền Nam, thậm chí ở những vùng sâu vùng xa.
Công trình “Lịch sử Ngân hàng nhà nước Việt Nam 1951-1976, Tập II” xuất bản năm 1996 do Tổ Nghiên cứu Lịch sử Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt