Chương 2: HỆ THỐNG NGÂN HÀNG Ở MIỀN NAM VIỆT NAM TỪ NĂM
2.1. Những nhân tố tác động tới sự hình thành và hoạt động của hệ thống ngân hàng
2.1.2. Tình hình chính trị, kinh tế ở miền Nam Việt Nam và chính sách viện trợ của Hoa Kỳ
- Tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genève:
Sau khi thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ, ngày 4/6/1954, Pháp vội vã ký với Chính phủ Bảo Đại một văn kiện trao trả độc lập cho Việt Nam (Treaty of Independance of the State of Vietnam) tại điện Matignon – dinh thủ tướng. Theo đó Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền theo công pháp quốc tế [257, tr. 240]7. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Genève được ký, Hiệp ước Matignon đã trở nên không bao giờ được hoàn thành [21, tr. 441-442].
Ngày 20/7/1954 Pháp buộc phải ký kết hiệp định Genève ở Thụy Sỹ. Theo đó, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền, lấy giới tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát miền Bắc Việt Nam và Quốc gia Việt Nam ở miền Nam Việt Nam. Trước nguy cơ đe dọa và mở rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á và để thực hiện ý định thay chân Pháp ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã gây áp lực để Chính phủ Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng vào tháng 6/1954. Ngày 23/10/1954, trong thư gửi cho Ngô Đình Diệm, Tổng thống D.
Eissenhower khẳng định Mỹ cam kết ủng hộ hoàn toàn và sẽ viện trợ kinh tế và quân sự trực tiếp cho chính phủ và quân đội của Diệm [106, tr. 60].
Dưới sự bảo trợ của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã lập nội các đầu tiên gồm 17 người do Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Chủ trương của Mỹ trong giai đoạn này là tăng cường số cố vấn và viện trợ Mỹ, xây dựng và củng cố chế độ Ngô Đình Diệm. Thực hiện chủ trương trên, Tổng thống Mỹ Aixenhao đã cử tướng J.L.Collins, nguyên Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ, sang Sài Gòn làm đại sứ. Trước khi đến Sài Gòn, Collins đã đưa ra một kế hoạch gồm 6 điểm: (1) Ủng hộ chính quyền Diệm. Viện trợ trực tiếp cho chính quyền Sài Gòn, không qua Pháp; (2) Xây dựng lại “quân đội quốc gia” cho Diệm gồm 15 vạn quân do Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí; (3) Tổ chức bầu Quốc hội miền Nam, thực hiện “độc lập” giả hiệu; (4) Thực hiện việc định cư cho
7 Hiệp ước Matignon chỉ được ký dưới dạng ghi nhớ giữa 2 Thủ tướng (là Thủ tướng Joseph Laniel và Bửu Lộc) chứ không phải nguyên thủ cao nhất của 2 bên (Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại).
số người Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa; (5) Thay đổi chế độ thuế khóa, giành ưu tiên cho hàng hóa Mỹ xâm nhập miền Nam Việt Nam; (6) Đào tạo cán bộ hành chính cho Diệm [19, tr. 165-166].
Về tổ chức bộ máy Nhà nước, ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm lấy tư cách là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam ban hành Hiến ước tạm thời tuyên bố sự ra đời chính thể cộng hòa, làm thay đổi hoàn toàn về mặt chính thể của Quốc gia Việt Nam8. Trên cơ sở của Hiến ước tạm thời, Tổng thống Ngô Đình Diệm, lúc này vừa là Quốc trưởng, vừa là Thủ tướng Chính phủ, có quyền lực tối cao. Dưới Tổng thống có Phó Tổng thống và Nội các Tổng thống. Nội các gồm 13 bộ, do Tổng thống trực tiếp điều hành. Đứng đầu NHQG có Tổng Giám đốc NHQG (về sau gọi là Thống đốc). Quy chế hoạt động của NHQG được soạn thảo dưới sự cố vấn của tiến sĩ Arthur I. Bloomfield, lúc đó là kinh tế trưởng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại New York và là nhân vật chính yếu đã khai sinh ra pháp chế ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc [136, tr. 1].
Trong những năm tháng tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng độc tài, gia đình trị. Bản thân Ngô Đình Diệm cũng không có được cơ sở xã hội vững chắc.
Vào tháng 4 năm 1961 tổng trưởng Mc.Govern quay trở lại Washington và nói với Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của Tổng thống John. F. Kennedy rằng: Diệm chỉ kiểm soát được 40% miền Nam Việt Nam, thậm chí 85% quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) được triển khai để chống lại các cuộc nổi dậy chứ không phải là chống lại cuộc chiến tranh quy ước từ Bắc Việt [268, tr. 310]. Từ năm 1964, đảo chính, thanh trừng diễn ra liên tục. Phong trào đấu tranh chính trị ngày càng sôi nổi từ nông thôn đến thành thị. Những bất ổn về mặt chính trị ở miền Nam trong những năm 1954-1964 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của giới kinh doanh, tác động tới nền kinh tế nói chung và hoạt động tài chính ngân hàng ở miền Nam Việt Nam nói riêng.
- Tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam:
Ngay sau Hiệp định Genève (1954) nền kinh tế ở miền Nam bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Sự giải thể của chế độ liên hiệp tiền tệ và quan thuế của các quốc gia liên kết vào năm 1954 đã khiến cho áp lực lạm phát trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó ở trong nước, những khoản tiền gửi ngân hàng ở miền Bắc phần lớn là của các xí nghiệp công nghiệp và thương mại, đã được chuyển hết vào Nam vào năm 1954. Khối
8 Hiến ước tạm thời ghi rõ: Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa; Quốc trưởng, đồng thời cũng là Thủ tướng Chính phủ, lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; trong khi chờ đợi Hiến pháp dược ban hành, các đạo luật và các lệ hiện hữu vẫn được tạm thời áp dụng [23, tr. 2].
tiền tệ của ngân hàng thay vì cung ứng cho số dân khoảng 24 triệu người trước đây, thì sau đó chỉ tập trung vào miền Nam Việt Nam với số dân khoảng 12 triệu người. Tính từng đầu người thì khối tiền tệ đã tăng gấp đôi. Điều này đã gây ra mối đe dọa lạm phát [224, tr. 96].
Vấn đề tiếp theo là cuộc di cư vào Nam của hơn một triệu người dân miền Bắc đã mang vào Nam một số tài sản và tiền mặt đáng kể. Có thể nói, quá nửa số tư bản của miền Bắc đã được di chuyển vào trong Nam [100, tr. 724]. Mọi cơ sở hoạt động kinh doanh của tư bản nước ngoài, kể cả một số tư sản Việt Nam ở các ngành, trong đó có ngành ngân hàng và tín dụng đều di chuyển tài sản vào miền Nam tiếp tục kinh doanh.
Đó là một nguồn bổ sung rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính quốc gia và tác động trực tiếp tới hoạt động thu đổi và phát hành tiền của NHQG.
Trong lĩnh vực ngoại thương, cho đến năm 1954, hoạt động ngoại thương của miền Nam Việt Nam vẫn chủ yếu bị giới người Pháp và người Hoa nắm giữ. Sau hiệp định Genève (7/1954), tư bản Pháp đã phải bán lại tài sản hoặc chuyển sang châu Phi làm ăn [44, tr. 56]. Do tình trạng chấm dứt đầu tư của các doanh nghiệp Pháp đã dẫn tới hai hệ lụy nghiêm trọng: Thứ nhất, các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng gia tăng mạnh. Những doanh nghiệp này bán tài sản, gửi tiền vào các ngân hàng Pháp và chờ cơ hội chuyển về Pháp. Nguồn vốn đầu tư vào các ngành kinh tế ở miền Nam bị sụt giảm mạnh. Thứ hai, do hầu hết các ngân hàng trong thời điểm lúc đó là của nước ngoài điều hành chủ yếu là các ngân hàng thương mại Pháp nên sau khi các doanh nghiệp Pháp bỏ đầu tư do e ngại chế độ Ngô Đình Diệm thân với Mỹ, các ngân hàng Pháp đã từ chối tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu của miền Nam gần như bị bế tắc, tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra khiến cho giá cả và nạn đầu cơ lan tràn.
Đặc biệt, trong thời kỳ đầu, ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn xảy ra cuộc biến loạn của lực lượng Bình Xuyên9. Những việc này đã có ảnh hưởng tai hại đối với nền kinh tế. Các ngân hàng Pháp còn đang hoạt động tại Việt Nam (lực lượng ngân hàng chính yếu tại miền Nam lúc đó) từ chối không chịu tài trợ nhập khẩu và lặng lẽ giao hàng tồn kho cho những thương gia người Hoa để đổi lấy những khoản lót tay khổng lồ. Hầu hết
9 Lực lượng Bình Xuyên thường được biết đến là một tổ chức tội phạm có thế lực, được trang bị vũ trang và có ảnh hưởng ở miền Nam Việt Nam, đứng đầu là Lê Văn Viễn (hay còn gọi là Bảy Viễn). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng này ủng hộ Việt Minh và chống lại sự tái chiếm của quân đội Pháp ở miền Nam. Lực lượng này có khoảng 3500 người được vũ trang và có sự tham gia của hàng nghìn thành viên, kiểm soát khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận. Năm 1955, lực lượng của Bảy Viễn đã trở thành mối đe dọa lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm [275, tr. 140].
các nhà doanh nghiệp đều tạm đình chỉ hoạt động hay chỉ hoạt động cầm chừng. Các nhà buôn thì cố gắng thanh toán kho hàng của họ để đổi lấy tiền mặt. Ngoại kiều thì tìm cách bán lại nhà cửa, đồ đạc, của cải để về nước. Do đó, đồng tiền Sài Gòn càng bị sụt giá ở chợ đen [139, tr. 47].
Năm 1960, cuộc đảo chính bất thành của quân đội do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu chống lại Tổng thống Ngô Đình Diệm càng làm tăng mức độ trầm trọng cuộc khủng hoảng chính trị ở miền Nam. Với sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1960, viện trợ Mỹ cho chính phủ VNCH cũng bắt đầu gia tăng cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. NHQG đã giữ vai trò then chốt trong việc tiếp nhận khối viện trợ đó, đồng thời cũng phải áp dụng những biện pháp tiền tệ phù hợp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của khối viện trợ của các nước, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, đối với nền kinh tế.
- Chính sách viện trợ của Hoa Kỳ:
Kể từ sau chiến tranh thế giới II, nhằm củng cố vị thế siêu cường số một thế giới, đồng thời thiết lập ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế và quân sự trên phạm vi toàn cầu, Hoa Kỳ đã xúc tiến mạnh mẽ việc thực hiện chính sách viện trợ bằng quân sự và kinh tế cho nhiều quốc gia, dưới hai hình thức chủ yếu: viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự, trong đó viện trợ quân sự được đặt lên hàng đầu. Trong chính sách viện trợ của Hoa Kỳ, viện trợ kinh tế có nhiệm vụ hỗ trợ các nước kém phát triển thiết lập và duy trì lực lượng quân sự ngăn chặn sự tấn công của “chủ nghĩa cộng sản” vào các nước này [306, tr. 16].
Dưới con mắt của các nhà chiến lược Hoa Kỳ thì Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng có một vị trí đặc biệt trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Theo cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ coi “Đông Dương là một bộ phận cần thiết trong chính sách ngăn chặn của chúng ta (tức của Mỹ), một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh” [76, tr.
43]. Tổng thống Kennedy cũng khẳng định trách nhiệm của Hoa Kỳ ở khu vực này:
“Việt Nam là hòn đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta.
Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó” [76, tr. 44].
Chính sách viện trợ của Hoa Kỳ cho VNCH thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau. Từ năm 1950, Tổng thống Mỹ Truman chính thức quyết định viện trợ cho Pháp
trong chiến tranh Đông Dương10. Đây là bước đầu tiên làm cho Mỹ trực tiếp dính líu vào chiến tranh Việt Nam. Viện trợ Hoa Kỳ cho ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương từ 19,5% năm 1950 đến năm 1954 đã tăng lên 73,9% [230, tr. 527].
Hiệp định Genève đã mở đường cho sự can thiệp quy mô của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ năm 1954 đến năm 1955, viện trợ Hoa Kỳ chủ yếu giúp chính quyền Sài Gòn giải quyết những vấn đề di cư, an ninh, quân sự quốc gia thông qua chương trình viện trợ thương mại. Chương trình viện trợ thương mại (CIP) được Hoa Kỳ triển khai từ những năm 1954-1955 do nhu cầu di dân từ miền Bắc vào [302, tr. B3]. Trong năm tài chính 1955, 320 triệu đôla được dành cho Việt Nam, trong đó 73% dành cho hoạt động quân sự, 18% cho hoạt động di dân và 9% cho viện trợ kỹ thuật và kinh tế [302, tr. B5]. Theo số liệu mà Douglas Dacy (1986) công bố, viện trợ quân sự cho VNCH trong giai đoạn 1955 – 1964 là 1.311,7 triệu đôla so với khoản viện trợ kinh tế cùng thời kỳ là 1.804,9 [253, tr. 202]. Nguồn viện trợ Mỹ các loại trong thời kỳ này vào khoảng trên dưới 300 triệu đôla/năm, đóng góp khoảng 30-40% các nguồn thu của ngân sách [302, tr. B3].
Để tiếp nhận nguồn viện trợ từ phía Hoa Kỳ và các nước đồng minh, hệ thống các ngân hàng đóng vai trò trung gian không thể thiếu trong chu trình viện trợ, đặc biệt là viện trợ thương mại. Trước năm 1954, tư bản Pháp và người Hoa thao túng và lũng đoạn hoạt động ngoại thương ở miền Nam, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu hàng hóa viện trợ của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, các ngân hàng của Pháp cũng đứng ra hàng đảm trách giao dịch hàng hóa viện trợ Mỹ cho Đông Dương. Chính vì thế, từ năm 1954, nhu cầu thiết lập một hệ thống ngân hàng của chính quyền Sài Gòn để tiếp nhận trực tiếp nguồn viện trợ của Hoa Kỳ và tạo các điều kiện thuận lợi cho giới kinh doanh của người Việt cạnh tranh với giới kinh doanh của người Hoa đã trở thành một yêu cầu bức thiết như trong tài liệu của chính quyền VNCH đã chỉ rõ:
Hiện nay Việt Nam (Cộng hòa) được sự viện trợ của Mỹ quốc. Nhưng những sự viện trợ ấy phải đi qua ngân hàng ngoại quốc. Nếu ngân hàng
10 Về mốc thời gian bắt đầu quá trình viện trợ của Hoa Kỳ cho miền Nam Việt Nam vẫn còn chưa thống nhất.
Theo tài liệu từ phía Việt Nam Cộng hòa “Tập san đặc biệt về chương trình viện trợ Mỹ tại Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Phi Luật Tân (Philippines), xuất bản tháng 9.1959”, Hồ sơ số 12033, Phông Đệ nhất Cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr. 3, ghi rằng: viện trợ Mỹ cho Việt Nam, cũng như trường hợp của Lào và Campuchia bắt đầu từ năm 1948 thông qua Pháp. Nhưng theo như ghi chép của phía Hoa Kỳ trong hồ sơ “United States Agency for International Development (1975), United States economic assistance to South Vietnam, 1954- 1975, Washington, D.C, B3 thì cho rằng: Hoa Kỳ viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam từ năm 1950 và nguồn viện trợ này được cung cấp thông qua sự hợp tác với chính phủ Pháp nhưng với số lượng hạn chế [302, tr. B2].
Quốc dân Việt Nam được thành lập, thì nước Việt Nam (Cộng hòa) nhận được sự viện trợ Mỹ quốc dễ dàng hơn. Sự thu xuất đó do ngân hàng quốc dân Việt Nam (Cộng hòa) đảm nhận [136, tr. 2].
Cùng với viện trợ quân sự và kinh tế là hệ thống cố vấn Hoa Kỳ có mặt trên hầu khắp các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị của VNCH11. Giáo sư kinh tế Nguyễn Văn Hảo dưới thời VNCH cũng nhận xét: “Không có một Nha/Sở, một đơn vị quân đội hay một guồng máy hành chính nào mà không có sự hiện diện của các cố vấn Hoa Kỳ”
[145, tr. 32]. Dưới áp lực của chiến tranh và sự có mặt của cố vấn Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, nhu cầu chi tiêu, đổi tiền và việc chi trả cho các cung ứng hàng hóa và dịch vụ cũng tăng lên nhanh chóng.