Chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 45 - 57)

Chương 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

2.1.3. Chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam hiện nay

Sinh viên Việt Nam là một bộ phận của thanh niên Việt Nam. Từ điển tiếng Việt (2006), xếp "sinh viên" vào danh từ và định nghĩa là "những người học ở bậc đại học" [126, tr.860].

Theo tài liệu của Trung ương hội sinh viên Việt Nam (1998): "Sinh viên Việt Nam là công dân Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng trong và ngoài nước" [118, tr.7].

Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (1993) về Công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo thì "người đang học đại học và cao đẳng gọi là sinh viên" [17, tr.6].

Theo quy định tại Điều 59, Luật Giáo dục đại học 2012 sinh viên là người học "các chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học."

Từ những nội dung trên có thể đưa ra khái niêm sinh viên như sau: Sinh viên hiểu theo nghĩa chung nhất, là tất cả những người đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng, thuộc mọi loại hình đào tạo.

Sinh viên là đối tượng tiêu biểu cho nhóm xã hội đặc thù, nhạy cảm, nhiều hoài bão, khát khao tìm tòi cái mới, có tri thức, có điều kiện, phương tiện giao lưu quốc tế nhanh nhạy bén, mạnh dạn chủ động và thực tế.

Đạo đức của sinh viên, nếu xét theo mối quan hệ chung - riêng, ta có đạo đức cộng đồng sinh viên và đạo đức cá nhân sinh viên. Đạo đức cộng đồng sinh viên phản ánh tồn tại xã hội của cộng đồng sinh viên và là phương thức để điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong cộng đồng sinh viên ấy. Đạo đức cá nhân sinh viên là đạo đức của từng cá nhân sinh viên riêng lẻ, phản ánh và khẳng định sự tồn tại của các cá nhân ấy như là thể hiện sự riêng rẽ của tồn tại xã hội về lợi ích và hoạt động của các cá nhân. Cả hai thành tố kết cấu ở đây, đều gắn liền với môi trường học đường (nhà trường, ký túc xá) - một nét riêng có của đối tượng này.

Đạo đức sinh viên là một bộ phận của đạo đức xã hội. Ngoài những điểm chung của đạo đức xã hội, đạo đức sinh viên có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, sinh viên có sự phát triển chưa chín muồi về mặt nhân cách đạo đức. Nhân cách đạo đức sinh viên là tổng thể những phẩm chất đạo đức (nhu cầu, tình cảm, niềm tin, tri thức, lý tưởng, năng lực đạo đức…) của người sinh viên. Nhân cách đạo đức sinh viên được thể hiện, thực hiện trong hoạt động học tập, trong hoạt động ứng xử thông qua các quan hệ chủ đạo:

quan hệ thầy - trò, quan hệ bạn bè, tình yêu…, trong hoạt động xã hội mà tập trung trong các hoạt động văn thể của mỗi cá nhân sinh viên. Với độ tuổi chủ yếu từ 18 đến 25, sinh viên đang ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhân cách đạo đức, hay nói cách khác nhân cách đạo đức của sinh viên là một nhân cách đạo đức chưa hoàn thiện, đang trong quá trình hình thành và phát triển.

Điều này được thể hiện rõ nét ở sự lựa chọn các chuẩn mực đạo đức. Sự lựa chọn đó đôi khi còn chưa rõ ràng và thể hiện sự dao động. Vì vậy, khi có sự tác động về đạo đức tích cực, đặc biệt là những tấm gương sáng về đạo đức,

về nhân cách, thì đạo đức sinh viên sẽ phát triển theo hướng tích cực và ngược lại họ cũng dễ bị bị lôi kéo bởi những nhân tố đạo đức tiêu cực. Do đó, nếu có sự quan tâm sẽ kịp thời phát hiện và tìm ra những biện pháp giúp họ tránh được những ảnh hưởng của các nhân tố đạo đức tiêu cực. Đây là biện pháp quan trọng có vai trò định hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức của sinh viên hiện nay.

Thứ hai, sinh viên là đối tượng dễ thích nghi, dễ tiếp thu những giá trị, những chuẩn mực đạo đức mới. Với đặc điểm của tuổi trẻ là nhạy cảm, thích khám phá cái mới, lại được sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nên sinh viên dễ dàng tiếp cận những giá trị đạo đức mới. Tuy nhiên, trước sự tác động nhiều mặt của xu thế toàn cầu hóa hiện nay đến đạo đức sinh viên, cần có sự định hướng đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của Hội Sinh viên Việt Nam, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội, để sinh viên có những nhận thức đúng đắn về những giá trị của chuẩn mực đạo đức.

Thứ ba, do còn thiếu chín chắn trong nhận thức, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên một bộ phận sinh viên còn chủ quan, cảm tính trong đánh giá đạo đức, chuẩn mực đạo đức.

Chuẩn mực đạo đức sinh viên là các phẩm chất đạo đức tiêu biểu trong nhân cách của người sinh viên. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức sinh viên và phẩm chất đạo đức sinh viên là mối quan hệ giữa yêu cầu khách quan của xã hội và khả năng chủ quan của mỗi chủ thể đạo đức sinh viên có thể đáp ứng.

Chuẩn mực đạo đức sinh viên tạo ra những cơ sở, tiền đề khách quan để hình thành các phẩm chất đạo đức sinh viên, nhưng với điều kiện chúng phải được các chủ thể đạo đức đó nhận thức, chuyển thành ý thức, niềm tin, thói quen, hành vi đạo đức hàng ngày.

Để chuẩn mực đạo đức sinh viên luôn bám sát cuộc sống, thường xuyên đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội, đòi hỏi các chủ thể đạo đức đó phải

luôn bám sát thực tiễn xã hội, nhiệm vụ sinh viên, hiểu rõ tính chất, đặc điểm của các hoạt động sinh viên để đánh giá, bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức sinh viên.

Có thể khái quát chuẩn mực đạo đức sinh viên như sau: Chuẩn mực đạo đức của sinh viên là những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được xã hội thừa nhận và trở thành những mực thước, khuôn mẫu để sinh viên xem xét đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình trong xã hội.

Như vậy, chuẩn mực đạo đức sinh viên là một yếu tố đặc trưng, thuộc về ý thức đạo đức sinh viên. Là một yếu tố nối liền lý tưởng đạo đức và hiện thực đạo đức sinh viên, chuẩn mực đạo đức sinh viên trở thành một yếu tố có bản, thường xuyên có mặt trong các hoạt động của sinh viên. Và với mỗi sinh viên, chuẩn mực đạo đức góp phần tích cực vào việc hoàn thiện nhân cách người sinh viên Việt Nam hiện nay.

Các chuẩn mực đạo đức của sinh viên rất phong phú, song với phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả sẽ đi sâu nghiên cứu chuẩn mực nguyên tắc đạo đức sinh viên và chuẩn mực hành vi đạo đức sinh viên:

Chuẩn mực nguyên tắc đạo đức sinh viên, là những chuẩn mực định hướng hoạt động chung nhất cho mọi sinh viên, góp phần thúc đẩy tính tích cực hoạt động của sinh viên. Đó cũng chính là những chuẩn mực nguyên tắc của đạo đức cộng sản, giữ vai trò định hướng xuyên suốt đời sống đạo đức sinh viên (chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, lao động tự giác sáng tạo…)

Chuẩn mực hành vi đạo đức sinh viên, đó là những chuẩn mực đạo đức cụ thể tham gia vào điều chỉnh những hoạt động của đời sống sinh viên, làm cho các hoạt động của sinh viên được kiểm soát chặt chẽ, phát huy được cao nhất tinh thần tự giác của sinh viên. Đó là các chuẩn mực đạo đức xác định yêu cầu cụ thể trong các hoạt động học tập và rèn luyện của sinh viên.

Ở giai đoạn lịch sử nào thì việc xác định những chuẩn mực đạo đức cho sinh viên là điều không thể thiếu. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước thì điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết" [87, tr.455].

Tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ hai, Người nói:

Thanh niên phải có "đức", "có tài", có "tài" mà không có "đức" ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn hại cho xã hội nữa. Nếu có "đức" mà không có "tài" ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người [89, tr.172].

Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã chỉ rõ những yêu cầu về phẩm chất, con người mới Việt Nam hiện nay, đó là:

- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực [33, tr.58-59].

Quan điểm chỉ đạo của Đảng được xác định cụ thể: "Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người "vừa hồng, vừa chuyên" theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội" [36, tr.41].

Trong Chỉ thị số 42 - CT/TW của Ban Bí thư "Về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030", đã chỉ ra như sau:

Giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa [6].

Và đặc biệt trong phương hướng, nhiệm vụ của Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã nhấn mạnh:

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc. Khẳng định tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị đẹp, nhân văn [41, tr.126 - 127].

Có thể nói, trong bối cảnh của đất nước hiện nay, một hệ thống các giá trị đạo đức mới, các chuẩn mực đạo đức mới đang dần dần được hình thành.

Các chuẩn mực đạo đức mới không chỉ mang tính hiện đại mà còn dựa trên nền tảng của những giá trị đạo đức truyền thống, của sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Do đó, việc xác định những chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam cần lưu ý những nguyên tắc sau:

- Xác định giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của thanh niên, lấy đó làm cơ sở để xây dựng chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam hiện nay.

- Xây dựng chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam hiện nay phải tuân thủ quy luật kế thừa trong sự phát triển của đạo đức, bảo đảm sự kết dính giữa giá trị truyền thống và hiện đại.

- Xây dựng chuẩn mực đạo đức ở sinh viên theo những chuẩn mực đạo đức cộng sản đồng thời hết sức coi trọng việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống. Lấy đạo đức Hồ Chí Minh làm cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cộng sản, kiên trì, bền bỉ, không nóng vội chủ quan, nêu gương sáng về đạo đức cho sinh viên noi theo.

- Xây dựng chuẩn mực đạo đức ở sinh viên hiện nay cần hướng đến những tiêu chí như: giáo dục cho sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, biết sống có lý tưởng và hoài bão cao đẹp; vừa tích cực học tập và học tập giỏi, có trình độ văn hoá cao, có khả năng nhanh chóng tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ để lập thân, lập nghiệp, vừa nhiệt tình với các hoạt động xã hội, tương thân tương ái, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng; có tinh thần sáng tạo và sáng tạo không ngừng; vừa tiếp thu có chọn lọc các giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại, vừa kế thừa và tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc.

Trên cơ sở nguyên tắc xây dựng chuẩn mực đạo đức ở sinh viên, có thể khái quát thành những chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất: Giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Yêu nước là một trong những tình cảm tự nhiên sâu sắc nhất của mỗi con người và đã được củng cố qua hàng ngàn năm tồn tại của mỗi quốc gia dân tộc. Khi lòng yêu nước phát triển lên một trình độ nhận thức sâu sắc và có hệ thống, chi phối một cách có ý thức mọi hành vi ứng xử của con người, thì lúc đó nó trở thành chủ nghĩa yêu nước. V.I.Lênin đã từng khẳng định: "Chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất đã được củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập" [124, tr.226].

Đối với dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước đã thấm sâu trong nhân dân như mạch nước ngầm trong lòng đất, nó bắt nguồn từ mỗi con người, từ mỗi làng xóm tạo thành truyền thống của cả cộng đồng dân tộc, tạo thành chủ nghĩa yêu nước.

Yêu nước ở sinh viên Việt Nam cũng mang đậm sắc thái, nội dung của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, biểu hiện trong cuộc sống là ý thức về cội nguồn, tự hào về văn hóa dân tộc, về chủ quyền quốc gia, ý chí tự lực tự cường, ý thực tự tôn dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc của nhân dân lên trên hết, chăm lo xây dựng quê hương đất nước; yêu thương những người thân trong gia đình, làng xóm, gắn bó với quê hương; yêu lao động; chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng quả cảm hy sinh. Điều này đã được lịch sử dân tộc chứng minh rõ nét, trong đó, tiêu biểu là nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã từng nói: "Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh pháp, tìm xem những gì ẩn đằng sau những từ ấy và tôi vượt biển ra nước ngoài" [131, tr.18]. Và Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một

chiến sĩ cộng sản vào năm 1920, khi đó Người mới 30 tuổi, Người đã bắt tay vào cuộc vận động cách mạng, tập hợp những thanh niên ưu tú nhất, làm nòng cốt cho sự ra đời của tổ chức Cộng sản - tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam và là nhân tố quyết định cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều thế hệ sinh viên đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia đấu tranh anh dũng để bảo vệ Đảng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nếu như trước đây trong cách mạng giải phóng dân tộc, yêu nước của sinh viên Việt Nam là gác bút nghiên xung phong vào Vệ quốc quân, người người lên đường "Nam tiến", người người đi sơ tán lên vùng rừng núi, căn cứ địa cách mạng để tiếp tục học tập trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, với mục tiêu để tái thiết đất nước sau giải phóng. Thì ngày hôm nay, trong bối cảnh thế giới đầy những biến động phức tạp, yêu nước của chuẩn mực đạo đức mới ở sinh viên là yêu nước xã hội chủ nghĩa, là lòng tự hào dân tộc, tự hào về những gương anh hùng bất khuất, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân, là tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của tổ quốc. Yêu nước phải gắn với ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo trong lao động, học tập và nghiên cứu, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Giữ gìn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tinh thần yêu nước chân chính hiện nay còn được thể hiện trong đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập và quyền bình đẳng của dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thanh niên, sinh viên mà Đảng và Trung ương Hội sinh viên Việt Nam đã đề ra.

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 45 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)