Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM KHẮC PHỤC SỰ LỆCH
4.2.2. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận
4.2.2.1. Nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, Ban giám đốc, Ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận sinh viên đại học Đại học Thái Nguyên hiện nay
Để nâng cao hơn nữa công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay, trước hết cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc, Ban giám hiệu Đại học Thái Nguyên.
Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Ban giám đốc, Ban giám hiệu các trường trong Đại học là vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay. Với nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban giám đốc, Ban giám hiệu các trường thành viên trong khối Đại học Thái Nguyên, với sức mạnh của các đoàn thể, các phòng ban chức năng trong việc xây dựng một môi trường nhà trường nhân văn. Đảng uỷ, Ban giám đốc, Ban giám hiệu các trường thành viên giữ vai trò là chủ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nhận thức và
hành động, xây dựng chiến lược phát triển, thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các phòng ban chức năng, để xây dựng một môi trường nhà trường thực sự thân thiện hiệu quả. Một môi trường nhà trường nhân văn phải đảm bảo tính kỷ cương, kỷ luật học đường, dạy và học đạt chất lượng cao, quan hệ thầy trò trong sáng, tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học được nêu cao. Như tác giả Nguyễn Minh Hiếu, trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã chỉ ra như sau: "Tăng cường trật tự, kỷ cương, xây dựng, củng cố nền nếp thực hiện trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học. Phấn đấu để mọi hoạt động của nhà trường đều có tác dụng giáo dục thiết thực và sâu sắc đối với sinh viên" [58, tr.13], có như thế mới có thể khắc phục được những lệch chuẩn đạo đức trong một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay.
4.2.2.2. Triển khai cuộc vận động "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh" theo tinh thần Chỉ thị 05- CT/TW, của Bộ Chính trị
Tiếp nối những thành công của việc thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, nhằm khắc phục những lệch chuẩn đạo đức trong một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" như Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra. Đối với sinh viên cần nhấn mạnh hai nội dung chủ yếu là: Rèn đức và luyện tài, cụ thể là:
- Đối với rèn đức:
+ Về nội dung: Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, kiên định lý tưởng "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc,
vì nhân dân, phấn đấu vì "một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội" [41, tr.10]. Xây dựng bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, trung thực; tiết kiệm trong tiêu dùng không xa hoa, lãng phí; chống lối sống lại căng, thực dụng; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết. Quan tâm và kính trọng người lớn tuổi, thầy cô giáo; chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tiếp thu có chọn lọc văn hoá thế giới; đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội.
+ Về biện pháp: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các hoạt động giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lý luận chính trị, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và của ngành giáo dục. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức công dân, giáo dục đạo đức lối sống, nếp sống văn minh, lành mạnh. Tổ chức cho sinh viên đăng ký thi đua và thực hiện tiết kiệm trong sinh hoạt, học tập. Đẩy mạnh phong trào "sinh viên tình nguyện", tập trung tổ chức tốt các hoạt động tình nguyện tại chỗ, trong nhà trường và trên địa bàn dân cư.
Thường xuyên tổ chức các "ngày thứ bảy tình nguyện", "ngày chủ nhật xanh", các hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", các hoạt động nhân đạo, từ thiện "vì cuộc sống cộng đồng", "hiến máu nhân đạo"… Thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng "ký túc xá xanh - sạch - đẹp", "nhà trọ văn hoá". Đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội;
phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong sinh viên.
- Đối với luyện tài:
+ Về nội dung: Xây dựng thái độ, tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học thực chất, cần cù, sáng tạo, làm việc gì cũng phải học, học suốt đời. Ra sức học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nắm vững kiến thức khoa học, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng đất nước và tự tin trong hội nhập quốc tế.
Xác định thái độ, động cơ học tập đúng đắn, có tinh thần vượt khó trong học tập, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực trong học tập, thi cử, kiểm tra; chống tụt hậu về trình độ, kiến thức khoa học và nhận thức xã hội những biểu hiện tự ti, mặc cảm trong hội nhập kinh tế quốc tế, chống chây lười, thụ động, ỷ lại, thiếu sáng tạo.
+ Về biện pháp: Tổ chức các hoạt động giáo dục về thái độ, động cơ học tập đúng đắn trong sinh viên. Đẩy mạnh phong trào "thi đua học tập tốt"
và phong trào "sáng tạo trẻ", các hoạt động hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi Ôlympic các môn khoa học, các hội nghị nghiên cứu khoa học, sinh viên khởi nghiệp… tạo môi trường thuận lợi để sinh viên học hỏi, trau dồi kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, vận động các nguồn lực xây dựng, duy trì và mở rộng các quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi và các tài năng trẻ.
4.2.2.3. Tập trung thực hiện giáo dục, bồi đắp những phẩm chất, kiến thức cần có cho sinh viên đồng thời đấu tranh phòng, chống các biểu hiện lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên
- Về giáo dục, bồi đắp những phẩm chất, kiến thức cần có cho sinh viên, cần chủ động, tự giác giáo dục, trang bị cho mình có được các nhóm phẩm chất, kiến thức như sau:
+ Có lòng yêu nước, yêu nhân dân, với nội hàm, biểu hiện thành hành động chủ yếu trong nhà trường hiện nay là: Yêu tập thể chi đoàn, chi hội, lớp và nhà trường, yêu phòng ở, ký túc xá, nhà trọ, cụm dân cư nơi mình sinh sống, yêu thương quý trọng thầy cô, bạn bè và nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng vì mục đích chống phá chế độ và đất nước; tích cực đấu tranh chống
"diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.
+ Có danh dự và trách nhiệm với nội hàm biểu hiện, hành động chủ yếu trong giáo dục hiện nay là: Thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân đối với đất nước, địa phương nơi mình cư trú, thực hiện đẩy đủ trách nhiệm của người sinh viên đối với nhà trường; ăn mặc, giao tiếp, sinh hoạt lành mạnh, văn hoá, không nói tục, chửi thề, bảo vệ của công; giữ gìn, pháp huy, bảo vệ danh dự người sinh viên Việt Nam và sinh viên trường mình, khoa mình, lớp mình: Không làm điều gì tổn hại đến uy tín cá nhân, bạn học, lớp, khoa, nhà trường, đoàn thanh niên và hội sinh viên; đấu tranh đối với mọi biểu hiện, hành vi lệch chuẩn đạo đức trong lớp, khoa, nhà trường, nơi cư trú và ngoài xã hội.
+ Có kiến thức và kỹ năng với nội hàm, biểu hiện hành động chủ yếu trong giáo dục hiện nay là: có thái độ học tập, tự học tập, nghiên cứu, làm bài thi và kiểm tra đúng đắn, học tập, tiếp thu đầy đủ, sáng tạo các kiến thức được nhà trường giảng dạy, trang bị, tích vực học tập, tiếp thu kiến thức mới, chủ động tham gia các hoạt động thực hành, thực tế, nghiên cứu khoa học, chủ động tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống (kỹ năng viết báo cáo khoa học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xin việc…)
Để giúp sinh viên có được những kiến thức, phẩm chất nêu trên, đòi hỏi các tổ chức Đoàn, Hội cần:
+ Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về những phẩm chất, kiến thức cần có của người sinh viên: có lòng yêu nước,
yêu nhân dân, có danh dự trách nhiệm, có kiến thức và kỹ năng thông qua những hình thức sinh động như: tuyên truyền trực quan bằng bản tin, áp phích, tờ rơi… và tuyên truyền gián tiếp qua các chương trình phát thanh, các tờ tin, hoặc qua trang Web của nhà trường, của đoàn thanh niên, hội sinh viên, cũng có thể qua mạng xã hội phổ biến trong sinh viên (facebook)…
+ Tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm xây dựng tập thể chi đoàn, chi hội, tập thể lớp, phòng ở, ký túc xá, nhà trọ văn hoá để đoàn viên, hội viên, sinh viên tham gia như: tổ chức xây dựng chi đoàn, chi hội… chủ động trong công tác, chủ động học tập, thi phòng ở kiểu mẫu, nhà trọ văn hoá, tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, định hướng dư luận trong sinh viên, tổ chức các diễn đàn sinh viên, các sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chính trị…
+ Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống tôn sư, trọng đạo, tương thân, tương ái, với các hoạt động cụ thể như: phong trào sinh viên giúp sinh viên (chia sẻ kinh nghiệm học tập, hỗ trợ giới thiệu nhà ở…) phong trào tham gia xây dựng khu dân cư văn hoá, phối hợp giới thiệu, tổ chức cho sinh viên học tập tốt các đợt sinh hoạt công dân, sinh viên đầu khoá, cuối khoá; tham gia các hoạt động xây dựng môi trường tự nhiên, môi trường giáo dục của nhà trường. Tổ chức các diễn đàn, các hoạt động nhằm định hướng thẩm mỹ ăn, mặc, giao tiếp cho sinh viên; thường xuyên phát động sinh viên đấu tranh đối với mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực trong lớp, khoa, nhà trường nơi, cư trú và ngoài xã hội.
+ Tăng cường tổ chức các sinh hoạt học thuật cho sinh viên như: tổ chức các diễn đàn, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề từ cấp chi đoàn, chi hội đến cấp trường, cấp toàn Đại học, tổ chức các diễn đàn, hội nghị trao đổi phương pháp học tập, sử dụng giảng đường, thư viện dành cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu, phát triển hệ thống câu lạc bộ môn học, ngành học, các cuộc thi học thuật, kỹ năng sống…
+ Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện hoặc các diễn đàn về kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng cần thiết phục vụ việc học tập, nâng cao kiến thức và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp, như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi giới thiệu về các kỹ năng viết, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng viết báo cáo khoa học, kỹ năng xây dựng chuyên đề, luận văn tốt nghiệp… Tổ chức và vận động sinh viên tham gia các hoạt động tập thể nhằm tạo môi trường cho sinh viên thực hành kỹ năng tổ chức, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng trong sinh hoạt tập thể.
- Về đấu tranh phòng, chống các biểu hiện lệch chuẩn đạo đức trong sinh viên, phải đạt được các tiêu chí sau:
+ Không tiêu cực trong thi cử với nội hàm, biểu hiện thành hành động chủ yếu trong giáo dục hiện nay là: không trốn học, trốn tiết, không mang tài liệu và sử dụng tài liệu trong thi cử (đối với những môn không sử dụng tài liệu); không xin điểm, mua điểm.
+ Không tệ nạn xã hội với nội hàm, biểu hiện, hành động chủ yếu trong giáo dục hiện nay là: không tham gia chơi lô, đề, đánh bài bạc, ma tuý, mại dâm, không đua xe và cổ vũ đua xe, không xem và truyền bá văn hoá đồi truỵ, không vào các trang Web không lành mành.
+ Không đứng ngoài phong trào sinh viên với nội hàm và biểu hiện thành hành động chủ yếu trong giai đoạn hiện nay là: Tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, chủ động tham gia các hoạt động học thuật, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội.
Để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi các tổ chức Đoàn, Hội cần tuyên truyền, giáo dục để đoàn viên, hội viên sinh viên nhận thức rõ tác hại của các tiêu cực trong thi cử, tệ nạn xã hội, thiếu tính tập thể, cộng đồng, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội và sự phát triển của đất nước thông qua công tác truyền thông và các hoạt động cụ thể:
+ Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm quy chế học tập và thi cử; tổ chức thi đua học tập, nghiên cứu giữa các cơ sở hội, tổ chức các diễn đàn về phòng, chống tiêu cực trong học tập và thi cử; phối hợp với thanh tra thường xuyên kiểm tra tình hình chấp hành quy chế của đoàn thanh niên, hội sinh viên; thường xuyên phát động và tổ chức tốt "kỳ thi nghiêm túc, chất lượng" không tổ chức "thăm hỏi" tiêu cực thầy cô giảng dạy, chấm thi trước, trong và sau khi thi.
+ Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không tham gia chơi lô, đề, đánh bài bạc, ma tuý, mại dâm, đua xe và cổ vũ đua xe, xem truyền bá văn hoá đồi truỵ, truy cập trang web không lành mạnh. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn về tác hại của các tệ nạn xã hội, phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng kiểm tra hội viên, sinh viên.
+ Đa dạng hoá các hình thức tổ chức, hoạt động văn hoá, thể thao, sinh hoạt học thuật và hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội với phương châm hoạt động của chi đoàn, chi hội, liên chi đoàn, liên chi hội, câu lạc bộ là chủ yếu, hoạt động cấp trường, khu vực và toàn quốc là động lực tạo mẫu.
+ Tăng cường giáo dục, cổ vũ, biểu dương, khen thưởng và bảo vệ đoàn viên, hội viên sinh viên, chủ động phản ánh tố giác, đấu tranh với các biểu hiện, hiện tượng tiêu cực nhất là trong sinh viên.
+ Tăng cường việc thành lập mô hình thanh niên xung kích nhằm tuyên truyền kinh nghiệm và biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tích cực tham gia tố giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm trong học đường.
+ Cần có những hộp thư thoại, đường dây nóng để kết nối nhà trường với sinh viên nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để những cuộc chiến học đường xảy ra kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần cho sinh viên.