Cải cách giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 115 - 123)

Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM KHẮC PHỤC SỰ LỆCH

4.2.1. Cải cách giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế

Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, song nền giáo dục của nước ta ngày càng bộc lộ những bất cập và hạn chế: Mục đích của giáo dục đại học ở nước ta nói chung trong đó có Đại học Thái Nguyên chưa được xác định rõ nét; nội dung so với một số nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn lạc hậu; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học chưa tiếp cận được với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học phổ biến trên thế giới.

Những bất cập và hạn chế nêu trên của giáo dục đại học đã để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng như: Chất lượng của nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về "Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp (đánh giá dựa trên các tiêu chí kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức độ khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt [16]. Kết quả này

không chỉ phản ánh sự hạn chế trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay nói chung mà còn gián tiếp chỉ ra nguy cơ lao động Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực; Hạn chế về khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu; Làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế, Đại học Thái Nguyên cũng không nằm ngoài sự nhận định đó.

Những hạn chế nêu trên đã gióng lên hồi chuông nhắc nhở chúng ta cần phải có ngay các giải pháp để đổi mới có hiệu quả nền giáo dục nước nhà, trong đó có giáo dục đại học. Chính vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Đảng ta đã chỉ ra chín giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo

2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

3. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan

4. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

5. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng

6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo

7. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.

8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý

9. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo [8].

Từ những giải pháp mang tính định hướng trên đây, cần cụ thể hóa thành một số giải pháp như sau nhằm tiếp tục đổi mới hơn nữa giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, trong đó có Đại học Thái Nguyên:

Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay, đồng thời mỗi trường đại học, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng cho mình triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế. Trên cơ sở đó Đại học Thái Nguyên phải luôn giữ vững mục tiêu:

“Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực”. Xác định vị thế là Đại học vùng trọng điểm quốc gia và trở thành một trong những đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, từng bước hội nhập vào hệ thống các trường đại học hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á. Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ xuất sắc, đặc biệt trong một số ngành mũi nhọn như: Giáo dục, Nông - Lâm nghiệp, Y tế, Kinh tế, Công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ [44, tr.1-2].

Thứ hai, việc đổi mới tư duy giáo dục hiện nay cần "gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; hệ thống giáo dục

được chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế;

giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến ở khu vực"

[38, tr.101], như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng khẳng định. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự thay đổi một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học, như thay đổi cách tuyển sinh, lựa chọn "đầu vào" theo hướng thoáng hơn, cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh và chịu trách nhiệm với người học bằng chính "uy tín" đào tạo của mình, cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ "đầu ra" của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung… Để thực hiện được điều đó đòi hỏi Đại học Thái Nguyên phải:

- Chú trọng công tác điều tra, đánh giá nhu cầu xã hội đối với ngành sẽ mở mới; thành lập bộ phận chuyên trách điều tra nhu cầu đào tạo của xã hội, có chức năng, nhiệm vụ tư vấn, thẩm định việc mở ngành mới và tham gia xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Hoàn thiện quy trình quản lý, xây dựng, phê duyệt mở ngành đào tạo mới đảm bảo tuân thủ các tiêu chí kiểm định chất lượng quốc gia, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn quốc tế. Thu hồi, dừng tuyển sinh một số ngành không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng quá ít trong nhiều năm.

- Ưu tiên các nguồn lực về con người và vật chất của Đại học và nhà nước để phát triển các ngành đào tạo mũi nhọn trọng điểm. Cập nhật và đổi mới các chương trình đào tạo hiện có để đảm bảo tính mềm dẻo và tính liên thông, liên ngành phù hợp với đào tạo theo tín chỉ và từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thống nhất về nội dung chương trình, số lượng tín chỉ của các môn chung ở các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các khoa trực thuộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ở trường này có thể đồng thời học liên ngành ở các trưởng khác.

- Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình liên kết quốc tế, các chương trình đồng cấp bằng, chú trọng vào các đối tác cơ sở đào tạo nước ngoài có xếp hạng cao và trung bình trên thế giới; xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng Anh; nhập khẩu chương trình từ các nước tiên tiến.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế. Nội dung chương trình và giáo trình cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng mở (cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt để giảng dạy cho người học), nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Về phương pháp, cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc "lấy người học làm trung tâm".

Đây cũng là mục tiêu trong chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên, song để thực hiện có hiệu quả nội dung này, đòi hỏi trong thời gian tới Đại học Thái Nguyên cần:

- Tiếp tục chú trọng đặc biệt đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên, thu hút giảng viên giỏi từ các nguồn khác nhau phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Đại học Thái Nguyên.

Tổ chức khai thác có hiệu quả đội ngũ giảng viên của Đại học để đảm nhiệm được từ 80 - 90% khối lượng chương trình đào tạo của tất cả các chuyên ngành sau đại học.

- Áp dụng phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá tích cực. Đưa công tác cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo thành kế hoạch hàng năm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác quản lý đào tạo; đưa các hình thức đào tạo trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa học trên lớp và học online (blended learning) để nâng cao chất lượng học tập.

- Bổ sung và hoàn thiện phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách mềm dẻo, linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu người học, rà soát và đổi mới các chương trình đào tạo hiện có để đảm bảo tính mềm dẻo và tính liên thông, liên ngành phù hợp với đào tạo theo tín chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, tăng cường tính chủ động của người học; hoàn thiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc đào tạo thạc sĩ.

- Tăng cường thực hành rèn nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, thực hiện học đi đôi với hành, gắn hoạt động đào tạo với các cơ sở thực hành: phòng thí nghiệm; trạm, vườn thực nghiệm thông qua tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các viện, trạm trại thực hành để đưa sinh viên đến thực hành nghề nghiệp.

Thứ tư, đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Theo đó, về mặt pháp lý, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách tư duy về quản lý đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thay vì trực tiếp quản lý toàn diện đối với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên đóng vai trò là cơ quan "tài phán", định hướng các hoạt động theo luật pháp, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học được độc lập, tự chủ hơn trong các hoạt động. Cần tránh tư duy quản lý theo cách áp đặt, hoặc "bao cấp" đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Trên cơ sở đó, Đại học Thái Nguyên hiện nay cần: Sắp xếp lại một cách hợp lý cơ cấu bộ máy của Đại học Thái Nguyên, tổ chức kiểm tra năng lực, rà soát hoạt động hoặc tái cơ cấu một số cơ sở giáo dục thành viên và đơn vị trực thuộc (Viện nghiên cứu, Trung tâm, Khoa trực thuộc) hoạt động chưa có hiệu quả; Rà soát lại toàn diện chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ

theo Đề án vị trí việc làm của từng cơ sở giáo dục thành viên và các đơn vị trực thuộc.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế.

Trước mắt, Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần có các cơ chế chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và tích cực công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế. Về lâu dài, cần đặt ra lộ trình (đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học khác nhau cần có những lộ trình khác nhau) tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động khoa học và các hoạt động về chuyên môn trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cần coi đây là giải pháp quan trọng để đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế.

Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác và công bố quốc tế là một trong những thế mạnh của Đại học Thái Nguyên. Trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã hợp tác nghiên cứu với các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Úc, I-xra-en thực hiện mười đề tài trên nhiều lĩnh vực như Nông Lâm nghiệp, Kinh tế, Môi trường, công nghệ thông tin và Y Dược. Mỗi năm có hàng chục các nhà khoa học thường xuyên tới chỉ đạo và tham gia các đề tài, dự án hợp tác song phương, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên cũng có nhiều bài báo đăng trên những tạp chí khoa học có uy tín của thế giới, theo số liệu thống kê của Đại học, giai đoạn 2011 – 2015 Đại học Thái Nguyên có 429 công trình khoa học công bố quốc tế [44, tr.24]. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trọng điểm của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và có nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đòi hỏi Đại học Thái Nguyên phải:

- Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học ở các đơn vị và Đại học Thái Nguyên, từng bước thực hiện việc đánh giá thành tích hoạt động khoa học của đơn vị thông qua bản kế hoạch đã được thẩm định;

tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động khoa học công nghệ của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

- Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các cấp; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ làm công tác quản lý khoa học. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ biên tập, xuất bản cho cán bộ chuyên trách bộ phận Tạp chí Khoa học và Công nghệ.

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh việc trích kinh phí của cơ sở giáo dục đại học cho hoạt động KHCN theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP: Hằng năm, dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học; dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Thành lập một số nhóm chuyên gia đối với một số lĩnh vực mũi nhọn của Đại học Thái Nguyên và xây dựng cơ chế, chế độ làm việc phù hợp cho các nhóm chuyên gia này. Chú trọng vào công tác đề xuất và thực hiện các chương trình khoa học công nghệ có khả năng tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ có ích cho xã hội.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học và công nghệ được trao đổi, mua bán trên thị trường. Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đăng các bài báo quốc tế.

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 115 - 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)