Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 132 - 138)

Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM KHẮC PHỤC SỰ LỆCH

4.3.1. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái

Để khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay thì gia đình, nhà trường và xã hội phải tham gia vào quá trình đó.

Gia đình, ngoài các chức năng kinh tế, xã hội.v.v. gia đình có hai thiên chức không gì thay thế được đó là duy trì nòi giống và giáo dưỡng tình cảm con người. Do đó, gia đình là nơi khơi nguồn của lối sống, chuẩn giá trị đạo đức, đặc biệt là nơi bảo lưu và khơi nguồn tính nhân bản, tính thiện và gốc rễ dân tộc. Gia đình cũng là nơi giáo dục, khắc phục những lệch chuẩn đạo đức hiệu quả nhất. Để gia đình thực sự là nơi có thể giáo dục đạo đức cho con em mình, thì trước hết phải xây dựng được chuẩn mực đạo đức trong gia đình đó, đó phải một gia đình hòa thuận, kính trên nhường dưới, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của gia phong, của dân tộc... Dựa trên nền tảng của các giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức đó, các bậc ông bà, cha mẹ cần quan tâm giáo dục cho

mỗi thành viên trong gia đình, nhất là các bạn trẻ ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức của gia đình, của dân tộc, đồng thời bản thân họ phải là những chuẩn mực và là tấm gương sáng trong việc duy trì những chuẩn mực đạo đức đó. Điều đó giúp tạo lập được môi trường sống trong gia đình lành mạnh, một không gian gia đình ấm cúng, nề nếp, các thành viên trong gia đình luôn chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, hy sinh cho nhau chứ không so đo, ganh tỵ, không đặt lợi ích cá nhân, mục đích kinh tế, tiền bạc lên các mối quan hệ ứng xử trong gia đình. Ông bà, bố mẹ cũng cần phải giúp con mình - những cô cậu sinh viên đang tuổi trưởng thành lựa chọn đúng các giá trị chuẩn mực đạo đức để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành tránh xa các yếu tố lệch chuẩn đạo đức. Gia đình phải ý thức được trách nhiệm giáo dục, đinh hướng khắc phục cho con ở giai đoạn này, điều này là vô cùng quan trọng và không thể thay thế. Ý thức được điều đó giúp gia đình không giao phó, ỷ lại, phó mặc, hay "khoán trắng" việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội... Ở tuổi này, hơn bao giờ hết sinh viên rất cần sự định hướng giáo dục từ gia đình và cha mẹ là người trực tiếp tác động đến sự định hướng và phát triển của con, giúp con vượt qua được những khó khăn, cám dỗ, giúp con cảm thấy được an toàn và yêu thương. Do đó, ngay cả khi con mình được sống trong môi trường giáo dục tốt nhất thì gia đình cũng cần thường xuyên duy trì sợi dây liên lạc với con, với nhà trường, với địa phương nơi con mình cư trú. Gia đình cần sát cánh cùng con xác định mục tiêu ngắn hạn theo từng năm học và những mục tiêu lâu dài trong tương lai. Việc xác định mục tiêu này cần dựa trên cơ sở, đặc điểm cụ thể của con và hoàn cảnh gia đình, đồng thời dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và tấm gương sáng của bố mẹ. Ở lứa tuổi này, đối với mỗi sinh viên sự yêu thương và nghiêm khắc của gia đình đều rất cần thiết. Khi được yêu thương, họ sẽ cảm thấy mình có giá trị từ đó hình thành nên tính tự tin và lòng tự trọng. Sự nghiêm khắc của gia đình giúp họ

biết được những giới hạn và có những điều chỉnh cần thiết. Các bậc làm cha mẹ cũng cần trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng giáo dục chuẩn mực đạo đức; nâng cao hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, và đặc điểm riêng về giới tính, sức khỏe, ngành học của con em mình để đồng hành với chúng trong cuộc sống.

Cha mẹ cần giành thời gian, tình yêu thương và sự kiên nhẫn để có thể thấu hiểu và cảm thông với những diễn biến tâm, sinh lý phức tạp ở lứa tuổi sinh viên này. Nếu phát hiện con mình có những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức, gia đình cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có những biện pháp giáo dục phù hợp.

Trong các biện pháp giáo dục (thuyết phục, tổ chức hoạt động thực tiễn, khen thưởng, trách phạt...) thì biện pháp hiệu quả nhất là thuyết phục. Bố mẹ có thể thuyết phục con bằng lý lẽ, phân tích giảng giải điều hơn, lẽ thiệt; cũng có thể thuyết phục bằng nêu gương. Trong thuyết phục, tránh lối giáo huấn dài dòng, mệnh lệnh, gia trưởng, phải kiên trì và giữ đúng mực thước. Có thể nói gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng, phát huy giá trị đạo đức, khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên nói chung, sinh viên Đại học Thái Nguyên nói riêng. Nhân thức được tầm quan trọng của gia đình, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã định hướng: "Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ" [37, tr.223]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng đã chỉ ra cụ thể về nội dung cần thực hiện trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay là:

Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây

dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau [39].

Và Đại hội XII, một lần nữa Đảng ta lại nhấn mạnh trong phương hướng, nhiệm vụ quản lý, phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là "xây dựng gia đình hạnh phúc" [41, tr.138].

Cùng với gia đình, nhà trường là ngôi nhà thứ hai của mỗi sinh viên, có ý nghĩa quyết định trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên. Để thực hiện tốt vai trò của mình trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên, như đã phân tích ở trên, nhà trường cần phải làm tốt việc cung cấp thế giới quan và nhân sinh quan khoa học cho mỗi sinh viên.

Giúp họ hình thành ý thức sâu sắc về giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức. Qua đó, giáo dục nhà trường bồi đắp tình cảm, niềm tin, lý tưởng cách mạng cho sinh viên và biến tình cảm, lý tưởng, niềm tin đó thành hành động thông qua sự tu dưỡng và rèn luyện ở mỗi sinh viên. Phải không ngừng giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho các chuẩn giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam thấm sâu vào từng lĩnh vực của cuộc sống, vào quá trình học tập và rèn luyện của mỗi sinh viên. Phải giáo dục cho sinh viên ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, khát vọng chiến thắng nghèo nàn lạc hậu vươn lên để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, hướng sinh viên sống có lý tưởng cao đẹp, có văn hóa, ứng sử văn minh trong cộng đồng dân cư, trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội… nâng cao ý thức của sinh viên về những chuẩn giá trị trong đạo đức của dân tộc, từ đó có trách nhiệm trong việc kế thừa, bảo tồn các chuẩn giá trị đạo đức đó.

Song song với đó là nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên, việc giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên là một nội dung được

phụ huynh và dư luận quan tâm, bởi đây là chương trình giáo dục hết sức cần thiết đối với sinh viên. Giáo dục kỹ năng sống giúp sinh viên có cách suy nghĩ, thái độ, hành vi tích cực, đặc biệt giúp sinh viên tăng cường kỹ năng giao tiếp hiệu quả, có kỹ năng phân tích vấn đề và tình huống, có thái độ tự khẳng định và có quyền quyết định lựa chọn vấn đề. Cần tổ chức giảng dạy những môn học về kỹ năng cho sinh viên. Và trong quá trình giảng dạy các môn học này, cần phải đưa sinh viên vào xử lý các tình huống thực tế, nhằm bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Giáo dục kỹ năng sống sẽ kết nối gia đình, nhà trường và cộng đồng trong cùng mục tiêu, là giúp sinh viên có kỹ năng thiết thực cần cho cuộc sống hiện tại và sau này. Để làm được điều đó, trong thời gian tới Đại học Thái Nguyên cần:

- Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài Đại học Thái Nguyên để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thi tay nghề tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên, cũng như các hoạt động giáo dục truyền thống cho sinh viên.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi và giải quyết các thông tin giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức và quản lý sinh viên cũng như công tác tư vấn, tìm kiếm việc làm sau khi sinh viên ra trường; định kỳ tổ chức điều tra, lấy ý kiến sinh viên về các hoạt động giảng dạy, phục vụ của cán bộ, giảng viên, người lao động trong đơn vị.

Lấy ý kiến phản hồi và tư vấn từ phía các cơ quan tuyển dụng, điều tra sinh viên tốt nghiệp hằng năm để đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp cải thiện.

- Đầu tư nâng cao chất lượng nhà ở, nhà ăn, phòng đọc, thư viện, sân bãi thể dục thể thao và các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên nội trú và ngoại trú;

triển khai công tác tư vấn việc làm, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho sinh viên.

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với các doanh nghiệp, thực tập, thực tế, học nghề và đào tạo kỹ năng mềm từ doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp để xây dựng quỹ học bổng cho sinh viên; phối hợp với các địa phương, các tổ chức phi Chính phủ tổ chức các chương trình tình nguyện thường xuyên giúp sinh viên nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng.

- Đổi mới hoạt động của trung tâm tư vấn thông tin sinh viên, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên; đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động hội cựu sinh viên tại các đơn vị nhằm huy động nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển Đại học và các nhà trường; góp phần xây dựng lòng tin của sinh viên và xã hội đối với công tác giáo dục, đào tạo trong toàn Đại học Thái Nguyên.

- Xây dựng một hệ thống quản lý sinh viên đảm bảo quản lý chặt chẽ sinh viên trong học chế tín chỉ.

Bên cạnh môi trường gia đình, nhà trường, thì môi trường xã hội cũng có tác động không nhỏ đến việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Trong xã hội, nếu mọi mối quan hệ giữa người và người, mọi hoạt động đều được định hướng và chi phối bởi các giá trị chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đầy tính nhân văn, thì các giá trị ấy sẽ chuyển hóa thành các cái bên trong của đạo đức mỗi cá nhân một cách tự nhiên.

Chính vì vậy gia đình - nhà trường - xã hội luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên.

Trong mối quan hệ này, gia đình giữ vai trò làm nền tảng, nhà trường trong đó có các thầy cô là những người định hướng giúp sinh viên phát triển, rèn luyện phát triển, xã hội là môi trường để các em thể nghiệm và chứng minh những giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức các em được bồi dưỡng, phát huy từ gia đình và nhà trường.

Một phần của tài liệu Sự lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên đại học thái nguyên hiện nay (Trang 132 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)