Chương 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM KHẮC PHỤC SỰ LỆCH
4.3.2. Nâng cao tính tự giác của từng cá nhân sinh viên trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên
Sinh viên là lớp người trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Hiệu quả của việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của từng cá nhân sinh viên. Những yếu tố của sự lệch chuẩn đạo đức khi đã được khắc phục, thể hiện sự trưởng thành của con người xã hội, là nền tảng phát triển và hoàn thiện giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức của sinh viên. Vì vậy, quá trình tự hoàn thiện của các cá nhân sinh viên đóng vai trò quyết định trực tiếp đến việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở họ. Có thể nói, nếu không có quá trình tự giác, tự rèn luyện của bản thân sinh viên thì mọi tác động từ bên ngoài, dù tốt đến đâu cũng trở nên vô ích.
Sinh viên với đặc thù là nhân cách, đạo đức phát triển chưa đầy đủ, ổn định, cho nên trong việc tự rèn luyện, tự giáo dục đạo đức, tự khắc phục những lệch chuẩn đạo đức của họ rất cần đến sự hướng dẫn của những người thầy. Mỗi người thầy cần phải khơi gợi, hình thành cho sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, tự có ý thức khắc phục những yếu tố lệch chuẩn trong đạo đức, ham học hỏi, cầu tiến bộ, tự khẳng định mình, vươn lên làm chủ cuộc sống. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu của sinh viên. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của sinh viên về vật chất và tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của sinh viên sẽ tạo điều kiện tốt để họ tự rèn luyện chuẩn mực đạo đức của mình.
Trong quá trình tự rèn luyện chuẩn mực đạo đức, mỗi sinh viên phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi sinh viên phải luôn tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và những
tiêu cực của xã hội, chiến thắng những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Mỗi sinh viên cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ.
Khi chúng ta mở cửa hội nhập, hãy để sinh viên tự kháng lại sự xâm lăng của những luồng văn hóa, những giá trị khác lạ đã lỗi thời của các nước phương Tây. Chúng ta hãy cùng chung tay tạo ra sức đề kháng để sinh viên có thể tự tránh những cạm bẫy của xã hội, sống tốt hơn, có thể góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước nhiều hơn. Để nâng cao tính tự giác học tập, rèn luyện những chuẩn mực đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, phải giáo dục, động viên, thuyết phục để mỗi sinh viên hiểu rõ rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay, chúng ta chỉ có thể giữ được mình khi giữ được những chuẩn mực đạo đức của dân tộc của sinh viên. Và để trở thành những con người tài, đức thì không còn cách nào khác ngoài sự phấn đấu và rèn luyện.
Hai là, cần có cơ chế động viên khen thưởng đối với những sinh viên học tập, rèn luyện tốt và ngược lại cũng cần có những hình thức phê bình phù hợp đối với những sinh viên còn thụ động, thiếu tinh thần cầu tiến, học hỏi, có những hành vi lệch chuẩn. Bằng những hình thức từ giáo dục, thuyết phục đến những quy định chặt chẽ, mang tính chất bắt buộc để khuyến khích động viên sinh viên tích cự học tập, rèn luyện khắc phục những hạn chế, những lệch chuẩn đạo đức.
Ba là, coi trọng và sử dụng thường xuyên vũ khí tự phê bình và phê bình. Việc tự phê bình và phê bình phải được triển khai một cách đúng đắn, nghiêm túc, thường xuyên và trung thực. Mỗi sinh viên muốn khắc phục được những lệch chuẩn đạo đức cần phải tự phê bình và phê bình một cách khách quan.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Sinh viên nói chung, trong đó có sinh viên Đại học Thái Nguyên là đối tượng có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý lứa tuổi, hầu hết họ đang ở giai đoạn quá độ chuyển từ thời kỳ niên thiếu sang giai đoạn trưởng thành, đang trên con đường học tập, rèn luyện và định hình nhân cách, đạo đức. Vì vậy họ chịu sức ép rất lớn từ nhiều hướng khác nhau, dễ bị dao động trong bối cảnh một nền kinh tế - xã hội mở cửa. Trong số đó, có một bộ phận không nhỏ sinh viên bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực... Chính vì vậy, những khát khao, những ước mơ của tuổi trẻ nếu không được định hướng đúng đắn, sẽ bị lôi kéo bởi những hành vi lệch chuẩn. Do đó cần có những nhóm giải pháp để khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay như sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước hoàn thiện các thang giá trị đạo đức mới trong xã hội. Để thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp này, phải đồng thời thực hiện các giải pháp sau: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì đạo đức bị quy định bởi sự phát triển kinh tế - xã hội, nên muốn định hướng các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức cho sinh viên trước tiên phải định hướng ngay trong cơ sở kinh tế - xã hội sản sinh ra nó. Nếu cơ sở kinh tế chưa hoàn thiện thì chuẩn mực đạo đức, giá trị đạo đức cũng không đầy đủ, chân chính. Song song với đó là hoàn thiện các thang giá trị đạo đức mới trong xã hội, bởi đó là thước đo, là tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi đạo đức của xã hội trong đó có sinh viên. Để hoàn thiện các thang giá trị đạo đức mới trong xã hội cần: bảo tồn và phát huy hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ, giá trị nổi bật của văn hóa đạo đức, của chuẩn mực đạo đức; kế thừa và phát huy vai trò của giá trị văn hóa truyền thống; khắc phục tình trạng suy đồi đạo đức xã hội, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân
cực đoan, sự tha hóa đạo đức, nhân cách trong một bộ phận dân cư xã hội, thậm chí cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và sinh viên; cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết mâu thuẫn giữa hệ giá trị chuẩn mực đạo đức với sự lệch chuẩn đạo đức…
Thứ hai, nhóm giải pháp cải cách giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế đồng thời nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức trong một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay. Chúng ta đang trong xu thế hội hập, việc cải cách giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế là phù hợp với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực, Đại học Thái Nguyên không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế… Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức trong một bộ phận sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay.
Để thực hiện tốt giải pháp này, phải không ngừng nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, Ban giám đốc, Ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức và quản lý sinh viên, từng bước khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận sinh viên; Triển khai cuộc vận động "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh" theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW, của Bộ Chính trị; tập trung thực hiện giáo dục, bồi đắp những phẩm chất, kiến thức cần có cho sinh viên và đấu tranh phòng, chống các biểu hiện lệch chuẩn đạo đức trong sinh viên; Nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, giảng viên trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay.
Thứ ba, nhóm giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và nâng cao tính tự giác của từng cá nhân sinh viên trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay. Gia đình - nhà trường - xã hội luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên. Trong mối quan hệ này, gia đình giữ vai trò làm nền tảng, nhà trường trong đó có các thầy cô là những người định hướng giúp sinh viên phát triển, rèn luyện phát triển, xã hội là môi trường để các em thể nghiệm và chứng minh những giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức các em được bồi dưỡng, phát huy từ gia đình, nhà trường. Việc nâng cao tính tự giác của từng cá nhân sinh viên trong việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay là điều vô cùng cần thiết, vì sinh viên là lớp người trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Hiệu quả của việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của từng cá nhân sinh viên. Vì vậy, quá trình tự hoàn thiện của các cá nhân sinh viên đóng vai trò quyết định trực tiếp đến việc khắc phục những lệch chuẩn đạo đức ở họ. Có thể nói, nếu không có quá trình tự giác, tự rèn luyện của bản thân sinh viên thì mọi tác động từ bên ngoài, dù tốt đến đâu cũng trở nên vô ích.